Hiện nay, tình trạng nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn tại ngân hàng diễn ra vô cùng phổ biến. Tình trạng này nếu không được giải quyết triệt để và xử phạt nghiêm khắc, thì sẽ khiến cho nhiều người dân bị thiệt hại về tài chính nặng nề. Vậy theo quy định của pháp luật thì hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay ngân hàng có vi phạm pháp luật hay không?
Mục lục bài viết
1. Ép mua bảo hiểm khi vay ngân hàng có vi phạm không?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 15 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có quy định về những hành vi bị nghiêm cấm. Bao gồm các hành vi như sau:
-
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các hoạt động kinh doanh, hoạt động ngân hàng khác ngoài những hoạt động được ghi nhận cụ thể trong Giấy phép kinh doanh được Ngân hàng nhà nước Việt Nam cấp cho tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó;
-
Tổ chức và cá nhân không phải là tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động ngân hàng trái quy định của pháp luật, trừ hoạt động giao dịch ký quỹ và giao dịch mua bán lại chứng khoán của các công ty chứng khoán;
-
Tổ chức và cá nhân can thiệp trực tiếp, trái quy định của pháp luật và hoạt động ngân hàng, can thiệp vào hoạt động kinh doanh khác của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
-
Các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng hoặc gây tổn hại đến quá trình thực hiện chính sách tiền tệ cấp quốc gia, làm mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các tổ chức và cá nhân khác trong xã hội;
-
Tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cá nhân là người quản lý hoặc người điều hành, nhân viên của các tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với quá trình cung ứng sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng dưới bất kỳ hình thức nào.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 53 của Thông tư 67/2023/TT-BTC, có quy định về vấn đề tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm. Theo đó, tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải được thực hiện theo quy định như sau:
-
Giải thích cụ thể cho các cá nhân mua bảo hiểm về chế độ quyền lợi, sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm là sản phẩm bảo hiểm. Quá trình tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là một trong những điều kiện bắt buộc để cá nhân sử dụng các sản phẩm và dịch vụ khác của tổ chức hoạt động đại lý;
-
Cần phải có trách nhiệm đối chiếu dữ liệu về hợp đồng bảo hiểm khai thác, doanh thu phí bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực do tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm thực hiện với các doanh nghiệp bảo hiểm định kỳ hàng tháng;
-
Các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm không được thực hiện thủ tục tư vấn, hoạt động giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong khoảng thời hạn 60 ngày trước ngày giải ngân và 60 ngày sau ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.
Theo đó, hành vi ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn tại ngân hàng là một trong những hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật.
2. Ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay ngân hàng bị xử phạt bao nhiêu?
Theo điều luật phân tích nêu trên, hành vi ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn tại ngân hàng là hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo các điều luật tương ứng. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 48/2018/NĐ-CP), phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
-
Không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không thực hiện nghĩa vụ giải thích các điều kiện có liên quan, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm trong quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm;
-
Không thực hiện nghĩa vụ thông báo cho bên mua bảo hiểm về tình trạng của hợp đồng bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật;
-
Có hành vi ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm bổ trợ kèm theo hợp đồng bảo hiểm chính;
-
Triển khai các loại sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, các loại bảo hiểm du chí và bảo hiểm sức khỏe không theo đúng quy định của pháp luật;
-
Có hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới bất kỳ hình thức nào.
Như vậy, theo điều luật nêu trên thì hành vi ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn tại ngân hàng là hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, nếu các chủ thể có hành vi cố tình thực hiện thì có thể bị phạt vi phạm hành chính từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Lưu ý, mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân vi phạm, trong trường hợp tổ chức vi phạm thì có thể bị phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân (từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng).
Như vậy, mặc dù pháp luật đã nghiêm cấm hành vi ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi thực hiện thủ tục vay vốn tại ngân hàng, thế nhưng tình trạng này vẫn đang “âm thầm” diễn ra gây bức xúc cho người dân kéo theo nhiều hậu quả nặng nề. Nhiều chuyên gia cho rằng phía cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải tăng mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe, cần phải kiểm tra thường xuyên để phát hiện ra hành vi vi phạm, công bố thông tin nhận được từ đường dây nóng về việc phản ánh những hành vi vi phạm trong hoạt động chào bán bảo hiểm tại ngân hàng.
3. Có nên mua bảo hiểm khi vay vốn tại ngân hàng hay không?
Trong quá trình vay vốn tại ngân hàng, thông thường khách hàng sẽ được chào bán nhiều loại bảo hiểm khác nhau, trong đó có bảo hiểm khoản vay. Bảo hiểm khoản vay được xem là sản phẩm hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho người vay vốn tại ngân hàng trước những rủi ro khiến người vay vốn không có khả năng trả nợ. Trong trường hợp này, theo quy định của pháp luật thì nghĩa vụ trả nợ sẽ không mất đi mà nó vẫn còn tồn tại cho đến khi toàn bộ khoản vay đó đã được hoàn trả trên thực tế. Cụ thể, nếu người vay vốn tại ngân hàng không may qua đời, tử vong, tai nạn… thì nghĩa vụ trả nợ của họ sẽ được chuyển sang cho những người thừa kế căn cứ theo quy định tại Điều 658 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Các khoản nợ đối với cá nhân là một trong những nghĩa vụ tài sản liên quan đến di sản thừa kế, vì vậy những người thừa kế của họ sẽ phải tiếp tục thanh toán những khoản nợ đó.
Trên thực tế cho thấy, nhiều gia đình có nhu cầu vay vốn tại ngân hàng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc phục vụ cho nhu cầu đời sống hằng ngày, nhưng vì lý do nào đó khiến cho người vay vốn không may qua đời, để lại gánh nặng cho các thành viên còn lại trong gia đình. Trong tình huống đó, nếu người vay vốn có trang bị các loại bảo hiểm, công ty bảo hiểm sẽ thay cho khách hàng thanh toán những khoản nợ mà người vay đã vay tại ngân hàng, từ đó giúp cho gia đình của người vay giảm thiểu tối đa áp lực gánh nặng kinh tế, giúp cho gia đình của họ phần nào vượt qua được khó khăn trong cuộc sống. Theo các chuyên gia, bảo hiểm khoản vay là một trong những loại bảo hiểm mang lại lợi ích trả cho người vay và cho ngân hàng, bảo hiểm khoản vay giúp cho người vay vốn bảo vệ bản thân và gia đình của họ tránh khỏi những tổn thất tài chính khi không may xảy ra rủi ro.
Theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm có quy định về các loại bảo hiểm bắt buộc và theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng, không có bất kỳ quy định nào yêu cầu khách hàng bắt buộc phải đảm bảo khoản vay bằng việc mua bảo hiểm. Vì vậy, việc có mua bảo hiểm khi vay vốn tại ngân hàng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người vay, mọi hành vi ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn tại ngân hàng đều là hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Điều quan trọng nhất là các chuyên viên tư vấn cần phải giải thích và giúp cho khách hàng hiểu rõ những quyền lợi của sản phẩm bảo hiểm mang lại, để khách hàng có phương án lựa chọn và đưa ra quyết định đúng đắn nhất để hạn chế rủi ro cho bản thân cũng như cho gia đình mình.
THAM KHẢO THÊM: