Một số giải pháp bảo đảm áp dụng đúng quy định của pháp luật hình sự đối với tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Mục lục bài viết
- 1 1. Tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi:
- 2 2. Tổng kết thực tiễn xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật hình sự đối với tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi:
- 3 3. Nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn cho Thẩm phán và Hội thẩm Nhân dân:
- 4 4. Một số giải pháp khác bảo đảm áp dụng đúng quy định của pháp luật hình sự đối với tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
1. Tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi:
Nhìn chung BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi tương đối phù hợp với giai đoạn phát triển của xã hội hiện nay, thể hiện sự quan tâm của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước ta đối với việc bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề chưa được luận giải cụ thể đó là: Vấn đề nguyên lý lỗi của người phạm tội về mặt ý chí và lý trí (xác định bị hại là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi mà không cần biết người phạm tội nhận thức thế nào); chủ thể phạm tội trong một số trường hợp đặc biệt (ví dụ như chủ thể phạm tội là người chuyển giới) thì hành vi giao cấu hay hành vi quan hệ tình dục khác sẽ được xác định như thế nào? …
Để giải quyết những vấn đề đặt ra ở trên, các cơ quan có thẩm quyền cần rà soát lại toàn bộ các quy định về “Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”, tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về tội danh này qua việc có những chỉnh sửa, bổ sung đối với BLHS hiện hành có thể theo hướng sau: Tại khoản 1 Điều 145 BLHS năm 2015 cần sửa đổi, bổ sung theo hướng người phạm tội biết rõ người mà mình thực hiện hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác là người đủ 13 đến dưới 16 tuổi nhưng vẫn thực hiện hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác. Điều luật có thể sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 145 BLHS năm 2015 như sau:
Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người mà biết rõ từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Tổng kết thực tiễn xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật hình sự đối với tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi:
Việc tổng kết thực tiễn xét xử giúp đánh giá được những vướng mắc, khó khăn trong công tác xét xử từ đó phối hợp, tổ chức họp rút kinh nghiệm về chuyên môn giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải quyết các vụ án về giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Đây là một giải pháp thiết thực và mang lại hiệu quả cao trong quá trình xét xử tội phạm Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
3. Nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn cho Thẩm phán và Hội thẩm Nhân dân:
Con người luôn là trung tâm của mọi mối quan hệ xã hội, là chủ thể xây dựng pháp luật và cũng là chủ thể áp dụng pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng. Vì vậy, xây dựng pháp luật hình sự tốt chưa đủ, mà việc thực hiện, áp dụng pháp luật hình sự phải tốt thì mới đạt được mục đích của pháp luật. Do đó, cần xây dựng một đội ngũ cán bộ tư pháp nói chung, đặc biệt là Thẩm phán và Hội thẩm Nhân dân càng đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có kinh nghiệm và có bản lĩnh chính trị vững vàng để đáp ứng được yêu cầu đặt ra đó. Muốn đạt được điều đó thì phải luôn nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn cho Thẩm phán và Hội thẩm Nhân dân như việc: Tòa án nhân dân tối cao cần thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho Thẩm phán, Hội thẩm Nhân dân, công chức Tòa án; thường xuyên tổ chức việc trao đổi, rút kinh nghiệm công tác xét xử, đặc biệt là kinh nghiệm xét xử, giải quyết các vụ án về xâm hại tình dục trẻ em nói chung và về tội phạm về giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi nói riêng trong toàn hệ thống Tòa án Nhân dân. Trong buổi tập huấn, bên cạnh việc mời các chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn đến thuyết trình, phổ biến kinh nghiệm thì cần mời thêm những nhà khoa học, giảng viên đến giảng để bổ sung thêm những kiến thức mới về lý luận, cũng như hỗ trợ Tòa án địa phương tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán, thẩm tra viên, Thư ký Tòa án và Hội thẩm Nhân dân theo yêu cầu của địa phương.
Việc tổ chức, tập huấn chuyên sâu về BLHS 2015 cho Thẩm phán, Hội thẩm Nhân dân, công chức Tòa án khác có ý nghĩa rất quan trọng. Vì trước khi có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của Tòa án Nhân dân Tối cao thì việc tổ chức tập huấn chuyên sâu này nhằm trao đổi kinh nghiệm thống nhất nhận thức, cách hiểu và áp dụng các quy định mới của BLHS năm 2015 về tội phạm này nói riêng và tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nói chung, qua đó kiến nghị các văn bản hướng dẫn áp dụng quy định mới của BLHS và giải thích những vướng mắc gặp phải trong quá trình xét xử, để từ đó nâng cao hiệu quả công tác xét xử về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
4. Một số giải pháp khác bảo đảm áp dụng đúng quy định của pháp luật hình sự đối với tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
Bên cạnh những giải pháp chính đã nêu trên thì để đảm bảo áp dụng đúng quy định của pháp luật hình sự đối với tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, cần phải thực hiện những giải pháp sau:
Thứ nhất, đầu tư và trang bị thêm phòng xét xử thân thiện: Như chúng ta đã biết, bị hại của tội phạm này là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm sinh lý, trình độ nhận thức và kinh nghiệm sống của họ sẽ bị hạn chế hơn so với người đã thành niên (đủ 18 tuổi trở lên). Nên họ dễ bị kích động, bị rủ rê, lôi kéo vào những hoạt động của người lớn. Vì vậy khi xét xử những vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi thì cũng cần phải chú ý đến các biểu hiện về tâm, sinh lý của họ kể cả đối với bị cáo hoặc bị hại là người dưới 18 tuổi và phải xét xử tại các phòng xét xử thân thiện theo quy định tại Nghị quyết số 06/2019/NQ- HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; Thông tư 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 và Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao. Do đó, cần phải đầu tư, trang bị phòng xét xử thân thiện cho các cấp Tòa án để đảm bảo việc xét xử đúng quy định pháp luật.
Thứ hai, Tòa án tăng cường sự phối hợp với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát và các cơ quan hữu quan khác, thường xuyên trao đổi, thống nhất nhận thức về các quy định của pháp luật cũng như những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về đánh giá các tình tiết khách quan của vụ án, nhằm đảm bảo xét xử, giải quyết các vụ án về giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi nói riêng và tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nói chung đúng pháp luật.