Khi làm việc cho công ty, nhiều người đã có hành vi sử dụng tiền của công ty vào mục đích cá nhân. Đây cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm nhằm hướng đến biện pháp xử lý phù hợp dành cho các cá nhân có hành vi chiếm đoạt tài sản của công ty. Vậy hành vi dùng tiền công ty vào mục đích cá nhân có phạm tội hay không?
Mục lục bài viết
1. Dùng tiền công ty vào mục đích cá nhân có phạm tội không?
Người lao động có hành vi sử dụng tiền của công ty vào mục đích cá nhân hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn cấu thành tội phạm của các tội danh tương ứng, cụ thể bao gồm:
-
Nếu cá nhân lấy tiền của công ty thuộc sự quản lý, trách nhiệm của mình để dùng vào mục đích cá nhân thì có thể phạm tội tham ô căn cứ theo quy định tại Điều 353 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017. Trong trường hợp đó là doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước thì vẫn phạm tội căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 353 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017;
-
Trong trường hợp cá nhân có hành vi chiếm đoạt tiền của công ty mà mình không có trách nhiệm quản lý thì có thể phạm tội trộm cắp tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể như sau:
+ Nếu hành vi chiếm đoạt tài sản của công ty không thông qua việc sử dụng thủ đoạn, phương thức gian dối thì đây là hành vi trộm cắp tài sản căn cứ theo quy định tại Điều 173 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017. Khi đó, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
+ Nếu các cá nhân có hành vi sử dụng thủ đoạn, phương thức gian dối để phạm tội thì sẽ phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản căn cứ theo quy định tại Điều 174 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017. Khi đó, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc cấm làm công việc nhất định trong khoảng thời gian từ một năm đến năm năm hoặc tịch thu một phần, tịch thu toàn bộ tài sản;
+ Trong trường hợp cá nhân nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của công ty sau khi có được số tiền đó, vi phạm quy định về trách nhiệm của mình đối với công ty (ví dụ như không hoàn thành nhiệm vụ của mình), sử dụng tiền của công ty vào mục đích cá nhân (không phục vụ cho lợi ích của công ty) thì có thể phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản căn cứ theo quy định tại Điều 175 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017, vì đây là hành vi vi phạm nghĩa vụ trong công việc dựa vào sự tín nhiệm và tin tưởng của công ty. Khi đó, mức hình phạt Có thể phải chịu là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong khoảng thời gian từ một năm đến năm năm hoặc tịch thu một phần, tịch thu toàn bộ tài sản vi phạm.
Như vậy, người có hành vi sử dụng tiền của công ty vào mục đích cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác nhau khi thỏa mãn cấu thành tội phạm của từng tội danh tương ứng như tội tham ô tài sản, tội trộm cắp tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
2. Dùng tiền công ty vào mục đích cá nhân sau đó đã tự nguyện khắc phục hậu quả thì có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 51 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017 có quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có thể kể đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau:
-
Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc thực hiện những hành vi làm giảm bớt tác hại của tội phạm trên thực tế;
-
Người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả;
-
Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
-
Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.
Như vậy, cá nhân có hành vi sử dụng tiền của công ty vào mục đích cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự đã tự nguyện bồi thường thiệt hại hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả thì có thể được xem là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
3. Cần phải làm gì khi phát hiện nhân viên dùng tiền công ty vào mục đích cá nhân?
Công ty khi phát hiện ra nhân viên sử dụng tiền của công ty vào mục đích cá nhân trái quy định của pháp luật thì cần phải tố cáo hành vi vi phạm tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Căn cứ theo quy định tại Điều 144 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định:
-
Tố giác tội phạm là việc cá nhân khi phát hiện ra hành vi vi phạm và tố cáo hành vi có dấu hiệu của tội phạm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
-
Tin báo về tội phạm là thông tin cụ thể về một vụ việc có dấu hiệu của tội phạm do cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng;
-
Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản, có kèm theo bằng chứng, chứng cứ, giấy tờ, tài liệu có liên quan đến cơ quan điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền để xem xét và xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm;
-
Tố giác, tin báo về tội phạm có thể được thực hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản;
-
Người nào có hành vi cố tình tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tùy theo mức độ vi phạm trên thực tế, có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 145 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Theo đó:
-
Cơ quan điều tra là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;
-
Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;
-
Viện kiểm sát là cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện ra cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ, hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc nhận thấy các cơ quan có liên quan có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không tự nguyện khắc phục.
Như vậy, khi nhận thấy công ty bị chiếm đoạt tài sản thì công ty có thể làm đơn tố giác đến cơ quan điều tra nơi công ty đặt trụ sở, viện kiểm sát nhân dân các cấp, tòa án hoặc các cơ quan khác tại nơi phát hiện ra tội phạm.
Đồng thời, một khi công ty đã tố cáo cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật đến cơ quan chức năng thì nếu nhận thấy có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan công an sẽ tiến hành hoạt động điều tra và khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của pháp luật. Lúc này, cho dù cá nhân vi phạm và phía công ty có thỏa thuận được với nhau về việc hoàn trả lại số tiền đó thì cá nhân vi phạm vẫn sẽ bị truy tố theo đúng quy định, vì đây không phải là vụ án thuộc diện khởi tố theo yêu cầu của bị hại căn cứ theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật tố tụng hình sự. Vì vậy, trong trường hợp vi phạm thì cá nhân vi phạm nên tìm cách thương lượng khéo léo với công ty, xin công ty thời gian trả nợ để tránh những rắc rối về sau.
Trong quá trình đi tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, công ty cần phải chuẩn bị những bằng chứng và chứng cứ cần thiết. Căn cứ theo quy định tại Điều 87, Điều 89, Điều 99, Điều 100, Điều 101 và Điều 104 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, chứng cứ được thu thập và xác định từ những nguồn như sau:
-
Vật chứng;
-
Lời khai hoặc là trình bày;
-
Dữ liệu điện tử;
-
Kết luận giám định;
-
Kết luận định giá tài sản;
-
Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và hoạt động thi hành án;
-
Kết quả thực hiện hoạt động ủy thác tư pháp và quá trình hợp tác quốc tế;
-
Một số tài liệu và đồ vật khác.
Công ty cần phải thu thập chứng cứ liên quan một cách đầy đủ và theo đúng quy định của pháp luật, sau đó thực hiện hoạt động trình báo lên cơ quan công an khi nhận thấy nhân viên trong công ty có hành vi sử dụng tiền của công ty vào mục đích cá nhân, chiếm đoạt trái phép tài sản của công ty. Công ty có thể tố cáo bằng cách liên hệ trực tiếp hoặc liên hệ thông qua điện thoại, liên hệ thông qua các ứng dụng thông tin đại chúng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
THAM KHẢO THÊM: