Sự tích Hồ Gươm là một tác phẩm thuộc thể loại truyền thuyết rất quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Hãy đóng vai Rùa Vàng để kể lại câu chuyện “Sự tích Hồ Gươm”
Mục lục bài viết
1. Khái quát tác phẩm “Sự tích Hồ Gươm”:
1.1. Tóm tắt:
Thời giặc Minh xâm lược và đô hộ nước ta, Lê Lợi dựng cờ khỏi nghĩa tại Lam Sơn. Tuy nhiên, do lực lượng còn mỏng, quân địch thì đông đảo, tinh nhuệ nên nghĩa quân Lam Sơn gặp muôn vàn khó khăn. Thấy vậy, Đức Long Quân cho Lê Lợi mượn thanh gươm thần giết giặc. Người đánh cá Lê Thận ba lần kéo lưới đều được một lưỡi gươm. Ít lâu sau, Lê Lợi bị giặc đuổi, chạy vào rừng thấy cán gươm nạm ngọc, tra vào lưỡi gươm nhà Lê Thận thì vừa như in, mới biết đó là gươm thần. Nhờ có gươm thần, nghĩa quân đánh đâu thắng đó và đã quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Một năm sau, Lê Lợi đi thuyền chơi hồ Tả Vọng, Long Quân sai Thần Kim Quy lên lấy lại gươm thần. Từ đó hồ Tả Vọng đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm.
1.2. Bố cục:
Gồm 2 phần:
– Phần 1 (từ đầu đến “một tên giặc nào trên đất nước”): Lạc Long Quân cho Lê Lợi và nghĩa quân mượn gươm thần để đánh giặc
– Phần 2 (còn lại): Lê Lợi trả gươm
1.3. Giá trị nội dung và Giá trị nghệ thuật:
– Truyện “Sự tích Hồ Gươm” ca ngợi tính chất chính nghĩa, tính chất nhân dân và chiến thắng vẻ vang của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược do Lê Lợi lãnh đạo ở đầu thế kỉ XV. Truyện cũng nhằm giải thích tên gọi hồ Hoàn Kiếm, đồng thời thể hiện khát vọng hòa bình dân tộc
– Sử dụng nhiều chi tiết tưởng tượng, kì ảo, giàu ý nghĩa
2. Dàn ý đóng vai Rùa Vàng kể lại “Sự tích Hồ Gươm”:
* Mở bài:
– Rùa Vàng – vị tướng của Đức Long Quân tự giới thiệu.
– Giới thiệu chuyện về Lê Lợi và Hồ Gươm.
* Thân bài:
– Kể về bối cảnh nước ta khi bị giặc Minh giày xéo và cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi.
– Chuyện Đức Long Quân và việc ngài phái Rùa Vàng đem gươm thần đi giúp nghĩa quân.
– Truyện lưỡi gươm thần hiện mình ba lần trong lưới của Lê Thận và chàng đã nhận được gươm.
– Chuyện vỏ gươm hiện mình trong rừng và Lê Lợi nhận được.
– Rùa Vàng tiết lộ ý nghĩa của việc chia gươm làm hai phần, hiện lên ở hai nơi.
– Truyện lưỡi gươm và vỏ gươm gặp nhau ở nhà Lê Thận.
– Chuyện gươm thần giúp Lê Lợi và nghĩa quân đánh đuổi giặc Minh xâm lược.
– Đất nước sạch bóng quân thù, gươm thần được vua yêu quý, trân trọng, luôn mang bên mình.
– Chuyện vua đi dạo trên hồ Lục Thủy, Rùa Vàng nổi lên xin lại gươm thần; gươm thần cảm nhận được “thần khí” từ Rùa Vàng nên khi tay vua vừa rời khỏi gươm. Gươm thần đã trở về với Rùa Vàng, cả hai lặn xuống và trở về Thủy cung.
* Kết bài:
– Rùa Vàng được Đức Long Quân khen ngợi.
– Bày tỏ mong ước được chứng kiến cuộc sống hòa bình.
3. Bài văn mẫu đóng vai Rùa Vàng kể lại “Sự tích Hồ Gươm”:
Ta là Rùa Vàng, một vị quan dưới trướng Lạc Long Quân. Hôm ấy, trong lúc ta đang ghi chép sổ sách trong thư phòng thì được tin Đức Long Quân triệu kiến gấp. Ta bèn tức tốc vâng mệnh, đến điện gặp Ngài. Vừa tới nơi ta đã nghe giọng nói như sấm rền của Long Quân:
– Ngày mai, lúc Lê Lợi cưỡi thuyền rồng trên hồ Tả Vọng dạo chơi, ngươi hãy nổi lên đòi lại thanh gươm thần cho ta.
Vâng mệnh Long Quân ta lui về thư phòng, chuẩn bị ngày mai thực thi mệnh lệnh.
Nhớ lại năm xưa, vào thời giặc Minh đặt ách đô hộ ở nước Nam, nhân dân cực khổ vô cùng. Bởi bọn giặc vô cùng hung ác, chúng coi người dân như cỏ rác, làm nhiều điều bạo ngược, thiên hạ ai ai cũng căm giận đến tận xương tuỷ. Bấy giờ ở vùng Lam Sơn, có nghĩa quân nổi dậy chống lại chúng. Nhưng trong buổi đầu thế lực còn non yếu nên nghĩa quân đã nhiều lần thất bại. Thấy vậy, để giữ đúng lời hứa với nàng Âu Cơ năm xưa “khi có việc cần thì giúp đỡ lẫn nhau”, Đức Long Quân đã quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần mà Ngài vẫn đeo bên người để con cháu đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại đất nước. Lúc đó chính ta là người mang gươm cho Lê Lợi mượn.
Ta đã tìm hiểu thật kỹ và thấy rằng ờ vùng Thanh Hoá có một người đánh cá tên là Lê Thận, tính tình thật thà, chất phác, sau này sẽ gia nhập nghĩa quân cho nên ta đã cử chàng làm sứ giả trao gươm báu.
Như thường lệ, nhân một đêm trăng sáng, gió thổi mát lạnh, Lê Thận mang lưới thả xuống sông đánh bắt cá. Đã chờ sẵn từ trước, ta lén giấu lưỡi gươm vào trong lưới của anh ta. Lúc kéo lưới lên, thấy nằng nặng, chàng đã nghĩ, chắc là có cá to. Nhưng khi đưa tay xuống nước không thấy cá đâu mà lại chỉ thấy gươm nằm dưới dạng một thanh sắt chàng, liền bỏ đi và lại thả lưới tiếp. Phải vất vả ba lần ta mới khiến anh chàng hiểu rằng đó là thanh gươm và đành đem về.
Quả nhiên, ít lâu sau Lê Thận gia nhập đoàn quân khởi nghĩa Lam Sơn. Chàng dũng cảm, gan dạ, không nề hiểm nguy. Vì vậy, một hôm chủ tướng Lê Lợi và một số thuộc hạ đến nhà Thận. Thanh gươm thần gặp được Lê Lợi nên vụt sáng lên trong căn lều tối tăm. Lấy làm lạ, Lê Lợi cầm lên xem và thấy hai chả “Thuận Thiên” khắc sâu vào thanh gươm. Song chuyện ấy cũng mau chóng bị quên lãng đi, không ai tin đó là báu vật.
Cho tới một hôm, bị giặc truy đuổi, Lê Lợi và các tướng tháo chạy mỗi người một ngả. Lúc chạy ngang qua một khu rừng, Lê Lợi chợt thấy có tia sáng trên ngọn cây đa. Ông trèo lên mới thấy đó là một chuôi gươm nạm ngọc (Đó chính là chiếc chuôi của cây gươm thần tương truyền được Đức bà Âu Cơ cất giữ. Người cho chim thần đem lên đặt trên ngọn cây). Lê Lợi nhớ đến cái lưỡi gươm ở nhà Lê Thận liền đem chuôi gươm giắt vào lưng.
Ba ngày sau, khi gặp lại mọi người trong nhà Thận, Lê Lợi bèn đem chuyện bắt được chuôi gươm kể lại cho họ nghe. Và khi đem lưỡi gươm tra vào chuôi thì vừa như in.
Lê Thận bèn nâng gươm lên ngang đầu, cung kính nói với mọi người:
– Đây là ý trời phó thác cho minh công làm việc lớn. Chúng tôi nguyện đem xương thịt của mình theo minh công, cùng thanh gươm thần này để báo đền Tổ quốc!
Đến đây, nhiệm vụ của ta đã hoàn thành, thanh gươm thần đã được đặt vào đúng vào vị trí của nó.
Thế mà cũng đã một năm trôi qua rồi. kể từ ngày có thanh gươm thần trợ giúp, nhuệ khí của nghĩa quân ngày càng mạnh lên, liên tục lập nhiều chiến thắng, làm cho quân Minh khiếp vía, hãi hùng và phải đầu hàng nghĩa quân Lam Sơn. Lê Lợi giờ đã lên làm vua, đặt hiệu là Lê Thái Tổ.
Miên man trong những kỉ niệm của một năm trước, ta không ngờ trời đã sáng. Ta liền vội vã lên đường, thực hiện nhiệm vụ mà Long Quân giao. Kia rồi! Đoàn thuyền rồng đã hiện ra trước mắt. Ta từ từ nổi lên mặt nước và bơi ra đón trước mũi thuyền. Ta cất giọng chậm rãi: “Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân”.
Sau khi nghe ta nói, Lê Lợi nâng gươm hướng về phía ta và nói: “Xin về tâu lại với Đức Long Quân việc Lê Lợi thay mặt muôn dân kính cẩn cảm tạ Ngài đã cho mượn gươm để giúp dân, giúp nước. Xin cho phép chúng dân đổi tên hồ này thành hồ Hoàn Kiếm để đời đời tưởng nhớ đến công ơn của Ngài “.Nghe vậy, ta liền ngậm gươm thần mà lặn xuống.
Trở về Long Cung, ta tâu lại những điều Lê Lợi đã nói với Long Quân. Người rất vui và hài lòng. Người giao cho ta nhiệm vụ hàng năm nổi lên mặt hồ một lần để xem xét dân tình, kịp thời báo cho người khi con cháu lâm nguy. Ta rất đỗi vinh hạnh nhận sứ mệnh cao cả đó.