Dư luận xã hội có thể được coi là hiện tượng thuộc lĩnh vực tinh thần của đời sống xã hội. Trên thực tế dư luận xã hội không chỉ tác động đến đời sống của mỗi con người hiện nay mà còn tác động mạnh mẽ đặc biệt đến ý thức pháp luật. Vậy dư luận xã hội là gì? Ý nghĩa và vai trò của dư luận xã hội?
Mục lục bài viết
1. Dư luận xã hội là gì?
Trong đời sống xã hội hiện nay, không chỉ trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà cả trong các văn bản chính thức của Đảng và Nhà nước, xuất hiện ngày càng nhiều khái niệm “dư luận xã hội”, như là sự bày tỏ thái độ, tình cảm (nhận xét, đánh giá, ý nguyện, ý chí…) của các nhóm, các giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau đối với các sự kiện, hiện tượng xảy ra trong đời sống xã hội. Trên thế giới và trong nước ta hiện nay vẫn có rất nhiều cách hiểu khác nhau, có nhiều định nghĩa khác nhau về dư luận xã hội. Cách hiểu đơn giản nhất là coi dư luận xã hội, hay còn gọi là công luận, là ý kiến của quần chúng nhân dân. Một cách khái quát hơn, có thể định nghĩa như sau về dư luận xã hội: “Dư luận xã hội là tập hợp các luồng ý kiến cá nhân trước các vấn đề, sự kiện, hiện tượng hay các quá trình xã hội”. Định nghĩa trên mang một số nội dung cần chú ý sau:
Một là, mỗi luồng ý kiến là một số ý kiến cá nhân giống nhau.
Hai là, dư luận xã hội có thể bao gồm nhiều luồng ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập nhau.
Ba là, luồng ý kiến có thể rộng (tuyệt đại đa số, đa số, nhiều ý kiến) hoặc hẹp (một số ý kiến).
Chỉ có những sự kiện, hiện tượng, vấn đề xã hội có tính thời sự (động chạm đến lợi ích, các mối quan tâm hiện có của nhiều người) mới có khả năng tạo ra dư luận xã hội.
Như vậy, có thể hiểu Dư luận xã hội là tập hợp các ý kiến của các cá nhân, các nhóm xã hội hay của xã hội nói chung trước các vấn đề, sự kiện, hiện tượng mang tính thời sự, có liên quan đến nhu cầu, lợi ích của họ, thu hút được sự quan tâm của con người và được thể hiện trong các nhận định và hành động thực tiễn của họ.
2. Ý nghĩa của dư luận xã hội:
– Dư luận xã hội đánh giá hành vi xã hội, các quá trình xã hội, các chuẩn mực xã hội. Dư luận xã hội đánh giá các hành vi đó là đúng hay sai, là tốt hay xấu. Những chuẩn mực xã hội mà dư luận xã hội dựa vào để đánh giá có thể là những điều luật hoặc là chuẩn mực chung của đông đảo công chúng. Sự đánh giá này thường khác nhau trong các nhóm xã hội khác nhau cũng như trong những khoảng thời gian khác nhau.
– Dư luận xã hội khi phán xét đánh giá (cũng tức là khen hoặc chê) thì nó có tác dụng khuyến khích cái tốt, ngăn ngừa cái xấu đồng thời giữ gìn và bảo vệ cái đúng, cái đẹp phê phán cái tiêu cực.
– Dư luận xã hội bên cạnh đó còn góp phần sắp xếp, điều chỉnh các quan hệ xã hội cho đúng mục đích và chuẩn mực. Dư luận xã hội nêu ra các chuẩn mực chỉ ra những việc nên làm hay nên tránh hoặc điều chỉnh hành vi cách cư xử của con người dựa trên cơ sở đánh giá các sự kiện, hiện tượng. Đặc biệt khi có những biến cố xã hội lớn đụng chạm trực tiếp và mạnh mẽ đến cộng đồng thì khi đó dư luận xã hội sẽ hình thành nhanh chóng và rộng rãi, từ đó tạo ra sức mạnh lớn chỉ hướng cho hoạt động của quần chúng, cổ vũ cho những hành vi phù hợp với lợi ích chung lên án những hành vi không phù hợp.
– Dư luận xã hội còn có khả năng kiểm soát thông qua sự phán xét, bên cạnh đó có thể đánh giá có tác dụng giám sát hoạt động của các tổ chức xã hội và các cơ quan nhà nước có phù hợp với lợi ích xã hội hay không. Mọi hoạt động của con người trong xã hội vid có sự đánh giá giám sát của xã hội chính vì vậy mà buộc mọi người phải tuân theo chuẩn mực xã hội.
– Thông qua nội dung của mình dư luận xã hội có thể góp ý kiến kiến nghị và giải đáp những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm giúp cho các tổ chức, Đảng và cơ quan nhà nước giải quyết những vấn đề quan trọng trong xã hội, nhờ đó mà xã hội càng phát triển, trình độ văn hóa của nhân dân càng cao và dân chủ càng mở rộng thì sức mạnh của dư luận xã hội càng lớn có tác dụng đến xã hội và góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
3. Vai trò của dư luận xã hội trong xã hội hiện đại:
Một là, thông qua nghiên cứu và tiếp thu dư luận xã hội cũng như xu hướng biến đổi của các luồng ý kiến đang tồn tại trong cộng đồng dân cư sẽ giúp cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách biết thực trạng và khuynh hướng diễn biến của trạng thái tâm lý, tư tưởng, tình cảm của người dân trước những biến đổi của đời sống xã hội .
Hai là, trong công tác tư tưởng, tuyên truyền và vận động, các kết quả điều tra sẽ được sử dụng như phương tiện hữu hiệu để định hướng dư luận xã hội. Nhà truyền thông sẽ biết được những thông tin nào mà công chúng chờ đợi, những kênh thông tin nào được công chúng tin tưởng, những phương thức truyền tin nào có hiệu quả đối với nhóm công chúng khác nhau. Tất cả những kết quả này sẽ được tổng hợp, phân tích và sử dụng để triển khai thực hiện các đợt tuyên truyền , vận động có hiệu quả hơn.
Ba là, kết quả của việc nhận biết và điều tra dư luận xã hội được xác định định tính và định lượng được coi như một trong những kênh thông tin phản hồi có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lý xã hội. Một mặt, các kết quả điều tra này cho phép bộ máy nhà nước nhận thức được phản ứng và hành động tương xứng của các nhóm xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế – chính trị – văn hóa – xã hội , từ đó có được những điều chỉnh , bổ sung cần thiết để các quyết định được thực hiện thuận lợi hơn. Mặt khác, bằng việc thăm dò ý kiến trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, các nhà hoạch định chính sách có thể dự đoán được chính các phản ứng và hành động này đối với các chủ trương chính sách của bộ máy nhà nước các cấp. Đặc biệt trong bối cảnh cải cách phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước , đây là một biện pháp rất quan trọng nhằm tiết kiệm nguồn lực, tăng cường tính khoa học, mức độ khả thi của các quyết sách ở tầm vĩ mô đổi với nền kinh tế – xã hội cũng như vi mô có liên quan trực tiếp đến đời sống con người .
Bốn là, thông qua kết quả điều tra, chúng ta cũng có thể nắm bắt được các khuyến nghị, đề xuất của người dân đối với việc giải quyết một vấn đề nào đó đang tồn tại . Các giải pháp của dư luận xã hội đưa ra không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được , nhưng luôn mang những yếu tố hợp lý , hợp tình và quan trọng hơn là bao hàm sự chờ đợi của người dân. Chính vì vậy, nhiệm vụ của nhà lãnh đạo , quản lý là phải biết lựa chọn những hạt nhân hợp lý để sử dụng trong quá trình ra và thực hiện quyết định cũng như có biện pháp tuyên truyền , vận động để giải tỏa các bức xúc của người dân trước việc khuyến nghị của họ chưa được thực hiện .
Năm là, bằng việc nhận biết dư luận xã hội, có thể dự đoán và chuẩn bị trước các biện pháp can thiệp tình huống nhằm giải tỏa các điểm nóng trong đời sống xã hội. Xét từ góc độ này, dư luận xã hội được coi như biện pháp “ phi bạo lực ” để giải quyết các mâu thuẫn xã hội, ngăn chặn nó phát triển thành các hành động phản kháng tập thể, hoặc bị lợi dụng để gây rối làm bất ôn tình hình chính trị – xã hội .
Sáu là, việc công bố công khai các kết quả điều tra dư luận xã hội cũng là một phương thức để người dân nhận thức và sử dụng quyền tự do dân chủ của mình một cách thiết thực và có lợi nhất. Tuy nhiên , trước khi đưa ra công khai các kết quả điều tra , cần thiết phải dự báo trước những ảnh hưởng có lợi hay bất lợi đối với sự ổn định tinh thần của công chúng và tình hình chính trị xã hội. Thông thường các kết quả điều tra được chia làm ba cấp độ mở của thông tin: dành cho người nghiên cứu; dành cho lãnh đạo quản lý hoặc người đặt yêu cầu; dành cho công chúng.
4. Vai trò của dư luận xã hội trong phòng, chống tham nhũng:
Một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng chính là dư luận xã hội (DLXH). Vai trò của dư luận xã hội với việc phòng, chống tham nhũng thể hiện trên các mặt sau:
– Động viên tinh thần đấu tranh ngăn ngừa, phòng, chống tham nhũng
Dư luận xã hội là tập hợp các luồng ý kiến cá nhân trước các vấn đề, sự kiện, hiện tượng có tính thời sự, có liên quan đến lợi ích xã hội;góp phần chi phối ý thức cá nhân để điều chỉnh hành vi cho phù hợp với chuẩn mực mang tính chung nhất. Thông qua dư luận xã hội, ý thức của mỗi cá nhân về phòng, chống tham nhũng được nâng cao, tinh thần dũng cảm lên án tố giác hành vi tham nhũng được cổ vũ, phát huy.
Trên thực tế, từ sự bức xúc của dư luận xã hội, có thể hình thành các quan niệm và phong trào xã hội kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, tạo động lực, áp lực để các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc nhanh hơn, quyết liệt hơn trong xem xét, xác minh, xử lýhành vi tham nhũng. Mặt khác, dư luận xã hội còn có khả năng răn đe, cảnh báo, gây áp lực với chính các đối tượng có hành vi tham nhũng.
– Trực tiếp cung cấp thông tin giúp phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Theo kết quả điều tra nghiên cứu về tham nhũng ở Việt Nam của Ban Nội chính Trung ương, dư luận xã hội là nguồn chủ yếu để người dân, cán bộ công chức, cán bộ doanh nghiệp biết thông tin về tham nhũng . Trên thực tế, việc phát hiện tham nhũng chủ yếu chỉ qua dư luận xã hội, báo chí phản ánh hoặc khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán mới phát hiện sai phạm.
– Giám sát, đánh giá hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Dư luận xã hội không chỉ là một trong những kênh thông tin quan trọng mà còn là công cụ hữu hiệu góp phầnđánh giá, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động phòng, chống tham nhũng.
Thực tế thời gian qua cho thấy, chính dư luận xã hội và báo chí là lực lượng giám sát khách quan, hiệu quả, bảo đảm việc thực thi các biện pháp phòng, chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức, cá nhân được vận hành công khai, minh bạch, có kết quả rõ ràng.
– Phản biện, góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng
Thông qua việc cung cấp thông tin trên các phương tiện truyền thông, dư luận xã hội cũng đã góp phần thúc đẩy hoàn thiện cơ chế quản lý và các chế tài xử phạt, chấn chỉnh sai phạm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng.
Việc phát huy vai trò của quần chúng nhân dân và các tổ chức xã hội đối với công tác phòng, chống tham nhũng là yêu cầu cấp bách cả về mặt lý luận và thực tiễn. dư luận xã hội có thể tập hợp và đóng góp những khuyến nghị sáng suốt, đưa ra ý kiến phản biện xác đáng đối với các quyết định của các cơ quan đảng, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội về các vấn đề liên quan đến phòng, chống tham nhũng.