Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Hoàn thiện khuôn khổ chính sách và pháp luật về quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Việt Nam:
Thứ nhất, xem xét phê chuẩn Công ước UNESCO về chống phân biệt đối xử trong giáo dục. Công ước UNESCO chống phân biệt đối xử trong giáo dục, được thông qua tại Đại hội đồng UNESCO năm 1960, là một trong các công cụ thiết lập tiêu chuẩn của UNESCO về lĩnh vực giáo dục. Công ước này khẳng định, được giáo dục là một quyền cơ bản và nhấn mạnh nghĩa vụ của các quốc gia nhằm đảm bảo giáo dục miễn phí và bắt buộc cũng như cấm mọi hình thức phân biệt đối xử trong khi thúc đẩy bình đẳng về cơ hội được giáo dục. Công ước quan trọng này là nền tảng của Chương trình nghị sự 2030 về Giáo dục và là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy giáo dục chất lượng toàn diện, công bằng cho tất cả mọi người. Đến nay, 107 quốc gia đã phê chuẩn công ước này. Các quy định trong công ước hướng tới việc tiếp cận giáo dục có chất lượng cho trẻ em, đặc biệt với những nhóm trẻ em khuyết tật, trẻ em sinh sống ở khu vực nông thôn và miền núi. Việt Nam có thể thể hiện cam kết về việc chấm dứt phân biệt đối xử trong giáo dục bằng việc phê chuẩn và nội luật hóa những nguyên tắc trong công ước này.
Thứ hai, đơn giản hóa, giảm tải thủ tục nhập học. Nếu quyền được giáo dục đã là quyền của mọi trẻ em, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, điều kiện kinh tế hoặc dòng dõi…, và quả thật là như vậy, thì không có lý do gì để tình trạng trẻ em không được đi học tiếp diễn như hiện tại. Tất cả những quy định về thủ tục hành chính đang là rào cản khiến trẻ em không thể nhập học cần được xem xét để thay đổi. Việc trẻ em không được đăng ký khai sinh là trách nhiệm của người lớn, bao gồm gia đình, các cơ quan liên quan và cả xã hội nhưng chính trẻ em lại phải chịu hậu quả cho hành vi không do mình gây ra.
Thứ ba, đảm bảo quyền được khai sinh của mọi trẻ em. Cần có sự phối kết hợp giữa các cơ sở y tế với cơ quan có thẩm quyền đăng ký và quản lý hộ tịch. Các cơ sở y tế quản lý và có danh sách đầy đủ nhất trẻ em được sinh ra nhưng họ không có trách nhiệm phải gửi tất cả thông tin này cho các cơ quan đăng ký hộ tịch. Trên thực tế, có trường hợp cơ sở y tế từ chối phản hồi khi cơ quan đăng ký hộ tịch gửi
Đồng thời, pháp luật hiện hành quy định trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ thuộc về gia đình, bao gồm cha, mẹ, ông, bà, người thân thích khác và công chức tư pháp – hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn, cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động. Tuy nhiên, không có chế tài gì với hành vi không đăng ký khai sinh cho con và việc thực hiện trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em phụ thuộc nhiều vào sự nhiệt tình, trách nhiệm của từng người công chức tư pháp – hộ tịch. Đặc biệt, những trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế thì càng cần sự theo dõi chặt chẽ của chính quyền địa phương để đảm bảo các trẻ em này được đăng ký khai sinh, thừa nhận và bảo vệ trước pháp luật.
Việc chưa quy định chặt chẽ trách nhiệm của gia đình, cơ quan chức năng cùng với việc chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan dẫn đến nhiều trường hợp trẻ em chưa được đăng ký khai sinh, dẫn đến tình trạng trẻ không tiếp cận được quyền giáo dục cũng như các quyền cơ bản khác.
Thứ tư, rà soát, sửa đổi, bổ sung và thực hiện tốt các chính sách đảm bảo quyền được giáo dục của trẻ em khuyết tật. Đầu tiên, cần bổ sung quy định về mặt nguyên tắc: “người khuyết tật có quyền được học tập, giáo dục trên cơ sở bình đẳng với những người không khuyết tật với hỗ trợ phù hợp” nhằm khẳng định quyền được giáo dục của người khuyết tật. Đồng thời, để khẳng định quyền học tập suốt đời của người khuyết tật và để đảm bảo người khuyết tật không bị loại khỏi hệ thống giáo dục phổ thông vì lý do khuyết tật, cần phải bổ sung quy định mang tính nguyên tắc: “người khuyết tật có quyền học tập suốt đời, không bị loại khỏi hệ thống giáo dục phổ thông vì lý do khuyết tật”. Có như vậy, pháp luật về quyền được giáo dục của người khuyết tật mới tương thích với quy định của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật.
Thứ năm, sửa đổi định nghĩa “trẻ em” phù hợp với quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Theo Luật Trẻ em, “trẻ em là người dưới 16 tuổi” trong khi công ước CRC quy định “trẻ em là người dưới 18 tuổi trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”. Khác biệt này phần nào đã được Luật Thanh niên giải quyết khi quy định thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 18 được đảm bảo các quyền theo Công ước CRC. Tuy nhiên, các nội dung chi tiết liên quan đến các chính sách Nhà nước đối với trẻ em, các quy định về quyền giáo dục của trẻ em trong Luật trẻ em mới chỉ áp dụng cho trẻ ở độ tuổi dưới 16.
Thứ sáu, mở rộng phạm vi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ trong giáo dục. Như đã phân tích trước đó, hiện không có một định nghĩa chung chính thức nào cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và cũng không có một tập hợp nào liệt kê đầy đủ các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt mà mỗi quốc gia, tùy thuốc vào tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của mình mà xác định xem nhóm trẻ em nào là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và cần áp dụng những biện pháp hỗ trợ để khắc phục sự bất bình đẳng trong việc thụ hưởng quyền, trong đó có quyền giáo dục của các em. Trong khuôn khổ luận văn này, tác giả đã phân tích một số nhóm trẻ em gặp rất nhiều rào cản trong tiếp cận giáo dục nhưng không được liệt kê trong các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định pháp luật Việt Nam, như nhóm trẻ em sống trong đói nghèo, trẻ em di cư nội địa. Cần nghiêm túc rà soát lại xem còn nhóm trẻ em dễ bị tổn thương nào bị bỏ sót và chưa nhận được hỗ trợ phù hợp để thực hiện những quyền cơ bản của các em và mở rộng hỗ trợ với những nhóm trẻ em chưa nhận được sự hỗ trợ thích đáng.
2. Hoàn thiện cơ chế bảo vệ và giám sát quyền trẻ em:
Các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền trẻ em đã được pháp luật quy định rõ nhưng cần tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan này trong phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ trẻ em trong các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bởi nguy cơ dễ bị lề hóa của các em. Bên cạnh việc bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng, bỏ rơi thì cũng cần quan tâm đến việc tiếp cận giáo dục của trẻ em. Như đã phân tích ở trên, quyền được giáo dục là cơ sở để trẻ em tiếp cận những quyền khác, là công cụ để giúp trẻ em tham gia vào xã hội, cuộc sống một cách tích cực, hiệu quả và cũng là đòn bẩy nâng cao quyền năng của các em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng quyền này cũng rất dễ bị phạm, như đã phân tích. Vì vậy, việc quan tâm, bảo đảm, bảo vệ quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh việc tăng tính hiệu quả trong cơ chế bảo vệ quyền trẻ em thì cũng cần tăng cường hệ thống giám sát hiện tại – tiếp tục hỗ trợ và tăng cường các cơ chế giám sát quyền trẻ em và biện pháp khắc phục vi phạm quyền trẻ em hiện tại. Các cơ quan hiện nay có chức năng giám sát quyền trẻ em ở cả cấp quốc gia và cấp tỉnh cần bảo đảm có năng lực giám sát đầy đủ và chuyên biệt trong cơ cấu tổ chức của mình. Tiếp đến là xây dựng cơ chế tiếp cận dựa trên quyền trẻ em. Theo đó, các cơ chế theo dõi giám sát hiện nay cần chuyển từ giám sát tuân thủ các thủ tục và quy định sang tiếp cận – lấy trẻ em làm trung tâm vào giám sát kết quả, then chốt của quá trình là tương tác liên tục với trẻ.
Cùng với đó, cần nghiêm túc xem xét thành lập cơ chế giám sát độc lập việc thực hiện quyền trẻ em nhằm đảm bảo luật pháp và các chính sách về trẻ em được thực thi trên thực tế. Cơ chế giám sát độc lập nghĩa là các cơ quan có chức năng giám sát không được có mối liên hệ lợi ích nào với cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình giám sát. Cơ chế này sẽ tạo được mối quan hệ mật thiết giữa luật pháp và việc thực thi trong đời sống; phát hiện các khó khăn thách thức, đề xuất giải pháp và theo dõi tiến độ thực hiện quyền trẻ em; đồng thời, với sự giám sát của các tổ chức độc lập, những biện pháp khắc phục các vi phạm về quyền trẻ em sẽ được giải quyết nhanh chóng. Tổ chức giám sát độc lập cũng đóng vai trò thông tin đến cơ quan quản lý nhà nước về những vấn đề liên quan đến trẻ em. Cơ chế này cũng hỗ trợ trẻ em tham gia vào việc đưa ra các quyết định quan trọng.
3. Thực hiện các biện pháp kinh tế – văn hóa – xã hội khác:
Thứ nhất, xây dựng chiến lược và thực hiện kế hoạch để từng bước chấm dứt đói nghèo
Trẻ em nghèo nhất dễ bị lề hóa nhất, trong tất cả các tình huống, chính những trẻ em nghèo nhất lại bị bỏ lại phía sau nhiều nhất. Ở các nước giàu, cứ 5 trẻ thì có một trẻ sống trong tình trạng nghèo khổ [8] và có phải chịu cảnh nhà ở chất lượng thấp, chế độ ăn uống nghèo nàn, thiếu trường học và cơ hội giải trí [9]. Trẻ em trên toàn thế giới có nguy cơ sống trong tình trạng cực kỳ nghèo đói cao gấp đôi so với người lớn. Chấm dứt đói nghèo là xóa bỏ một rào cản lớn trong tiếp cận quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Chấm dứt đói nghèo và đảm bảo việc làm ổn định với thu nhập đảm bảo cuộc sống cho những người trong độ tuổi lao động sẽ làm giảm nguy cơ trẻ em không được đi học vì gia đình không có khả năng chi trả chi phí học hành, giảm nguy cơ trẻ phải bỏ học sớm để tham gia vào thị trường lao động. Tiếp tục thực hiện giảm nghèo thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, trong đó đảm bảo hỗ trợ cho hộ gia đình gắn liền với mục tiêu giáo dục. Những biện pháp hỗ trợ giảm nghèo nên đi kèm điều kiện yêu cầu cha mẹ cho con đến trường và duy trì việc đi học ít nhất đến hết trung học cơ sở.
Thứ hai, tăng cường các biện pháp ngăn ngừa lao động trẻ em.
Song song với các biện pháp chấm dứt nghèo đói thì chính phủ cũng cần có những biện pháp ngăn ngừa lao động trẻ em để giảm tối đa tình trạng trẻ em phải nghỉ học để ở nhà phụ giúp gia đình hay tham gia vào thị trường lao động. Trong đó có các biện pháp: (i) nỗ lực phổ cập giáo dục trung học cơ sở và đảm bảo các cơ hội học tập cho cả trẻ em trai và trẻ em gái; (ii) xây dựng và thực hiện các biện pháp hỗ trợ trong trường hợp trẻ em có nguy cơ nghỉ học, trẻ em tạm thời nghỉ học hoặc các em mới chuyển cấp để giúp các em có thể theo kịp chương trình học và hoàn thành việc học; (iii) nâng cao nhận thức của các cộng đồng địa phương và các bậc cha mẹ về tầm quan trọng của giáo dục và những bất cập của vấn đề lao động trẻ em; (iv) thúc đẩy cam kết của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền giáo dục của trẻ em bằng cách hạn chế thuê tuyển lao động trẻ em dẫn đến tình trạng các em phải bỏ học.
Thứ ba, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.
Giáo dục mầm non có ý nghĩa quan trọng đối với sự sẵn sàng đi học của trẻ em trong các cấp học tiếp theo. Sự sẵn sàng đi học tiểu học của trẻ có thể được cải thiện thông qua việc tham gia chương trình giáo dục mầm non. Giáo dục mầm non đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ em, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi. Giáo dục mầm non nhằm phát triển toàn diện cho trẻ về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1. Để đảm bảo trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có thể tiếp cận được giáo dục mầm non thì cấp giáo dục này cũng cần đáp ứng các yêu cầu sự bắt buộc, sẵn có và miễn phí. Phải đảm bảo miễn phí thực chất, tránh việc về miễn phí học phí nhưng lại yêu cầu đóng nhiều khoản thu khác, vô hình chung trở thành gánh nặng cho gia đình trẻ. Cũng cần chú trọng quan tâm đến những nhóm trẻ em không có đăng ký hộ tịch và cư trú, trẻ em di cư cùng gia đình để đảm bảo không bỏ các em lại phía sau. Giáo dục mầm non là một giai đoạn quan trọng chuẩn bị cho các em bước vào tiểu học nên nó cần được phân biệt với tiểu học và các cấp học cao hơn. Trẻ em trong các gia đình nghèo có nhiều nguy cơ không được tiếp cận với chương trình giáo dục mầm non, do đó các em có thể không được chuẩn bị đầy đủ trước khi bước vào tiểu học. Điều này có thể khiến các em dễ rơi vào nguy cơ không đi học tiểu học hoặc nếu có đi học thì các em có nguy cơ bỏ học vì không theo kịp bạn bè.
Thứ tư, giảm thiểu chi phí học hành.
Chi phí (trực tiếp hoặc gián tiếp) của việc học là một trong những rào cản chính với nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong việc tiếp cận với giáo dục. Khi chi phí học hành là gánh nặng tài chính đối với các gia đình sẽ dẫn đến hậu quả là trẻ em không được đến trường và có nguy cơ phải tham gia vào lực lượng lao động. Do đó, việc giảm chi phí học hành chính là sự hỗ trợ trực tiếp và thiết thực, tạo điều kiện cho các gia đình nghèo cho con em họ đến trường. Trong vấn đề này, ngoài việc miễn, giảm học phí, còn có những hình thức hỗ trợ khác như cung cấp đồng phục, sách giáo khoa, các bữa ăn và phương tiện đi lại miễn phí… cho học sinh.
Thứ năm, xác định và hỗ trợ kịp thời những trẻ em có nguy cơ phải nghỉ học.
Việc xác định kịp thời những trẻ em có nguy cơ phải nghỉ học cho phép những biện pháp can thiệp, hỗ trợ trước khi tình huống xảy ra. Trong việc này, nhà trường và đặc biệt là giáo viên có vai trò rất quan trọng. Giáo viên là người biết rõ nhất những học sinh nào trong lớp có nguy cơ bỏ học và những lý do của việc đó. Vì vậy, cần thiết phải làm việc và duy trì quan hệ chặt chẽ với các giáo viên và nhà trường. Việc hỗ trợ những trẻ em có nguy cơ phải nghỉ học có thể thực hiện dưới nhiều hình thức, tùy thuộc vào điều kiện sẵn có và hoàn cảnh của từng em. Hỗ trợ có thể dưới dạng miễn học phí, lệ phí; cung cấp học bổng, trợ cấp học tập cho trẻ em hoặc các biện pháp hỗ trợ cha mẹ và những người thân là trụ cột kinh tế.
Song song với đó, cần có sự phối hợp tốt hơn giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc nắm số lượng và vận động trẻ em ngoài nhà trường đến trường. Cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền được giáo dục của trẻ em trong xã hội. Việc này giúp các cơ quan chính phủ tăng cường quyết tâm và có những chính sách, biện pháp kịp thời, phù hợp để giải quyết vấn đề, đồng thời giúp các cộng đồng và các bậc cha mẹ hiểu rõ những tác động tiêu cực của việc trẻ em không được hưởng nền giáo dục có chất lượng, công bằng và toàn diện, thúc đẩy trách nhiệm của cha mẹ và gia đình trong việc ưu tiên cho trẻ em được học tập. Thêm vào đó, việc này cũng giúp trẻ em nhận thức được vấn đề và tự bảo vệ mình.
Thứ sáu, cải thiện chất lượng và cơ sở giáo dục.
Chất lượng giáo dục thấp, thiếu trường học và trang thiết bị giáo dục thiếu thốn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em không đi học hoặc bỏ học giữa chừng. Đồng thời, cơ sở vật chất, trường học không phù hợp với học sinh khuyết tật cũng là nguyên nhân khiến các em không thể tiếp cận được. Bởi vậy, cải thiện chất lượng và cơ sở hạ tầng giáo dục có ý nghĩa quan trọng đối với việc giảm tỷ lệ trẻ không đi học, không nghỉ học giữa chừng, đặc biệt là tỷ lệ tiếp cận với giáo dục của trẻ em khuyết tật. Để cải thiện chất lượng giáo dục, cần cải thiện cơ sở vật chất và trang thiết bị học tập, giảm số lượng học sinh trong mỗi lớp học, xây dựng cơ sở vật chất có tính nhạy cảm với trẻ em khuyết tật như lối đi, cầu thang, nhà vệ sinh…
Thứ bảy, nâng cao năng lực cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Có nhiều trẻ em rơi vào những tình trạng dễ bị tổn thương vì sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu thốn sự quan tâm, dạy dỗ trong gia đình. Vì vậy, những chương trình chú trọng đến kỹ năng sống rất cần thiết bởi chúng giúp trẻ em hình thành, củng cố sự tự tin cũng như suy nghĩ theo hướng tích cực. Các chương trình đào tạo kỹ năng sống có thể gồm nhiều nội dung khác nhau, tuy nhiên cần thiết bao gồm những vấn đề như: quyền được giáo dục của trẻ em, xử lý các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội, nhận biết, phòng tránh và xử lý những rủi ro và nguy cơ trong xã hội… Các chương trình đào tạo này có thể lồng ghép vào chương trình học chính thức tại trường học nhưng cũng cần chú trọng đến nhóm trẻ ngoài trường học để đào tạo những kỹ năng cần thiết, đồng thời hỗ trợ các em đến trường.