Chết trong chất lỏng là dạng chết ngạt cơ học, bởi sự ngừng thở cấp tính không hồi phục do chất lỏng đột nhập vào toàn bộ cơ quan hô hấp gây ngạt thở. Chất lỏng như nước ở hồ, ao, sông, suối; rượu; nước mắm; xăng; dầu; hóa chất lỏng v.v...nhưng trong thực tế tiêu biểu do chất lỏng phổ biến nhất là ngạt nước, còn gọi là chết đuối. Vì vậy chương mục này chỉ đề cập đến ngạt nước.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về chết ngạt nước:
Chết ngạt nước thường gặp trong tai nạn rủi ro như đắm tàu, phà, đắm đò, thiên tai lũ lụt làm nhiều người chết nhất là về mùa hè bơi lội quá sức hoặc không biết bơi khi tắm sa phải hố sâu, gặp nạn, ngã úp mặt trong bồn tắm, hố nước. Các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là báo chí luôn đề cập đến vấn đề này.
* Đắm đò làm 4 người chết ở Phượng Sơn – Lục Ngạn – Bắc Giang (ND – 1603).
* Một gia đình có 3 cháu nhỏ, một trai, hai gái (6 – 8 – 11 tuổi) không biết bơi đi qua suối đi qua hố sâu đều chết ở Thanh Tịnh – Thanh Chương – ở Nghệ An (ND – 16053).
* Năm sinh viên của trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây không biết bơi, tắm ở Sông Hồng đều bị tử vong do nước cuốn ( SK.ĐS – 99).
Tự tử bằng chết ngạt nước cũng không phải hiếm; hoàn cảnh dẫn đến cái chết rất đa dạng như buôn bán thua lỗ; nợ nần không trả được; mẫu thuẫn gay gắt giữa các thành viên trong gia đình; giữa vợ chồng; trắc trở tình yêu; nghiện hút không có tiền mua thuốc v.v….Người ta nhận thấy tìm đến tự tử ngạt nước gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới.
Án mạng trong ngạt nước cũng gặp, nhưng hiếm hơn tai nạn và tự tử. Thủ đoạn giết người bằng nhiều cách như bất ngờ hung thủ đẩy nạn nhân xuống nước(*); gây thương tích cho nạn nhân nhưng chưa chết hoặc đã chết rồi vứt xác xuống nước để ngụy trang một tai nạn rủi ro hoặc tự tử. Những thủ đoạn này của hung thủ làm cho công tác giám định Y pháp càng trở nên khó khăn, phức tạp. Đứng trước một thi thể ở dưới nước, một loạt vấn đề Y pháp được đặt ra:
– Nạn nhân chết do ngạt nước hay ném xác xuống nước.
– Thương tích trên thi thể nạn nhân xảy ra lúc còn sống hay xảy ra khi đã chết?
Đây là vấn đề rất khó xác định bởi phần lớn các trường hợp tử thi đã thối rữa, biến dạng, nên việc đánh giá các tổn thương, phân biệt giữa tự tử, tai nạn và án mạng là nan giải, rất nhiều khó khăn. Vì vậy giải quyết vấn đề này phải kết hợp chặt chẽ giữa giám định Y pháp với điều tra hình sự. Sau khi giám định cần lấy đầy đủ bệnh phẩm để làm các xét nghiệm cần thiết như mô bệnh học, tìm Diatome, tìm độc chất v.v…
(*) Thời bao cấp, đôi nam nữ trắc trở tình yêu, họ đứng bên thành cầu treo nói lời ly biệt, lợi dụng người đi xe đạp trên cầu khiến cầu lắc lư, bất ngờ hất bạn xuống sông. Giám định Y pháp xác nhận chết ngạt nước điển hình.
(**) Là người lái xe ôm bị hung thủ trấn lột, cướp xe, đâm, chém nạn nhân nhiều nhát, nạn nhân chống cự quyết liệt, hung thủ đẩy họ xuống sông dìm đến chết. Giám định Y pháp khẳng định chết ngạt nước điển hình với các thương tích xảy ra khi còn sống (đại thể + vi thể – YP 66/1999 Hà Nam).
2. Diễn biến ngạt nước:
Qua thực nghiệm trên súc vật, đối chiếu với những vụ chết đuối được phát hiện, cấp cứu kịp thời, người ta nhận thấy quá trình chết ngạt nước diễn biến qua 3 giai đoạn:
* Chìm trong nước: Nạn nhân vẫn thở từ 10 đến 30 giây, sau đó ngừng thở 1 phút, huyết áp giảm, tim đập chậm do khí carbonic (CO,) tăng tác động tới trung tâm thần kinh hô hấp, các cơ hô hấp co lại.
* Hô hấp trở lại: Nạn nhân luôn ngôi đầu lên, lúc chìm dưới nước (nhấp nhô) chân tay quờ quạng, thở nhanh, hít vào rất mạnh, tiếp theo là co giật, huyết áp giảm, tim đập không đều và tử vong. Đây là giai đoạn chết lâm sàng, nếu vớt lên cấp cứu tích cực, kịp thời, nạn nhân có thể được cứu sống. Giai đoạn này không quá 1 – 2 phút. Tuy nhiên đối với nạn nhân có trạng thái nợ oxy tốt hoặc thể lực khỏe phản ứng ngoi đầu lên mặt nước được nhiều lần, thở hít được nhiều oxy thì giai đoạn này có thể kéo dài hơn.
* Nạn nhân ngừng cử động hoàn toàn: liệt cơ hô hấp, tim ngừng đập và thi thể từ từ chìm sâu dưới nước. Đây là giai đoạn chết sinh học, vô phương cứu chữa.
3. Diễn biến của tử thi trong nước:
Sau khi sự sống kết thúc ở dưới nước, tử thi xảy ra hai hiện tượng:
* Tử thi chìm:
Thời điểm này thi thể ở trạng thái tĩnh, tỷ trọng cơ thể nặng hơn nước, xác dần dần chìm xuống đáy sông, ao, hồ v.v…, ở đây sức chảy của ở dòng nước yếu hoặc không có dòng chảy nên xác có thể nằm yên tại chỗ hoặc di chuyển đi không xa.
Nếu chết ngạt trong nước biển thì tỷ trọng cơ thể gần tương đương với tỷ trọng nước, nên tử thi không chìm xuống đáy biển mà ở trạng thái lơ lửng nên có thể bị dòng nước cuốn đi xa hơn.
* Tử thi nổi:
Xác chìm dưới nước sau 24 giờ hoặc vài ngày, sự hư thối xuất hiện, các vi khuẩn yếm khí trong tử thi phát triển mạnh, sinh hơi khiến tử thi trương to, tỷ trọng nhẹ hơn tỷ trọng nước nên từ từ nổi lên và xác trôi theo dòng nước đi xa. Đàn bà thường trôi ngửa do tổ chức mỡ ở vú, ở thành bụng dày nên phần trước nhẹ hơn. Trái lại, nam giới trôi úp do bộ máy sinh dục là tạng đặc, thành bụng ít mỡ nên phần trước nặng hơn.
4. Cơ chế ngạt nước:
Trên lâm sàng người ta nhận thấy có hai hình thức chết ngạt nước, đó là ngạt tím, trên 90% thường gặp là loại này và ngạt trắng. Có 4 yếu tố tạo thành cơ chế sinh lý bệnh của chết ngạt nước:
* Nước tràn vào đường thở:
Nước tràn vào chiếm lĩnh toàn bộ hệ thống thông khí vận chuyển oxy và carbonic, nước vào theo quy luật thuỷ tĩnh và cơ chế thiếu oxy nạn nhân hít vào mạnh, nước chui vào phổi, ngăn cản sự thông khí gây nên tình trạng thiếu oxy, thừa carbonic cấp tính làm cho máu toan hoá, khiến hệ thống chuyển hóa hô hấp tế bào ngừng trệ và sự sống kết thúc.
* Nước tràn vào máu:
Tình trạng thiếu oxy, thừa carbonic kích thích trung ương thần kinh hô hấp khiến nạn nhân hít vào rất mạnh, nước càng chui sâu vào phế nang làm chúng giãn căng, đồng thời dòng nước vào tạo nên các vòng xoáy trong các phế nang, kết hợp với áp lực thuỷ tĩnh ở đây tăng làm rách các phế nang, vỡ các mạch máu tận cùng của phổi khiến nước tiếp tục vào hệ tuần hoàn pha loãng máu, làm hồng cầu vỡ, máu ở tâm thất trái loãng hơn ở tim phải và gây lên tình trạng ứ máu ở hệ tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch chủ làm gan to. Sự kết hợp giữa vòng xoáy của nước với không khí và máu do vỡ mạch, chúng quyện vào nhau tạo nên một loại bọt có màu trắng hồng giống bọt xà phòng nhưng có độ keo cao bởi có mặt của tơ huyết (fibrin), bọt này thả vào nước khó tan, nó từ phổi trào ra mồm, mũi giống hình một chiếc nấm nên người ta gọi là nấm bọt. Hình ảnh của nấm bọt là một trong những dấu hiệu đặc trưng của chết ngạt nước. Tuy nhiên nó chỉ có giá trị ở thời điểm tử thi còn tươi (chưa thối rữa)
* Tổn thương phổi:
Nước tràn ngập phổi bởi áp lực thuỷ tĩnh và sự hít vào rất mạnh của nạn nhân tạo nên hình ảnh phù phổi cấp. Lòng các khí phế quản và các phế nang chứa đầy nước bọt; vách các phế nang rách; các vi mạch của các phế nang vỡ khiến cơ quan hô hấp bị tê liệt hoàn toàn.
* Phản xạ ức chế:
Tử vong ngạt nước do phản xạ ức chế là sinh lý bệnh của ngạt trắng, thường gặp ở những người có trạng thái thần kinh nhạy cảm khi cơ thể thụ cảm sự sợ hãi, sự sung sướng quá mức, cơ thể tiếp xúc đột ngột với các tác nhân như lạnh, áp lực, độ cao, nhất là tiếp xúc với các vùng mẫn cảm đã được xác định như vùng bụng nhất là khi ăn no ( đám rối dương); vùng hầu họng; màng nhầy của mũi, đường hô hấp và sự mất thăng bằng của thần kinh trung ương v.v… Khi tình huống xảy ra, phản xạ ức chế làm ngừng hô hấp, tim ngừng đập và cái chết tức khắc xảy ra. Chết ngạt nước do phản xạ ức chế gặp ở cả người biết bơi và nạn nhân không biết bơi. Giám định ngạt trắng không có dấu hiệu của chết ngạt nước; duy nhất chỉ thấy da, niêm mạc trắng bệch.
5. Giám định y pháp tử thi ngạt nước:
Giám định thi thể chết trôi nói chung và giám định chết ngạt nước nói riêng trong thực tế gặp rất nhiều khó khăn, bởi hầu hết các trường hợp đến với giám định viên tử thi đều ở giai đoạn hư thối, các dấu hiệu cơ bản của ngạt nước đều lu mờ hoặc không còn để đánh giá nhận định. Các giấy tờ tùy thân, các đặc điểm cá thể của nạn nhân đều biến mất nên việc nhận dạng nạn nhân không phải dễ dàng. Đứng trước một thi thể chết trôi một loạt câu hỏi đặt ra cho người giám định:
– Nạn nhân là ai?
– Nạn nhân chết ngạt nước?
– Nạn nhân bị ném xác xuống nước?
– Nạn nhân chết từ bao giờ?
Để phúc đáp được những câu hỏi này đòi hỏi giám định viên phải khám bên ngoài và bên trong hết sức tỉ mỉ, thận trọng và lấy những mẫu vật phẩm làm các xét nghiệm cần thiết.
5.1. Dấu hiệu bên ngoài tử thi ngạt nước:
* Tử thi còn tươi:
– Cơ thể nạn nhân lạnh, mềm.
– Mắt, môi, niêm mạc miệng tím, có thể thấy các chấm chảy máu dưới niêm mạc, da nổi gai ốc hoặc dạng da gà, da lòng bàn tay, bàn chân trắng bệch, nhăn nheo, da vú, bìu dái và dương vật săn lại (dấu hiệu ngâm nước). Hoen tử thi xuất hiện sớm và lan rộng. Mũi, mồm có khối bọt màu trắng hồng, sùi ra gồm các bong bóng bọt nhỏ, dính, khó tan trong nước còn được gọi là nấm bọt.
– Nấm bọt được hình thành do nước tràn vào phổi làm rách các phế nang, vỡ các mao mạch, máu trộn lẫn với nước và không khí. Ta có thể đè ép ngực tử thi, bọt ở trong phổi sẽ đùn ra mồm, mũi.
– Móng tay, móng chân có thể thấy đất, bùn hoặc các dị vật khác dắt vào do nạn nhân bị ngạt giãy giụa, tay chân quờ quạng vào bờ sông, đáy hồ, ao v.v…
– Thương tích: Có thể thấy thương tích trên tử thi nạn nhân trong nhiều tình huống khác nhau như tự tử, nhảy hoặc bị hất từ trên cao xuống nước, ở đó có đá ngầm, cây cọc hay bị ngạt thở, co giật, giãy giụa hoặc bị dòng nước chảy xiết cuốn nạn nhân đi va đập vào các vật có ở sông, suối, ao, hồ v.v… Cũng không loại trừ khả năng nạn nhân tự gây thương tích, uống hoá dược độc nhưng không chết, cuối cùng thay bằng chết ngạt nước. Đáng lưu ý hơn cả là án mạng cố ý gây thương tích ngụy trang giả hiện trường tự tử bằng chết ngạt nước. Đây là vấn đề rất khó, đòi hỏi người giám định viên phải khám xét tỉ mỉ, phân biệt được thương tích xảy ra khi còn sống và xảy ra sau khi chết.
* Tử thi đã thối rữa:
Thời gian tử thi thối rữa sớm hay muộn phụ thuộc vào thời tiết nóng hay lạnh. Thời tiết nóng sự hư thối phát triển nhanh; phụ thuộc vào môi trường nước ngâm tử thi ô nhiễm nhiều hay ít, bởi ô nhiễm nặng vi khuẩn nhiều kết hợp với vi khuẩn sinh ra trong cơ thể phân huỷ xác càng nhanh, môi trường nước ngọt xác thối rữa sớm hơn ở nước mặn; thời gian hư thối tử thi còn phụ thuộc vào sự lưu thông của nước, nếu thi thể ở sông, suối nước lạnh, chảy xiết su thối rữa phát triển chậm hơn ở nước tĩnh. Đặc biệt tử thi chìm dưới nước khi nổi lên tiếp xúc với không khí, ánh sáng và nhiệt độ cao, oxy hoá mạnh nên sự thối rữa diễn ra rất nhanh chóng, thể hiện da từ màu trắng nhạt trở thành xanh lục rồi nâu đen, mặt và toàn thân trương to, mắt lồi, môi trề, miệng loe, lưỡi thè, có khi áp lực hơi thối trong tử thi đẩy trực tràng, tử cung lồi ra ngoài. Qua hư thối của tử thi, người ta cũng ước đoán được thời gian nạn nhân chết.
* Một vài giờ sau chết, da nhăn nheo, nổi gai ốc
* Sau chết từ 10 giờ đến 1 ngày, lớp thượng bì lòng bàn tay, bàn chân bong ra dễ dàng
* Sau 2 đến 4 ngày toàn bộ biểu bì lòng bàn tay, bàn chân bong ra từng mảng.
* Sau 5 đến 10 ngày da bàn tay, bàn chân tuột ra như găng tay, đế giày, bít tất.
* Sau 10 đến 15 ngày, tóc, lông, móng, thậm chí cả da đầu cũng bong ra để trơ xương sọ.
* Xà phòng hoá tử thi còn gọi là sáp hoá tử thi xuất hiện từ vài tuần đến vài tháng. Sự xà phòng hoá tử thi bắt đầu ở mặt, thấy phủ chất màu ngà, vàng trơn, nhầy do protein của cơ thể bị phân huỷ thành mỡ và ammoniac. Ammoniac lại tác dụng ngay lên mỡ làm cho mỡ gắn với glycerin trong cơ thể tạo nên chất xà phòng có màu vàng với sơ đồ sau:
* Thương tích: Thương tích trên tử thi nạn nhân thời kỳ thối rữa rất hay gặp; nhưng đánh giá những tổn thương này xảy ra lúc còn sống hay xảy ra sau khi chết, do vật gì gây nên? v.v…là rất khó khăn (tham khảo phần thương tích trên tử thi còn tươi). Thương tích trên thi thể thời kỳ thối rữa trước hết phải loại trừ thương tích do án mạng; thứ đến sự thường gặp là thương tích xảy ra sau chết trong hai tình huống:
* Tổn thương do quá trình xác di chuyển bởi dòng nước,
* Tổn thương do các sinh vật dưới nước và các loại chim, chuột ăn tử thi thường đa dạng, không có hình ảnh đặc trưng và thường thấy ở những nơi không có quần áo che phủ như đầu, mặt, tai v.v…
5.2. Dấu hiệu bên trong tử thi ngạt nước:
* Tử thi còn tươi:
– Phổi:
Hai hố phổi có ít dịch hồng; hai lá phổi phù căng to, màu trắng xám loang lổ, bờ tù, có thể thấy nếp lằn xương sườn trên mặt phổi; rải rác có các chấm chảy máu nhỏ dưới màng phổi (dấu hiệu Tardieu) hoặc thấy các điểm chảy máu lớn hơn cũng ở dưới màng phổi, thường gặp ở mặt trước phổi hay ở bờ phổi rãnh liên thuỳ (dấu hiệu Paltauf). Nắn phổi mất cảm giác lép bép, cảm nhận phổi chắc. Hệ thống khí phế quản chứa đầy dịch bọt trắng hồng, những trường hợp điển hình thấy dị vật như đất, cát, rong rêu v.v… trong đường thở, có khi thấy cả thức ăn từ dạ dày trào ngược. Qua diện cắt phổi thấy nhiều dịch bọt hồng chảy ra, mặt cắt loang lổ, nơi đỏ sẫm, chỗ trắng hồng.
Dưới kính hiển vi, người ta có thể thấy màng phổi có các ổ chảy máu to nhỏ khác nhau tập trung nhiều hồng cầu, các phế nang giãn rộng, lòng chứa đầy thanh tơ huyết bắt màu hồng thuần nhất, đôi khi lẫn ít hồng cầu, hiếm khi thấy dị vật. Vách các phế nang mỏng, nhiều nơi thấy mất liên tục do vỡ, các huyết quản cũng giãn, có nhiều hồng cầu. Các phế quản tận cũng giãn, biểu mô trụ xẹp, đôi khi thấy có dị vật lắng đọng ở đó.
– Dạ dày, ruột:
Phần lớn các trường hợp thấy trong dạ dày, tá tràng có nước bởi khi ngạt, nạn nhân gắng sức thở hít vào, nước cũng vào phổi kèm theo uống nhiều nước gây sặc sụa nên trong dạ dày ngoài nước ra còn có thể thấy các dị vật đơn thuần như đất, cát, rong rêu hoặc lẫn với thức ăn. Nước có trong tá tràng là một dấu hiệu có giá trị chẩn đoán chết dưới nước, chứng tỏ nạn nhân uống nhiều nước và khi đó dạ dày còn co bóp.
– Gan: thường to, màu tím nhạt, nắn chắc. Qua diện cắt thấy nhiều máu loãng chảy ra. Dưới kính hiển vi thấy các tĩnh mạch trung tâm tiểu thuỳ, các xoang tĩnh mạch nan hoa đều giãn rộng chứa hồng cầu, có thể thấy vài ổ chảy máu nhỏ.
– Tim: thượng tâm mạc có thể thấy các chấm chảy máu, các buồng tim giãn nhất là tâm thất phải bởi khối lượng nước vào hệ tuần hoàn khá lớn, mà máu loãng, độ keo giảm nên trong buồng tim thường không có cặn máu đông.
– Nước trong xương đá – hòm nhĩ – xoang bướm, chảy máu tai trong cũng là một dấu hiệu có giá trị chẩn đoán chết ngạt nước mà bình thường không thể có bởi phản ứng tự nhiên để thoát khỏi ngạt nạn nhân hít vào rất mạnh cùng với phản xạ sặc nước khiến nước chui qua vòi Eustachi vào tai trong, xoang bướm. Khi khám nghiệm tử thi, bóc bỏ màng cứng ở nền sọ, mặt trên xương đá lộ ra có thể kiểm tra hòm nhĩ dễ dàng.
* Tử thi thối rữa:
Sự thối rữa của tử thi đã xóa hết các dấu vết đặc hiệu của mọi hình thái chết Y pháp. Tất cả các phần mềm của cơ thể đều bị thoái hóa, hoại tử và hư biến, không còn cơ sở để nhận định được tổn thương, nhất là thương tích của phần mềm. Tuy nhiên trong khó khăn này đối với chết ngạt nước cần phải lưu ý:
Trong khoang phổi có từ 150ml nước màu hồng trở lên mới có ý nghĩa đối với phổi ngạt nước, bởi lượng nước hít vào phổi khi phổi hư thối chúng sẽ thoát ra.
– Kiểm tra kỹ tìm dị vật đất, cát v.v… lắng đọng trên niêm mạc hệ thống khí phế quản.
– Tìm dị vật đất, cát v.v…lượng nước trong dạ dày.
– Tìm dấu hiệu hòm nhĩ, xoang bướm có nước hoặc bị chảy máu.
Tìm Diatome trong gan, thận và tuỷ xương là một xét nghiệm có độ tin cậy cao và có ý nghĩa rất lớn góp phần quan trọng trong chẩn đoán chết ngạt nước mà tử thi đã hư thối hoặc phải khai quật để giám định. Diatome là loại sinh vật rất nhỏ, sống cùng với các chất phù du ở trong nước ao, hồ, sông, suối và có ở cả nước biển.
Ở mỗi vùng sinh thái khác nhau lại có một số loài Diatome sống riêng biệt. Do đặc điểm sống cư trú riêng ấy nên việc xét nghiệm tìm Diatome trong các phủ tạng, trong tuỷ xương có ý nghĩa rất lớn trong giám định Y pháp chết ngạt nước, nhất là chết ngạt nước tử thi đã thối rữa. Sự có mặt của Diatome trong phủ tạng, tuỷ xương chứng tỏ nước đã xâm nhập vào máu, mặt khác mỗi vùng sinh thái có loại Diatome riêng biệt nên sự có mặt của các loại Diatome khác nhau giúp ta phỏng đoán được nơi nạn nhân bị ngạt nước. Để đạt được ý nghĩa đó, điều kiện lý tưởng khi xét nghiệm Diatome bao giờ cũng phải lấy 3 mẫu:
- Mẫu nước ở nơi nghi ngờ nạn nhân ngạt nước
- Mẫu nước ở nơi vớt thi thể nan nhân
- Mẫu các phủ tạng hay tuỷ xương của nạn nhân.
Tuy nhiên trong thực tế ta chỉ lấy được mẫu số 2 và mẫu số 3. Giá trị chẩn đoán ngạt nước khi tìm thấy Diatome trong phủ tạng nhất là trong tuỷ xương đùi có hình ảnh giống với Diatome có trong nước nơi xảy ra vụ việc cho phép giám định viên kết luận nạn nhân chết ngạt nước.
5.3. Các xét nghiệm bổ sung:
* Xét nghiệm mô bệnh học:
Mẫu vật phẩm lấy từ vết thương, từ phổi v.v… làm tiêu bản theo một quy trình giám định phức tạp, quan sát qua kính hiển vi có thể cho biết thương tích xảy ra khi còn sống hay xảy ra khi đã chết; phổi phù hay không phù, phù đến mức độ nào?, có chảy máu hay không?, và còn phát hiện được cả tổn thương bệnh lý.
* Xét nghiệm Diatome:
Đây là một xét nghiệm phức tạp, đòi hỏi cách lấy các dụng cụ, phương tiện, hoá chất dùng để xét nghiệm phải sạch tuyệt đối và tinh khiết bởi Diatome có rất nhiều ở thiên nhiên, kể cả trong không khí.
Diatome có hai nhóm thuộc động vật (Zooplankton) và thực vật (Phytoplankton). Zooplankton là loại động vật có cấu trúc đơn giản, đa dạng, nhiều hình thể khác nhau và dễ bị hư thối vì vậy ít được dùng trong Y pháp. Phytoplankton cũng có nhiều loại khác nhau cả về hình thể và cấu trúc, có loại đơn lẻ, có loại sống thành đám. Vỏ bọc bên ngoài có loại là Cellulose, có loại là Silicat, có loại có nhân hoặc không có nhân, hình thái đa dạng: hình cầu, hình đĩa, hình trứng, hình que v.v…Trong Y pháp chỉ tìm loại có vỏ Silic. Diatome có vỏ Silic còn gọi là Bacillariophyta Diatomeae. Chúng sống ở nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Loại này thường có tế bào hình que, có khi hình cầu, hình ống, hình đĩa và dạng tinh thể v.v…Diatome sống ở nước mặn Stephanodiseus. Tảo nước ngọt thuộc họ Navicula. Các loại Diatome này còn sống được cả ở nước lợ.
Để quan sát được Diatome trong phủ tạng và trong nước, người ta phá huỷ mô các mẫu vật xét nghiệm để tìm Diatome thoát ra ngoài bởi quá trình oxy hoá bằng acid sulfuric hoặc acid nitric hay bằng nước oxy già (H,O,) sau đó ly tâm lấy cặn dàn lên lam kính và tìm chúng qua kính hiển vi. (theo N.V.N-1996).
* Xét nghiệm tìm băng điểm của máu (độ đông lạnh – hoá đá):
Để phân biệt được nạn nhân chết ngạt nước ngọt hay chết ngạt nước mặn (nước biển), ngoài sự quan sát tìm các dấu vết trên đại thể người ta còn xét nghiệm tìm băng điểm của máu dựa trên nguyên tắc máu gặp lạnh sẽ đông lại tăng hay giảm ( sớm hay muộn ) tỷ lệ nồng độ phân tử trong máu. Do đó khi máu bị pha loãng bởi nước ngọt thì băng điểm của máu tăng. Trái lại máu bị pha loãng bởi nước biển mặn thì băng điểm của máu giảm. Người ta đã xác định được hằng số băng điểm máu:
– Băng điểm của máu người: 0,56
– Băng điểm máu tim phải của người chết trong nước ngọt: 0,64
– Băng điểm máu tim trái của người chết trong nước ngọt: 0,47
– Băng điểm của nước biển: 2,18
– Băng điểm máu tim phải của người chết trong nước mặn: 1,04
– Băng điểm máu tim trái của người chết trong nước mặn: 1,18