Tham nhũng được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Tham nhũng là nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, đến sự thụ hưởng các quyền và lợi ích của con người. Đưa hối lộ là gì? Quy định tội đưa hối lộ theo Bộ luật hình sự?
Mục lục bài viết
1. Đưa hối lộ là gì?
Đưa hối lộ được hiểu là hành vi đưa tiền hoặc tài sản hoặc lợi ích vật chất khác( của hối lộ) một cách trực tiếp hoặc qua trung gian cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác để họ làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Đưa hối lộ là hành vi xâm phạm trật tự quản lý nhà nước được Bộ luật hình sự quy định cụ thể về các yếu tố cấu thành, hình phạt.
2. Quy định về tội đưa hối lộ theo Bộ luật hình sự 2015 :
– Căn cứ pháp lý: Điều 364
Cụ thể:
“Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
6. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.
7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.”
Như vậy, các yếu tố cấu thành tội đưa hối lộ có những dấu hiệu sau:
– Dấu hiệu về mặt khách quan:
+ Về hành vi: trước hết để cấu thành tội đưa hối lộ thì phải có hành vi đưa của hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn dưới bất kỳ hình thức nào có thể là trực tiếp, hoặc qua trung gian môi giới. Tuy nhiên hiện nay, việc đưa hối lộ không chỉ xuất phát từ chủ đích của người đưa hối lộ chủ động đưa cho người có chức vụ, quyền hạn mà còn xuất phát từ việc gợi ý, đòi hỏi hay thậm chí là “sự vòi vĩnh” của những người có chức vụ, quyền hạn. Việc đưa hối lộ được diễn ra dưới rất nhiều hình thức khác nhau, đa dạng và phong phú thông qua nhiều cách khác nhau. Thời điểm hoàn thành tội phạm này được tính từ thời điểm một bên chấp nhận đề nghị hoặc yêu cầu của bên kia.
+ Về các dấu hiệu khác: của hối lộ phải có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng việc đưa hối lộ đó phải gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là dấu hiệu cơ bản cấu thành tội này.
– Dấu hiệu về mặt chủ quan:
+ Người phạm tội đưa hối lộ thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra nhằm đạt được mục đích, mong muốn của mình.
+ Mục đính của việc đưa hối lộ là để người có chức vụ, quyền hạn chấp nhận làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người phạm tội. Tội đưa hối lộ có động cơ vụ lợi, tuy nhiên đây không phải dấu hiệu cấu thành bắt buộc của tội phạm này.
– Dấu hiệu về mặt khách thể:
Khách thể của tội đưa hối lộ là hành vi phạm tội xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức kinh tế nhà nước; làm cho các cơ quan, tổ chức nhà nước bị suy yếu, làm mất đi uy tín của nhà nước đối với nhân dân; là cơ sở để làm thóai hóa, biến chất đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan nhà nước làm giảm đi hiệu quả trong công tác quản lý của nhà nước
– Dấu hiệu về mặt chủ thể:
Chủ thể của tội đưa hối lộ là người có năng lực trách nhiệm hình sự. Chủ thể của tội đưa hối lộ không phải chủ thể đặc biệt, tuy nhiên người phạm tội đưa hối lộ cũng có thể là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để đưa hối lộ nhưng đây không phải dấu hiệu bắt buộc.
3. Khung hình phạt của tội đưa hối lộ là bao nhiêu?
* Các mức hình phạt:
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm( đôi với các hành vi được liệt kệ tại các điểm a, điểm b khoản 1 Điều 364 Bộ luật hình sự 2015)
– Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với các trường hợp:
+ Có tổ chức;
+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
+ Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
– Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
– Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.
– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
* Những trường hợp ngoại lệ:
– Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ theo Khoản 7 Điều 364 Bộ luật hình sư 2015.
– Trong trường hợp người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
4. Những khó khăn và kiến nghị giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng:
Hiện nay, phát hiện hối lộ và đưa hối lộ không hề dễ dàng bởi có rất nhiều hình thức biến tướng khác nhau để biến hành vi đưa hối lộ là một việc làm thông thường và hợp pháp. Những hành vi như: cho, biếu, tặng, gửi… vào những dịp quan trọng ngày lễ, ngày tết vốn là những hoạt động bình thường, là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Nhưng vô hình chung, những nét đẹp văn hóa đấy giờ đây lại trở thành một hình thức trá hình của những hành vi hối lộ, liên quan đến các vụ án kinh tế thậm chí là những vụ đại án. Do đó, cần đẩy mạnh công tác phòng ngừa, ngăn chặn đẩy lùi hối lộ và đưa hối lộ.
– Trước hết là biện pháp tuyên truyền phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, thống nhất có hiệu quả từ nhận thức đến hành động của cán bộ, công chức, viên chức trong việc phòng, chống tham nhũng.
– Thứ hai, xét xử nghiêm minh, kịp thời và công khai với những mức hình phạt thích đáng đối với các hành vi tham nhũng.
– Thứ ba, cần phải xây dựng lực lượng chuyên trách chịu trách nhiệm chính trong cả nước về phòng chống tham nhũng. Lực lượng này cần được đào tạo bài bản và được trao những quyền năng pháp lý đủ mạnh, có phẩm chất trong sáng vừa “hồng” vừa “chuyên”. Cần kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng.
– Thứ tư, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật trong Nhân dân; phát huy vai trò của Nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tệ tham nhũng. Để tăng cường hơn nữa sức mạnh của Nhân dân và báo chí trong công cuộc đấu tranh này cần nâng cao nhận thức của công dân và người làm báo để có những bài viết sắc bén đấu tranh trực diện với tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tai mắt của người dân, sức mạnh của phương tiện thông tin đại chúng là một nhân tố quan trọng trong việc phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
– Thứ năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong phát hiện, xử lý tham nhũng; đẩy mạnh việc thực hiện nâng cao năng thực thanh tra, kiểm tra, chú trọng tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về phòng, chống tham nhũng, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức cơ sở làm công tác thanh tra, kiểm tra.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Bộ luật hình sự 2015;
– Luật phòng, chống tham nhũng 2018.