GDP là gì? Công thức, cách tính GDP bình quân đầu người?

GDP là một thuật ngữ chuyên ngành trong lĩnh vực kinh tế. Chúng ta vẫn thường được nghe và nhìn thấy thuật ngữ này trên báo chí và các phương tiện truyền thông khi nói về thông tin kinh tế Việt Nam và các nước trên thế giới. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ GDP là gì và những vấn đề xoay quanh nó.

1. GDP là gì?

GDP có nghĩa là tổng sản phẩm nội địa hay tổng sản phẩm quốc nội. Đây là một chỉ tiêu dùng để đo lường tổng giá trị thị trường của tất cả các hàng hoá và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một lãnh thổ quốc gia trong một thời kỳ nhất định (thường là 1 năm hoặc 1 quý).

Để hiểu về GDP bạn phải nắm rõ những ý sau:

- GDP là chỉ tiêu đo lường tổng giá trị thị trường: Tức là GDP sẽ cộng rất nhiều loại sản phẩm thành một chỉ tiêu duy nhất về giá trị của hoạt động kinh tế bằng việc sử dụng giá thị trường. Bởi giá thị trường biểu thị số tiền mà người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho các hàng hoá khác nhau nên nó phản ánh chính xác giá trị của những hàng hóa này. 

- GDP biểu thị một cách đầy đủ tất cả các hàng hóa được sản xuất ra trong nền kinh tế và được bán hợp pháp trên các thị trường. Tuy nhiên, GDP không tính những sản phẩm được sản xuất ra và bán trong nền kinh tế ngầm như các loại dược phẩm bất hợp pháp. Những loại rau củ quả nằm trong các cửa hàng là một phần của GDP tuy nhiên nếu bạn tiêu dùng rau củ quả trong vườn nhà thì lại không nằm trong GDP.

- Hàng hóa và dịch vụ được tính trong GDP bao gồm những hàng hoá hữu hình (thực phẩm, xe hơi, quần áo...) và những dịch vụ vô hình (cắt tóc, khám bệnh, lau nhà...).

- GDP chỉ bao gồm giá trị của những hàng hoá và dịch vụ cuối cùng, không tính giá trị của những hàng hóa trung gian.

- GDP bao gồm mọi hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra trong thời kỳ hiện tại, không bao gồm những hàng hóa được sản xuất ra trong quá khứ.

- GDP tính theo phạm vi lãnh thổ kinh tế. Lãnh thổ kinh tế của một quốc gia được quan niệm bao gồm các đơn vị hoạt động sản xuất - kinh doanh dưới hình thức một tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thường trú.

- GDP phản ánh giá trị sản xuất thực hiện trong một khoảng thời gian cụ thể, thường là một năm hoặc một quý.

GDP là từ viết tắt của cụm từ Gross Domestic Product.

GDP bình quân đầu người (GDP per capita) là chỉ tiêu thống kê kinh tế thể hiện kết quả sản xuất kinh doanh tính bình quân trên đầu người của một quốc gia trong một năm. GDP bình quân đầu người của một quốc gia tại một thời điểm cụ thể sẽ được tính bằng cách lấy GDP của quốc gia tại thời điểm đó chia cho tổng số dân của quốc gia cũng tại thời điểm đó.

Chỉ số GDP bình quân đầu người cao tỷ lệ thuận với mức thu nhập cũng như đời sống của người dân ở quốc gia đó. Tuy nhiên, một số quốc gia có chỉ số GDP cao chưa chắc đã là quốc gia có mức sống cao nhất.

2. Công thức và cách tính GDP bình quân đầu người:

GDP là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp quan trọng của một đất nước. Các chuyên gia thường sử dụng chỉ số GDP để đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế của một nước. Tuỳ theo mỗi góc độ khác nhau, GDP được tính theo các phương pháp khác nhau. Có 3 cách tính GDP thông dụng nhất được áp dụng là phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng cuối cùng và phương pháp thu nhập. Tuy nhiên, dù tính GDP theo phương pháp nào thì kết quả tính GDP sẽ là như nhau.

Phương pháp sản xuất

Xét về góc độ sản xuất, tổng sản phẩm quốc nội chính là tổng tất cả giá trị gia tăng của nền kinh tế một nước trong một thời gian nhất định.

GDP = Giá trị tăng thêm + Thuế nhập khẩu

Trong đó, giá trị tăng thêm của từng ngành kinh tế có thể là: thu nhập của người sản xuất, tiền công, bảo hiểm, thuế sản xuất, khấu hao tài sản cố định, giá trị thặng dư…

Phương pháp sử dụng cuối cùng

Xét về góc độ sử dụng (chi tiêu), GDP bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, tiêu dùng cuối cùng của chính phủ, tích lũy tài sản và chênh lệch xuất - nhập khẩu của một đất nước.

GDP = C + I + G + NX

Trong đó:
  • C: là tổng giá trị tiêu dùng cho sản phẩm và dịch vụ của các hộ gia đình trong quốc gia đó
  • I: là tổng giá trị tiêu dùng của các nhà đầu tư
  • G: là tổng giá trị chi tiêu của chính phủ
  • NX: là xuất khẩu ròng (tính bằng giá trị xuất khẩu trừ đi giá trị nhập khẩu), thể hiện sự chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu trong quốc gia đó

Phương pháp thu nhập

Xét về góc độ thu nhập, GDP gồm thu nhập của người lao động, thuế sản xuất, khấu hao tài sản cố định dùng cho sản xuất và giá trị thặng dư sản xuất trong kỳ của một đất nước.

GDP = W + R + I + Pr + Ti + De

Trong đó:
  • W: là tiền lương
  • R: là tiền thuê
  • I: là tiền lãi
  • Pr: là lợi nhuận
  • Ti: là các khoản thuế đánh vào dịch vụ, hàng hóa bán trên thị trường và trợ cấp của chính phủ cho sản xuất (thuế gián thu ròng).
  • De: là khấu hao tài sản cố định

3. Ý nghĩa của chỉ số GDP:

Đối với một quốc gia, chỉ số GDP có ý nghĩa rất lớn. Theo đó:

  • GDP là thước đo để đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia và thể hiện sự biến động của sản phẩm/dịch vụ theo thời gian.
  • Sự suy giảm chỉ số GDP sẽ có tác động xấu đến nền kinh tế và có thể dẫn đến các tình trạng kinh tế suy thoái, lạm phát, thất nghiệp, đồng tiền mất giá… Đây là các tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân.
  • Chỉ số GDP bình quân đầu người sẽ cho bạn biết mức thu nhập tương đối cũng như chất lượng sống của người dân ở mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, chỉ số GDP cũng có một số hạn chế nhất định:

  • GDP không phản ánh đầy đủ các hoạt động sản xuất như tự cung, tự cấp, không kiểm soát được chất lượng của hàng hóa.
  • GDP không tính đến, không định lượng được giá trị của các hoạt động kinh tế phi chính thức như việc làm ngoài giấy tờ, hoạt động thị trường chợ đen, công việc tình nguyện và sản xuất hộ gia đình.
  • GDP không tính đến lợi nhuận kiếm được trong một quốc gia bởi các lợi nhuận công ty nước ngoài được gửi lại cho các nhà đầu tư nước ngoài. 
  • GDP chỉ xem xét sản xuất hàng hóa cuối cùng và đầu tư vốn mới mà bỏ qua hoạt động giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp thông qua các hoạt động chi tiêu, giao dịch trung gian giữa các doanh nghiệp.
  • Sự tăng trưởng GDP không thể đo lường chính xác sự phát triển của một quốc gia hay đời sống người dân trong quốc gia đó bởi GDP chỉ nhấn mạnh đến sản lượng vật chất mà không xem xét đến thực trạng phát triển tổng thể của một quốc gia.

4. GDP và GNP khác nhau như thế nào?

GDP: Là tổng sản phẩm quốc nội hay tổng sản phẩm nội địa (trong nước). Có nghĩa là toàn bộ giá trị được các thành phần kinh tế hoạt động trong lãnh thổ của quốc gia đó sản xuất ra trong khoảng thời gian cụ thể nhất định. Giá trị này có thể được tạo ra bởi các công ty nước ngoài hay trong nước, miễn là thuộc lãnh thổ của quốc gia đó.

GNP: Là tổng sản lượng quốc gia (trong & ngoài nước). Có nghĩa là toàn bộ giá trị được công dân mang quốc tịch nước đó sản xuất ra trong khoảng thời gian cụ thể, không kể làm ra ở đâu (tính cả nguồn thu từ ngoài đất nước của công dân mang quốc tịch nước đó).

GDP và GNP là hai chỉ số được quan tâm trong lĩnh vực kinh tế. Nói đến GDP và GNP là nói đến vấn đề phát triển kinh tế của một quốc gia. Rất nhiều người nhầm lẫn hai chỉ số này khi nhìn nhận nền kinh tế của một quốc gia. Bảng sau sẽ giúp bạn phân biệt các điểm giống và khác nhau giữa hai chỉ số GDP và GNP:

Tiêu chí Chỉ số GDP Chỉ số GNP
Giống nhau

- Đều là chỉ số được sử dụng trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô để đánh giá sự phát triển kinh tế của một quốc gia.

- Cả GDP và GNP đều là con số cuối cùng của một quốc gia/năm.

- Được xác định theo công thức cụ thể

Khác nhau
Khái niệm GDP là tổng sản phẩm quốc nội hay tổng sản phẩm nội địa. Theo đó, GDP chỉ tổng giá trị của tất cả các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ… của một quốc gia đạt được trong vòng 1 năm. GDP càng cao thì nền kinh tế của quốc gia đó càng mạnh và ngược lại.

GNP (tiếng anh là Gross National Product) có nghĩa là tổng sản lượng quốc gia hay tổng sản phẩm quốc gia. GNP chỉ tổng giá trị bằng tiền thu được từ các sản phẩm và dịch vụ cuối cùng mà tất cả công dân của một quốc gia tạo ra trong một năm. GNP đánh giá sự phát triển kinh tế của một đất nước.

Công thức tính Công thức tính GDP là tổng tiêu dùng:  GDP = C + I + G + NX Công thức tính GNP là tổng sản phẩm quốc gia: GNP = C + I + G + (X – M) + NR
Bản chất

- GDP là chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (trong nước)

- Chỉ số GDP là toàn bộ giá trị được các thành phần kinh tế hoạt động trong lãnh thổ của quốc gia đó tạo ra trong khoảng thời gian 1 năm. 

- Các thành phần kinh tế đóng góp vào chỉ số GDP bao gồm các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài hoạt động tại quốc gia đó. 

- GDP là chỉ số dùng để đánh giá sức mạnh nền kinh tế một quốc gia.

- GNP là chỉ số phản ánh tổng sản phẩm quốc dân (trong nước và ngoài nước)

- Chỉ số GNP là toàn bộ giá trị được công dân mang quốc tịch nước đó sản xuất ra trong thời gian 1 năm. Công dân quốc gia đó có thể tạo ra các giá trị ở cả trong và ngoài lãnh thổ quốc gia đó.

Ghi chú: 

  • C = Chi phí tiêu dùng cá nhân
  • I = Tổng đầu tư cá nhân
  • G = Chi phí của nhà nước
  • NX = “xuất khẩu ròng” của nền kinh tế
  • X = Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ
  • M = Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ
  • NR= Thu nhập ròng từ các hàng hóa và dịch vụ đầu tư ở nước ngoài (thu nhập ròng)

Ví dụ: Một nhà đầu tư Mỹ đầu tư một nhà máy sản xuất đồ ăn nhanh đặt tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa. Lúc này:

  • Mọi thu nhập từ nhà máy sau khi bán hàng được tính vào GDP của Việt Nam
  • Lợi nhuận ròng thu được (sau khi khấu trừ thuế và trích nộp các quỹ phúc lợi) cùng lương của các công nhân Mỹ đang làm việc trong nhà máy được tính là một bộ phận trong GNP của Mỹ.

5. Đặc điểm của GDP bình quân đầu người:

GDP bình quân đầu người được đánh giá là một loại thước đo phổ biến nhất nhằm mục đích chính là để thực hiện việc đo lường mức độ giàu có của một quốc gia, vì các thành phần tạo nên nó thường xuyên được theo dõi trên qui mô toàn cầu, dễ dàng cho việc tính toán và sử dụng. Thu nhập bình quân đầu người cũng là một lựa chọn thứ hai để phân tích mức độ giàu có của các quốc gia trên toàn cầu mặc dù nó ít được sử dụng rộng rãi.

GDP bình quân đầu người sẽ cho thấy giá trị sản xuất kinh tế có thể được quy cụ thể cho mỗi công dân. Nói cách khác, GDP bình quân đầu người sẽ phản ánh mức độ giàu có của quốc gia, vì giá trị thị trường GDP đầu người cũng có thể đóng vai trò là thước đo sự thịnh vượng.

Bản thân GDP cũng chính là một thước đo chính của năng suất kinh tế một quốc gia. GDP kinh tế của một quốc gia sẽ cho thấy giá trị thị trường của hàng hóa và dịch vụ mà nó tạo ra. Tại Mỹ, Văn phòng nghiên cứu kinh tế báo cáo GDP hàng quí.

Các chủ thể là các nhà kinh tế theo dõi báo cáo hàng quý này và so sánh các số liệu tăng trưởng hàng quí và hàng năm, giúp phân tích tình trạng tài chính tổng thể của nền kinh tế. Các nhà lập pháp sử dụng GDP khi đưa ra các quyết định về chính sách tài khóa. Các nhà kinh tế ngân hàng trung ương sử dụng GDP như một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến các quyết định về chính sách tiền tệ.

GDP bình quân đầu người thông thường được phân tích cùng với GDP. Các nhà kinh tế sử dụng số liệu này để hiểu rõ hơn về năng suất trong nước cũng như năng suất của họ so với các quốc gia khác. GDP bình quân đầu người sẽ xem xét cả GDP của một quốc gia và dân số. Chính bởi vì vậy mà điều quan trọng là phải hiểu mỗi yếu tố đóng góp vào kết quả chung như thế nào, và cách mà mỗi yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP bình quân đầu người.

Trong trường hợp GDP bình quân đầu người của một quốc gia đang tăng với mức dân số ổn định thì GDP bình quân đầu người của quốc gia đó có khả năng là kết quả của những tiến bộ công nghệ, giúp cho sản lượng sản xuất tăng nhiều hơn với cùng một mức dân số. Một số quốc gia có thể có GDP bình quân đầu người cao nhưng dân số nhỏ, điều này có nghĩa là quốc gia đó đã xây dựng một nền kinh tế tự cung tự cấp dựa trên nguồn tài nguyên đặc biệt dồi dào.

Một quốc gia có thể có tăng trưởng kinh tế nhất quán nhưng nếu dân số của quốc gia đó lại tăng nhanh hơn GDP, tăng trưởng GDP bình quân đầu người sẽ là âm. Đây không phải là một vấn đề đối với đa số các nền kinh tế tiên tiến, bởi vì tốc độ tăng trưởng kinh tế của họ vẫn có thể vượt xa tốc độ tăng trưởng dân số của họ. Tuy nhiên, các quốc gia có mức GDP bình quân đầu người thấp - bao gồm nhiều quốc gia ở châu Phi - có thể có dân số tăng nhanh với mức tăng trưởng GDP ít dẫn đến sự suy giảm dần dần về mức sống.

Kết luận: Có thể thấy GDP là một trong những chỉ số quan trọng trong việc đánh giá nền kinh tế của một quốc gia. Đây là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong kinh tế vĩ mô, góp phần giúp người đọc hiểu và dễ dàng phân tích sự biến đổi của nền kinh tế.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )