Giáo viên, giảng viên đại học là công chức hay viên chức là câu hỏi thường gặp trong cuộc sống. Vậy theo quy định của pháp luật thì giáo viên, giảng viên đại học là công chức hay viên chức?
Mục lục bài viết
1. Giáo viên, giảng viên đại học là công chức hay viên chức?
1.1. Được hiểu như thế nào là công chức, viên chức:
Căn cứ khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được ban hành ngày 25/11/2019 quy định công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với những vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, không phải là quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong những cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là vị trí sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và được hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Căn cứ Điều 2 Luật Viên chức 2010 quy định Viên chức là công dân của Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ là hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Như vậy, qua các quy định trên, có thể phân biệt được công chức và viên chức thông qua cơ chế để trở thành công chức, viên chức đó chính là:
– Công chức:
+ Công chức phải là người Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm;
+ Trong biên chế;
+ Hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
– Viên chức:
+ Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập;
+ Chế độ hợp đồng làm việc;
+ Hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập.
1.2. Giáo viên, giảng viên đại học là công chức hay viên chức?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Giáo dục 2019 có quy định:
– Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục khác, giảng dạy ở trình độ sơ cấp, trung cấp gọi là giáo viên;
– Nhà giáo giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên gọi là giảng viên.
Thêm nữa, theo quy định đã nêu ở mục trên, một trong những điều kiện là một viên chức đó chính là người này phải làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập. Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội thành lập theo những quy định của pháp luật Việt Nam, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước. Đơn vị sự nghiệp công lập gồm:
– Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, về tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ);
– Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, về tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ).
Như vậy, nếu như giáo viên, giảng viên được tuyển dụng theo vị trí việc làm tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục khác và cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng là đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc chính là viên chức.
Còn nếu như giáo viên, giảng viên là người thực hiện
2. Quyền và nghĩa vụ của giáo viên, giảng viên là viên chức:
2.1. Quyền của giáo viên, giảng viên là viên chức:
Giáo viên, giảng viên là viên chức có những quyền sau:
– Được pháp luật bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp (được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và thân thể);
– Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ;
– Được bảo đảm trang bị, thiết bị và các điều kiện làm việc;
– Được cung cấp thông tin liên quan đến công việc hoặc nhiệm vụ được giao;
– Được quyết định vấn đề mang tính chuyên môn gắn với công việc hoặc nhiệm vụ được giao;
– Được quyền từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật;
– Được giảng dạy theo chuyên môn đào tạo;
– Được hợp đồng thỉnh giảng, nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục khác hoặc cơ sở nghiên cứu khoa học;
– Được nghỉ hè theo và các ngày nghỉ khác theo quy định của pháp luật;
– Được trả lương tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả thực hiện công việc hoặc theo nhiệm vụ được giao;
– Được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi trong trường hợp giáo viên, giảng viên là viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc giáo viên, giảng viên là viên chức làm việc trong ngành nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm, lĩnh vực sự nghiệp đặc thù;
– Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và theo quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập là các cơ sở giáo dục mà giáo viên, giảng viên là viên chức đang làm việc;
– Được hưởng tiền thưởng, được xét nâng lương theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập là các cơ sở giáo dục mà giáo viên, giảng viên là viên chức đang làm việc;
– Được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Do yêu cầu công việc, giáo viên, giảng viên là viên chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì sẽ được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ;
– Giáo viên, giảng viên là viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc trường hợp đặc biệt khác, nếu như có yêu cầu, được gộp số ngày nghỉ phép của 02 năm để nghỉ thành một lần; nếu gộp số ngày nghỉ phép của 03 năm để nghỉ một lần thì sẽ phải được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nơi giáo viên, giảng viên là viên chức đang làm việc;
– Được nghỉ không hưởng lương trong trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nơi giáo viên, giảng viên là viên chức đang làm việc;
– Được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
– Được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng giáo viên, giảng viên là viên chức phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nơi mình đang làm việc;
– Được góp vốn nhưng giáo viên, giảng viên là viên chức không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh hoặc hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư;
– Giáo viên, giảng viên là viên chức được khen thưởng, tôn vinh, được tham gia hoạt động kinh tế xã hội;
– Giáo viên, giảng viên là viên chức được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở;
– Giáo viên, giảng viên là viên chức được tạo điều kiện học tập hoạt động nghề nghiệp ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
2.2. Nghĩa vụ của giáo viên, giảng viên là viên chức:
Giáo viên, giảng viên là viên chức có những nghĩa vụ sau:
– Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Nhà nước;
– Có nếp sống lành mạnh, trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư;
– Có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong hoạt động nhà giáo; thực hiện đúng các quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập nơi giáo viên, giảng viên là viên chức đang làm việc;
– Bảo vệ bí mật nhà nước; giữ gìn và bảo vệ của công, sử dụng hiệu quả tiết kiệm tài sản được giao;
– Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nhà giáo, thực hiện quy tắc ứng xử của nhà giáo;
– Giảng dạy, giáo dục theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục;
– Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, điều lệ nhà trường, quy tắc ứng xử của nhà giáo;
– Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ những quyền, lợi ích chính đáng của người học;
– Học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới các phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Viên chức 2010;
– Luật Cán bộ, công chức 2008 được sửa đổi bổ sung 2019.