Trong hệ thống pháp luật, hình thức giao dịch dân sự đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính hợp lệ và hiệu lực của các thỏa thuận. Tuy nhiên, không phải lúc nào các bên trong giao dịch cũng tuân thủ đúng quy định về hình thức. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu thế nào là giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm về hình thức.
Mục lục bài viết
1. Giao dịch dân sự là gì?
Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương mà tại đó các chủ thể sẽ phát sinh các hậu quả pháp lý với nhau. Chẳng hạn như làm thay đổi, phát sinh hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự.
Giao dịch dân sự là một hoạt động phổ biến giữa người với người trong cuộc sống hàng ngày với mục đích đáp ứng mong muốn của các bên khi tham gia. Trong giao dịch dân sự, các chủ thể tham gia phải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng, pháp luật không cho phép việc lôi kéo, ép buộc, dụ dỗ,…. trong khi tham gia. Ngoài ra, khi tham gia giao dịch dân sự, các chủ thể phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự, mục đích của việc tham gia và nội dung giao dịch sao cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Hợp đồng dân sự là loại giao dịch dân sự phổ biến nhất, đó là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên cùng tham gia nhằm mục đích đạt được mong muốn của chính mình. Chẳng hạn như: Hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng cho thuê nhà,…
Ví dụ về hợp đồng dân sự: A bán cho B căn nhà, giữa A và B cùng xác lập một hợp đồng mua bán nhà ở. Trong hợp đồng này, A có nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu nhà ở cho B, còn B có nghĩa vụ trả tiền mua nhà cho A theo thỏa thuận và được phép sở hữu căn nhà.
Hành vi pháp lý đơn phương là việc chủ thể trong giao dịch dân sự thể hiện mong muốn, ý chí của mình lên người khác nhằm tác động trực tiếp lên người đó, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người đó. Chẳng hạn như: cha mẹ để lại tài sản cho con cái hoặc là việc hứa thưởng giữa các chủ thể với nhau.
2. Hình thức của giao dịch dân sự:
Hình thức của giao dịch dân sự là biểu hiện bên ngoài của những nội dung khi tham gia giao dịch. Tùy theo tính chất, đối tượng giao dịch mà chúng ta sẽ thực hiện các cách thức khác nhau sao cho phù với quy định của pháp luật.
Giao dịch dân sự có thể thực hiện thông qua lời nói hoặc hành vi cụ thể, là hình thức giao dịch thường được sử dụng đối với các quan hệ giao dịch diễn ra và kết thúc ngay sau khi thực hiện xong giao dịch hoặc được sử dụng đối với các chủ thể quen biết, tin cậy với nhau.
Ví dụ như: A mua cây bút ở tiệm tạp hóa, A tiến hành trả tiền và người bán tiến hành giao hàng.
Giao dịch dân sự có thể thực hiện bằng văn bản thường được sử dụng với các đối tượng được pháp luật quy định (ví dụ như mua bán nhà). Trong văn bản giao dịch sẽ chứa đựng các nội dung về điều khoản của các bên chủ thể khi tham gia giao dịch. Ngoài ra, giao dịch dân sự thông qua các phương tiện điện tử (ví dụ như email,..) dưới hình thức là thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử cũng được coi là giao dịch bằng văn bản. Tùy theo quy định của pháp luật, các hình thức giao dịch bằng văn bản phải được công chứng, chứng thực,… chẳng hạn như chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở.
3. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ về hình thức:
Giao dịch dân sự được coi là vô hiệu khi không đáp ứng đủ các điều kiện như sau:
– Chủ thể phải có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự sao cho phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập.
– Các bên tham gia phải hoàn toàn tự nguyện, bình đẳng, không có sự ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ,..
– Mục đích và nội dung trong giao dịch không được trái với các quy định của pháp luật và không trái với các đạo đức của xã hội.
– Hình thức giao dịch phải đáp ứng theo đúng quy định của pháp luật.
Giao dịch dân sự vi phạm về mặt hình thức xảy ra khi các yêu cầu và quy định về hình thức giao dịch dân sự không được tuân thủ. Điều này có thể bao gồm việc không sử dụng hình thức giao dịch phù hợp, không tuân thủ các quy định về việc công chứng, chứng thực hoặc không tuân thủ quy định pháp luật về giao dịch điện tử.
Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức thường xảy ra ở các giao dịch tranh chấp, mua bán nhà ở, quyền sử dụng đất,… Ví dụ, nếu một giao dịch mua bán nhà không được thực hiện bằng văn bản và không được công chứng theo quy định, thì đây là một vi phạm về mặt hình thức. Hoặc nếu một giao dịch thông qua email không tuân thủ các quy định về giao dịch điện tử, thì cũng được xem là vi phạm về mặt hình thức.
Trong một số trường hợp, pháp luật yêu cầu các giao dịch đó phải được lập thành văn bản, phải được công chứng, chứng thực nhưng trên thực tế, khi tham gia giao dịch các bên hoặc một bên tham gia đã bỏ qua, không quan tâm hoặc cố ý thực hiện sai các quy định của pháp luật, dẫn đến giao dịch đó bị vô hiệu. Vi phạm về mặt hình thức trong giao dịch dân sự có thể dẫn đến hậu quả pháp lý, bao gồm sự không hợp lệ của giao dịch hoặc không thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch. Do đó, quy định về hình thức giao dịch dân sự là rất quan trọng để đảm bảo tính pháp lý và hiệu lực của các giao dịch.
Đồng thời, ở Điều 129 Bộ luật dân sự 2015 cũng đã phần nào nói lên quyền tôn trọng sự thỏa thuận và cam kết của các chủ thể khi tham gia giao dịch, vì xét cho cùng, nội dung của giao dịch dân sự mới là ý chí của các bên khi tham gia, còn hình thức chỉ là một phương tiện để biểu đạt ý chí của họ ra bên ngoài. Do đó, nếu vi phạm về hình thức mà lại hủy bỏ giao dịch dân sự đó thì có thể hiểu tương ứng với việc xem nhẹ ý chí của các bên tham gia.
4. Các trường hợp giao dịch dân sự vi phạm về hình thức vẫn có hiệu lực:
Pháp luật đã nêu ra các trường hợp mà khi thiết lập các quan hệ giao dịch dân sự, nếu các bên tham gia vi phạm về mặt hình thức nhưng lại thuộc các trường hợp như sau thì sẽ không bị coi là vô hiệu:
Một là, giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
Hai là, giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó và các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
Như vậy, nếu như giao dịch dân sự được xác lập bằng văn bản nhưng lại vi phạm về hình thức, không đúng với quy định của pháp luật, nhưng các bên hoặc một bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì giao dịch đó vẫn có hiệu lực pháp luật, mặc dù theo quy định của pháp luật thì văn bản đó bị vi phạm về hình thức.
Việc xác định 2/3 nghĩa vụ của một bên hoặc các bên sẽ phụ thuộc vào từng loại nghĩa vụ. Chẳng hạn như: nếu là nghĩa vụ trả tiền và đã trả được 2/3 số tiền thì hợp đồng sẽ không bị coi là vô hiệu,….
5. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm hình thức:
Một là, các giao dịch dân sự vô hiệu sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
Hai là, khi giao dịch dân sự vô hiệu, các bên phải hoàn trả lại tài sản cho nhau, tức là khôi phục lại tài sản ban đầu vốn có của các bên. Thứ tự ưu tiên hoàn trả:
+ Ưu tiên trả lại hiện vật, trường hợp không thể trả thành hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
+ Đối với các tài sản mà trên thực tế không còn nguyên vẹn như khi giao nhưng tài sản chính vẫn còn thì vẫn phải trả, phải nhận, được bổ sung bằng việc thanh toán cho nhau những chi phí hợp lý để khắc phục, bù đắp những tổn thất.
Ba là, bên thứ ba ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức thì sẽ không phải hoàn trả các hoa lợi, lợi tức đó. Nếu không ngay tình, bên thức ba buộc phải hoàn trả lại các hoa lợi, lợi tức đó. Tức là, việc trả lại các hoa lợi, lợi tức của bên thứ ba sẽ phụ thuộc vào việc ngay tình hay không ngay tình của họ trong việc chiếm hữu tài sản.
Bốn là, bên có lỗi khi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Năm là, việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan quy định.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài:
– Bộ luật dân sự 2015.