Chắc hẳn chúng ta đã nghe rất nhiều về du lịch sáng tạo hiện nay bởi đây là loại hình khá phát triển và chứa ẩn tiềm năng phát triển của ngành du lịch. Thông qua du lịch sáng tạo cũng mang lại cho khách du lịch những trải nghiệm thực tế nhất và có ích nhất đối với họ.
Mục lục bài viết
1. Du lịch sáng tạo là gì?
Du lịch sáng tạo là loại hình mà khách du lịch có cơ hội phát triển tiềm năng sáng tạo của họ thông qua các trải nghiệm học tập, tìm hiểu tại điểm đến. Ở loại hình du lịch này, khách du lịch được tham gia tìm hiểu văn hóa bản địa hoặc những đặc trưng của điểm đến và có sự kết nối với người dân địa phương hoặc những người tạo nên nền văn hóa đặc biệt này.
Du lịch sáng tạo cung cấp những hoạt động đa dạng cho du khách nhờ phát huy tối đa những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tại điểm đến; đồng thời giá trị của điểm đến cũng được nâng cao nhờ chất lượng của hoạt động du lịch.
Ở đây, tính nguyên bản và bền vững của điểm đến được bảo tồn, trở thành nguồn lực của sự sáng tạo, góp phần nâng cao sự tự hào của người dân địa phương về văn hóa truyền thống của họ.
Khi đến với hoạt động du lịch sáng tạo, du khách mong muốn được trải nghiệm văn hóa bản địa bằng cách tham gia vào các hoạt động giáo dục, sáng tác nghệ thuật hoặc tham dự các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ cùng người dân địa phương.
Điều này sẽ góp phần giảm sự tập trung vào những điểm du lịch truyền thống, giúp phân bố đều không gian du lịch ở điểm đến, từ đó bảo tồn được các giá trị văn hóa phi vật thể.
Du lịch sáng tạo tiếng anh là ” Creative tourism”
2. Tìm hiểu Creative Tourism tại Việt Nam:
“Du lịch sáng tạo” là một loại hình của du lịch văn hóa, nhưng khác với du lịch văn hóa nhấn mạnh yếu tố “quan sát”, “thưởng ngoạn”, “suy ngẫm” thì du lịch sáng tạo chú trọng vào “trải nghiệm”, “tham gia”, “học hỏi”.
Khách du lịch không chỉ dừng lại ở những hoạt động chiêm ngưỡng, tham quan, ngắm nhìn như những hình thái du lịch trước đây, mà còn trực tiếp tham gia, hòa nhịp vào cuộc sống nơi đến, trải nghiệm với vai trò như là một thành viên của vùng đất – họ không chỉ là người thụ hưởng, họ đồng sản xuất sản phẩm du lịch mà mình trải nghiệm.
Hình thức du lịch này nhấn mạnh sự kết nối, tương tác giữa khách du lịch và văn hóa, đặc biệt là với cư dân bản địa. Đặc trưng của du lịch sáng tạo là nâng cao nhận thức, học hỏi những kinh nghiệm sống mới mẻ, tiếp cận những tri thức độc đáo của cư dân bản địa.
Du lịch sáng tạo tại Việt Nam
Việt Nam có nhiều điều kiện và cơ hội để phát triển du lịch sáng tạo nhờ tài nguyên du lịch phong phú với các giá trị văn hóa truyền thống đa dạng, ẩm thực hấp dẫn, thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng du lịch và công nghệ thông tin phát triển nhanh cũng giúp du khách dễ dàng tiếp cận với những xu hướng mới của xã hội.
Việc phát triển du lịch sáng tạo tại Việt Nam góp phần làm đa dạng và nâng cao chất lượng cho hệ thống sản phẩm du lịch, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm; bảo tồn giá trị văn hóa, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch; phát triển thương hiệu du lịch độc đáo, thu hút khách du lịch thông qua hiệu ứng mạng xã hội.
Một số hình thức du lịch sáng tạo đang phát triển tại Việt Nam như: du lịch thiện nguyện, du lịch bảo vệ môi trường, du lịch tham quan phim trường, du lịch nông nghiệp – nông thôn, âm nhạc đường phố, tham quan Nhà hát lớn Hà Nội và nghe hòa nhạc, tham quan phố đi bộ tìm hiểu văn hóa Việt Nam…
3. Du lịch sáng tạo có phù hợp với Việt Nam:
Du lịch sáng tạo dễ bị nhầm lẫn với du lịch homestay hay du lịch trải nghiệm (experimental tourism). Có thể thấy, du lịch sáng tạo và du lịch homestay có rất nhiều điểm tương đồng, cả hai loại hình du lịch đều đề cao yếu tố tương tác với người dân bản địa, tuy nhiên, du lịch homestay nhấn mạnh vào phương thức trải nghiệm (“ba cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt), còn du lịch sáng tạo nhấn mạnh vào kết quả của quá trình trải nghiệm và tương tác, đó là khám phá bản thân, có cơ hội tìm hiểu, học hỏi từ nền văn hóa bản địa. Du lịch sáng tạo và du lịch trải nghiệm cùng đề cao trải nghiệm và khuyến khích du khách thử thách bản thân. Tuy nhiên, du khách của du lịch trải nghiệm tìm kiếm kinh nghiệm ý nghĩa và đáng nhớ thông qua những trải nghiệm trực tiếp; với mục tiêu ấy, nhà cung cấp dịch vụ du lịch hướng du khách tới những hoạt động mang lại trải nghiệm, trong đó, việc tiếp xúc, học hỏi với cộng đồng địa phương chỉ là một khía cạnh nhỏ. Chất lượng, mức độ trải nghiệm của tour trải nghiệm là một kết quả được chia đều trách nhiệm cho cả 2 bên (cả nhà cung cấp dịch vụ và du khách). Du khách chi trả tiền và thời gian. Nhà cung cấp chịu trách nhiệm dựa trên những kinh nghiệm có được tạo điều kiện cho du khách có những trải nghiệm thú vị, đáng nhớ. Trong khi đó, du lịch sáng tạo “tô đậm” mối tương tác giữa du khách và cộng đồng địa phương hơn.
Du lịch sáng tạo mang rất nhiều đặc điểm phù hợp để phát triển ở Việt Nam, thậm chí có thể nói là khắc phục những hạn chế đang tồn tại của du lịch nước ta.
Không phụ thuộc mùa vụ: du khách của du lịch sáng tạo đến với cộng đồng bản địa để học hỏi kinh nghiệm, trải nghiệm bản sắc, tính mùa vụ nhìn chung không ảnh hưởng sâu sắc tới du lịch sáng tạo.
Khắc phục tính cạnh tranh kém: du lịch sáng tạo nhấn mạnh tính “đặc trưng”, tính đặc trưng là điều kiện tiên quyết và sống còn của du lịch sáng tạo, đây là điểm mạnh của Du lịch Việt Nam, chắc chắn, nếu khai thác hiệu quả, bản sắc văn hóa của 54 dân tộc sẽ là nguồn tài nguyên dồi dào cho du lịch sáng tạo Việt Nam. Chính vì nhấn mạnh tính đặc trưng, nên sản phẩm du lịch sáng tạo khó lòng sao chép, tài nguyên cho loại hình du lịch này chính là văn hóa bản địa vốn khó bị lặp lại. Không có vùng đất nào không có riêng cho mình những giá trị độc đáo trong nghệ thuật, thủ công, mỹ nghệ, nghi lễ… Sức hấp dẫn của nó phụ thuộc vào mức độ khác biệt. Có những khác biệt thú vị nổi tiếng toàn thế giới, có những khác biệt có mức thu hút vừa phải. Đối với du lịch sáng tạo, vùng đất nào cũng có thể có điểm thú vị, trở thành tài nguyên của du lịch sáng tạo nếu biết cách khai thác.
4. Những ưu điểm của du lịch sáng tạo:
Du khách không giới hạn lứa tuổi: Công nghiệp hóa nhanh chóng vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 làm những kiến thức về công nghệ, đồ thủ công, mỹ thuật… trong quá khứ bị mai một hoặc quên lãng. Những người thuộc tuổi của “thế hệ bùng nổ dân số”, với ý thức về phát triển bền vững mạnh mẽ hơn những lớp đi trước, có nhu cầu tìm hiểu để phục hồi cho các thế hệ mai sau những kỹ năng và công nghệ bị mất đó. Bên cạnh quá trình công nghiệp hóa, đó chính là xu hướng dân số già ngày càng phổ biến ở các nước, nhất là các nước phát triển. Có nhiều người già ở tuổi nghỉ hưu hơn, nghĩa là xuất hiện nhiều hơn những người có đủ cả nguồn lực tài chính và quỹ thời gian dành cho việc khám phá những vùng đất, những hoạt động mà trước kia họ không có thời gian để làm.
Thời gian áp dụng linh hoạt: Thời gian du khách nước ngoài lưu lại Việt Nam thường ngắn, điều kiện cơ sở hạ tầng lưu trú ở Việt Nam cũng khó cho phép du khách lưu lại lâu dài. Nhưng với đặc trưng của mình, du lịch sáng tạo vẫn có thể thực hiện được hết vai trò của nó, dù diễn ra trong 4 giờ hay 4 ngày.
Bền vững cao: Ở khía cạnh phát triển bền vững, cả du lịch văn hóa và du lịch sáng tạo đều là những loại hình du lịch có trách nhiệm, song nếu như tài nguyên để khai thác và phát triển du lịch văn hóa có những yếu tố không tái tạo được, không bảo tồn được, thì du lịch sáng tạo lại khai thác những giá trị văn hóa, tri thức, kinh nghiệm sống và làm việc của cư dân bản địa, một nền tảng tài nguyên vô cùng vững chắc, song lại vận động, biến đổi và không ngừng phát triển.
Không chú trọng cơ sở vật chất cao cấp: du lịch sáng tạo phát triển phụ thuộc vào giá trị cốt lõi của văn hóa, không dựa trực tiếp vào điều kiện cơ sở vật chất cao cấp, phức tạp. Hơn nữa, du khách của du lịch sáng tạo là những người không thích những điều “đại chúng”, đôi khi họ thích khám phá những nơi khách du lịch thông thường không hay lui tới, ở những nơi này, dấu ấn đầy tự nhiên của văn hóa bản địa quan trọng hơn những tòa nhà cao hiện đại hay cơ sở lưu trú tiện nghi.