Tội trộm cắp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân, những đối tượng này thực hiện hành vi thỏa mãn các dấu hiệu của tội danh này sẽ bị truy cứu hình sự. Vậy người dưới 18 tuổi trộm cắp vặt nhiều lần có bị truy cứu hình sự?
Mục lục bài viết
1. Dưới 18 tuổi trộm cắp vặt nhiều lần có bị truy cứu hình sự?
Trộm cắp tài sản là một trong những hành vi phạm tội nằm trong sự điều chỉnh của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017. Để có thể áp dụng các quy định về loại tội phạm này cần căn cứ theo các quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm, cụ thể được Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 ghi nhận như sau:
Cá nhân nếu có độ tuổi là từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác;
Còn trong trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.
Với quy định nêu trên thì có thể xảy ra 3 trường hợp đặt ra trong trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội trộm cắp tài sản:
– Thứ nhất, Nếu xét thấy người phạm tội trộm cắp tài sản đủ 16 tuổi trở lên thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi của mình;
– Thứ hai, nếu người phạm tội trộm cắp tài sản đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì theo quy định sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự với tội trộm cắp tài sản nếu tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
+ Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
Áp dụng quy định trên với tội trộm cắp tài sản thì phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Hoặc Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh;
+ Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Áp dụng quy định nêu trên thì trong tội trộm cắp, cá nhân phạm tội có hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp;
– Thứ ba, nếu người chưa đủ 14 tuổi phạm tội trộm cắp tài sản thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân đủ 16 tuổi trộm cắp tài sản nhiều lần:
Theo quy định pháp luật Hình sự thì người nào trộm cắp tài sản của người khác mà có trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên nếu đủ yếu tố cấu thành, trong đó có xem xét đến độ tuổi để truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị truy cứu theo đúng quy định. Thậm chí trong trường hợp dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp đã được quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 cũng sẽ bị truy cứu.
Đối với cá nhân 16 tuổi trộm cắp tài sản nhiều lần nhưng chưa đến mức chiếm đoạt số tiền nêu trên thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác;
– Cá nhân nếu thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Khi có hành động trộm cắp tài sản, hoặc thực hiện xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;
+ Thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản;
+ Cố ý sử dụng dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
+ Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản;
+ Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
– Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Hành vi vi phạm nêu trên có thể bị áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này;
+ Ngoài ra, pháp luật cũng có quy định về việc trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
– Biện pháp khắc phục hậu quả cũng có thể áp dụng trong một số hành vi nhất định:
+ Cá nhân sẽ bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều này;
+ Có thể buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm đ và e khoản 2 Điều này;
+ Trong một số trường hợp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
3. Quy định về biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người dươi 18 tuổi trộm cắp vặt nhiều lần:
Căn cứ theo quy định tại Điều 89 Văn bản hợp nhất 20/VBHN-VPQH 2022 Luật xử lý vi phạm hành chính thì biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 90 của Luật này để giáo dục, quản lý họ tại nơi cư trú trong trường hợp nhận thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi cộng đồng. Thời hạn để cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được là từ 03 tháng đến 06 tháng
Đồng thời, Điều 90 Luật này quy đinh những đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn như sau:
+ Cá nhân từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi nếu thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự;
+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.
+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Cá nhân nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định thì cũng có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
+ Đối trường hợp cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Những người quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này mà không có nơi cư trú ổn định thì được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
– Bộ luật Hình sự 2015;
– Văn bản hợp nhất 20/VBHN-VPQH 2022 Luật xử lý vi phạm hành chính;
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.