Khi ký kết hợp đồng thi công công trình xây dựng, các nhà thầu thông thường cần phải đảm bảo tiến độ cho các chủ đầu tư, tuy nhiên trên thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc thi công công trình chậm tiến độ. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì có được chấm dứt hợp đồng với nhà thầu chậm tiến độ hay không?
Mục lục bài viết
1. Được chấm dứt hợp đồng với nhà thầu chậm tiến độ không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 24 Điều 131 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, có quy định:
– Trong trường hợp nhà thầu thực hiện gói thầu có hành vi vi phạm hợp đồng, nhà thầu không còn khả năng để tiếp tục thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ thực hiện hợp đồng, chất lượng của công trình xây dựng … thì chủ đầu tư có quyền xem xét, báo cáo cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền đưa ra quyết định cho phép chấm dứt hợp đồng với nhà thầu đó, nhà thầu vi phạm hợp đồng sẽ bị coi là không hoàn thành hợp đồng. Khi đó, đối với phần công việc chưa thực hiện được trên thực tế thì sẽ áp dụng hình thức chỉ định thầu cho các nhà thầu khác với giá trị được xác định bằng giá trị ghi nhận trong hợp đồng sau khi trừ đi giá trị của phần công việc đã thực hiện xong, và đã được nghiệm thu trước đó;
– Chủ đầu tư bắt buộc phải bảo đảm nhà thầu được chỉ định cần đáp ứng đầy đủ điều kiện về năng lực kinh nghiệm, có đủ khả năng để đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu. Trong trường hợp không áp dụng hình thức chỉ định thầu thì hình thành gói thầu mới bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu từ đầu, trong trường hợp cần thiết thì chủ thể có thẩm quyền có thể xem xét lại giá gói thầu đối với phần công việc còn lại trước khi tiến hành thủ tục tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong trường hợp được thực hiện hợp đồng chậm tiến độ không do lỗi của các bên nhà thầu thì sẽ không được phép chấm dứt hợp đồng với nhà thầu đó để thay thế bằng nhà thầu khác;
– Trong trường hợp bắt buộc phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm hợp đồng vì nhằm mục đích thay thế các nhà thầu mới thực hiện gói thầu, trong khoảng thời gian 05 ngày làm việc được tính bắt đầu kể từ ngày ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng với nhà thầu có hành vi vi phạm hợp đồng, chủ đầu tư cần phải đăng tải thông tin công khai về các nhà thầu vi phạm hợp đồng, thông tin nhà thầu thay thế trên Hệ thống đấu thầu quốc gia, đồng thời cần phải gửi quyết định chấm dứt hợp đồng đấu thầu và các văn bản giấy tờ tài liệu xử lý vi phạm hợp đồng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ kế hoạch và đầu tư, để cơ quan có thẩm quyền tổng hợp và theo dõi. Trong thông báo bắt buộc phải nêu rõ lý do nhà thầu vi phạm hợp đồng dẫn tới trường hợp cần phải chấm dứt hợp đồng, hình thức lựa chọn nhà thầu thay thế để thực hiện gói thầu, các nhà thầu được chỉ định trong trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu.
Theo điều luật phân tích nêu trên thì có thể nói, trong trường hợp các nhà thầu thực hiện gói thầu có hành vi vi phạm hợp đồng, không còn đáp ứng đầy đủ điều kiện về năng lực để có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng, từ đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ công trình, chất lượng và hiệu quả của gói thầu, chủ đầu tư hoàn toàn có quyền xem xét và báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định cho phép chấm dứt hợp đồng với nhà thầu chậm tiến độ đó.
Tuy nhiên, trong trường hợp chậm thực hiện hợp đồng không xuất phát từ lỗi của bên nhà thầu thì sẽ không được chấm dứt hợp đồng.
2. Trách nhiệm của các bên khi làm chậm tiến độ hợp đồng xây dựng?
Căn cứ theo quy định tại Điều 146 của Văn bản hợp nhất Luật xây dựng năm 2020 có quy định về vấn đề thưởng, phạt hợp đồng xây dựng, bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm và giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng. Theo đó:
(1) Bên nhận thầu cần phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên giao thầu khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
– Chất lượng công việc không đảm bảo với sự thỏa thuận của các bên ghi nhận trong hợp đồng đấu thầu, hoặc kéo dài thời gian hoàn thành dự án hoàn toàn do lỗi của bên nhận thầu gây ra;
– Do nguyên nhân của bên nhận thầu dẫn tới trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong thời gian bảo hành.
(2) Bên giao thầu cần phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên nhận thầu khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
– Xuất phát từ nguyên nhân của bên giao thầu, dẫn tới công việc theo hợp đồng mà các bên đã ký kết ban đầu bị gián đoạn, chậm tiến độ thực hiện, gặp nhiều rủi ro, điều phối máy móc và trang thiết bị, vật liệu, vật tư, ảnh hưởng tới cấu kiện tồn kho của bên nhận thầu;
– Bên giao thầu cung cấp giấy tờ tài liệu, thông tin, điều kiện cần thiết cho công việc không đúng với các thỏa thuận của các bên ghi nhận trong hợp đồng, từ đó làm cho bên nhận thầu phải thi công lại công việc, tạm dừng công việc hoặc sửa đổi công việc;
– Trong trường hợp hợp đồng xây dựng quy định cụ thể về việc bên giao thầu cung cấp nguyên vật liệu, cung cấp các trang thiết bị máy móc, các yêu cầu khác mà bên giao thầu cung cấp không đúng thời gian và cung cấp không đúng yêu cầu, không đúng thỏa thuận;
– Bên giao thầu chậm thanh toán theo sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng.
Theo đó thì có thể nói, ngoài mức phạt tiền chậm tiến độ hợp đồng xây dựng như đã phân tích nêu trên, bên có lỗi trong việc gây ra tình trạng chậm tiến độ hợp đồng xây dựng còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên còn lại. Theo đó, bên nhận thầu cần phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên giao thầu trong trường hợp chất lượng công việc bên nhận thầu thực hiện không đảm bảo với sự thỏa thuận của các bên ghi nhận trong hợp đồng hoặc bên nhận thầu có hành vi cố tình kéo dài thời gian hoàn thành, đồng thời bên giao thầu cần phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên nhận thầu trong trường hợp xuất phát từ nguyên nhân của bên giao thầu dẫn tới công việc theo hợp đồng xây dựng bị gián đoạn, thực hiện chậm tiến độ phải gặp nhiều rủi ro trong quá trình điều phối máy móc trang thiết bị, vật liệu, cấu kiện tồn kho cho bên nhận thầu. Các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận với nhau về cách xác định thiệt hại trên thực tế mà bên vi phạm cần phải bồi thường, thỏa thuận về điều khoản cụ thể của hợp đồng xây dựng.
3. Triển khai xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà ở chậm tiến độ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo quy định tại Điều 58 của Nghị định 16/2022/NĐ-CP, có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản. Theo đó, phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
– Kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và không được phép đưa vào sản xuất kinh doanh theo quy định;
– Kinh doanh bất động sản không đúng phạm vi được kinh doanh theo quy định của pháp luật;
– Triển khai xây dựng các loại hình dự án kinh doanh bất động sản, bọn em dự án đầu tư xây dựng nhà ở chậm tiến độ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Theo đó thì có thể nói, theo điều luật phân tích nêu trên thì hành vi triển khai xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà ở chậm tiến độ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt sẽ bị phạt tiền từ 400.000.000 đồng tới 600.000.000 đồng. Tuy nhiên cần phải lưu ý, mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức vi phạm. Trong trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền sẽ được xác định bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức trong cùng một hành vi vi phạm, cụ thể là từ 200.000.000 đồng tới 300.000.000 đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đấu thầu năm 2023;
– Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;
– Nghị định 16/2022/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính về xây dựng;
– Văn bản hợp nhất 02/VBHN-VPQH 2020 hợp nhất Luật Xây dựng.
THAM KHẢO THÊM: