Trả góp là gì? Đóng tiền trả góp trễ khi mua hàng trả góp có sao không? Mức xử phạt trong trường hợp đóng tiền trả góp chậm?
Nghĩa vụ của bên mua là thanh toán đúng, đủ tiền trong giai đoạn mua trả góp. Việc mua bán phát sinh hợp đồng, ràng buộc nghĩa vụ dân sự của các bên. Nếu đóng trả góp trễ, bên mua đang vi phạm nghĩa vụ thanh toán của mình. Do đó, họ phải thực hiện theo các nghĩa vụ phạt vi phạm theo nội dung đã thỏa thuận. Ngoài ra các trách nhiệm pháp lý có thể được xác định bằng các quy phạm pháp luật liên quan. Cùng tìm hiểu về nội dung này để giải đáp câu hỏi đề bài.
Căn cứ pháp lý:
– Thông tư 29/2016/TT-NHNN Quy định về việc thấu chi và cho vay quan đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng.
– Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi
– Thông tư 39/2016/TT-NHNN hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội;…
Luật sư tư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Trả góp là gì?
Trả góp là hình thức mua hàng hóa được thanh toán thành nhiều đợt. Trước tiên người mua cần thanh toán trước một phần tiền của món hàng. Số tiền còn lại được chia ra thành nhiều phần rồi thanh toán định kỳ.
Việc cho thanh toán chậm cũng đi kèm các nghĩa vụ khác bên mua cần thực hiện. Bao gồm gốc còn lại và lãi suất. Thường mỗi kì hạn có thể là 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng tùy theo sự thỏa thuận của bên mua và bên bán.
Hình thức này được áp dụng phổ biến trong nhiều năm trở lại đây. Khi người mua chưa có khả năng thanh toán hết giá trị sản phẩm. Việc chia nhỏ thanh toán từng phần nghĩa vụ giúp họ được sở hữu, sử dụng sản phẩm sớm.
2. Đóng tiền trả góp trễ khi mua hàng trả góp có sao không?
Trả góp được coi là hình thức mua hàng hóa “trả dần” quy định tại Điều 453 Bộ luật dân sự. Theo đó:
“1. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận tài sản mua. Bên bán được bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Phân tích quy định pháp luật:
Điều kiện trả tiền theo định kì là nghĩa vụ bắt buộc của bên mua. Nếu đóng tiền trả góp trễ là người mua đã vi phạm nghĩa vụ hợp đồng là chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Các nghĩa vụ không được thực hiện đồng thời tương ứng với quyền lợi liên quan không được đảm bảo.
Do đó bên bán có thể áp dụng các hình thức xử lý đã thỏa thuận. Thông thường là phạt vi phạm hoặc buộc phải chấm dứt hợp đồng. Bên cạnh đó người mua còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Bởi vì họ không đảm bảo thanh toán các giá trị đó đúng thời hạn, có thể ảnh hưởng và gây ra thiệt hại, tổn thất cho bên bán. Nội dung này được quy định trong BLDS năm 2015 như sau:
Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền:
Điều 357
“1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.”
Đồng thời Điều 468 Bộ Luật dân sự quy định về Lãi suất như sau:
“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay,[…..].”
Phân tích quy định pháp luật:
Các điều luật trên đã quy định hướng xử lý trong trường hợp đóng trả góp chậm. Qua đó, bên mua phải có nghĩa vụ thực hiện thanh toán cả phần gốc và lãi chậm trả theo quy định. Bên bán có thể nhờ cơ quan có thẩm quyền can thiệp. Tòa án sẽ tiến hành đưa ra phán quyết cuối cùng nếu các bên không thể thỏa thuận, tìm được tiếng nói chung.
Tuy nhiên trên thực tế, việc các doanh nghiệp tự tin tiến hành cho mua trả góp bởi họ có cơ sở tác động, yêu cầu người mua thực hiện đúng các nghĩa vụ. Một số mức phạt đóng trả góp chậm được quy định như sau:
3. Mức phạt đóng trả góp chậm:
3.1. Phải nộp lãi chậm trả:
Khoản 3 Điều 3
“3. Cho vay trả góp là hình thức cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đối với khách hàng, theo đó công ty tài chính và khách hàng thỏa thuận trả nợ gốc và lãi tiền vay theo nhiều kỳ hạn.”
Phân tích quy định pháp luật:
Các công ty tài chính là đối tượng cho vay tài chính. Họ được pháp luật cho phép xác lập các giao dịch cho vay tài chính, để khách hàng trả góp khi mua hàng.
Khi vay trả góp, công ty tài chính sẽ là bên trung gian cho vay tiền. Trong hợp đồng vay có đầy đủ nội dung về việc xử lý nợ vay, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại,… Do đó trách nhiệm, nghĩa vụ của khách hàng được ràng buộc chặt chẽ.
Xác định các khoản lãi khi đóng trả góp trễ:
Căn cứ khoản 4 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, khi đến hạn mà khách hàng không trả đủ tiền nợ hoặc tiền lãi trả góp hàng tháng thì khách hàng phải trả lãi. Các công ty tài chính được quyền thỏa thuận về các khoản lãi sau:
– Lãi trên nợ gốc tương ứng với thời hạn vay đến hạn chưa trả.
– Lãi chậm trả theo mức lãi suất đã thoả thuận nhưng không quá 10%/năm trên số dư lãi chậm trả tương ứng thời gian chậm trả.
– Nếu tiền vay trả góp bị chuyển thành nợ quá hạn thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng thời gian chậm trả với mức lãi suất không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
Khi ký hợp đồng, khách hàng thường không nắm rõ về nghĩa vụ này. Cho nên khi chậm thực hiện nghĩa vụ, chi phí thực tế phải thanh toán là rất lớn.
Các khoản lãi được thanh toán cho công ty tài chính.
3.2. Bị phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại:
– Căn cứ Điều 25 Thông tư 29/2016/TT-NHNN:
Áp dụng nếu trong hợp đồng vay trả góp có điều khoản về việc phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Khi đó, việc chậm nghĩa vụ của bên mua có thể ảnh hưởng, gây ra tổn thất về quyền lợi trên thực tế cho bên bán. Tùy thuộc vào thỏa thuận hợp đồng để căn cứ xem bên mua có phải thực hiện các nghĩa vụ này hay không.
Trong đó, các bên có thể thỏa thuận thực hiện một trong hai hoặc cả hai:
– Phạt vi phạm.
– Phải bồi thường thiệt hại.
3.3. Bị cho vào nhóm nợ xấu và tương lai sẽ khó vay vốn:
Để hiểu thế nào là nợ xấu, có thể tham khảo nội dung quy định tại khoản 8 Điều 3
“Nợ xấu là nợ thuộc nhóm 3, 4 và 5 tương ứng với thời gian nợ quá hạn từ 91 – 180 ngày; từ 181 – 360 ngày và trên 360 ngày,…”
Với mỗi khoảng thời gian khác nhau thì giá trị nợ xấu được xác định cũng khác. Để đảm bảo các nghĩa vụ của bên mua khi đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán một khoảng thời gian nhất định.
Cách thức mà công ty tài chính thực hiện:
Khi khách hàng bị quá hạn trả nợ, công ty tài chính sẽ phân loại nợ xấu và gửi kết quả phân loại nhóm nợ của khách hàng cho Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam CIC. Thông tin này được lưu trữ, làm căn cứ để đánh giá khách hàng. Cũng như hạn chế một số quyền lợi trong vay vốn của họ ở tương lai.
Khi khách hàng có lịch sử nợ xấu thì nếu sau này muốn vay tiền ở ngân hàng hoặc ở công ty tài chính khác sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều. Bởi các ngân hàng phải xem xét năng lực, khả năng cũng như đặt ra điều kiện nghiêm ngặt hơn cho các khoản vay.
3.4. Bị công ty tài chính giục nợ:
Nhiều trường hợp người vay quá hạn thanh toán trả góp sẽ bị công ty tài chính làm phiền giục nợ. Họ có cách thức để nhắc nợ, đòi nợ. Nội dung này cũng được quy định là một quyền bên cạnh nghĩa vụ cần tuân thủ của công ty tài chính.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Thông tư 18/2019/TT-NHNN:
– Công ty tài chính không được đe doạ khách hàng và chỉ được nhắc nợ tối đa 05 lần/ngày trong khoảng thời gian từ 07 – 21 giờ.
– Đặc biệt, công ty tài chính không được nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin thu hồi nợ cho cá nhân, tổ chức không có nghĩa vụ trả nợ.
Các hành vi làm trái quy định là đang vi phạm quy định pháp luật. Cũng như đang xâm phạm đến một số quyền công dân của những chủ thể khác.
3.5. Chịu trách nhiệm trước pháp luật:
Trách nhiệm này được đặt ra đối với người cố ý vi phạm. Nội dung được phản ánh theo điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144 năm 2021:
Trong đó, nếu người vay đến hạn trả góp cho công ty tài chính, có đủ điều kiện nhưng cố tình không trả thì sẽ bị phạt tiền từ 02 – 03 triệu đồng. Đây là biện pháp xử phạt vi phạm hành chính nếu chưa cấu thành tội phạm.
Đặc biệt, nếu nặng hơn, người vay trả góp có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bởi họ đang đứng trong tư thế của bên vay tiền, cố tình không thanh toán để chiếm đoạt số tiền vay đó. Các hình phạt được xác định tùy thuộc vào mức độ của hành vi và hậu quả gây ra.
Cụ thể, nếu một người vay trả góp nhưng dùng thủ đoạn gian dối/bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền từ 04 – dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 04 triệu đồng nhưng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản… chưa được xoá án tích mà còn vi phạm… đến thời hạn trả nợ, dù có điều kiện nhưng cố tình không trả thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng – 03 năm.
Nếu có các tình tiết tăng nặng hơn thì phải chịu khung hình phạt cao hơn. Trong đó, mức phạt tù cao nhất của người vay sẽ là phạt tù đến 20 năm.