Hoạt động hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử nhân đạo, khuyến khích những người có đủ điều kiện để hiến máu giúp cho những bệnh nhân đang cần máu gấp. Đồng thời, sau khi hiến máu người hiến máu có thể nhận giấy chứng nhận hiến máu.
Mục lục bài viết
- 1 1. Giấy chứng nhận hiến máu là gì?
- 2 2. Giấy chứng nhận hiến máu có được dùng cho người thân không?
- 3 3. Quyền lợi và những chế độ mà người hiến máu được hưởng:
- 4 4. Giấy chứng nhận hiến máu được sử dụng khi nào?
- 5 5. Giấy chứng nhận hiến máu được sử dụng trong bao lâu?
- 6 6. Lý do bạn nên hiến máu:
1. Giấy chứng nhận hiến máu là gì?
Giấy chứng nhận hiến máu là giấy tờ ghi nhận hành động nhân đạo của người hiến máu sau khi hiến máu. Theo đó, trên giấy chứng nhận này sẽ thể hiện tên, ngày sinh, địa chỉ cư trú, số lượng máu mà hiến máu đã hiến tặng và đơn vị tiếp nhận lượng máu đó. Giấy chứng nhận với tông màu đỏ chủ đạo phần nào thể hiện được tính trang trọng và có thể thay một lời cảm ơn từ người nhận máu và từ các đơn vị y tế tổ chức thu gom máu.
2. Giấy chứng nhận hiến máu có được dùng cho người thân không?
Căn cứ theo điểm a, khoản 4 và khoản 6, mục II Quy định việc cấp, quản lý và sử dụng giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện ban hành kèm theo Quyết định số 1995/2004/QĐ-BYT ngày 4/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định như sau:
Các cơ sở khám chữa bệnh công lập có trách nhiệm:
– Truyền máu miễn phí cho người hiến máu tình nguyện khi có nhu cầu, số lượng máu truyền miễn phí tối đa bằng số lượng máu đã hiến được ghi trong Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện.
Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện không còn giá trị để được truyền máu miễn phí khi người hiến máu đã được truyền máu miễn phí bằng đúng số máu đã hiến (do cơ sở y tế xác nhận trên Giấy chứng nhận) hoặc Giấy chứng nhận bị rách nát, tẩy xóa.
Theo quy định từ nội dung trên, giấy chứng nhận hiến máu chỉ có giá trị đối với bản thân người hiến máu, để ghi nhận hành động cao đẹp của người đó. Vậy nên Giấy chứng nhận hiến máu không có giá trị đối với người thân hay bất kỳ cá nhân nào khác mà không phải người trực tiếp hiến máu.
Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin cập nhật thêm những thông tin liên quan đến giấy chứng nhận hiến máu nhân đạo.
3. Quyền lợi và những chế độ mà người hiến máu được hưởng:
Khi một người thực hiện việc hiến máu nhân đạo thì bên cạnh được cấp giấy chứng nhận hiến máu thì người hiến máu còn được hưởng những quyền lợi sau:
Căn cứ theo Điều 12, mục 3 Đảm bảo quyền lợi của người hiến máu Thông tư 26/2013/TT-BYT hướng dẫn hoạt động hiến máu quy định như sau:
1. Được cung cấp thông tin về các dấu hiệu, triệu chứng bệnh lý do nhiễm các vi rút viêm gan, HIV và một số bệnh lây truyền qua đường máu khác.
2. Được giải thích về quy trình lấy máu, các tai biến không mong muốn có thể xảy ra, các xét nghiệm sẽ thực hiện trước và sau khi hiến máu.
3. Được bảo đảm bí mật về kết quả khám lâm sàng, kết quả xét nghiệm; được tư vấn về các bất thường phát hiện khi khám sức khoẻ, hiến máu; được hướng dẫn cách chăm sóc sức khoẻ; được tư vấn về kết quả xét nghiệm bất thường theo quy định tại Khoản 4 Điều 17 Thông tư này.
4. Được chăm sóc, điều trị khi có các tai biến không mong muốn xảy ra trong và sau hiến máu theo quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này. Được hỗ trợ chi phí chăm sóc, điều trị khi có các tai biến không mong muốn xảy ra trong và sau hiến máu. Kinh phí để hỗ trợ chăm sóc điều trị người hiến máu theo quy định tại Khoản này được thực hiện theo quy định của pháp luật.
5. Được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định tôn vinh, khen thưởng và bảo đảm các quyền lợi khác về tinh thần, vật chất của người hiến máu theo quy định của pháp luật.
Theo đó, khi một người hiến máu tại các cơ sở y tế tiến hành gom máu sẽ được hưởng những quyền lợi nêu trên.
Ngoài ra, căn cứ theo khoản 4, Điều 4 Thông tư 17/2020/TT-BYT quy định Chi phí phục vụ cho việc xác định giá của một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn
Việc xác định giá của một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn dựa trên chi phí cho công tác tiếp nhận, sàng lọc máu, thành phần máu và việc điều chế các chế phẩm máu theo nội dung và mức chi như sau:
Chi cho người hiến máu tình nguyện không lấy tiền:
Người hiến máu toàn phần tình nguyện có thể lựa chọn nhận quà tặng bằng hiện vật hoặc bằng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có giá trị tối thiểu như sau:
– Một đơn vị máu thể tích 250 ml: 100.000 đồng;
– Một đơn vị máu thể tích 350 ml: 150.000 đồng;
– Một đơn vị máu thể tích 450 ml: 180.000 đồng.
Vậy người hiến máu sau khi hiến máu sẽ nhận được tại cơ sở tổ chức thu gom máu những phần quà bằng hiện vật và số tiền có giá trị tương ứng với một đơn vị thể tích máu mà người hiến máu đã hiến.
4. Giấy chứng nhận hiến máu được sử dụng khi nào?
Căn cứ theo khoản 2, khoản 3 Mục I Phần những quy định chung của Quy định việc cấp, quản lý và sử dụng giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện Ban hành kèm theo Quyết đinh số 1995/2004/QĐ-BYT ngày 4/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định như sau:
Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện nhằm tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến máu.
Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện có giá trị miễn phí truyền máu khi bản thân người hiến máu tình nguyện có nhu cầu truyền máu tại các cơ sở y tế công lập trong toàn quốc.
Từ quy định trên có thể thấy, khi người được hiến máu thực hiện hiến máu thì giấy chứng nhận hiến máu sẽ có giá trị sử dụng tại tất cả các bệnh viện và cơ sở y tế công lập. Theo đó khi người được hiến máu cần máu gấp thì sẽ được miễn trả tiền máu và được bồi hoàn bằng đúng với số lượng đơn vị máu và thành phần máu mà họ đã hiến trước đó và đã được ghi nhận trong giấy chứng nhận hiến máu nhân đạo.
Giấy chứng nhận hiến máu này sẽ không còn giá trị sử dụng và người hiến máu sẽ không còn được miễn phí trả tiền máu nếu như người hiến máu đã được hiến máu bằng đúng với số lượng máu đã hiến tại các bệnh viện hoặc các cơ sở y tế công lập hiến mà số lượng này đã được ghi nhận trong giấy chứng nhận hiến máu hoặc giấy chứng nhận bị rách nát hay tẩy xóa.
5. Giấy chứng nhận hiến máu được sử dụng trong bao lâu?
Giấy chứng nhận hiến máu nhân đạo là sự chứng nhận cho một người khi hiến máu của chính mình, công nhận cho sự đóng góp và nghĩa cử cao đẹp của người hiến máu. Nếu số lần hiến máu nhiều, người hiến máu có thể được các đơn vị, các cấp tôn vinh trong các đợt tôn vinh, trao giấy khen hằng năm.
Giấy chứng nhận hiến máu có thời hạn suốt đời, vì vậy khi cần máu gấp người hiến máu có thể được hoàn lại số máu tương ứng với lượng máu đã hiến, đồng thời với điều kiện nếu như giấy hiến máu chưa từng được sử dụng, bị rách nát hay tẩy xóa.
6. Lý do bạn nên hiến máu:
Khi bạn hiến máu, ngoài việc có thể giúp người đang cần máu mà việc hiến máu còn đem lại rất nhiều lợi ích cho người hiến máu. Cụ thể những lý do quan trọng dưới đây khiến chúng ta cần phải hiến máu:
- Hiến máu giúp cải thiện sức khỏe tim mạch
Hiến máu giúp duy trì hàm lượng sắt ở mức ổn định trong cơ thể. Nếu hàm lượng sắt trong cơ thể cao có thể khiến cho cơ thể tổn thương, nghiêm trọng nhất là tổn thương các mô. Do vậy, việc hiến máu giúp cho cơ thể giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường tim mạch, giảm nguy cơ lão hóa sớm và đau tim.
- Giảm nguy cơ mắc các bệnh về gan và ung thư
- Giúp giảm cân
Khi hiến máu bạn có thể loại bỏ gần 650 đến 700 Kcal chỉ trong một lần hiến máu, vậy hiến máu có khả năng giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể của bạn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà bạn được phép hiến máu nhiều lần. Theo quy định của Bộ y tế, khoảng cách giữa hai lần hiến máu toàn phần là 12 tuần. Việc hiến máu phải cách nhau để đảm bảo tình trạng sức khỏe và hàm lượng sắt trong máu.
- Ngoài những lý do liên quan đến sức khỏe trên, khi hiến máu bạn đang đem lại sự thỏa mãn về tinh thần cho chính mình. Bởi khi nhận thấy việc hiến máu của mình đôi khi có thể giúp cứu người. Mỗi đơn vị máu mà bạn hiến tặng có thể được phân chia thành từng phần khác nhau để từ đó có thể giúp đỡ từ bốn đến năm người. Những việc làm tử tế xuất phát từ những con người tử tế giúp lan tỏa yêu thương đến mọi người.
Như vậy trên đây là nội dung để trả lời cho thắc mắc của bạn rằng giấy chứng nhận hiến máu có được dùng cho người thân hay không và tất cả những thông tin liên quan đến giấy chứng nhận hiến máu nhân đạo. Hy vọng những hành động và nghĩa cử cao đẹp này sẽ được tiếp tục lan rộng để ngày càng nhiều người hơn được cứu sống. Nếu bạn có thắc mắc nào khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số hotline.
Căn cứ pháp lý
- Quyết định số 1995/2004/QĐ-BYT ngày 4/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Thông tư 26/2013/TT-BYT hướng dẫn hoạt động hiến máu.
- Thông tư 17/2020/TT-BYT quy định giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn.