Trong quan hệ tiêu dùng, khi phát sinh tranh chấp giữa người bán hàng và người thụ hưởng hàng hóa, dịch vụ, thì giải quyết tranh chấp bằng Tòa án luôn là một phương thức hiệu quả. Vậy giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng bằng Toà án được quy định như thế nào? Cùng tìm hiểu bài viết dưới dây.
Mục lục bài viết
1. Các dạng tranh chấp với người tiêu dùng:
Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức. Hiện nay, tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng có thể hiểu tranh chấp giữa người tiêu dùng với cá nhân, tổ chức được hiểu là sự bất đồng chính kiến, sự mâu thuẫn hay xung đột về lợi ích, về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể tham gia vào quan hệ tiêu dùng. Theo đó, tranh chấp với người tiêu dùng có thể có các dạng cơ bản sau:
– Tranh chấp về số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn hàng hoá, dịch vụ được cung ứng;
– Tranh chấp về thực hiện các nghĩa vụ cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cung ứng hàng hoá, dịch vụ của mình;
– Tranh chấp về thực hiện các nghĩa vụ bảo hành, thu đổi hàng hoá, trả lại tiền, thu hồi hàng hoá theo quy định của pháp luật;
– Tranh chấp về các điều kiện giao dịch chung và hợp đồng theo mẫu của tổ chức, cá nhân cung ứng hàng hoá, dịch vụ;
– Tranh chấp về hành vi lừa dối hoặc gây nhầm lẫn của thương nhân cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác;
– Tranh chấp về hành vi ép buộc, quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hoá, dịch vụ của thương nhân trái với ý muốn của người tiêu dùng;
– Tranh chấp về nghĩa vụ đảm bảo an toàn bí mật thông tin của người tiêu dùng khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hoá, dịch vụ.
Giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng được hiểu là việc lựa chọn các hình thức, các phương pháp thích hợp nhằm giải tỏa các bất đồng mâu thuẫn, xung đột về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể kinh doanh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có tranh chấp; tạo lập lại sự cân bằng về mặt lợi ích mà các bên có thể chấp nhận được.
2. Giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng bằng Toà án:
Có nhiều phương thức giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng, trong đó giải quyết tranh chấp bằng Toà án là phương thức giải quyết tranh chấp trên cơ sở khởi kiện của một bên tranh chấp, yêu cầu Toà án có thẩm quyền xét xử nhân danh quyền lực nhà nước, được tiến hành theo một trình tự thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ và đưa ra bản án hay quyết định về vụ tranh chấp trên cơ sở quy định của pháp luật và được đảm bảo thi hành bản án hoặc quyết định bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước. Đây là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của cơ quan tài phán Nhà nước, nhân danh quyền lực Nhà nước để đưa ra phán quyết buộc các bên có nghĩa vụ thi hành, kể cả bằng sức mạnh cưỡng chế. Do đó, các đương sự thường tìm đến sự trợ giúp của Toà án như một giải pháp cuối cùng để bảo vệ có hiệu quả các quyền, lợi ích của mình khi họ thất bại trong việc sử dụng cơ chế thương lượng hoặc hoà giải và cũng không muốn vụ tranh chấp giữa hai bên được giải quyết bằng phương thức trọng tài.
Căn cứ theo Điều 41 Luật Bảo vệ người tiêu dùng, ngoài các tranh chấp đáp ứng ba điều kiện xét xử theo thủ tục tố tụng rút gọn thì các tranh chấp tiêu dùng khác khi được đưa ra xét xử tại Tòa án sẽ áp dụng trình tự tố tụng như đối với giải quyết một vụ án dân sự thông thường, khi đó quy trình khởi kiện và giải quyết tranh chấp sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự thì thẩm quyền giải quyết tranh với người tiêu dùng được quy định đó là: Thẩm quyền theo vụ việc, thẩm quyền theo cấp xét xử, thẩm quyền theo lãnh thổ và thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn. Việc xác định đúng thẩm quyền của cơ quan giải quyết là điều cần thiết trong hoạt động tố tụng nói chung và tố tụng kinh doanh, thương mại nói riêng. Khi có tranh chấp phát sinh, cần xác định rõ cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật để đảm bảo việc giải quyết được đúng đắn, chính xác và hợp pháp.
Khi sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án, người tiêu dùng không phải nộp tạm ứng án phí. Đây là quy định thể hiện rõ sự khuyến khích người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình từ phía Nhà nước. Trên thực tế, người tiêu dùng luôn có tâm lý ngại kiện tụng do quá trình theo đuổi vụ án giải quyết tranh chấp mất nhiều thời gian, chưa biết kết quả đạt được hay không, chưa kể đến vấn đề về tài chính. Việc quy định người tiêu dùng không phải nộp tạm ứng án phí khi khởi kiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng mạnh dạn khởi kiện bảo vệ quyền lợi của mình.
Đồng thời Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng quy định thông tin về vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải được công bố công khai sau khi thụ lý và sau khi xét xử. Việc công khai thông tin không chỉ giúp cho người tiêu dùng có liên quan biết để cùng tham gia vụ kiện (nếu có), mà còn góp phần tuyên truyền, phổ biến các vụ án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để người tiêu dùng nắm rõ hơn về quyền lợi của mình, hiểu được cách thức bảo vệ quyền lợi của mình và những người tiêu dùng khác khi có hành vi xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp từ thương nhân.
3. Ưu điểm, hạn chế của việc giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng bằng Tòa án:
Mỗi phương thức giải quyết tranh chấp có những đặc điểm riêng, đặc điểm đó hoặc tạo ra những ưu điểm hoặc mang lại những hạn chế trong quá trình giải quyết tranh chấp, cơ chế giải quyết tranh chấp bằng Tòa án cũng vậy, bên cạnh những ưu điểm dễ nhận thấy thì cơ chế giải quyết bằng Tòa án cũng có những hạn chế nhất định.Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cơ chế giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng bằng Tòa án tại Việt Nam là cách thức giải quyết đóng vai trò quan trọng nhất và là phương thức được hầu hết các chủ thể lựa chọn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của mình.
Toà án là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước được tiến hành theo trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ và bản án hay quyết định của Toà án về vụ tranh chấp nếu không có sự tự nguyện tuân thủ sẽ được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế Nhà nước. Nếu như việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài mang đặc điểm tôn trọng quyền thỏa thuận hay ý chí của các bên tham gia để đưa ra phán quyết thì đặc trưng cơ bản của thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Tòa án là thông qua hoạt động của bộ máy tư pháp và nhân danh quyền lực nhà nước để đưa ra phán quyết buộc các bên có nghĩa vụ thi hành, kể cả bằng sức mạnh cưỡng chế.
Kết quả của cơ chế giải quyết tranh chấp bằng Tòa án được thể hiện qua bản án- phán quyết của Tòa án. Bản án của Tòa án có hiệu lực bắt buộc các bên tuân thủ và nó được bảo đảm thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước.
Bên cạnh đó là một số hạn chế như: thủ tục giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án thường dài hơn so với giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. Hơn nữa, nguyên tắc xét xử công khai tại Tòa án không phù hợp với tính chất của hoạt động kinh doanh và tâm lý của giới doanh nghiệp (có thể làm sút giảm uy tín của các bên trên thương trường; lộ các bí mật kinh doanh…). Ngoài ra, bản án xét xử xong chưa được thi hành ngay mà các bên có quyền kháng cáo khiếu nại nên thời gian kéo dài.
Các văn bản sử dụng trong bài viết:
– Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010;
– Luật Trọng tài thương mại năm 2010;
– Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015 .