Tố tụng hình sự là quá trình giải quyết các vụ án hình sự theo quy định của pháp luật, được quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và các văn bản pháp luật khác liên quan. Vậy trong tố tụng có những giai đoạn nào và tiến hành ra sao?
Mục lục bài viết
1. Giai đoạn tố tụng là gì?
Hiện nay, pháp luật Việt Nam không quy định rõ khái niệm giai đoạn tố tụng trong các văn bản pháp luật, tuy nhiên, từ khóa giai đoạn tố tụng trong tố tụng hình sự vẫn được ngầm hiểu là quá trình giải quyết vụ án từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc, được phân chia thành nhiều giai đoạn khác nhau. Mỗi giai đoạn tố tụng đều có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong giải quyết vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.
Giai đoạn tố tụng được dịch sang tiếng Anh như sau: Litigation phase
Khái niệm về giai đoạn tố tụng được dịch sang tiếng anh như sau:
The procedural stage in criminal procedure is the process of solving a case from the beginning to the end, which is divided into many different stages. Each stage of the proceedings has an important role and significance in the settlement of a criminal case in accordance with the law.
2. Giai đoạn khởi tố vụ án hình sự:
Một, khái niệm
Đây là giai đoạn cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền tiến hành xác định có hay không các dấu hiệu của tội phạm trong hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện, đồng thời ban hành quyết định về việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến hành vi đó.
Hai, cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự
Tại Điều 153
– Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tiến hành điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự;
– Đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, tiến hành hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
– Ngoài ra, trường hợp nếu phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra có quyền khởi tố vụ án hình sự, tiến hành hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Ba, thời hạn giải quyết giai đoạn khởi tố:
– Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:
– Quyết định khởi tố vụ án hình sự
– Quyết định không khởi tố vụ án hình sự
– Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm kiến nghị khởi tố.
– Trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp thời hạn khởi tố có thể kéo dài nhưng không được quá 2 tháng. Có thể được Viện kiểm sát gia hạn thêm một lần nhưng cũng không quá 2 tháng.
– Trường hợp khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh, chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.
Bốn, chức năng của giai đoạn khởi tố vụ án hình sự
– Khởi tố vụ án hình sự có chức năng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để xác định các tiền đề pháp luật về nội dung và về pháp luật về hình thức của việc điều tra vụ án hình sự
– Là sự phản ứng nhanh chóng từ phía Nhà nước đối với mỗi hành vi phạm tội nhằm góp phần phát hiện, điều tra và xử lý một cách có căn cứ và đúng pháp luật hành vi phạm tội và người phạm tội
– Là phương tiện cơ bản để thực hiện tốt nguyên tắc không tránh khỏi trách nhiệm trong thực tiễn áp dụng pháp luật tố tụng hình sự, tránh bỏ lọt tội phạm
– Đây là giai đoạn cơ bản và quan trọng để tăng cường pháp chế, bảo vệ các quyền và tự do của công dân trước khi khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ của giai đoạn điều tra, cùng với các giai đoạn tố tụng hình sự khác góp phần có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong toàn xã hội.
3. Giai đoạn điều tra VAHS:
Một, nội dung
Sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự. Cơ quan có thẩm quyền áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người phạm tội làm cơ sở cho việc xét xử của Tòa án.
Hai, cơ quan có thẩm quyền điều tra
– Cơ quan điều tra căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự và dưới sự kiểm soát của Viện Kiểm sát tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm thu thập và củng cố các chứng cứ, nghiên cứu các tình tiết của vụ án hình sự, phát hiện nhanh chóng và đầy đủ tội phạm, cũng như người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm tội để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời bảo đảm cho việc bồi thường thiệt hại về vật chất do tội phạm gây nên và trên cơ sở đó quyết định: Đình chỉ điều tra vụ án hình sự hoặc là; chuyển toàn bộ các tài liệu của vụ án đó cho Viện Kiểm sát kèm theo kết luận điều tra và đề nghị truy tố bị can.
– Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
– Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
– Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của
– Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
Ba, thời hạn bắt đầu của giai đoạn điều tra
– Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
– Trong trường hợp tính chất vụ án phức tạp, cần phải gia hạn thời hạn điều tra, chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra. Thời gian gia hạn điều tra như sau:
– Đối với tội phạm ít nghiêm trọng, được gia hạn điều tra 1 lần không quá 02 tháng;
– Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng;
– Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng;
– Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng.
– Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội xâm phạm an ninh quốc gia mà thời hạn gia hạn điều tra đã hết nhưng do tính chất rất phức tạp của vụ án mà chưa thể kết thúc việc điều tra thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.
Bốn, thời điểm bắt đầu giai đoạn điều tra
Thời điểm bắt đầu giai đoạn điều tra là từ khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự do cơ quan có thẩm quyền ra quyết định và kết thúc bằng bản kết luận điều tra và đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can trước Tòa án hoặc đình chỉ vụ án hình sự.
Năm, chức năng của giai đoạn điều tra
– Thực hiện các nhiệm vụ cụ thể nhằm áp dụng các biện pháp cần thiết do luật định để chứng minh việc thực hiện tội phạm và người phạm tội, xác định rõ những nguyên nhân và điều kiện phạm tội, đồng thời kiến nghị các cơ quan và tổ chức hữu quan áp dụng đầy đủ các biện pháp khắc phục và phòng ngừa tội phạm.
– Là chức năng quan trọng trong hoạt động tư pháp hình sự của cơ quan (người) tiến hành có thẩm quyền đối với mỗi hành vi phạm tội nhằm trực tiếp chứng minh hành vi phạm tội và người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm thông qua các chứng cứ đã thu thập được, đồng thời cũng là một trong những phương tiện cơ bản để thực hiện tốt nguyên tắc không tránh khỏi trách nhiệm trong thực tiễn áp dụng pháp luật tố tụng hình sự, tránh bỏ lọt tội phạm.
– Góp phần loại trừ, ngăn chặn kịp thời việc thông qua quyết định khởi tố bị can một cách không thận trọng, thiếu chính xác và do vậy, có thể sẽ kéo một loạt hậu quả tiêu cực tiếp theo xảy ra trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự ở các giai đoạn tố tụng hình sự (như: Truy tố của Viện kiểm sát hoặc xét xử của Tòa án không khách quan, vô căn cứ và trái pháp luật, làm oan những người vô tội
– Tăng cường pháp chế, bảo vệ các quyền và tự do của công dân trong các giai đoạn trước khi khởi tố của Viện Kiểm sát và xét xử của Tòa án, cùng với các giai đoạn tố tụng hình sự khác góp phần có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong toàn xã hội.
3. Giai đoạn truy tố VAHS:
Một, nội dung
Đây là giai đoạn thứ ba trong giai đoạn tố tụng hình sự, Viện Kiểm sát căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách qua các tài liệu của vụ án hình sự do cơ quan điều tra chuyển đến. Qua đó, Viện kiểm sát sẽ ra quyết định truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng hoặc bản kết luận về tội phạm, trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc là đình chỉ hay tạm đình chỉ vụ án hình sự.
Hai, cơ quan có thẩm quyền truy tố
– Viện kiểm sát cấp nào thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp đó quyết định việc truy tố. Thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với vụ án.
– Trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, Viện kiểm sát ra ngay quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền. Việc chuyển vụ án cho Viện kiểm sát ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quyết định.
– Đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp trên quyết định việc truy tố. Chậm nhất là 02 tháng trước khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát cấp trên phải thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án. Ngay sau khi quyết định truy tố, Viện kiểm sát cấp trên ra quyết định phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử; sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng, Viện kiểm sát cấp dưới có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Ba, thời hạn quyết định truy tố
– Trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định:
– Truy tố bị can trước Tòa án;
– Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;
– Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.
– Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
– Trong thời hạn 03 ngày kể từ khi có một trong các quyết định, Viện kiểm sát phải thông báo cho bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can, bị hại biết việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung; giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can và gửi cho Cơ quan điều tra, người bào chữa bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can; thông báo cho bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Việc giao, nhận được lập thành biên bản và được đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vụ án phức tạp thì có thể kéo dài thời hạn giao bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án có thể kéo dài nhưng không được quá 10 ngày.
Bốn, thời điểm bắt đầu truy tố
– Thời điểm bắt đầu của giai đoạn truy tố là từ khi có thông báo nhận được các tài liệu của vụ án hình sự của Viện kiểm sát do cơ quan điều tra chuyển đến và kết thúc bằng việc Viện Kiểm sát ra một trong ba loại quyết định
– Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng hoặc bản kết luận về tội trạng
– Trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung
– Đình chỉ hay tạm đình chỉ vụ án hình sự tương ứng.
Năm, chức năng cuả giai đoạn truy tố
– Là chức năng quan trọng của Viện Kiểm sát nhằm áp dụng các biện pháp cần thiết do luật định để kiểm tra lại tính hợp pháp và có căn cứ của toàn bộ các hành vi tố tụng mà cơ quan điều tra có thẩm quyền đã áp dụng; để loại trừ những hậu quả tiêu cực của các sai lầm hoặc sự lạm dụng đã bị bỏ lọt trong hai giai đoạn tố tụng hình sự trước đó.
– Thông qua bản cáo trạng thể hiện hoạt động chứng minh trên cơ sở các tài liệu của hồ sơ của vụ án (nhất là kết luận điều tra) tính chất lỗi của hành vi phạm tội, lỗi của bị cáo trong việc thực hiện tội phạm để góp phần có hiệu quả trong việc chuẩn bị cho giai đoạn xét xử của Tòa án, loại trừ những thiếu sót hoặc hậu quả tiêu cực tiếp theo có thể xảy ra do việc xét xử thiếu công minh, vô căn cứ và không đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm và làm oan những người vô tội
Đây là một giai đoạn tố tụng hình sự quan trọng để cường pháp chế, bảo vệ các quyền và tự do của công dân trong các giai đoạn trước khi xét xử tại Tòa án.
4. Giai đoạn xét xử VAHS:
Đối với xét xử sơ thẩm
Một, nội dung
Đây là giai đoạn cuối cùng và cũng là giai đoạn trung tâm và quan trọng của giai đoạn tố tụng hình sự. Cấp Tòa án có thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự tiến hành hoạt động áp dụng các biện pháp chuẩn bị cho việc xét xử và đưa vụ án hình sự ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm để xem xét về thực chất vụ án, đồng thời trên cơ sở kết quả tranh tụng công khai và dân chủ của hai bên: bên buộc tội và bên bào chữa, phán xét về vấn đề tính chất tội phạm hay không của hành vi, có tội hay không của bị cáo. Thông qua đó sẽ ra quyết định tuyên bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật nhằm giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự một cách công minh và đúng pháp luật, có căn cứ và đảm bảo sức thuyết phục.
Hai, thẩm quyền xét xử
– Đối với giai đoạn xét xử được chia làm nhiều thẩm quyền xét xử khác nhau, dựa vào các dấu hiện của vụ án, mà có thể xác định được Tòa án nơi có thẩm quyền xét xử sơ thẩm. Tùy theo các dấu hiệu khác nhau mà chia làm các nhóm thẩm quyền:
– Thẩm quyền theo việc
– Thẩm quyền theo lãnh thổ
– Thẩm quyền theo đối tượng
Ba, thời điểm bắt đầu của giai đoạn xét xử
Thời điểm bắt đầu của giai đoạn là từ khi Tòa án nhận được hồ sơ vụ án hình sự với quyết định truy tố bị can trước Tòa án kèm theo bản cáo trạng do Viện Kiểm sát chuyển sang và kết thúc bằng một bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Bốn, thời điểm xét xử của giai đoạn xét xử
– Thời điểm xét xử đối với phiên xét xử sơ thẩm là trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày.
– Các giai đoạn của giai đoạn xét xử
– Giai đoạn bắt đầu phiên tòa: ở giai đoạn này Thẩm phán chủ tọa phiên tòa làm các thủ tục cần thiết trước khi xét hỏi như: kiểm tra sự có mặt của những người tham gia tố tụng, giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng,…
– Giai đoạn xét hỏi: Kiểm sát viên đọc bản cáo trạng, sau đó Hội đồng xét xử tiến hành xét hỏi làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án, trực tiếp xem xét vật chứng, tài liệu tại phiên tòa. Khi xét hỏi phải theo đúng trình tự, thứ tự xét hỏi theo quy định pháp luật
– Giai đoạn tranh luận: Kiểm sát viên trình bày lời luận tội, sau đó người bào chữa, bị cáo trình bày lời bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc đại diện hợp pháp của họ được trình bày ý kiến để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ
– Giai đoạn nghị án và tuyên án: khi nghị án chỉ có thành viên Hội đồng xét xử lần lượt thảo luận và biểu quyết từng vấn đề của vụ án; phải trình bày ý kiến của mình về các vấn đề của vụ án, Hội thẩm phát biểu trước, Thẩm phán phát biểu sau và là người biểu quyết sau cùng. Việc nghị án phải được lập thành biên bản, bản án, các quyết định của Hội đồng xét xử và biên bản nghị án phải được thông qua tại phòng nghị án.
– Sau khi nghị án xong Thư ký Tòa án yêu cầu các bị cáo và người tham gia tố tụng vào phòng xử án, sau đó Chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử đọc bản án
Đối với giai đoạn xét xử phúc thẩm
Một, thẩm quyền xét xử
Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm là Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án đã xét xử sơ thẩm, cụ thể như sau:
–
– Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng cáo, kháng nghị.
– Tòa án quân sự cấp quân khu có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự khu vực bị kháng cáo, kháng nghị.
– Tòa án quân sự trung ương có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự cấp quân khu bị kháng cáo, kháng nghị.
Hai, thời hạn xét xử phúc thẩm
Thời hạn xét xử phúc thẩm là khoảng thời gian kể từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm nhận được hồ sơ vụ án cho đến khi mở phiên tòa phúc thẩm. Theo quy định pháp luật, cụ thể là điều 346 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 nêu rõ:
– Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 60 ngày; Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.
– Trong thời hạn 45 ngày đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, 75 ngày đối với vụ án Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên tòa phải ra một trong các quyết định:
– Đình chỉ xét xử phúc thẩm;
– Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm. Chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa, bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị.
Ba, các giai đoạn của giai đoạn xét xử phúc thẩm
– Thủ tục bắt đầu phiên tòa và thủ tụng tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm được tiến hành như phiên tòa sơ thẩm nhưng trước khi xét hỏi, một thành viên của Hội đồng xét xử trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị.
– Chủ toạ phiên tòa hỏi người kháng cáo có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo. Và hỏi Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị.
– Khi tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên, người khác liên quan đến kháng cáo, kháng nghị phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị; Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.
Chức năng của giai đoạn xét xử
– Là chức năng quan trọng nhất của Tòa án nói riêng và của toàn bộ quá trình tố tụng hình sự nói chung nhằm áp dụng các biện pháp cần thiết do luật định để kiểm tra lại tính hợp pháp và có căn cứ của toàn bộ các quyết định mà cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát đã thông qua trước khi chuyển vụ án hình sự sang Tòa án, nhằm loại trừ các những hậu quả tiêu cực của các sơ xuất, sai lầm hoặc sự lạm dụng đã bị bỏ lọt trong ba giai đoạn tố tụng hình sự trước đó (khởi tố, điều tra và truy tố), chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử, hoặc trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ hay tạm đình chỉ vụ án.
– Thông qua quá trình điều tra trực tiếp tại phiên tòa, trên cơ sở kết quả tranh tụng công khai và dân chủ của các bên, Tòa án với tính chất là cơ quan trọng tài kiểm tra lại và đánh giá một cách toàn diện, khách quan và đầy đủ các chứng cứ, các tình tiết của vụ án hình sự để giải quyết về bản chất nó – phán xét về vấn đề tính chất tội phạm (hay không) của hành vi, có tội (hay không) của bị cáo hoặc bằng việc kiểm tra tính hợp pháp và của bản án theo trình tự nhằm đạt mục đích trong toàn bộ các giai đoạn tố tụng hình sự là tuyên một bản án (quyết định) có hiệu lực pháp luật một cách công minh và đúng pháp luật, có căn cứ và đảm bảo sức thuyết phục tránh bỏ lọt tội phạm và kết án oan người vô tội.
– Giai đoạn xét xử là một giai đoạn tố tụng hình sự trung tâm và quan trọng để tăng cường pháp chế, bảo vệ các quyền và tự do của công dân trong các giai đoạn xét xử của Tòa án nói riêng và toàn bộ hoạt động tư pháp hình sự của Nhà nước nói chung, góp phần có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm trong toàn xã hội, cùng với các giai đoạn tố tụng hình sự khác góp phần có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong toàn xã hội.