Hợp đồng tín dụng chính là hợp đồng cho vay, theo đó ngân hàng là bên cho vay giao cho bên vay một khoản tiền trong một thời hạn nhất định theo thoả thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.
Trong bài viết này, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA sẽ cung cấp kiến thức pháp lý liên quan đến một số lỗi thường gặp trong giao kết, thực hiện
1. Về giao kết hợp đồng tín dụng
Doanh nghiệp cần nhận thức rằng giao kết hợp đồng tín dụng là một quá trình bao gồm nhiều khâu:
1. Đề nghị vay vốn và lập hồ sơ tín dụng
2. Thẩm định hồ sơ tín dụng
3. Quyết định cho vay
4. Đàm phán các điều khoản trong hợp đồng và ký kết hợp đồng.
Trong đó, khâu thứ (1) và (2) có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp. Hồ sơ tín dụng thể hiện mối quan hệ tổng thể giữa doanh nghiệp và ngân hàng, minh chứng cho doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn. Sự hoàn chỉnh và chính xác của hồ sơ tín dụng, kết quả thẩm định hồ sơ (chính là việc thẩm định các điều kiện vay vốn của doanh nghiệp) là cơ sở, căn cứ để doanh nghiệp có thể được vay vốn ở ngân hàng.
Dựa vào hồ sơ tín dụng nêu trên, ngân hàng có thể thu thập được đầy đủ các thông tin cần thiết về quá khứ cũng như hiện tại của doanh nghiệp, có thể xác định khả năng trả nợ của doanh nghiệp đối với nguồn vốn vay ở ngân hàng trong thời hạn nhất định. Trong trường hợp cần thiết, ngân hàng sẽ yêu cầu doanh nghiệp bổ sung thêm tài sản bảo đảm để hạn chế rủi ro cho ngân hàng.
Trên cơ sở kết quả thẩm định hồ sơ tín dụng, đánh giá tính khả thi, hiệu quả của dự án sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đời sống và khả năng hoàn trả của doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) phải ra quyết định và thông báo cho doanh nghiệp về quyết định cho vay của mình. Trong trường hợp quyết định không cho vay, TCTD phải nêu rõ lý do từ chối cho vay.
Quyết định cho vay của TCTD không đồng nghĩa với việc hợp đồng tín dụng đã được ký kết. Quyết định trên chỉ là cơ sở để đàm phán, thoả thuận các điều khoản trong hợp đồng và ký kết hợp đồng tín dụng. Về nguyên tắc, hợp đồng tín dụng phát sinh hiệu lực kể từ khi đại diện hai bên tham gia quan hệ hợp đồng (TCTD và doanh nghiệp) đã ký vào văn bản hợp đồng và các bên cũng không có thoả thuận về thời hạn bắt đầu có hiệu lực của đồng.
2. Về chủ thể ký kết hợp đồng tín dụng
Doanh nghiệp cần lưu ý người ký kết hợp đồng phải có thẩm quyền ký kết, có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền. Người đại diện này cũng phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Việc xem xét tư cách chủ thể của bên vay vốn là một vấn đề quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực của hợp đồng tín dụng. Trên thực tế, nếu tổ chức tín dụng xem nhẹ vấn đề này, không xác định đúng tư cách chủ thể (đặc biệt là trường hợp khách hàng vay là tổ chức, doanh nghiệp) dẫn đến việc ký hợp đồng tín dụng với chủ thể không có thẩm quyền ký kết. Hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu gây thiệt hại nặng nề cho các tổ chức tín dụng.
Việc xem xét tư cách chủ thể của bên vay vốn – doanh nghiệp là rất quan trọng. Đây chính là cơ sở để các thẩm phán, trọng tài xem xét tính hiệu lực của hợp đồng tín dụng. Việc xác định sai tư cách của chủ thể vay vốn dẫn đến hợp đồng vô hiệu, tổ chức tín dụng không thu hồi được lãi, gây thiệt hại nặng nề cho các tổ chức tín dụng.
3. Về số tiền vay:
Số tiền vay hoàn toàn phụ thuộc vào sự thoả thuận của các bên. Trong hợp đồng tín dụng, sự thoả thuận của tổ chức tín dụng và khách hàng về số tiền vay bị giới hạn bởi các quy định của pháp luật. Số tiền vay được hình thành trên cơ sở mức cho vay của tổ chức tín dụng và sự đồng ý của khách hàng vay đối với quyết định cho vay đó (Điều 13 – 18 Quy chế cho vay). Để quyết định mức cho vay đối với khách hàng, tổ chức tín dụng phải dựa trên các căn cứ sau:
– Nhu cầu vay vốn của khách hàng.
– Căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng.
– Căn cứ vào giá trị tài sản bảo đảm.
– Căn cứ vào nguồn vốn của tổ chức tín dụng cho vay.
Trong trường hợp đặc biệt, tổ chức tín dụng chỉ được cho vay vượt quá mức giới hạn cho vay theo quy định trên khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép đối với từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, để đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong hoạt động cho vay, tránh hành vi trục lợi từ hoạt động cho vay, pháp luật của hầu hết pháp luật của các nước trên thế giới đều giới hạn cho vay ở mức thấp hơn đối với một số đối tượng cụ thể. Theo Điều 78 Luật các tổ chức tín dụng thì: “Tổ chức tín dụng không được phép cho vay vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng đối với các đối tượng sau:
– Tổ chức kiểm toán, Kiểm toán viên đang kiểm toán tại tổ chức tín dụng; Kế toán trưởng, thanh tra viên.
– Các cổ đông lớn của tổ chức tín dụng
Đối với cho vay để đầu tư chứng khoán: đầu tư, kinh doanh chứng khoán luôn tiềm ẩn những rủi ro, đặc biệt đối với thị trường chứng khoán ở Việt Nam, các nhà đầu tư chủ yếu là các nhà đầu tư không chuyên nghiệp chạy theo tâm lý bầy đàn càng làm tăng tính rủi ro trên thị trường chứng khoán. Rủi ro của các nhà đầu tư ảnh hưởng trực tiếp đến nguy cơ không thu hồi được vốn của các ngân hàng, gây sụp đổ hệ thống ngân hàng. Do đó, nhằm hạn chế một lượng vốn của ngân hàng bị đổ sang thị trường chứng khoán và kiểm soát chất lượng tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định số 03/2008/QĐ – NHNN về việc tổ chức tín dụng cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và kinh doanh chứng khoán. Theo đó tổng dư nợ cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và kinh doanh chứng khoán không vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và kinh doanh chứng khoán phải bảo đảm mức tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tín dụng dưới 5%. Như vậy, cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư chứng khoán của các tổ chức tín dụng bị khống chế bởi mức vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng. Vì vậy, khi doanh nghiệp vay vốn với mục đích để đầu tư vào chứng khoán cần xem xét đến nguồn vốn điều lệ của TCTD và các khoản tín dụng trong lĩnh vực này đã được cấp cho khách hàng. Vốn điều lệ càng lớn, mức cho vay càng cao.
4. Về các biện pháp bảo đảm tiền vay tại tổ chức tín dụng:
Hiện nay có các biện pháp bảo đảm như cầm cố, thế chấp bằng tài sản của khách hàng vay hoặc bằng tài sản của bên thứ ba, đặt cọc, ký cược, kỹ quỹ, tín chấp. Trong đó, cầm cố, thế chấp là biện pháp hay được áp dụng. Các ngân hàng thường muốn doanh nghiệp vay vốn dùng chính tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình để bảo đảm cho khoản vay của doanh nghiệp tại ngân hàng. Các tài sản này phải thoả mãn những điều kiện nhất định như phải có tính thanh khoản, pháp luật cho phép chuyển nhượng, thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bảo đảm và thường không bị tranh chấp khi đưa ra làm bảo đảm. Đối với cầm cố, bên bảo đảm phải chuyển giao tài sản cho ngân hàng cho vay, đối với thế chấp bên bảo đảm chỉ chuyển giao các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản đó. Tuy nhiên, trên thực tế một số tài sản chỉ có thể là đối tượng của thế chấp như: nhà, đất đai, tàu biển, tàu đánh cá, tàu bay, một số tài sản chỉ có thể là đối tượng của cầm cố như thẻ tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá khác.
Trong số các điều kiện đối với tài sản bảo đảm, đặc biệt cần lưu ý khách hàng phải có quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản đó.
Đối với tài sản có giá trị lớn, có thể đưa ra bảo đảm cho nhiều khoản vay ở các ngân hàng khác nhau, tuy nhiên trong trường hợp này, các bên nhận bảo đảm (các TCTD) phải đăng ký giao dịch bảo đảm và phải cử ra một TCTD làm đầu mối giữ các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản bảo đảm nói trên.
Về xử lý tài sản bảo đảm: hiện nay có hai phương thức xử lý tài sản bảo đảm sau: do các bên thoả thuận và bán đấu giá. Việc thoả thuận của các bên cũng có thể xảy ra theo các cách thức (tự bán, hoặc uỷ quyền cho người thứ ba bán), bên bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm, bên bảo đảm nhận tiền hoặc tài sản (trường hợp thế chấp quyền đòi nợ); phương thức khác do các bên thỏa thuận. Vấn đề là sự thoả thuận của các bên được xác định tại thời điểm nào: thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm hay thời điểm xử lý tài sản bảo đảm? Trường hợp một tài sản dùng để bảo đảm nhiều nghĩa vụ trả nợ và phương thức xử lý tài sản được thoả thuận khác nhau thì vấn đề lại trở nên phức tạp.
5. Về hiệu lực của hợp đồng tín dụng
Thứ nhất, nguyên nhân dẫn tới hợp đồng tín dụng vô hiệu là người ký kết không đúng thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền.
Về nguyên tắc, người đại diện hợp pháp của tổ chức là người có thẩm quyền ký kết hợp đồng tín dụng. Người đại diện hợp pháp có thể là người đại diện theo pháp luật hoặc là người đại diện theo uỷ quyền. Việc ủy quyền phải được thực hiện trước khi giao kết hợp đồng.
Thứ hai, có thể bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ khi bên vay là đối tượng bị cấm cho vay hoặc trong trường hợp loại cho vay bị cấm. Điều 77 Luật các tổ chức tín dụng Việt Nam năm 1997 có quy định những đối tượng không được phép cho vay:
– Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) của tổ chức tín dụng.
– Người thẩm định, xét duyệt cho vay.
– Bố, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc).
Thứ ba, hợp đồng tín dụng cũng có thể bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ khi TCTD cho vay các nhu cầu vốn sau đây:
– Để mua sắm các tài sản và các chi phí hình thành nên tài sản mà pháp luật cấm mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi.
– Để thanh toán các chi phí cho việc thực hiện các giao dịch mà pháp luật cấm.
Hợp đồng tín dụng có thể bị vô hiệu từng phần khi một phần của hợp đồng vô hiệu không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.
>>> Luật sư
6. Mối quan hệ giữa hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm tiền vay.
Hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm tiền vay là hai hợp đồng độc lập với nhau. Hợp đồng tín dụng vô hiệu mà các bên chưa thực hiện hợp đồng đó thì giao dịch bảo đảm chấm dứt; nếu đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng tín dụng thì giao dịch bảo đảm không chấm dứt, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. (Điều 15 Nghị định 163/2006/NĐ – CP về giao dịch bảo đảm).
Như vậy, hiệu lực của hợp đồng tín dụng không phải trong mọi trường hợp đều ảnh hưởng tới hiệu lực của giao dịch bảo đảm. Để xác định xem hiệu lực của hợp đồng tín dụng có ảnh hưởng tới giao dịch bảo đảm hay không hoàn toàn phụ thuộc vào hợp đồng tín dụng đã được thực hiện hay chưa. Nếu các bên chưa thực hiện hợp đồng tín dụng thì khi hợp đồng tín dụng bị vô hiệu, bị huỷ bỏ, hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng thì giao dịch bảo đảm chấm dứt. Trường hợp các bên đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng thì khi hợp đồng tín dụng bị vô hiệu, bị huỷ bỏ, hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng thì giao dịch bảo đảm không chấm dứt, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Trên đây là một số vấn đề cơ bản liên quan đến hợp đồng tín dụng mà doanh nghiệp cần biết, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng một cách dễ dàng.