Hiện nay, vấn nạn tiền giả vẫn còn là vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việc lưu hành tiền giả trên thị trường ảnh hưởng tiêu cực rất nhiều đến nền kinh tế và vấn đề lạm phát. Sử dụng tiền giả để mua bán hàng hóa là một hành vi trái phép và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Mục lục bài viết
- 1 1. Dùng tiền giả mua bán hàng hóa phạm tội gì?
- 2 2. Dùng tiền giả mua hàng hóa thì xử lý một hay hai tội?
- 3 3. Xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến tiền giả:
- 4 4. Sử dụng tiền giả mà không biết có bị xử lý không?
1. Dùng tiền giả mua bán hàng hóa phạm tội gì?
1.1. Chịu trách nhiệm hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả:
1.1.1. Mức phạt:
Vì hành vi sử dụng tiền giả mua hàng hóa thuộc vào hoạt động lưu hành tiền giả nên có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 207
+ Khoản 1: Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.
+ Khoản 2: Phạt tù từ 05 năm đến 12 năm đối với hành vi phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
+ Khoản 3: Phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân đối với hành vi phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên.
+ Khoản 4: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm đối với hành vi chuẩn bị phạm tội này.
+Ngoài ra người thực hiện hành vi phạm tội này còn có thể sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
1.1.2. Cấu thành của tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả:
– Mặt khách quan:
+ Hành vi làm tiền giả: làm tiền giả thông qua các hành vi in, photo, vẽ, hoặc các hình thức khác nhằm mục đích tạo ra tiền giống tiền thật.
+ Hành vi tàng trữ tiền giả: tàng trữ tiền giả thông qua hành vi cất giữ dưới bất kỳ hình thức nào.
+ Hành vi vận chuyển tiền giả: vận chuyển tiền giả từ nơ này qua nơi khác bằng mọi hình thức , mọi phương tiện như xe, tàu, máy bay, …
+ Hành vi lưu hành tiền giả: lưu hành tiền giả thông qua các hành vi sử dụng tiền giả để thanh toán, trao đổi hàng hóa, …
– Mặt chủ quan: Do lỗi cố ý của người thực hiện.
– Khách thể: xâm phạm đến quy định của nhà nước về quản lý tiền tệ.
– Chủ thể: Người có năng lực trách nhiệm hình sự từ đủ 16 tuổi trở lên, không thuộc các trường hợp được loại trừ , miễn trách nhiệm hình sự.
1.2. Chịu trách nhiệm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
1.2.1 Mức phạt:
Đối tượng thực hiện hành vi sử dụng tiền giả để mua hàng hóa còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174
– Khoản 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với các hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
+ Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội cướp tài sản (Điều 168), Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169), Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170), Tội cướp giật tài sản (Điều 171), Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172), Tội trộm cắp tài sản (Điều 173), Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175), Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290) của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Mua hàng hóa bằng tiền giả gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
+ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
– Khoản 2: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với một trong các trường hợp phạm tội sau: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt.
– Khoản 3: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm với một trong các trường hợp:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
– Khoản 4: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân với một trong các hành vi phạm tội như sau:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
1.2.2 Cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, hành vi vi phạm phải đáp ứng các yếu tố: “dùng thủ đoạn gian dối” và “chiếm đoạt tài sản của người khác”. Cụ thể:
– Khách thể: hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
– Chủ thể: là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.
– Mặt khách quan: hành vi dùng thủ đoạn gian dối, đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) thông qua lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản làm cho người có tài sản tin là sự thật nên đã tự nguyện giao tài sản cho người có hành vi gian dối để họ chiếm đoạt.
2. Dùng tiền giả mua hàng hóa thì xử lý một hay hai tội?
Để xác định người thực hiện hành vi sử dụng tiền giả mua hàng hóa là phạm tội gì, chỉ phạm về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả hay hành vi đó vừa phạm Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả vừa phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cơ quan chức năng cần tiến hành điều tra, xác minh vụ việc.
Có thể thấy hành vi sử dụng tiền giả mua hàng hóa cũng được coi là một thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, xét thấy hành vi sử dụng tiền giả và hành vi lừa đảo hoàn toàn khác nhau. Trong khi việc sử dụng tiền giả, lưu hành tiền giả được thể hiện dưới nhiều hình thức như dùng tiền giả để tặng cho, người tặng cho tiền giả biết tiền giả và người được cho tiền giả cũng biết tiền giả đó, bán lại, đổi tiền giả lấy tiền thật, trộn tiền giả với tiền thật để mua bán hàng hóa, …
Trong các hình thức trên có những hình thức người phạm tội không dùng thủ đoạn gian dối, cả người mua và người bán đều biết được tiền giả nhưng vẫn thực hiện giao dịch thì không phải trường hợp sử dụng thủ đoạn gian đối để chiếm đoạt tài sản của người khác thì hành vi này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả. Còn đối với trường hợp người sử dụng tiền giả biết tiền giả nhưng cố ý sử dụng để mua bán hàng hóa mà người nhận không biết được thì ngoài tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
3. Xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến tiền giả:
Theo quy định tại Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung tại Khoản 20 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ tiền tệ Việt Nam như sau:
– Phạt cảnh cáo đối với các hành vi:
+ Khi phát hiện tiền giả loại mới mà không
+ Khi phát hiện có dấu hiệu tàng trữ, lưu hành, vận chuyển tiền giả mà không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền;
+ Bố trí người chưa qua tập huấn về kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả hoặc chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tiền thực hiện công tác thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả;
+ Không giao nộp tiền giả theo quy định của pháp luật.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi:
+ Không thu giữ tiền giả khi phát hiện;
+Không tạm giữ tiền khi nghi ngờ tiền giả;
+ Khi thu giữ tiền giả hoặc tạm giữ tiền nghi giả mà không lập biên bản hoặc thu giữ tiền giả, không đóng dấu, bấm lỗ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả.
– Đối với hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
– Ngoài ra còn bị tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm; buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm sao chụp, in ấn tiền giả; buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
4. Sử dụng tiền giả mà không biết có bị xử lý không?
Việc xác định lỗi là yếu tố quan trọng để chứng minh một người có hành vi sử dụng tiền giả mua hàng hóa có phạm tội hay không. Để xác định được lỗi thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng. Tại Điều 10 và Điều 11 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về cố ý phạm tội và vô ý phạm tội.
Theo đó cố ý phạm tội là nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc để mặc hậu quả xảy ra.
Còn vô ý phạm tội là tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa; hoặc không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù hậu quả đó buộc người thực hiện hành vi đó phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Do đó, việc sử dụng tiền giả để mua hàng hóa là điều cấm của pháp luật và pháp luật quy định phải biết được hậu quả của nó, cho dù người sử dụng tiền giả thực hiện với lỗi cố ý hay lỗi vô ý thì đều phạm tội. Tuy nhiên nếu chứng minh được người sử dụng tiền giả không có lỗi khi thực hiện hành vi này thì người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;