Hiện nay, do vị trí tự nhiên nên các bất động sản nằm liền kề nhau để đảm bảo quyền lợi của mình trong quá trình sinh hoạt thì rất cần sụ hỗ trợ, tạo điều kiện từ bất động sản kế. Vậy, cá nhân có được lắp đường điện, thoát nước qua đất hàng xóm không? Khi xảy ra tranh chấp lắp đường dẫn điện, thoát nước thì cần làm gì?
Mục lục bài viết
- 1 1. Được lắp đường điện, thoát nước qua đất hàng xóm không?
- 2 2. Khi tranh chấp đường ống thoát nước thải thì giải quyết như thế nào?
- 3 3. Trình tự giải quyết khi xảy ra tranh chấp lắp đường dẫn điện, thoát nước qua đất hàng xóm:
- 4 4. Hành vi không lắp đặt đường dẫn nước để nước mưa chảy qua nhà người khác bị xử phạt như sau:
1. Được lắp đường điện, thoát nước qua đất hàng xóm không?
1.1. Quyền của bất động sản về cấp thoát nước qua bất động sản liền kề:
Theo quy định tại Điều 252 Bộ luật Dân sự 2015 thì Quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề như sau:
Do vị trí tự nhiên mà hai bất động sản liền kề nhau nên việc cấp, thoát nước của một trong các bất động sản có thể phải phụ thuộc bất động sản kế bên. Việc cấp thoát nước buộc phải dẫn qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, tạo điều kiện cho bất động sản kế bên, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy.
Đương nhiên, người sử dụng lối cấp, thoát nước được tạo điều kiện về cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước. Trong trường hợp nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Xét trên thực tế, do do tự nhiên thì nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại.
Như quy định đã nêu ở trên thì bất động sản kế bên không còn lựa chọn nào khác buộc phải thoát nước qua bất động sản kế bên thì phải dành riêng một lố cấp thoát nước riêng, tạo điều kiện để có thể sinh hoạt bình thường, không ngăn cản gây khó khăn vì vấn đề này.
1.2. Quyền về lắp đường điện qua đất hàng xóm:
Căn cứ theo Điều 255 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì bất động sản liền kề có quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản khác. Tuy nhiên, chủ sở hữu bất động sản có quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản của các chủ sở hữu khác một cách hợp lý, nhưng phải bảo đảm an toàn và thuận tiện cho các chủ sở hữu đó; trong trường hợ gây nên thiệt hại cho bất động sản kế bên thì có thể chịu trách nhiệm phải bồi thường.
Pháp luật ghi nhận quyền của chủ sở hữu trong việc thoát nước mưa, thoát nước thải nhưng cũng ghi nhận nghĩa vụ của cá nhân này theo quy định tại Điều 250, Điều 251 như sau:
– Chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác khi tiến hành lắp đặt đường dẫn nước phải đảm bảo vị trí lắp đặt sao cho nước mưa từ mái nhà, công trình xây dựng của mình không được gây ảnh hưởng trực tiếp, làm chảy xuống bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề mà gây nên thiệt hại cho bất động sản kế bên;
– Chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác có trách nhiệm làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước để đưa nước thải ra nơi quy định. Việc dẫn nước thải đi qua bất động sản kế bên thì phải đảm bảo rằng nước thải không chảy tràn sang bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề, ra đường công cộng hoặc nơi sinh hoạt công cộng gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường sống công cộng.
Như vậy, khi một bên bất động sản liền kế bất đắc dĩ phải dẫn điện, thoát nước qua bất động sản liền kề thì hoàn toàn được pháp luật cho phép nhưng phải đảm bảo nghĩa vụ để tránh gây ảnh hưởng lớn đến hộ dân xung quanh.
2. Khi tranh chấp đường ống thoát nước thải thì giải quyết như thế nào?
Trên thực tế, bất động sản liền kề có quyền lắp đặt hệ thống thoát nước sinh hoạt đi qua bất động sản kế bên. Tuy nhiên, vấn đề này thường rất nhạy cảm và xảy ra những tranh chấp không đáng có như:
– Chủ bất động sản thoe quy định phải cho bất động sản liền kề lắp đặt ống thoát nước nhưng không cho phép xây dựng và đặtt được ống thoát nước theo đúng quy định;
– Xảy ra những tranh chấp mương nước thoát nước thải giữa các bên với nhau;
– Trong quá trình sử dụng phát sinh những sự cố như trào nước và ống dẫn nước thải ảnh hưởng đến các khu dân cư xung quanh xảy ra những mâu thuẫn tranh chấp mà không thể thỏa thuận giải quyết được;
Khi phát sinh những tranh chấp kể trên, các bên không thể bình tĩnh ngồi nói chuyện để giải quyết vấn đề thì không nên gây nên có những hành vi làm căng thẳng hơn những tranh chấp xảy ra mà cần đến cơ quan địa phương như lãnh đạo thôn, xóm, xã, phường để thực hiện thủ tục hoà giải tại cơ sở. Tuy nhiên, việc hòa giải giữa các bên không có tính bắt buộc nên nhiều khi vẫn xảy ra những tranh chấp không được giải quyết một cách triệt để. Để đảm bảo quyền lợi và chấm dứt tình trạng mâu thuẫn này các bên có thể được đưa khởi kiện vụ án yêu cầu tòa án giải quyết. Tòa án sẽ thụ lý vụ việc và có thẩm quyền xử lý những yêu cầu sau: Thứ nhất là yêu cầu về bồi thường do đường ống nước thải gây ra; Thứ hai nếu nhận thấy việc xây dựng đường ống thoát nước thải không đúng theo quy định của pháp luật thì có thẩm quyền yêu cầu nhà liền kề xây dựng đúng theo quy định, tránh tình trạng gây thiệt hại họ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của những hộ dân xung quanh;
3. Trình tự giải quyết khi xảy ra tranh chấp lắp đường dẫn điện, thoát nước qua đất hàng xóm:
– Lựa chọn hoà giải: Sau khi nhận được thông báo về tranh chấp liên quan đến dẫn đường cấp điện, thoát nước thì phương thức hòa giải được ưu tiên áp dụng, cơ quan nhà nước cũng khuyến khích người dân lựa chọn phương thức này. Người tiến hành hòa giải có thể là những người giữ vị trí quan trọng như trưởng thôn, lãnh đạo xã, cán bộ tại các ban ngành địa phương. Quá trình hòa giải phải đảm bảo theo đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật cụ thể như sau:
– Việc hòa giải không được mang tính chất bắt buộc, áp đặt các bên tranh chấp phải tiến hành hóa giải thành, các bên có quyền được tự do tranh luận, thể hiện quan điểm, phân tích ảnh hưởng quyền lợi của mình;
– Cá nhân đứng ra hòa giải phải giữ vững tinh thần khách quan, công bằng, có lý có tình và đảm bảo giữ bí mật thông tin đời tư của các bên tranh chấp;
– Mọi quyết định, lời nói phải tôn trọng quyền lợi ích hợp pháp của người khác; tuyệt đối không có hành vi xâm phạm lợi ích của nhà nước lợi ích công cộng;
– Việc xử lý tranh chấp phải diễn ra một cách kịp thời, chủ động và dứt khoát ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật; Ngoài ra, còn phải lường trước được những hậu quả xấu có thể xảy ra và đưa ra phương án giải quyết kịp thời.
– Khởi kiện ra Toà: Vấn đề tranh chấp giữa các bên khi tiến hành hòa giải không có kết quả hoặc hòa giải không thành thì có thể khởi kiện vụ án yêu cầu Tòa án giải quyết. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi thường trú của người bị kiện có thẩm quyền giải quyết đối với những vụ tranh chấp như trường hợp trên( điều này được ghi nhận tại Điều 36 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
Về trình tự thủ tục khởi kiện vụ án: người có quyền thực hiện chuẩn bị đơn khởi kiện nộp tại Tòa án có thẩm quyền giải quyết; Tòa sau khi tiếp nhận đơn sẽ tiến hành thụ lý giải quyết và đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm; sau khi có quyết định, bản ấy sơ thẩm nếu các bên không đồng tình với quyết định mà Tòa đưa ra thì có quyền kháng cáo, kháng nghị yêu cầu xét xử phúc thẩm để đòi lại quyền lợi của mình.
4. Hành vi không lắp đặt đường dẫn nước để nước mưa chảy qua nhà người khác bị xử phạt như sau:
Bất động sản liền kề trong quá trình sử dụng phần diện tích đất của mình nhưng gây ảnh hưởng đến bất động sản liền kề cụ thể là không lắp đặt đường dẫn nước để nước mưa chảy qua nhà người khác là có hành vi vi phạm được ghi nhận tại Điều 250 của Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước mưa phải lắp đặt đường dẫn nước sao cho nước mưa từ mái nhà công trình xây dựng của mình không được chảy trực tiếp xuống bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề. Nếu có hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng mức phạt được quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP , như sau;
Chủ sở hữu bất động sản liền kề có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của các cá nhân tổ chức có thể bị áp dụng mức phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Căn cứ để có thể áp dụng mức phạt này vào những chủ sở hữu có hành vi vi phạm dựa vào theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm vụ thử thiệt hại như sau:
– Bất kỳ cá nhân nào có hành vi xâm phạm tính mạng sức khỏe danh dự nhân phẩm hoặc liên quan đến tài sản quyền lợi ích hợp pháp của người khác mà gây ra những thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường trừ trường hợp có quy định khác;
– Cá nhân gây nên thiệt hại với người khác có thể không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh do sự ảnh hưởng của sự kiện bất khả kháng hoặc lỗi hoàn toàn do bên bị thiệt hại trừ trường hợp qua thỏa thuận khác;
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ Luật Dân sự năm 2015;
– Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015;
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.