Gia đình là môi trường đầu tiên và vô cùng quan trọng trong việc hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp. Vậy giáo dục trong gia đình có vai trò quan trọng như thế nào? Xin mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Giáo dục trong gia đình có vai trò quan trọng như thế nào?
Giáo dục bao gồm bốn yếu tố cốt lõi: Giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội và tự giáo dục. Trong đó, giáo dục gia đình giữ vai trò nền móng cơ bản.
Thứ nhất, Giáo dục trong gia đình là nền tảng cơ bản giúp hình thành nhân cách và định hướng sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân.
Gia đình là môi trường đầu tiên mà mỗi đứa trẻ tiếp xúc, cũng là nơi tác động đầu tiên và quan trọng nhất đến sự phát triển tâm lý và hình thành tính cách của trẻ. Một đứa trẻ sinh ra như một tờ giấy trắng, bản thân trẻ chưa hình thành tính cách rõ rệt. Những nét vẽ đầu tiên từ gia đình có thể sẽ quyết định cả cuộc đời của trẻ. Khi được nuôi dưỡng trong một nền giáo dục gia đình tốt, trẻ có cơ hội trở thành người hữu ích, đóng góp tích cực cho xã hội cao hơn.
Gia đình chính là môi trường giáo dục đầu tiên và có tầm quan trọng quyết định trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Mặc dù xã hội luôn không ngừng vận động và phát triển, giáo dục gia đình vẫn để lại những ảnh hưởng sâu sắc và toàn diện đối với mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời. Giáo dục nhà trường, xã hội là những môi trường giáo dục rất quan trọng nhưng vai trò của nó chỉ có thể được phát huy một cách tối đa khi lấy giáo dục gia đình làm cơ sở.
Thứ hai, Giáo dục trong gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các thói quen tích cực và kỷ luật.
Qua những hoạt động hàng ngày như quản lý thời gian, giữ gìn vệ sinh hay làm việc nhóm, trẻ học được cách tự giác, tuân thủ nguyên tắc và phân biệt đúng sai. Gia đình cũng là nơi trẻ được rèn luyện các kỹ năng sống cơ bản, từ giao tiếp, giải quyết vấn đề đến quản lý cảm xúc và hợp tác với người khác, tạo hành trang vững chắc để trẻ thích nghi, phát triển trong xã hội.
Thứ ba, Giáo dục trong gia đình có vai trò phát triển kinh tế – xã hội, bảo tồn những giá trị truyền thống, văn hóa và phong tục đặc trưng của dân tộc.
Đối với dân tộc Việt Nam, gia đình giữ vai trò đặc biệt trong đời sống kinh tế và xã hội. Gia đình là tế bào của xã hội, nơi mỗi con người được sinh ra, lớn lên, được chăm sóc toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và nhân cách. Đây cũng là môi trường quan trọng giúp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Qua giáo dục gia đình, thế hệ trẻ được chuẩn bị để hội nhập vào cuộc sống cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội ngày càng phát triển.
2. Những thuận lợi và thách thức của giáo dục trong gia đình:
Trong bối cảnh hiện đại, cùng với sự phát triển của xã hội, các vấn đề liên quan đến gia đình đã trở thành trọng tâm chiến lược của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ở Việt Nam, đời sống xã hội nói chung và gia đình nói riêng đang trải qua nhiều thay đổi. Những giá trị đạo đức truyền thống vẫn được duy trì và phát huy, trong khi đó, sự phát triển kinh tế – xã hội cũng đang có nhiều khởi sắc. Nhờ đó, việc giáo dục thế hệ trẻ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi, tạo cơ hội để các em vươn lên, tự khẳng định mình trong một môi trường gia đình và xã hội ngày càng lành mạnh, tiến bộ.
Tuy nhiên, sự phát triển của nền kinh tế thị trường cùng với những mặt trái của nó đang gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển của văn hóa và con người. Bên cạnh những lợi ích mang lại, giáo dục gia đình cũng đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng từ môi trường xã hội, sự lan truyền của các văn hóa phẩm độc hại, ngoại lai không phù hợp và lối sống thực dụng. Trong bối cảnh đó, giáo dục gia đình dành cho thế hệ trẻ vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nếu không chú trọng đúng đắn vào việc giáo dục truyền thống và xây dựng lối sống lành mạnh trong gia đình, sự suy thoái đạo đức con người có nguy cơ tiếp tục gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự bền vững của xã hội. Vì vậy, việc nâng cao vai trò của giáo dục gia đình đối với thế hệ trẻ là một nhiệm vụ cấp thiết và không thể thiếu trong chiến lược xây dựng gia đình hiện đại.
3. Phương pháp nâng cao vai trò của giáo dục trong xã hội hiện nay:
Có thể khẳng định rằng, giáo dục gia đình có nhiều nội dung không thể thay thế. Đồng thời, nó giữ vị trí vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng con người nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Vì vậy, trong Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Để thực hiện việc đó, chúng ta cần chú trọng một số giải pháp cơ bản sau đây:
Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững là cơ sở cho việc nâng cao vai trò của giáo dục gia đình.
Gia đình ấm no là cơ sở để xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Xây dựng gia đình bình đẳng, trong đó mỗi thành viên gia đình có khả năng và tùy theo khả năng cùng chia sẻ bàn bạc, quyết định và tham gia vào mọi công việc.
Mỗi thành viên gia đình đều có cơ hội như nhau để hưởng các quyền lợi trong học tập, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe, hưởng thụ văn hóa, tham gia các công tác xã hội và sinh hoạt cộng đồng. Gìn giữ truyền thống tốt đẹp kính trên, nhường dưới, tôn trọng, quan tâm lẫn nhau được phát huy; không có biểu hiện phân biệt con trai, con gái; thực hiện bình đẳng giới và không có bạo lực gia đình; đồng thời thực hiện dân chủ trong gia đình.
Để xây dựng sự tiến bộ của gia đình, trước hết cần có sự giác ngộ của gia đình hướng tới xây dựng gia đình văn hóa, mà tiêu chí đầu tiên là gia đình ấm no, bình đẳng, sau nữa là tiến bộ, bền vững và hạnh phúc. Gia đình và xã hội tạo điều kiện để từng cá nhân phát triển tự do hài hòa và tiến bộ. Sự tiến bộ của mỗi thành viên trong gia đình là tiền đề cho sự tiến bộ của gia đình và tiến bộ xã hội. Xây dựng cuộc sống ấm no, bình đẳng, tiến bộ sẽ tạo cơ sở cho việc xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc và bền vững.
Nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc và bền vững, đòi hỏi mọi thành viên phải được đảm bảo các nhu cầu về đời sống vật chất và tinh thần, được hưởng bầu không khí cởi mở, đầy tình thương yêu, đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau.
Hòa thuận là chuẩn mực của một gia đình tốt, là kết quả của sự bình đẳng, là tiền đề để xây dựng hạnh phúc gia đình. Vì vậy, một gia đình hòa thuận, hạnh phúc là khi các thành viên được đáp ứng những nhu cầu cần thiết về vật chất và tinh thần, trong đó họ thật sự đồng cảm, nhất trí, tin yêu và tôn trọng nhau, có sự bình đẳng, tiến bộ, thống nhất quan niệm về cuộc sống gia đình, tự giác thực hiện đầy đủ trách nhiệm nghĩa vụ của mình với gia đình, với những người thân và xã hội.
Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục thế hệ trẻ, đặc biệt coi trọng ưu thế của giáo dục gia đình.
Những mặt mạnh của giáo dục gia đình sẽ bổ sung cho những thiếu hụt của giáo dục nhà trường, của đoàn đội. Đồng thời, giáo dục gia đình cần được bổ sung những mặt mạnh của giáo dục nhà trường và các tổ chức xã hội.
Do đó, để thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường và các đoàn thể xã hội, ngoài kế hoạch chung của nhà trường, các bậc cha mẹ cần chủ động liên hệ với nhà trường, không chỉ thông qua sổ liên lạc mà cần trực tiếp gặp gỡ trao đổi với giáo viên để nắm tình hình về học tập, rèn luyện của con cái cả về những ưu điểm, sự tiến bộ và những hạn chế cần khắc phục của chúng.
Nâng cao năng lực giáo dục cho các bậc cha mẹ.
Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng không tốt đến giáo dục gia đình là do năng lực của một bộ phận cha mẹ không đáp ứng được việc truyền thụ và giáo dục con cái. Ý thức, trách nhiệm cũng như nội dung phương pháp giáo dục còn nhiều hạn chế và bất cập. Một số cha mẹ chưa phải là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống để con cái noi theo. Trước đây, để giáo dục con cái, cha mẹ chỉ cần có một số kinh nghiệm rút ra từ bản thân hoặc thêm nữa là kinh nghiệm của anh em, bà con dòng tộc là đủ. Thậm chí, cha mẹ có thể dạy con bằng biện pháp áp đặt. Ngày nay, muốn giáo dục tốt con cái, trước hết cha mẹ phải thường xuyên học tập, trong đó học tập cả nghệ thuật giáo dục. Sự tu dưỡng, gương mẫu của cha mẹ sẽ tạo nên uy tín đối với con cái. Sự hiểu biết sâu rộng kiến thức về xã hội, sự thống nhất giữa lời nói và việc làm của cha mẹ có tác dụng củng cố cho uy tín của cha mẹ.
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta đã và đang đặt ra những yêu cầu bức thiết đối với sự nghiệp giáo dục, nhằm tạo ra một lớp người vừa cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, vừa đạt đến tầm cao của trí tuệ. Yêu cầu đó đặt ra cho sự nghiệp giáo dục, trong đó có việc giáo dục gia đình của đất nước ta phải không ngừng đổi mới, hoàn thiện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chúng ta cần có sự nhìn nhận đầy đủ hơn, khách quan hơn, đúng đắn hơn về vai trò của giáo dục gia đình trong sự nghiệp giáo dục để từ đó có chiến lược và kế hoạch đầu tư thỏa đáng cho giáo dục gia đình.
THAM KHẢO THÊM: