Giáo viên đã về hưu có được tổ chức dạy thêm không? Luật sư tư vấn về điều kiện và trình tự tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở.
Giáo viên đã về hưu có được tổ chức dạy thêm không? Luật sư tư vấn về điều kiện và trình tự tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư. Tôi có một câu hỏi về việc dạy thêm mong nhận được sự tư vấn! Tôi là giáo viên cấp 2 và nay đã về hưu. Nay tôi có ý định dạy thêm tại nhà cho các em cấp 1 và cấp 2. Vậy tôi có phải đăng ký không, nếu có thì thủ tục sẽ như thế nào? Tôi chỉ có ý định dạy thêm ở tại nhà cho một nhóm nhỏ và tôi là người đứng lớp. Mong câu trả lời từ luật sư. Tôi chân thành cảm ơn.?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Dạy thêm, học thêm được hiểu là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 17/2010/TT-BGDĐT về các trường hợp không được dạy thêm như sau:
"Điều 4. Các trường hợp không được dạy thêm
1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó…"
Như vậy theo như quy định trên muốn xác định việc dạy thêm có vi phạm quy định hay không thì cần xác định các yếu tố có nằm trong các trường hợp bị cấm hay không:
– Bạn là giáo viên nghỉ hưu nên đã đáp ứng đủ yêu cầu về kiến thức và bằng cấp để dạy thêm ngoài giờ nhằm mục đích của việc dạy thêm là học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.
– Nếu có học sinh là học sinh tiểu học ( cấp 1) thì không được dạy thêm, trừ bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
– Nếu có học sinh là học sinh trung học cơ sở ( cấp 2) mà có lịch học thêm được nhà trường tổ chức dậy 2 buổi/ tuần trở lên thì bạn không được dạy thêm học sinh này nữa
Về điều kiện :
Đối với người dạy và người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm cần có các điều kiện sau:
+ Đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục;
+ Có đủ sức khoẻ;
+ Có phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân và các quy định của pháp luật; hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại cơ quan công tác; Không trong thời gian bị kỉ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; không bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.
Ngoài những điều kiện chung thì người dạy thêm cần đáp ứng thêm điều kiện phải được thủ trưởng cơ quan quản lý hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận hoặc được thủ trưởng cơ quan quản lý cho phép để mở lớp dạy thêm.
Ngoài ra thì để tổ chức dạy thêm, học thêm, về địa điểm dạy thêm, học thêm phải đáp ứng đủ điều kiện như sau: Địa điểm tổ chức dạy thêm, học thêm đảm bảo an toàn cho người dạy và người học; ở xa những nơi phát sinh các hơi khí độc hại, khói, bụi, tiếng ồn; ở xa các trục đường giao thông lớn, sông, suối, thác, ghềnh hiểm trở; Phòng học đảm bảo diện tích trung bình từ 1,10m2/học sinh trở lên; được thông gió và đủ độ chiếu sáng tự nhiên hoặc nhân tạo; đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, phòng bệnh; Kích thước bàn, ghế học sinh và bố trí bàn, ghế học sinh trong phòng học đảm bảo các yêu cầu; Bảng học được chống lóa; kích thước, màu sắc, cách treo bảng học ; Có công trình vệ sinh và có nơi chứa rác thải hợp vệ sinh.
Đối với trường hợp của bạn khi đã đáp ứng đủ điều kiện đề dạy thêm, học thêm khi có ý định dạy thêm tại nhà thì bạn vẫn cần phải có đăng ký dạy thêm học thêm theo các quy định nêu trên nhằm thực hiện đúng mục đích của việc học thêm và việc học thêm phải xuất phát từ như cầu học thêm của đối tượng học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật tổ chức dạy thêm, học thêm: 1900.6568
Về thẩm quyền cấp phép, hồ sơ, trình tự cấp phép để mở lớp học thêm quy định như sau
– Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm: Trong trường hợp này, thẩm quền cho phép bạn thực hiện tổ chức hoạt động học thêm hoặc dạy thêm là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện hoặc Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo ( trong trường hợp được ủy quyền)
– Hồ sơ cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm như sau:
+ Đơn xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm
+ Danh sách trích ngang người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm
+ Đơn xin dạy thêm có dán ảnh của người đăng ký dạy thêm
+ Bản sao hợp lệ giấy tờ xác định trình độ đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm
+ Giấy khám sức khoẻ do bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên hoặc Hội đồng giám định y khoa cấp cho người tổ chức dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm
+ Bản kế hoạch tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong đó nêu rõ các nội dung về: đối tượng học thêm, nội dung dạy thêm, địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức dạy thêm, mức thu tiền học thêm, phương án tổ chức dạy thêm, học thêm.
Trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm như sau:
+ Bạn lập hồ sơ cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm gửi hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
+ Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm tiến hành thẩm định hồ sơ, kiểm tra địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
+ Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền quyết định cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc trả lời không đồng ý cho tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm bằng văn bản.