Hiện nay, hành vi đe dọa tung hình ảnh người khác lên mạng Internet đang diễn ra hết sức phổ biến gây ra ảnh hưởng cũng như nhiều hệ luỵ xấu. Vậy khi bị de doạ tung hình ảnh lên mạng cần phải làm gì? Dưới đây là bài phân tích làm rõ vấn đề này.
Mục lục bài viết
- 1 1. Thực trạng vấn đề đe dọa tung hình ảnh lên mạng Internet hiện nay:
- 2 2. Những hệ lụy của hành vi đe dọa tung hình ảnh của người khác lên mạng Internet:
- 3 3. Các cá nhân cần làm gì khi bị đe dọa tung hình ảnh lên mạng Internet:
- 4 4. Đe dọa, tự ý tung hình ảnh của người khác lên mạng Internet thì bị xử lý như thế nào?
1. Thực trạng vấn đề đe dọa tung hình ảnh lên mạng Internet hiện nay:
Hiện nay, hành vi đe dọa tung hình ảnh người khác lên mạng Internet đang diễn ra hết sức phổ biến ở nước ta. Thông thường, khi xảy ra xích mích, mâu thuẫn, các cá nhân thực hiện các hành vi bêu rếu, xúc phạm đối phương bằng những hình ảnh nhạy cảm của họ, hoặc hình ảnh nhận diện cùng thông tin không đúng sự thật.
Song song với việc đáp ứng nhu cầu sử dụng của con người, thì khi các trang thiết bị, công nghệ thông tin, các dự án, nền tảng mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, con người sử dụng các nền tảng này một cách quá đà, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Một trong số đó là lợi dụng mạng Internet để đăng tải hình ảnh của người khác nhằm mục đích xuyên tạc, bôi xấu, xúc phạm danh dự nhân phẩm của đối phương.
Có thể hiểu, hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội là việc lợi dụng sự phát triển của internet để đăng tải những thông tin sai sự thật, những hình ảnh nhạy cảm nhằm xuyên tạc sự thật nhằm vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Hành vi này khiến uy tín của nạn nhân bị hạ thấp, ảnh hưởng đến công việc, học tập và đời sống xã hội của họ.
Việc đe dọa, tung hình ảnh của người khác lên mạng Internet được xem là hành vi trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Thực tế, có rất nhiều trường hợp xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác trên mạng xã hội. Chỉ vì những mâu thuẫn, bất đồng quan điểm trong đời sống thực tại, cá nhân vi phạm đã đăng tải thông tin lên mạng xã hội với những nội dung mang tính chất phê phán, nói xấu, khiến mọi người xung quanh có cái nhìn tiêu cực về nạn nhân. Họ xem đây là hành động bình thường, là quyền tự do ngôn luận của họ. Thậm chí, có nhiều đối tượng đăng tải những hình ảnh nhạy cảm của nạn nhân, ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín và cuộc sống của họ.
2. Những hệ lụy của hành vi đe dọa tung hình ảnh của người khác lên mạng Internet:
– Đe dọa, đăng hình ảnh của người khác lên mạng Internet ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân bị xúc phạm. Hành vi đe dọa này khiển cá nhân bị ảnh hưởng về tâm lý, khi chịu những lời chỉ trích từ việc mình không làm. Trong nhiều trường hợp, do chịu đả kích nặng nề, nhiều nạn nhân đã tìm đến phương án tiêu cực nhất, đó là tự tử. Điều này cho thấy, hệ lụy của hành vi xúc phạm người khác trên mạng xã hội là rất lớn. Thậm chí, hành vi này còn ảnh hưởng đến uy tín người nhà nạn nhân, quyền con người không được đảm bảo.
– Một trong những quyền cơ bản trong nhóm quyền nhân thân của con người, là các cá nhân được bảo đảm về danh dự, uy tín. Vậy nên, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác xâm phạm trực tiếp đến các quy chuẩn đạo đức, xã hội được pháp luật bảo họ; nó xâm phạm nặng nề về quyền công dân.
– Việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác còn gây ảnh hưởng nặng nề đến trật tự an toàn xã hội, cũng như công tác quản lý xã hội của Nhà nước. Bởi chức năng, nhiệm vụ chính của Nhà nước là quản lý đất nước, bảo vệ quyền lợi cho công dân. Mà hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác là việc xâm phạm trực tiếp đến quyền công dân của mỗi cá nhân. Điều này đồng nghĩa với việc xâm phạm những quy định, đối tượng được pháp luật bảo hộ.
3. Các cá nhân cần làm gì khi bị đe dọa tung hình ảnh lên mạng Internet:
Như đã phân tích ở trên, việc tung hình ảnh lên mạng Internet diễn ra khá phổ biến hiện nay. Có rất nhiều trường hợp, chỉ vì những mâu thuẫn cá nhân, các chủ thể vi phạm đã có hành vi đe dọa tung hình ảnh nhạy cảm của người khác lên mạng xã hội. Trước sẽ phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, các hành vi này ngày càng có dấu hiệu ra tăng. Tức, mọi mâu thuẫn, vấn đề khi không giải quyết được với nhau, con người thường hướng tới việc công kích đối phương bằng việc đe dọa tung hình ảnh lên mạng Internet. Vậy các cá nhân cần làm gì khi bị đe dọa tung hình ảnh lên mạng?
– Người dân cần nhận thức được rằng, hình ảnh của họ liên quan đến vấn đề đời tư. Không ai có quyền tự ý sử dụng mà không có sự đồng ý. Vậy nên, chủ thể khác đe dọa, sử dụng hình ảnh của họ để đăng lên mạng xã hội là vi phạm pháp luật.
– Xác định được việc đe dọa, tự ý sử dụng hình ảnh của người khác lên mạng xã hội là trái với quy quy định của pháp luật, chủ thể bị đe dọa sẽ bình tĩnh đưa ra cách xử lý tốt nhất, nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Tức, họ sẽ không để bản thân rơi vào trạng thái sợ hãi, bị đe dọa. Trước hành vi đe dọa đăng tải hình ảnh lên mạng Internet, người dân có thể trả lời rằng đó là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu đối tượng kai vẫn cố tình thực hiện, đăng tải, họ sẽ tố cáo nên cơ quan chức năng có thẩm quyền.
– Để củng cố thêm bằng chứng cho việc tố cáo, trong quá trình nhắn tin, gọi điện nói chuyện với đối tượng đe dọa, người dân có thể thực hiện chụp màn hình đoạn hội thoại, ghi âm. Đây cũng sẽ được xem là các nguồn chứng cứ trình nộp lên cơ quan chức năng có thẩm quyền, nhằm củng cố thêm chứng cứ về hành vi đe dọa của những đối tượng kia.
Trước hành vi đe dọa tung hình ảnh lên mạng xã hội, người dân không nên quá lo lắng, sợ hãi, mà cần bình tỉnh, bình xét trên phương diện pháp luật để đưa ra các phương thức giải quyết tốt nhất như đã phân tích ở trên. Đồng thời, các cá nhân không được vì lời đe dọa của các đối tượng đe dọa mà bức xúc, mất bình tĩnh, dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của đối phương. Hơn nữa, ta cần hiểu rằng, đe dọa, tự ý sử dụng hình ảnh của người khác để tung lên mạng xã hội nhằm mục đích bôi xấu, xúc phạm họ là vi phạm pháp luật. Dù bị đe dọa, người dân cũng không nên tìm cách đáp trả bằng cách đe dọa lại đối phương, hay tung hình ảnh của họ lên mạng Internet. Bởi khi làm vậy, vô hình chung, ta sẽ từ nạn nhân trở thành người vi phạm.
4. Đe dọa, tự ý tung hình ảnh của người khác lên mạng Internet thì bị xử lý như thế nào?
– Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng, cụ thể là có hành vi xúc phạm, bôi nhọ, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân, hình ảnh của tổ chức sẽ bị xử phạt cụ thể như sau:
+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác; Tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau: Viết, phát tán, lưu hành tài liệu, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Như vậy, theo quy định tại điều luật trên, đối với hành vi phát tán hình ảnh làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
– Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội làm nhục người khác như sau:
+ Chủ thể nào có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
+ Trong trường hợp phạm tội 2 lần trở lên; phạm tội đối với 2 người, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội, phạm tội đối với người thi hành công vụ; phạm tội đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc mình; sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; gây rối loạn tinh thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45% thì sẽ bị phạt tiền từ 3 tháng đến 2 năm.
+ Phạm tội thuộc trường hợp gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên; làm nạn nhân tự sát thì sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
Như vậy, hành vi đe dọa, tự ý tung hình ảnh của người khác lên mạng xã hội nhằm mục đích xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, thì đối tượng vi phạm hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt từ 3 tháng đến 5 năm.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình
Bộ luật hình sự 2015.