Để bảo đảm người giám hộ thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình thì pháp luật đã quy định thêm về vấn đề giám sát giám hộ, vậy giám sát giám hộ là gì? Và thủ tục giám sát giám hộ như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Giám sát giám hộ là gì?
Trước hết, người giám hộ phải thực hiện các công việc giám sát để bảo đảm cuộc sống bình thường cho người được giám hộ. Sự tắc trách hay sự vi phạm nghĩa vụ của người giám hộ sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực hay sự bất lợi cho những người được giám hộ. Đặc biệt, thực tiễn đã phát sinh rất nhiều vụ việc, người giám hộ lợi dụng tư cách giám hộ của mình để tư lợi riêng đối với tài sản của người được giám hộ. Vì vậy, cơ chế giám sát giám hộ được đặt ra nhằm mục đích hạn chế và loại bỏ các hành vi vi phạm cũng như sự lạm quyền của người giám hộ đối với người được giám hộ.
Để hiểu được bản chất của giám sát giám hộ, trước hết cần phải hiểu được khái niệm về giám sát. Hiểu theo ngôn ngữ thông thường, giám sát được hiểu là sự theo dõi, xem xét làm đúng hoặc làm sai những điều đã quy định. Trong Từ điển Luật học, đưa ra khái niệm về giám sát, theo đó giám sát là sự theo dõi, quan sát hoạt động mang tính chủ động thường xuyên, liên tục và sẵn sàng động tác bằng nhiều biện pháp tích cực để buộc các hoạt động của đối tượng chịu sự giám sát đi đúng quỹ đạo. Từ đó, khái niệm đã thể hiện một số đặc điểm của hoạt động giám sát như sau:
– Giám sát là sự theo dõi, quan sát đối với đối tượng chịu sự giám sát;
– Giám sát là hoạt động mang tính chủ động và thường xuyên của người có chức năng giám sát;
– Mục đích của hoạt động giám sát là nhằm mục đích tác động bằng các biện pháp để hướng các hoạt động của đối tượng chịu sự giám sát đi đúng quy chế.
Hoạt động giám sát nhìn chung được thực hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, ví dụ như giám sát hoạt động của các chủ thể trong việc tuân thủ hiến pháp và pháp luật, giám sát Quốc hội và hội đồng nhân dân trong việc thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của mình … Đối với quy chế giám hộ, giám sát giám hộ cũng được đặt ra đối với chủ thể giám hộ. Việc giám hộ ảnh hưởng tới toàn bộ cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của người được giám hộ, vì người giám hộ là người chăm sóc và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người được giám hộ và đồng thời cũng giúp cho người được giám hộ quản lý tài sản của mình, thay mặt người được giám hộ thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản vì lợi ích tốt nhất của người được giám hộ. Vì vậy cần thiết phải có cơ chế giám sát kiểm tra để đảm bảo việc giám hộ được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ. Giám sát giám hộ nhằm mục đích sau đây:
– Chủ động nắm chắc tình hình và đánh giá đúng hoạt động của người giám hộ trong việc thực hiện giám hộ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự và người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi;
– Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người giám hộ đối với việc thực hiện các giao dịch vì lợi ích của người được giám hộ. Qua đó, bảo đảm được sự lãng quên của người giám hộ nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho chính người được giám hộ;
– Phát hiện kịp thời các hạn chế, thiếu sót sai phạm của người giám hộ trong quá trình thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với người giám hộ, để từ đó có những giải pháp phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi của người được giám hộ.
Từ phân tích nêu trên, có thể đưa ra khái niệm về giám sát giám hộ như sau:
Giám sát giám hộ là việc chủ thể có thẩm quyền thực hiện việc theo dõi, kiểm tra đánh giá người giám hộ trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong thời gian thực hiện việc giám hộ, để từ đó hạn chế các sai phạm, sự lạm quyền của người giám hộ, nhằm mục đích bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người được giám hộ.
2. Thủ tục giám sát giám hộ như thế nào?
Trình tự và thủ tục thực hiện hoạt động giám sát giám hộ sẽ được thực hiện thông qua các giai đoạn sau:
Bước 1: Các cá nhân hoặc pháp nhân có nhu cầu thực hiện hoạt động đăng ký giám sát giám hộ sẽ cần phải chuẩn bị một bộ hồ sơ đăng ký giám sát việc giám hộ nổ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này được xác định là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ. Thành phần hồ sơ trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký giám sát giám hộ sẽ bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu cơ bản sau đây:
– Tờ khai về việc đăng ký giám sát giám hộ theo mẫu do pháp luật quy định;
–
– Trích lục đăng ký giám hộ theo quy định của pháp luật;
– Trong trường hợp người giám sát việc giám hộ được xác định là cá nhân thì cần phải có thêm các loại giấy tờ tùy thân như hộ chiếu, bản sao chứng minh thư nhân dân hoặc bản sao chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, thẻ căn cước công dân còn thời hạn sử dụng, kèm theo bản chính để tiến hành hoạt động đối chiếu;
– Trong trường hợp người giám sát việc giám hộ được xác định là pháp nhân thì cần phải có thêm các loại giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân, có thể là quyết định thành lập pháp nhân hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc giấy chứng nhận đầu tư, điều lệ của pháp nhân hoặc các loại giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương,
– Trong trường hợp người giám sát việc giám hộ được xác định là pháp nhân thì cần phải bổ sung các loại giấy tờ tùy thân của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hộ chiếu hoặc bản sao chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân, chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân hoặc viên chức quốc phòng còn giá trị sử dụng, cung cấp bản chính để đối chiếu;
Người yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính còn phải xuất trình thêm các loại giấy tờ tùy thân kèm theo bản chính để đối chiếu.
Bước 2: Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả sẽ tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ. Nếu nhận thấy hồ sơ đã hợp lệ thì sẽ tiếp nhận và trao giấy tiếp nhận. Nếu nhận thấy hồ sơ chưa đầy đủ và chưa hoàn thiện thì sẽ hướng dẫn người nộp bổ sung, hoàn thiện theo quy định.
Bước 3: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả sẽ chuyển hồ sơ cho các công chức tư pháp hộ tịch. Công chức tư pháp hộ tịch sẽ tiếp tục kiểm tra và báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp xã để thực hiện hoạt động đăng ký giám sát việc giám hộ. Trong trường hợp không đáp ứng đầy đủ điều kiện thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ra văn bản từ chối, trong đó nêu rõ lý do, chuyển kết quả cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cho người nộp hồ sơ.
Bước 4: Bộ phận tiếp nhận sẽ trả kết quả cho cá nhân và pháp nhân thực hiện thủ tục đăng ký giám sát giám hộ.
3. Giám sát giám hộ có những đặc điểm như thế nào?
Giám sát giám hộ có những đặc điểm cơ bản như sau:
Thứ nhất, giám sát là hoạt động theo dõi, kiểm tra đánh giá của bên giám sát giám hộ đối với người giám hộ. Việc theo dõi, kiểm tra đánh giá của bên giám sát tám hộ đối với người giám hộ chủ yếu tập trung vào việc thực hiện các nghĩa vụ của người giám hộ, đặc biệt là việc quản lý tài sản của người giám hộ đối với người được giám hộ. Thông qua hoạt động theo dõi kiểm tra mà bên giám sát có thể phát hiện kịp thời các sai phạm của người giám hộ đối với người được giám hộ, từ đó bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người được giám hộ.
Thứ hai, người bị giám sát được xác định là người giám hộ. Người giám hộ bao gồm các trường hợp người giám hộ của người chưa thành niên, người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự, người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi. Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý thêm, trong quan hệ giám hộ bao gồm người giám hộ và người được giám hộ. Việc giám sát giám hộ chỉ đặt ra đối với người giám hộ.
Thứ ba, hoạt động giám sát giám hộ luôn luôn gắn liền với quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của người giám hộ. Đối với việc giám sát giám hộ thì nội dung của hoạt động này là theo dõi và kiểm tra người giám hộ trong quá trình thực hiện hoạt động giám hộ. Vì vậy có thể nói, giới hạn của giám sát giám hộ được xác định bởi các hoạt động liên quan đến việc giám hộ. Ngoài việc thực hiện giám hộ, người giám hộ còn rất nhiều các hoạt động khác liên quan tới chính cuộc sống, công việc và đời tư cá nhân của họ thì phạm vi này không thuộc nội dung của giám sát giám hộ.
Thứ tư, giám sát giám hộ được thực hiện trong suốt thời gian giám hộ. Đối với giám sát giám hộ thì việc giám sát được thực hiện kể từ thời điểm quan hệ giám hộ được xác lập kéo dài cho tới khi quan hệ giám hộ chấm dứt. Trong suốt thời gian đó thì người giám sát thực hiện hoạt động theo dõi kiểm tra đối với người giám hộ trong quá trình thực hiện các hoạt động giám hộ của mình.
Thứ năm, giám sát giám hộ là hoạt động được thực hiện theo quy định của pháp luật mà không phải là hoạt động mang tính chất tự phát của chủ thể giám sát. Điều này đã được thực hiện rất rõ thông qua quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định chủ thể có quyền giám sát, điều kiện của chủ thể có quyền giám sát, quyền và nghĩa vụ của người giám sát, cụ thể cần phải tuân thủ theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật dân sự năm 2015.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015.