Em hãy kể những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam

Em hãy kể những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam? Truyền thống là gì? Truyền thống tốt đẹp là gì? Một vài việc làm để góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc? Phân biệt truyền thống tốt đẹp của dân tộc với những hủ tục, tập quán lạc hậu? Ý nghĩa của việc phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc?

Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc là trách nhiệm của mỗi người dân. Vậy dân tộc Việt Nam có truyền thống tốt đẹp gì? Qua bài viết dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ về chủ đề “Em hãy kể những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam”:

1. Truyền thống là gì?

Để đưa ra một định nghĩa chính xác về truyền thống là không dễ bởi đây là một khái niệm tương đối trừu tượng. Theo cách hiểu trong Từ điển Hán Việt, truyền thống là truyền từ đời nọ đến đời kia, từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Theo Từ điển Trung Quốc, truyền thống được định nghĩa là sức mạnh của tập quán xã hội, lưu truyền từ lịch sử và vẫn có giá trị cho đến tận ngày nay.

Tựu chung lại, có thể hiểu truyền thống là những đức tính, tập quán, tư tưởng và lối sống được hình thành trong đời sống, đã được xã hội công nhận và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và có tác dụng to lớn đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Truyền thống thể hiện ở nhiều lĩnh vực như tư tưởng, văn hóa, chính trị – xã hội. Truyền thống có tác động đến hành vi của con người, theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Tính kế thừa của lịch sử là biểu hiện đặc trưng của truyền thống. Thế hệ sau có trách nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống do ông cha để lại. Truyền thống là các chuỗi thành tựu mà con người ghi nhận được cùng với thời gian, cùng với cuộc sống của mình.

2. Truyền thống tốt đẹp là gì?

Truyền thống tốt đẹp của dân tộc là tổng hợp những giá trị tinh thần (hệ tư tưởng, tính cách, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp …) được hình thành trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước và được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Là tài sản tinh hoa của thế hệ trước chuyển giao cho thế hệ sau và thế hệ sau có trách nhiệm gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp ấy.

3. Em hãy kể những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam:

Việt Nam luôn tự hào là một dân tộc giàu truyền thống tốt đẹp. Những truyền thống tốt đẹp ấy luôn được giữ gìn và phát huy từ thời cha ông cho đến ngày nay, nổi bật có thể kể đến như:

Truyền thống yêu nước: Từ thời Văn Lang, Âu Lạc, nhân dân ta cho thấy một lòng yêu nước mãnh liệt. Truyền thống ấy được con cháu những đời sau lưu truyền lại qua các thế thệ sau từ thưở lọt lòng thông qua những câu ca, lời ru, tiếng hát. Trong tác phẩm “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: “Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta …. Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.” Lòng yêu nước luôn ở sẵn trong trái tim của mỗi con người. Vào những lúc tổ quốc cần, nó sẽ bùng phát lên một cách dữ dội. Việc mà chúng ta cần làm chính là gìn giữ cho tinh thần yêu nước ấy luôn được sống mãi với thời gian.

Truyền thống bất khuất, kiên chung chống giặc ngoại xâm; chắc hẳn trong chúng ta ít nhất đã đã từng nghe đến những tấm gương anh dũng hi sinh trong các cuộc chiến bảo vệ chủ quyền dân tộc như anh hùng Phan Đình Giót, anh hùng Bế Văn Đàn, chị Võ Thị Sáu … Những vị ấy đã không quản ngại khó khăn, cống hiến cả tinh thần lẫn thể xác vì nền độc lập và hòa bình của dân tộc. Truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm ấy đến ngày nay vẫn được thể hiện rất rõ ràng. Mặc dù cho trước mắt là độc lập, ổn định, hòa bình nhưng ngoài khơi xa kia vẫn còn những người lính hải đảo không quản ngày đêm chiến đấu vì từng mét đất, từng hòn sỏi của biển đảo quê hương. Chúng ta cần đồng lòng gìn giữ mảnh đất thiêng liêng, nơi những người anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống, tất cả đều vì vận mệnh của dân tộc.

Truyền thống tôn sư trọng đạo: đất nước chúng ta có ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 để tôn vinh những “người lái đò” hằng năm. Một người làm thầy dù ở đâu cũng đáng nhận được sự tôn trọng. Nhưng ngày nay, vấn đề đạo đức học đường đang ngày càng bị lên án và biến tướng bởi rất nhiều sự việc khác nhau. Chính vì vậy, chúng ta cần duy trì, gìn giữ và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp này.

Truyền thống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ: Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn đặt chữ “hiếu” làm cốt lõi phát triển của một con người. Bố mẹ hiếu thảo với ông bà, con cái nhìn vào đó cũng lấy điều đó làm gương mà trở thành một người sống có tình nghĩa và giàu lòng nhân ái.

Truyền thống cần cù lao động: Người dân ta bao đời tự hào về truyền thống tốt đẹp chính là đức tính cần cù lao động. Việt Nam đi lên từ nền văn minh lúa nước, truyền thống ấy đến nay vẫn không ngừng nhân rộng và phát triển các mô hình canh tác xoay quanh nông nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam ngày càng có nhiều startup trẻ và thành công đi theo lĩnh vực số hóa, phát triển nền công nghiệp 4.0. Người đồng sáng lập kiêm phó Chủ tịch của MoMo – ứng dụng thanh toán qua ví điện tử hàng đầu Việt Nam – ông Nguyễn Bá Diệp là một tấm gương chăm chỉ lao động, sáng tạo và đã đạt được thành quả tương xứng.

Truyền thống hiếu học: Truyền thống này thể hiện một cách rõ ràng nhất ở những nơi vùng sâu, vùng xa, khi điều kiện cơ sở vật chất còn vô cùng khó khăn. Những đứa trẻ phải đi xa hàng cây số, vượt qua mấy con suối, con mương mới có thể tới trường học chữ. Hay trong những năm gần đây một việc làm cũng thể hiện rõ truyền thống hiếu học là những em học sinh còn rất trẻ làm rạng danh đất nước bằng những tấm huy chương trong các kỳ thi mang tầm cỡ quốc tế.

Truyền thống tình nghĩa, thương người: Các hoạt động tình nguyện như “Việc tử tế”, “Điều ước cho em”, “Hành trình đỏ”, “Mái ấm yêu thương”,… đang ngày càng thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia tuyên truyền, vận động và nhận được sự đóng góp của nhiều các mạnh thường quân. Truyền thống nhân nghĩa không cần được dạy, cũng không cần ai bảo ai, nó xuất phát từ chính tình người và tinh thần tương thân tương ái.

Truyền thống đoàn kết; tinh thần đoàn kết là một trong những truyền thống quý báu của của nhân dân Việt Nam. Nó càng được tô thắm thêm trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid – 19 vừa qua. Các tình nguyện viên từ khắp mọi miền tổ quốc, không kể tuổi tác, nghề nghiệp cùng nhau xông pha vào tâm dịch, chiến đấu với sự sống và cái chết. Hay như chiến dịch vận động xây dựng Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid vừa được Chính phủ đứng ra kêu gọi đã ngay lập tức thu hút sự ủng hộ từ người dân khắp mọi miền đất nước. Ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều. Nhờ tinh thần đoàn kết và chung tay ấy, Việt Nam đã đẩy lùi được đại dịch, giảm thiểu những đau thương, mất mát.

Truyền thống về văn hoá dân tộc như truyền thống áo dài, các nghề truyền thống như làng nghề tơ lụa, nghề thêu, nghề gốm,…; truyền thống về nghệ thuật như tuồng chèo, cải lương, dân ca.

Những truyền thống tốt đẹp này tạo nên một đất nước Việt Nam tươi đẹp, đa dạng văn hoá, truyền thống khác nhau trước mắt bạn bè quốc tế. Việt Nam có nhiều nét đặc trưng riêng tạo nên sự khác biệt mà nhiều bạn bè quốc tế muốn thăm quan, khám phá.

4. Một vài việc làm để góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc:

Góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc là trách nhiệm của mỗi người trong đó có thế hệ học sinh. Mặc dù còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng các em học sinh cũng có thể có những hành động, việc làm giúp giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc cụ thể như:

– Hiếu thảo, nghe lời ông bà cha mẹ, kính trọng thầy cô,…

– Cố gắng chăm ngoan, học giỏi để trở thành người có ích cho xã hội;

– Thể hiện tình đoàn kết giúp đỡ nhau cùng học tập;

– Tham gia các hoạt động thăm và tưởng niệm các anh hùng đã hi sinh vì độc lập dân tộc, tặng quà và thăm hỏi các thương bệnh binh ở địa phương….

– Tìm tòi, học hỏi những nét văn hoá, truyền thống của địa phương mình, cũng như các địa phương khác;

– Tìm hiểu lịch sử, về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, luôn tự hào, bảo vệ truyền thống tốt đẹp của dân tộc…

– Lên án, ngăn chặn các hành vi làm ảnh hưởng đến truyền thống dân tộc.

5. Phân biệt truyền thống tốt đẹp của dân tộc với những hủ tục, tập quán lạc hậu:

Truyền thống tốt đẹp của dân tộc: là những giá trị tinh thần (tư tưởng, đạo đức,…) được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, phù hợp với xã hội hiện đại.

Ví dụ: Truyền thống yêu nước; bất khuất chống giặc ngoại xâm; Truyền thống đoàn kết; nhân nghĩa; hiếu học;…

Hủ tục: là những phong tục đã lỗi thời, không còn phù hợp với quan niệm về văn hoá, văn minh, đạo đức và nếp sống của xã hội hiện đại.

Ví dụ: Hủ tục bắt vợ, phơi xác chết nhiều ngày rồi mới chôn,…

6. Ý nghĩa của việc phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc:

Truyền thống tốt đẹp của dân tộc là vô cùng giá trị, góp phần tích cực vào quá trình phát triển của dân tộc và của mỗi cá nhân.

Đối với mỗi cá nhân, việc kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc giúp ta dễ dàng hoà nhập vào cộng đồng dân tộc, phát triển nhân cách của mình trên cơ sở tiếp thu các giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.

Đối vơi dân tộc, muốn phát triển phải có sự giao lưu với các dân tộc khác, với các nền vãn hoá khác. Trong quá trình giao lưu đó, dân tộc nào cũng cần tiếp thu được tinh hoa văn hoá của các dân tộc khác nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của mình. Đó chính là yếu tố làm nên cái riêng, cái bản sắc của dân tộc. Nếu không biết thừa kế, giữ gìn và phát huy truyền thông đó, mỗi dân tộc có thể sẽ đánh mất bản sắc riêng của mình và bị đồng hoá bởi các dân tộc khác, các nền văn hoá khác.

Hiện nay, trong điều kiện xã hội ta đang đổi mới, mở cửa, giao lưu rộng rãi với các nước, nếu chúng ta không chú ý giữ gìn truyền thông, bản sắc dân tộc, chạy theo những cái mới lạ, coi thường và xa rời những giá trị văn hoá tốt đẹp bao đời nay, chúng ta sẽ có nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc Việt Nam.

Vì vậy, chúng ta phải bảo vệ, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc để góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )