Dự toán xây dựng công trình là toàn bộ chi phí cần thiết dự tính để xây dựng công trình được xác định theo thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công. Dự toán xây dựng đã phê duyệt được điều chỉnh khi nào?
Mục lục bài viết
1. Dự toán xây dựng công trình gồm những nội dung nào?
Theo quy định Điều 11 Nghị định 10/2021/NĐ-CP, dự toán xây dựng công trình gồm các nội dung cụ thể sau đây:
– Trong trường hợp dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng công trình là toàn bộ chi phí cần thiết dự tính để xây dựng công trình được xác định theo thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công.
– Nội dung dự toán xây dựng công trình gồm các danh mục chi phí sau đây:
+ Chi phí xây dựng gồm: chi phí xây dựng các công trình, hạng mục công trình của dự án; công trình, hạng mục công trình xây dựng tạm, phụ trợ phục vụ thi công; chi phí phá dỡ các công trình xây dựng không thuộc phạm vi của công tác phá dỡ giải phóng mặt bằng đã được xác định trong chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
+ Chi phí thiết bị gồm: chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ; chi phí quản lý mua sắm thiết bị; chi phí mua bản quyền phần mềm sử dụng cho thiết bị công trình, thiết bị công nghệ; chi phí đào tạo và chuyển giao công nghệ; chi phí gia công, chế tạo thiết bị cần gia công, chế tạo; chi phí lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh; chi phí chạy thử thiết bị theo yêu cầu kỹ thuật; chi phí vận chuyển; bảo hiểm; thuế và các loại phí; chi phí liên quan khác
+ Chi phí quản lý dự án là chi phí cần thiết để tổ chức quản lý việc thực hiện và thực hiện các công việc quản lý dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng và quyết toán vốn đầu tư xây dựng.
+ Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng là chi phí cần thiết để thực hiện các công việc tư vấn đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng và quyết toán vốn đầu tư xây dựng.
+ Chi phí khác và chi phí dự phòng.
– Chủ đầu tư xác định tổng dự toán để quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong trường hợp cần thiết đối với dự án có nhiều công trình. Tổng dự toán gồm các dự toán xây dựng công trình và chi phí tư vấn, chi phí khác, chi phí dự phòng tính chung cho cả dự án.
Trên đây là những nội dung cần phải đảm bảo trong dự toán xây dựng công trình.
2. Dự toán xây dựng đã phê duyệt được điều chỉnh khi nào?
Dự toán xây dựng công trình điều chỉnh gồm phần dự toán xây dựng công trình không điều chỉnh và phần dự toán xây dựng công trình điều chỉnh.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 135 Luật xây dựng 2014 (sửa đổi bổ sung sung tại Luật xây dựng sửa đổi 2020), dự toán xây dựng đã phê duyệt được điều chỉnh khi thuộc một trong các trường hợp cụ thể sau đây:
– Cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng khi rơi vào các sự kiện như sau:
+ Điều chỉnh mức đầu tư dự án do ảnh hưởng của thiên tai, sự cố môi trường, địch họa, hỏa hoạn và các yếu tố bất khả kháng khác;
+ Khi xuất hiện yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án khi đã được chủ đầu tư chứng minh về hiệu quả tài chính, kinh tế – xã hội do việc điều chỉnh dự án mang lại, mức đầu tư xây dựng sẽ được điều chỉnh.
+ Khi quy hoạch xây dựng thay đổi có ảnh hưởng trực tiếp tới dự án, mức đầu tư xây dựng cũng được xem xét điều chỉnh.
+ Tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh trong trường hợp chỉ số giá xây dựng do Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá xây dựng được sử dụng để tính dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư dự án được duyệt.
+ Khi điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh dự án, chủ đầu tư dự án, cá nhân, tổ chức có thẩm quyền sẽ điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.
– Về bản chất, chủ đầu tư dự án, cá nhân, tổ chức có thẩm quyền được phép thay đổi, bổ sung thiết kế không trái với thiết kế cơ sở hoặc thay đổi cơ cấu chi phí dự toán xây dựng. Tuy nhiên, sự điều chỉnh thay đổi này không vượt tổng mức đầu tư xây dựng được phê duyệt.
– Khi điều chỉnh dự toán xây dựng công trình, chủ đầu tư phải lưu ý rằng, kế hoạch điều chỉnh dự toán đó phải được thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Chủ đầu tư tổ chức điều chỉnh, báo cáo người quyết định đầu tư chấp thuận trước khi phê duyệt trong trường hợp dự toán xây dựng công trình điều chỉnh vượt dự toán đã phê duyệt nhưng không vượt tổng mức đầu tư xây dựng đã được phê duyệt.
Như vậy, khi quy định của pháp luật hiện hành, khi thuộc một trong các trường hợp cụ thể nêu trên, chủ đầu tư, cá nhân, tổ chức có thẩm quyền liên quan sẽ thực hiện điều chỉnh, phê duyệt lại dự toán xây dựng công trình. Đây là căn cứ để chủ đầu tư, cá nhân, tổ chức, người có thẩm quyền thực hiện điều chỉnh dự toán công trình; giúp đảm bảo chất lượng công trình; lợi ích tài chính của các bên tham gia.
3. Cách phê duyệt dự toán xây dựng công trình:
Điều 82 Luật xây dựng 2014, khi tiến hành phê duyệt dự toán xây dựng công trình, người dân thực hiện như sau:
– Việc thẩm định bước thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở phải được chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định, trừ trường hợp người quyết định đầu tư có quy định khác tại quyết định đầu tư xây dựng. Ngoài ra, chủ đầu tư quyết định việc kiểm soát thiết kế theo quy định tại hợp đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu và quy định của pháp luật có liên quan đối với các bước thiết kế còn lại.
– Chủ đầu tư thẩm định các nội dung: Sự phù hợp của thiết kế xây dựng bước sau so với thiết kế xây dựng bước trước; Sự hợp lý của các giải pháp thiết kế xây dựng công trình; Sự tuân thủ các tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng cho công trình; Đánh giá sự phù hợp các giải pháp thiết kế công trình với công năng sử dụng của công trình, mức độ an toàn công trình và bảo đảm an toàn của công trình lân cận; Sự hợp lý của việc lựa chọn dây chuyền và thiết bị công nghệ đối với thiết kế công trình có yêu cầu về công nghệ; Sự tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; Sự phù hợp giữa khối lượng chủ yếu của dự toán với khối lượng thiết kế; tính đúng đắn, hợp lý của việc áp dụng, vận dụng định mức, đơn giá xây dựng công trình; xác định giá trị dự toán công trình, với bước thiết kế sau:
+ Thiết kế FEED trong trường hợp thực hiện hình thức hợp đồng thiết kế – mua sắm vật tư, thiết bị – thi công xây dựng công trình .
+ Trong trường hợp thiết kế ba bước, thực hiện thiết kế kỹ thuật;
+ Thiết kế bản vẽ thi công trong trường hợp thiết kế hai bước;
+ Trong trường hợp thực hiện thiết kế nhiều bước theo thông lệ quốc tế, bước thiết kế khác ngay sau bước thiết kế cơ sở.
– Đối với công trình xây dựng có yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho ý kiến hoặc thẩm duyệt theo quy định của pháp luật có liên quan.
– Đối với công trình xây dựng có yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ đầu tư được trình hồ sơ đồng thời đến cơ quan chuyên môn về xây dựng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng thẩm tra thiết kế xây dựng về nội dung an toàn công trình, sự tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm cơ sở cho việc thẩm định đối với công trình xây dựng ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng.
– Chủ đầu tư có trách nhiệm tổng hợp văn bản của cơ quan chuyên môn về xây dựng và các cơ quan, tổ chức có liên quan; thực hiện các yêu cầu; phê duyệt thiết kế xây dựng.
– Thẩm quyền, trình tự thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng phù hợp yêu cầu đặc thù quản lý ngành đối với công trình xây dựng phục vụ quốc phòng, an ninh do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật xây dựng sửa đổi bổ sung 2020;
Nghị định 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.