Tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ là hai tội phạm tuy cùng về hối lộ nhưng mỗi hành vi phạm tội có mức xử phạt riêng theo Bộ Luật hình sự. Chính vì vậy, về cấu thành tội phạm sẽ khác nhau. Chúng ta cần phân biệt được rõ ràng hai hành vi này để tránh gây hiểu nhầm.
Mục lục bài viết
1. Đưa hối lộ là gì?
Hiện nay đang có nhiều những quan điểm khác nhau về khái niệm hối lộ dựa theo những góc độ khác nhau.
Thứ nhất, dưới góc độ chính trị
Hối lộ là một trong những loại bổng lộc của quyền lực và là một hình thức trao đổi chung giữa quyền lực và sự giàu có. Hiện tượng hối lộ làm mất niềm tin của công chúng đối với cả các chính trị gia và hệ thống chính trị. Khi chúng ta nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi hối lộ đối với hệ thống chính trị, sự cần thiết phải xử lý loại hành vi này bằng pháp luật hình sự trở nên rõ ràng hơn…
Trong khi đó, từ khía cạnh hành chính – nhà nước, các học giả và đa số các quốc gia đều thống nhất chung “hối lộ” là một loại hành vi tham nhũng. Hiện tượng này đang có xu hướng xảy ra nhiều tại những nơi thiếu sự minh bạch và thiếu sự tôn trọng các quy tắc đạo đức, đồng thời tác động trở lại làm cho bộ máy nhà nước trở nên trì trệ, thối nát và quan liêu. Đặc biệt, hối lộ cũng hủy hoại đạo đức và trách nhiệm của những người thực thi chức trách, làm mất lòng tin của công chúng vào hoạt động công vụ…
Thứ hai, dưới góc độ Khoa học Luật hình sự Việt Nam và những đặc điểm của quan hệ hối lộ
Dưới góc độ khoa học Luật hình sự nước ta, khái niệm “hối lộ” được hiểu bao gồm ba loại hành vi phạm tội tương ứng với ba tội hối lộ cụ thể – tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội làm môi giới hối lộ. Còn trong
So sánh với Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng cho thấy, khái niệm “hối lộ” chỉ đề cập đến hành vi đưa hối lộ và hành vi nhận hối lộ. Theo nội dung Điều 15 (Hối lộ công chức quốc gia), Điều 16 (Hối lộ công chức nước ngoài hoặc công chức quốc tế của tổ chức công) và Điều 21 (Hối lộ trong khu vực tư) của Công ước có thể hiểu đó là các hành vi sau đây:
a) Hứa hẹn, chào mời hay cho, trực tiếp hay gián tiếp, người có chức vụ (trong lĩnh vực công hoặc tư, của quốc gia hoặc tổ chức quốc tế) bất kỳ một lợi ích không chính đáng cho chính bản thân người có chức vụ ấy hay cho một người hoặc một tổ chức khác, để người có chức vụ này làm hoặc không làm một việc trong quá trình thi hành công vụ;
b) Hành vi của người có chức vụ (trong lĩnh vực công hoặc tư, của quốc gia hoặc tổ chức quốc tế), trực tiếp hay gián tiếp, đòi hoặc nhận một lợi ích không chính đáng cho chính bản thân công chức hay cho người hoặc tổ chức khác, để người có chức vụ đó làm hoặc không làm một việc trong quá trình thi hành công vụ.
Tóm lại, với các quan điểm tiếp cận khác nhau (cả trong lý luận và thực tiễn) nhưng về cơ bản đều thống nhất chung về “hối lộ” với nội dung khái quát như sau: Hối lộ là việc sử dụng một lợi ích nào đó tác động vào hành vi của người có chức vụ, quyền hạn để hành vi của người đó diễn ra theo cách người đưa hối lộ mong muốn. Với nhận thức chung này cho thấy quan hệ “hối lộ” có thể được xác định bởi những đặc điểm cơ bản sau:
Một là, về chủ thể, trong quan hệ “hối lộ” thông thường chỉ bao gồm người đưa hối lộ (người hối lộ) và người nhận hối lộ (người được hối lộ). Theo đó, nhất thiết phải có sự hiện diện của hai chủ thể này mới phát sinh quan hệ “hối lộ”. Ngoài ra, trong quan hệ “hối lộ” cũng có thể có chủ thể khác như người trung gian (người làm môi giới hối lộ) bởi trong nhiều trường hợp nhờ có chủ thể này thì người hối lộ và người được hối lộ mới liên hệ với nhau và thực hiện được hành vi hối lộ; hoặc chủ thể khác có liên quan như người (cá nhân, tổ chức) được hưởng lợi từ việc hối lộ. Do đó, có khi người được hưởng lợi chính là người đưa hối lộ và người nhận hối lộ nhưng cũng có khi là các cá nhân, tổ chức có liên quan đến hai chủ thể này (cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người quen, thân nhân; v.v…).
Hai là, về khách thể, – giá trị mà các bên hướng tới khi tham gia quan hệ này, về phía người đưa hối lộ là mong muốn người nhận hối lộ thực hiện hay không thực hiện công việc thuộc chức vụ, quyền hạn theo hướng có lợi cho mình hoặc cho cá nhân, tổ chức mà mình quan tâm. Về phía người nhận hối lộ, giá trị hướng tới khi tham gia quan hệ “hối lộ” là một lợi ích không chính đáng – “của hối lộ” (cho bản thân hoặc cho người khác). Của hối lộ ở đây có thể là tiền, tài sản hay một lợi ích dưới bất kỳ hình thức nào.
Ba là, về nội dung, quan hệ “hối lộ” thể hiện qua việc trao – nhận, hứa hẹn trao – nhận giữa các bên: Bên hối lộ trao của hối lộ, nhận về cách giải quyết có lợi đối với công việc đang quan tâm; còn bên nhận hối lộ nhận của hối lộ và giải quyết việc thuộc chức vụ, quyền hạn của mình theo cách thỏa mãn yêu cầu bên đưa hối lộ.
Bốn là, về tính chất và mục đích, hối lộ là loại quan hệ bất hợp pháp, các bên tham gia mong muốn hưởng lợi ích một cách không chính đáng. Cho nên, hối lộ biểu hiện bằng các hành vi phạm tội cụ thể và nói chung, các hành vi này đều bị hầu hết các quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam) coi là tội phạm, đồng thời ghi nhận biện pháp xử lý nghiêm khắc.
2. Phân biệt giữa tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ:
Quy định của Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998 trước đây: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để tham ô, hối lộ hoặc cố ý làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi” (Điều 1). Theo định nghĩa này, hành vi tham nhũng được xác định bởi ba yếu tố căn bản: Thứ nhất, chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn; thứ hai, có yếu tố lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó; thứ ba, có động cơ vụ lợi.
Các tội phạm về tham nhũng nói chung, tội nhận hối lộ nói riêng theo quy định của BLHS Việt Nam phải có chủ thể của tội phạm là người có chức vụ, quyền hạn. Trong khi đó, chủ thể của tội đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ có thể là bất kỳ người nào, không nhất thiết phải có chức vụ, quyền hạn, nên các tội phạm này không được xếp vào nhóm tội phạm về tham nhũng nhưng vẫn thuộc nhóm tội phạm khác về chức vụ vì chúng có liên quan chặt chẽ đến hành vi nhận hối lộ, hơn nữa chúng còn liên quan đến việc thực thi công vụ của chính bản thân người có chức vụ, quyền hạn.
Ngoài ra, BLHS không mô tả hành vi đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ. Hai tội này chỉ được nêu tội danh và định nghĩa dựa trên mô tả hành vi của tội nhận hối lộ để tránh sự trùng lặp không cần thiết. Vì vậy:
– Tội đưa hối lộ là hành vi cố ý của một người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đưa một lợi ích vật chất có giá trị theo quy định của BLHS dưới bất kỳ hình thức nào cho người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
– Tội làm môi giới hối lộ là hành vi cố ý làm trung gian giúp người đưa hối lộ và người nhận hối lộ thỏa thuận về việc người nhận hối lộ thực hiện một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ để đổi lấy một lợi ích vật chất có giá trị theo quy định của BLHS do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện.
Từ hai khái niệm trên, có thể chỉ ra những dấu hiệu pháp lý cơ bản của hai tội phạm này như sau:
Thứ nhất, về khách thể của tội phạm, hành vi đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ đều xâm hại một loại khách thể đó là những quan hệ xã hội bảo đảm cho hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, qua đó làm giảm uy tín của các cơ quan, tổ chức này.
Thứ hai, về mặt khách quan của tội phạm, cho thấy:
– Hành vi đưa hối lộ chỉ được gọi tên: “Người nào đưa hối lộ…”. Như vậy, hành vi ở đây chỉ gồm có hành vi “đưa” của hối lộ chứ chưa bao gồm các hành vi “gợi ý đưa”, “hứa đưa” của hối lộ. Hành vi đưa của hối lộ đó có thể được thực hiện dưới bất kể hình thức nào, có thể do người đưa hối lộ trực tiếp đưa hoặc đưa qua người làm môi giới, có thể đưa trao tay có thể gửi qua các dịch vụ chuyển gửi v.v…
Theo quy định này, tội đưa hối lộ chỉ cấu thành khi người đưa hối lộ đó có hành vi đưa “của hối lộ”.
– Hành vi làm môi giới hối lộ cũng được nêu tên: “Người nào làm môi giới hối lộ…”. Như vậy, người làm môi giới hối lộ chỉ cần truyền đạt thỏa thuận hối lộ giữa các bên đưa hối lộ và nhận hối lộ là tội phạm đó hoàn thành. Tuy nhiên, trong thực tiễn, do mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ giữa tội làm môi giới hối lộ với tội đưa hối lộ và nhận hối lộ nên thời điểm hoàn thành của tội phạm này phải tương ứng với thời điểm hoàn thành hai tội phạm trên mới chính xác. Tính chất nguy hiểm của hành vi làm môi giới hối lộ chỉ thể hiện khi có hành vi hối lộ (đưa hoặc nhận hối lộ).
Ngoài ra, hành vi làm môi giới hối lộ còn có đặc điểm là nó được chủ thể (người môi giới) thực hiện một cách khách quan, theo sự yêu cầu của các bên, thể hiện vai trò làm cầu nối của chủ thể đối với việc đưa và nhận hối lộ. Hành vi làm môi giới chủ yếu nhằm giúp các bên đi đến thỏa thuận hối lộ chứ không can thiệp vào nội dung thỏa thuận. Nếu người thực hiện vai trò trung gian hối lộ xuất phát từ lập trường chủ quan của mình (không phải do yêu cầu của người đưa hoặc nhận hối lộ) thì đó là người đồng phạm đưa hối lộ hoặc nhận hối lộ chứ không phải người làm môi giới hối lộ.
Đối tượng tác động của hành vi đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ hết sức đặc biệt, chính là chủ thể của tội nhận hối lộ, là người có chức vụ, quyền hạn. Theo quy định cuả BLHS, người có chức vụ là “người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”. Bên cạnh đó, những đối tượng cụ thể được coi là người có chức vụ, quyền hạn còn được xác định bao gồm:
a) Cán bộ, công chức, viên chức;
b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
c) Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Người được giao nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Như vậy, người có chức vụ, quyền hạn ở đây là những người công tác trong cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội nhưng được giao thực hiện công vụ hoặc đại diện cho quyền lực công. Dấu hiệu pháp lý đặc trưng tiếp theo thuộc mặt khách quan của tội đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ là “của hối lộ”. Trong các tội phạm này, “của hối lộ” được xem như một dạng công cụ, phương tiện để thực hiện mục đích phạm tội. “Của hối lộ” được xác định từ tội nhận hối lộ bao gồm:
– Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
– Ngoài tiền, tài sản còn có thể là bất kỳ lợi ích trị giá được thành tiền như: Giấy tờ có giá trị thanh toán, quyền hưởng dịch vụ không mất phí, quyền mua tài sản, hàng hóa với giá rẻ hơn thực tế… thể hiện rất phong phú và khác nhau trong thực tế. “Của hối lộ” không nhất thiết là của người đưa hối lộ, nhưng đối với người nhận hối lộ thì nó được xem là “vật có được”.
Thứ ba, về mặt chủ quan của tội phạm, tội đưa hối lộ và tội làm môi giới hối lộ được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý trực tiếp.
Thứ tư, về chủ thể của tội phạm, hai tội này có chủ thể có thể là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện. Trên thực tế, có những trường hợp chủ thể thực hiện hành vi hối lộ vì lợi ích của cơ quan, tổ chức, theo quyết định của cơ quan, tổ chức nhưng BLHS Việt Nam hiện hành không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
3. Quy định về tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ:
Thứ nhất, tội đưa hối lộ
Được quy định tại Điều 364,
1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
6. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.
7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Thứ hai, về tội môi giới hối lộ
Được quy định tại Điều 365 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:
1. Người nào môi giới hối lộ mà của hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Biết của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Của hối lộ trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc trường hợp của hối lộ trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội thuộc trường hợp của hối lộ trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
6. Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
7. Người nào môi giới hối lộ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.