Hằng ngày nếu bạn đi siêu thị, của hàng tiện lợi mức giá bạn thấy đó chính là giá niêm yết mà nhà cung cấp hoặc hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi đưa ra. Việc để sẵn giá niêm yết sẽ giúp khách hàng dễ đưa ra sự lựa chọn khi mua hàng. Cùng tìm hiểu về giá niêm yết là gì? Cách tính giá niêm yết? Có bao gồm VAT?
Mục lục bài viết
1. Giá niêm yết là gì?
Giá niêm yết có tên tiếng Anh là list price. Đây là giá hàng hóa hoặc dịch vụ mà một cá nhân hay tổ chức cung cấp đến cho khách hàng một cách công khai. Giá niêm yết hiển thị dưới dạng bảng giá, có thể được in trên bao bì, gắn ở bên dưới sản phẩm hoặc treo một danh sách dài bao gồm nhiều sản phẩm và ghi rõ giá của từng sản phẩm đó. Giá niêm yết phải được ghi rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho người mua.
Nếu bạn mua hàng ở chợ, ở các nhà cung cấp bán lẻ thì giá bạn sẽ trả rất có khả năng là thấp hơn giá niêm yết. Khi thanh toán bằng tiền mặt chủ cửa hàng có thể giảm giá trực tiếp hoặc chiết khấu nếu bạn mua đơn hàng nhiều món hoặc có giá trị lớn. Bởi vì giá niêm yết thường sẽ áp dụng cho người mua số lượng ít, lẻ tẻ. Ngoài ra, vì muốn cạnh tranh với những tiệm khác bán mặt hàng tương tự hoặc muốn giữ khách nên chủ tiệm cũng sẽ có xu hướng giảm giá thấp hơn giá niêm yết.
Niêm yết giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo quy định của pháp luật, hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động thương mại đều phải thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Thực tế việc niêm yết giá hiện nay chưa được tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt và tự giác thực hiện, phần lớn mang tính đối phó với các cơ quan quản lý nhà nước.
Vì thế, bên cạnh việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm; để nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho tổ chức cá nhân trong sản xuất, kinh doanh, công tác tuyên truyền pháp luật nói chung, pháp luật về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết nói riêng là cần thiết và không thể thiếu của các cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động thương mại.
Là giá bán lẻ đề xuất của nhà sản xuất, hoặc giá bán lẻ được đề xuất hoặc giá bán lẻ đề xuất của sản phẩm là giá mà nhà sản xuất khuyến nghị nhà bán lẻ bán sản phẩm. Mục đích là để giúp chuẩn hóa giá giữa các địa điểm.
2. Địa điểm thực hiện niêm yết giá:
Tại Điều 17
– Cơ sở sản xuất, kinh doanh (có quầy giao dịch và bán sản phẩm);
– Siêu thị, trung tâm thương mại, chợ theo quy định của pháp luật, cửa hàng, cửa hiệu, ki-ốt, quầy hàng, nơi giao dịch thực hiện việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
– Hội chợ triển lãm có bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
– Các địa điểm khác theo quy định của pháp luật.
3. Cách thức niêm yết giá tại Việt Nam:
Giá niêm yết ở mỗi cửa hàng sẽ phụ thuộc vào chủ cửa hàng đó. Tuy nhiên vẫn có những cách thức niêm yết giá chung mà người kinh doanh cần phải tuân thủ theo để đúng với quy định của pháp luật. Dựa thêm quy định tại Điều 18
– Những cá nhân, tổ chức kinh doanh phải niêm yết giá một cách rõ ràng, không có nhiều tầng nghĩa về giá và không gây hiểu nhầm cho người mua. Có nhiều hình thức niêm yết mà chủ kinh doanh có thể lựa chọn như dán, in, ghi bằng bút…Giá niêm yết phải đặt ở nơi hợp lý với sản phẩm, đảm bảo khách hàng nhìn thấy dễ dàng.
– Nếu đã niêm yết giá thì phải bán đúng giá, không bán cao hơn, đặc biệt trong những trường hợp bán cho khách du lịch.
– Có nhiều mặt hàng do Nhà nước quy định giá như xăng, dầu, xi măng, sắt thép… phải bán đúng giá mà Nhà nước đưa ra. Không tự ý thay đổi giá.
– Giá niêm yết dưới dạng tiền Đồng Việt Nam. Những món hàng được Nhà nước quy định niêm yết với giá trị tiền của nước khác sẽ được áp dụng theo Nhà nước.
– Giá niêm yết là giá đã bao gồm tất cả loại thuế, phí của sản phẩm đó. Người mua chỉ cần trả tiền theo giá đã niêm yết, không cần trả thêm thuế phí nào khác trừ phí vận chuyển từ cửa hàng nơi mua đến nơi mà người mua muốn nhận (nếu có).
Quy định niêm yết giá
Ngoài các mặt hàng được Nhà nước quy định giá như xăng, dầu, xi măng, sắt thép… thì những mặt hàng còn lại như thực phẩm, nhu yếu phẩm, lương thực…ai sẽ là người đưa ra giá niêm yết? Đây là thắc mắc chung mà rất nhiều người tò mò. Câu trả lời chính là chủ kinh doanh sản phẩm sẽ đưa ra giá niêm yết.
4. Giá niêm yết có bao gồm VAT:
Dù chủ kinh doanh có toàn quyền quyết định trong việc niêm yết giá nhưng họ sẽ phải phụ thuộc và những quy định “ngầm”. Giá niêm yết phải là giá phù hợp với mặt bằng chung. Dĩ nhiên, chủ cửa hàng có thể đưa ra giá cao hơn nhưng nếu như vậy họ phải chấp nhận việc có ít khách hàng hơn. Bạn sẽ rất dễ quan sát được nếu vào một chợ hoa quả, các sạp hoa quả thường bán với mức giá chung, chênh lệch không nhiều. Ai cũng muốn cạnh tranh khi bán hàng và không ai muốn bị khách hàng đánh giá bán đắt hơn so với mặt bằng chung.
Nghị định 177 năm 2013 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật giá quy định rất rõ về việc niêm yết giá.
Cụ thể, giá niêm yết là đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có).
Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện niêm yết giá rõ ràng, không gây nhầm lẫn và thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng.
* Với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, tổ chức, cá nhân phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua bán đúng giá niêm yết.
* Với hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, niêm yết giá theo tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được bán cao hơn hoặc mua thấp hơn giá niêm yết.
5. Một số tồn tại liên quan đến niêm yết giá:
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc quản lý giá vẫn còn nhiều bất cập đó là do chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vi phạm pháp luật về giá.
Đơn cử là các hộ kinh doanh không có địa điểm cố định, kinh doanh tự phát theo mùa vụ. Các đối tượng này không có giấy phép kinh doanh, do xã, phường cho phép, thu phí bến bãi nhưng chưa được phân công trách nhiệm rõ ràng nên dễ bị chồng chéo, bỏ sót trong công tác quản lý.
Bên cạnh đó, nhiều đối tượng khác là các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống trên các tuyến phố, dọc bờ biển, bờ kè của thành phố Đồng Hới, trung tâm các huyện lỵ và các khu du lịch vẫn thường xuyên vi phạm pháp luật về giá như: chưa có bảng niêm yết giá, nâng giá tùy tiện, đặc biệt là vào các dịp lễ hội và mùa du lịch.
Một số tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh không công khai bằng các hình thức thích hợp như: in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa về mức giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ nhằm thuận tiện cho việc nhận biết, quan sát của khách hàng và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Nhiều cơ sở kinh doanh còn không thực hiện gửi thông báo mức giá hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi định giá và điều chỉnh giá đối với các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải kê khai giá theo qui định, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
6. Xử phạt về niêm yết giá:
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh (có quầy giao dịch và bán sản phẩm); siêu thị, trung tâm thương mại, chợ theo quy định của pháp luật, cửa hàng, cửa hiệu, ki-ốt, quầy hàng, nơi giao dịch thực hiện việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Hội chợ triển lãm có bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Các địa điểm khác theo quy định của pháp luật, quy đinh. Mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, có quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 49/2016/NĐ-CP sửa đổi
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần; tái phạm; Niêm yết giá không đúng giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
7. Ý nghĩa của việc niêm yết giá:
Niêm yết giá mang những ý nghĩa sau đây:
– Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa những người buôn bán với nhau.
– Khách hàng sẽ có một tâm thế dễ chịu hơn lúc đi mua hàng khi biết rõ giá của từng sản phẩm.
– Khách hàng sẽ không bị đưa vào tình huống bị ép mua giá cao hơn giá bán vì không có niêm yết giá sẵn (đặc biệt là khách du lịch).
– Giá cả được kiểm soát, việc vận hành tổ chức mua bán sẽ trở nên nề nếp và dễ quản lý hơn.
– Khách hàng dễ dàng so sánh giá và dễ lựa chọn mua sản phẩm hơn.
* Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật Giá năm 2023.
– Nghị định 177/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá.