Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam - Trung Quốc là loại giấy tờ được cấp cho đơn vị kinh doanh vận tải của Việt Nam đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật. Dưới đây là những quy định về loại giấy phép nói trên.
Mục lục bài viết
1. Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Trung Quốc:
Trong quá trình vận tải quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, pháp luật Việt Nam quy định rất nghiêm ngặt về vấn đề này do đây là hoạt động xuyên biên giới. Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng được quy định một cách cụ thể nhất. Căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Nghị định 119/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép vận tải đường bộ qua biên giới, có quy định cụ thể về giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo đó thì có thể hiểu, giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc là loại giấy tờ được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đây là loại giấy phép được quy định tại Nghị định thư ký kết giữa chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc thực hiện và cam kết tuân thủ Hiệp định vận tải đường bộ giữa hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc. Hiệp định này được ký kết vào ngày 11 tháng 10 năm 2011 bao gồm các loại giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc sau đây:
– Giấy phép vận tải loại A: Đây là loại giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Trung Quốc được cấp cho phương tiện vận tải hành khách (bao gồm cả khách du lịch) định kỳ có hiệu lực qua lại nhiều lần trong năm, áp dụng cho phương tiện vận chuyển trên các tuyến giữa khu vực biên giới của hai nước Việt Nam – Trung Quốc;
– Giấy phép vận tải loại B: Đây là loại giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Trung Quốc được cấp cho phương tiện vận tải hành khách (bao gồm cả khách du lịch) không định kỳ có hiệu lực một lần đi và về trong năm, áp dụng cho phương tiện vận tải trên các tuyến giữa khu vực biên giới của hai nước Việt Nam – Trung Quốc và xe công vụ;
– Giấy phép vận tải loại C: Đây là loại giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Trung Quốc được cấp cho phương tiện vận tải hàng hóa có hiệu lực một lần đi và về trong năm, áp dụng cho phương tiện vận tải trên các tuyến giữa khu vực biên giới của hai nước Việt Nam – Trung Quốc;
– Giấy phép vận tải loại D: Đây là loại giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Trung Quốc được cấp cho phương tiện vận tải hàng nguy hiểm và hàng siêu trường, siêu trọng, có hiệu lực một lần đi và về trong năm;
– Giấy phép vận tải loại E: Đây là loại giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Trung Quốc được cấp cho phương tiện vận tải hành khách (bao gồm cả khách du lịch) định kỳ có hiệu lực qua lại nhiều lần trong năm, áp dụng cho phương tiện vận tải trên các tuyến vào sâu trong lãnh thổ của hai nước Việt Nam – Trung Quốc;
– Giấy phép vận tải loại F: Đây là loại giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Trung Quốc được cấp cho phương tiện vận tải hành khách (bao gồm cả khách du lịch) không định kỳ có hiệu lực một lần đi và về trong năm, áp dụng cho phương tiện vận tải trên các tuyến vào sâu trong lãnh thổ của hai nước Việt Nam – Trung Quốc và xe công vụ;
– Giấy phép vận tải loại G: Đây là loại giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Trung Quốc được cấp cho phương tiện vận tải hàng hóa, có hiệu lực một lần đi và về trong năm, áp dụng cho phương tiện vận tải trên các tuyến vào sâu trong lãnh thổ của hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Bên cạnh đó, pháp luật hiện nay còn có quy định về một số điều kiện cụ thể để có thể được cấp giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc như sau:
– Phương tiện để được xin cấp giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc phải thuộc quyền sử dụng hợp pháp của các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, sử dụng vào quá trình kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa trên các tuyến đường bộ, trong đó bao gồm cả các tuyến đường bộ xuyên biên giới;
– Xe công vụ sẽ được cấp giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam và Trung Quốc và được xác định là loại xe phục vụ cho các cơ quan nhà nước và các cơ quan của chính quyền, cơ quan đoàn thể và tổ chức chính trị xã hội của các cấp trong quá trình công tác;
– Các phương tiện vận tải như xe cứu hỏa hoặc xe cứu hộ, xe cứu nạn và xe cứu trợ nhân đạo thuộc trường hợp được miễn cấp giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam và Trung Quốc;
– Các bạn nhập và hợp tác xã phải hướng dẫn người lái xe nắm được các điều kiện an toàn giao thông và điểm dừng nghỉ, phải nắm được hệ thống biển báo trong hành trình ở Trung Quốc, cung cấp cho lái xe và nhân viên phục vụ danh sách của các hành khách trong chuyến đi để xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;
– Số lượng phương tiện vận tải hoạt động trên các biển vào sâu lãnh thổ của Việt Nam và Trung Quốc sẽ do cơ quan có thẩm quyền của hai nước thống nhất đưa ra, trong trường hợp có nhiều phương tiện đầy đủ điều kiện được cấp giấy phép vận tải đường bộ quốc tế nhưng hạn mức theo quy định không đủ để có thể cấp cho tất cả các phương tiện đã nộp hồ sơ, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép cần phải ưu tiên phương tiện vận tải hành khách định kỳ và yêu tiên phương tiện vận tải hành khách theo hợp đồng hoặc vận chuyển khách du lịch, bên cạnh đó cũng cần phải căn cứ vào thời gian nộp hồ sơ hợp lệ để cấp phép cho các phương tiện theo nguyên tắc cấp cho phương tiện hồ sơ sớm hơn.
2. Trình tự cấp giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Trung Quốc:
Căn cứ theo quy định tại Nghị định 119/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép vận tải đường bộ qua biên giới, trình tự và thủ tục xin cấp giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ trải qua một số giai đoạn cơ bản sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ để nộp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thành phần hồ sơ trong trường hợp này sẽ bao gồm các loại giấy tờ cơ bản như:
– Giấy đề nghị xin cấp giấy phép vận tải đường bộ quốc tế theo mẫu do pháp luật quy định;
– Bản sao giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc bản sao giấy hẹn nhận giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô của cơ quan cấp đăng ký xe, hoặc bản sao từ sổ gốc của giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô;
– Trong trường hợp các phương tiện không thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải thì cần phải xuất trình thêm bản sao của hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản với các tổ chức và cá nhân cho thuê, hợp đồng dịch vụ giữa thành viên được ký kết với hợp tác xã, hợp đồng hợp tác kinh doanh ký kết trên phương diện tự nguyện;
– Đối với xe công vụ thì cần phải bổ sung thêm bản giao thư mời của đối tác phía Trung Quốc, trong thư mời đó cần phải nêu rõ tuyến đường ra cửa khẩu, thời gian mời, trường hợp thư mời được viết bằng tiếng Anh thì phải kèm theo bản dịch bằng tiếng Việt;
– Bản sao quyết định cử đi công tác của cơ quan có thẩm quyền.
Bước 2: Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì sẽ nộp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp này được xác định là Trạm cấp phép Việt – Trung trực thuộc Phòng quản lý vận tải phương tiện và người lái sở giao thông vận tải. Có thể được hồ sơ thông qua nhiều hình thức khác nhau, nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc nộp trực tuyến thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia:
Bước 3: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo thủ tục luật định. Thời gian nhận kết quả được xác định là trong giờ hành chính của các ngày trong tuần. Nếu xét thấy đầy đủ điều kiện thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam và Trung Quốc.
3. Thẩm quyền cấp giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Trung Quốc:
Căn cứ vào khoản 4 Điều 17 của Nghị định 119/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép vận tải đường bộ qua biên giới, có quy định về thẩm quyền cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc như sau:
Thứ nhất, tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp:
– Giấy phép vận tải loại E;
– Giấy phép vận tải loại F, G lần đầu trong năm (năm được tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12);
Thứ hai, Sở Giao thông vận tải các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Sở Giao thông vận tải – Xây dựng Lào Cai cấp:
– Giấy phép vận tải loại A, B, C;
– Giấy phép vận tải loại F, G lần thứ hai trong năm.
Thứ ba, về thẩm quyền cấp Giấy phép vận tải loại D (phương tiện vận tải hàng nguy hiểm và hàng siêu trường, siêu trọng, có hiệu lực một lần đi và về trong năm) cũng như thành phần hồ sơ thì thực hiện theo quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Nghị định 119/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép vận tải đường bộ qua biên giới.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Giao thông đường bộ năm 2019;
– Nghị định 119/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép vận tải đường bộ qua biên giới.