Các hình thức bồi thường bảo hiểm tài sản? Quy định về giám định tổn thất bảo hiểm tài sản?
Trong cuộc sống của con người sẽ luôn luôn xảy ra những biến động không ngừng nghỉ cũng như những rủi ro không thể lường trước được khiến con người ta thường xuyên nảy sinh những lo lắng về nhiều thứ như sức khỏe, tài sản. Do đó, bảo hiểm tài sản đã ra đời nhằm mục đích để giúp các chủ thể là bên mua bảo hiểm chủ động hơn trong vấn đề tài chính, tiết kiệm tối đa chi phí khi có trường hợp phát sinh xảy ra. Về bản chất thì bảo hiểm tài sản là loại hợp đồng bảo hiểm nhằm để đền bù cho chủ sở hữu những thiệt hại nằm trong phạm vi gói bảo hiểm đó cho phép. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về giám định tổn thất và hình thức bồi thường bảo hiểm tài sản.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Các hình thức bồi thường bảo hiểm tài sản:
Căn cứ bồi thường bảo hiểm tài sản được quy định như sau:
Đối với việc bồi thường cho các chủ thể là người tham gia bảo hiểm tài sản sẽ căn cứ dựa vào hai yếu tố chính đó là kết luận nguyên nhân và mức độ thiệt hại do giám sát viên kiểm định, thông qua đó sẽ xác định sự kiện bảo hiểm có nằm trong điều khoản ký kết trong hợp đồng hay không. Nếu như các sự kiện bảo hiểm đó thuộc điều khoản thì cần tuân thủ Điều 46
Số tiền bồi thường sẽ tùy vào giá thị trường tài sản tại thời điểm xảy ra sự cố, mức độ thiệt hại, trừ các trường hợp không có trong thỏa thuận.
Bên cạnh đó thì số tiền bồi thường không vượt quá với phí bảo hiểm tài sản bạn đóng, tùy vào việc có yêu cầu phát sinh khác trong hợp đồng.
Ngoài ra, pháp luật cũng quy định công ty bảo hiểm sẽ phải chi trả cho các chủ thể là người nhận những chi phí khắc phục, hạn chế tổn thất, đề phòng thiệt hại tối đa theo chỉ dẫn.
Hình thức bồi thường bảo hiểm tài sản được quy định như sau:
Dựa theo nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm tài sản cũng như những căn cứ bồi thường bảo hiểm tài sản được quy định nêu trên, hình thức bồi thường có thể xảy ra ba trường hợp cụ thể, như sau:
– Trong trường hợp nếu như các bên đã có sự đồng nhất ý kiến về hình thức bồi thường: sửa chữa tài sản thiệt hại, thay thế tài sản bằng tài sản khác và trả tiền bồi thường.
– Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không thỏa thuận được về hình thức bồi thường thì việc bồi thường sẽ được thực hiện bằng tiền.
Cần lưu ý đối với trường hợp bồi thường theo những trường hợp thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác và trả tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thu hồi tài sản bị thiệt hại sau khi đã thay thế hoặc bồi thường toàn bộ theo giá thị trường của tài sản.
Như vậy, đối với những trường hợp cụ thể thì sẽ có hình thức bồi thường cụ thể. Tuy nhiên, trong trường hợp khi các đã có sự đồng nhất ý kiến về hình thức bồi thường hay không thỏa thuận được về hình thức bồi thường thì việc bồi thường cũng sẽ được thực hiện thông qua hình thức bằng tiền. Đối với trường hợp các bên đã có sự đồng nhất ý kiến về hình thức bồi thường thì còn có thêm hai hình thức đó là sửa chữa tài sản thiệt hại và thay thế tài sản bằng tài sản khác.
2. Quy định về giám định tổn thất bảo hiểm tài sản:
2.1. Giám định tổn thất bảo hiểm là gì?
Theo Khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểu,
“25. Giám định tổn thất bảo hiểm là hoạt động xác định hiện trạng, nguyên nhân, mức độ tổn thất, tính toán phân bổ trách nhiệm bồi thường tổn thất làm cơ sở giải quyết bồi thường bảo hiểm.”
Như vậy, ta có thể hiểu giám định tổn thất việc là xem xét, kết luận về nguyên nhân và mức độ tổn thất của đối tượng bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Giám định tổn thất bảo hiểm sẽ giúp các chủ thể có thể xác định được nguyên nhân, mức độ tổn thất, từ đó các bên có thể tham gia vào việc đề xuất phương án bồi thường và số tiền chi trả hợp lý. Nếu như bên doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không thống nhất ý kiến thì có thể thực hiện việc trưng cầu thông qua giám định viên độc lập. Nếu vẫn không thể giải quyết được vấn đề bồi thường thì một trong hai bên sẽ được phép yêu cầu tòa án có thẩm quyền tại nơi cư trú hay nơi xảy ra tổn thất chỉ định thay thế giám định viên khác theo đúng quy định của pháp luật.
2.2. Quy định của pháp luật Việt Nam về giám định tổn thất bảo hiểm:
Giám định tổn thất bảo hiểm thông thường sẽ được sử dụng trong hợp đồng bảo hiểm tài sản. Hợp đồng bảo hiểm tài sản được pháp luật định nghĩa cụ thể đó là thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, đối tượng của hợp đồng bảo hiểm tài sản là tài sản, bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản. Số tiền bảo hiểm là số tiền mà bên mua bảo hiểm yêu cầu bảo hiểm cho tài sản đó theo đúng quy định pháp luật.
Căn cứ xác định tổn thất khi giải quyết bồi thường:
Theo Điều 46 Luật kinh doanh bảo hiểm thì để xác định số tiền bảo hiểm phải trả cho các chủ thể là người được bảo hiểm khi giải quyết bồi thường trong bảo hiểm tài sản, dựa vào các căn cứ cụ thể như sau:
– Căn cứ vào giá thị trường của tài sản tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất.
– Căn cứ vào mức độ thiệt hại thực tế xảy ra và thời điêm sự kiện bảo hiểm diễn ra. Mức độ thiệt hại được dùng để làm căn cứ xác định tổn thất khi bồi thường là mức độ thiệt hại tại nơi xảy ra và thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm.
– Căn cứ vào những chi phí để đề phòng, hạn chế thiệt hại theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm.
Việc giám định tổn thất được quy định cụ thể tại Điều 48
“Điều 48. Giám định tổn thất
1. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.
2. Trong trường hợp các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì có thể trưng cầu giám định viên độc lập, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được việc trưng cầu giám định viên độc lập thì một trong các bên được yêu cầu Toà án nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi cư trú của người được bảo hiểm chỉ định giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên.”
Theo quy định của pháp luật, ta nhận thấy, giám định tổn thất nhằm mục đích chính là để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất của đối tượng bảo hiểm để bên bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm. Kết quả của quá trình thực hiện giám định tổn thất sẽ được ghi trong biên bản giám định, trong văn bản đó, xác định rõ: tình trạng tổn thất, mức độ thiệt hại, nguyên nhân gây ra tổn thất.
Nhằm mục đích bảo đảm tính chính xác của giám định tổn thất, pháp luật của các nước thường quy định khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, các chủ thể là người tham gia bảo hiểm hoặc các chủ thể là người đại diện phải để nguyên trạng tài sản, không được làm mất dấu vết, xáo trộn hoặc tự động di chuyển trừ khi có sự chứng kiến tại hiện trường của đại diện cơ quan liên quan tạm lập biên bản để chờ giám định.
Theo Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 của Việt Nam quy định, giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền thực hiện. Chí phí giám định tổn thất sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm chịu. Đối với trường hợp khi các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì các bên sẽ có thể trưng cầu giám định viên độc lập, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được việc trưng cầu giám định viên độc lập thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Về bản chất thì giám định tổn thất là việc làm của các chuyên viên giám định, của người bảo hiểm hoặc của các công ty giám định được các chủ thể là người bảo hiểm uỷ quyền, nhằm mục đích chính là để xác định mức độ và nguyên nhân của tổn thất làm cơ sở cho việc bồi thường. Giám định tổn thất trên thuẹc tế sẽ được tiến hành khi các loại hàng hoá bị tổn thất, hư hỏng, đổ vỡ, thiếu hụt, giảm phẩm chất ở cảng đến hoặc trên đường hành trình và trong trường hợp do người được bảo hiểm yêu cầu.
Đối với những tổn thất do mất hàng, giao thiếu hàng hoặc không giao hàng thì không cần phải giám định và cũng không thể giám định được. Chính vì thế, các chủ thể là người được bảo hiểm sẽ cần phải có nghĩa vụ đưa ra những bằng chứng chứng minh về nguyên nhân và mức độ của những tổn thất này. Sau khi giám định, các chủ thể là người giám định sẽ cấp chứng thư giám định. Chứng thư giám định theo quy định của pháp luật hiện hành bao gồm hai loại cụ thể đó là: Biên bản giám định và giấy chứng nhận giám định được gửi cho người được bảo hiểm trong vòng 30 ngày.
Các chủ thể là người được bảo hiểm sẽ có thể tham gia ý kiến với giám định viên để thông nhất về tỷ lệ tổn thất hàng hoá. Đối với trường hợp khi cả hai bên không nhất trí được thì các bên sẽ có thể mời một bên trung gian làm giám định viên độc lập. Biên bản giám định là chứng thư quan trọng trong việc đòi bồi thường, chính bởi vì vậy khi hàng đến cảng đến có tổn thất phải yêu cầu giám định ngay (không muộn hơn 60 ngày kể từ ngày dỡ hàng khỏi tàu). Cơ quan giám định phải là cơ quan được chỉ định trong hợp đồng bảo hiểm hoặc cơ quan được người bảo hiểm uỷ quyền.
Ngay sau khi đã nhận được thông báo tai nạn, tổn thất từ khách hàng qua bất cứ hình thức nào, công ty bảo hiểm sẽ có trách nhiệm cần phải cử ngay nhân viên thu thập thông tin ban đầu liên quan đến tổn thất và mở sổ theo dõi tổn thất, sổ nhận khai báo tổn thất theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.