Cảnh sát Việt Nam là một bộ phận trong hệ thống lực lượng công an nhân dân Việt Nam. Dưới đây là bài phân tích về đồng phục Cảnh sát Việt Nam. Ý nghĩa màu sắc và quy chuẩn của đồng phục Cảnh sát Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Quy định chung về đồng phục Cảnh sát Việt Nam:
Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Khi nhắc đến cảnh sát nhân dân, ta không chỉ nhắc đến lực lượng tinh nhuệ, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, mà còn nhớ đến hình ảnh những chiến sĩ cảnh sát nhân dân oai nghiêm trong bộ quân phục truyền thống của lực lượng Cảnh sát Việt Nam.
Thực tế, Cảnh sát nhân dân là một lực lượng trong hệ thống quân đội nhân dân Việt Nam. Ngoài đảm nhận những trọng trách, vai trò riêng biệt do Đảng và Nhà nước giao phó, hình ảnh nhận diện của lực lượng này cũng được thống nhất quy định riêng qua trang phục.
Quân phục của Cảnh sát nhân dân được chia ra làm hai mùa: Xuân-hạ và thu-đông. Theo quy định tại Nghị định 82/2016/NĐ-CP mỗi mùa thời tiết, Cảnh sát nhân dân sẽ mặc bộ quân phục phù hợp. Về cơ bản, thiết kế hai màu trang phục này chỉ có sự khác biệt về kiểu dáng, kích cỡ để phù hợp với từng mùa thời tiết. Cụ thể như sau:
– Trang phục xuân – hạ của Cảnh sát nhân dân: Áo sơ mi cộc tay màu mạ non, nẹp bong và quần âu, mũ kêpi, tất cùng màu, giày thấp cổ da màu đen. Mũ có lưỡi trai màu nâu nhạt, thêm viền dạ đỏ ở vành mũ. Riêng mũ kêpi cấp tướng phần lưỡi trai sẽ bọc dạ đen và gắn hai cành tùng.
– Trang phục thu – đông: Áo sơ mi dài tay màu trắng cùng áo vest 4 túi và cà vạt màu mạ non. Thắt lưng có màu nâu đậm, mặt khóa thắt lưng màu vàng. Giày, tất và mũ giống với trang phục xuân – hạ.
Đây là quy định chung nhất trang phục của Cảnh sát nhân dân. Với từng mùa, chiến sĩ cảnh sát nhân dân sẽ lựa chọn loại trang phục phù hợp để mặc. Tất nhiên, việc thiết kế các loại trang phục này phải tuân thủ theo các quy định chung về chất liệu, kiểu dáng, màu sắc, họa tiết mà Nhà nước quy định. Đồng thời, quy định về kiểu dáng trang phục này được xem là điểm chung nhất của Cảnh sát nhân dân. Bởi trong lực lượng cảnh sát nhân dân sẽ có những bộ phận riêng, đảm nhận những trọng trách, công việc khác biệt. Ở mỗi công việc, loại hình công việc cụ thể, các cán bộ chiến sĩ hoạt động tại đó sẽ được thiết kế loại trang phục với màu sắc, kiểu dáng riêng. Đây được xem là điểm nhận dạng, phân biệt các lực lượng cảnh sát cụ thể trong hệ thống cảnh sát nhân dân.
2. Ý nghĩa màu sắc và quy chuẩn của đồng phục Cảnh sát Việt Nam:
Như đã phân tích ở trên, quy định chung nhất về đồng phục của Cảnh sát giao thông là những vật dụng, thiết kế trang phục theo mùa. Song, với mỗi lực lượng riêng trong hệ thống cảnh sát nhân dân sẽ có những đặc điểm trang phục riêng. Đây chính là tính nhận dạng của từng hình thức trang phục cụ thể. Một trong những yếu tố để phân biệt các lực lượng cảnh sát với nhau là màu sắc riêng và quy chuẩn thiết kế. Ý nghĩa màu sắc và quy chuẩn của đồng phục Cảnh sát Việt Nam được quy định cụ thể như sau:
2.1. Đối với đồng phục cảnh sát giao thông:
Quy chuẩn thiết kế và màu sắc trang phục: Đồng phục có màu vàng và được dán logo chữ CSGT.
Ý nghĩa: Trang phục của Cảnh sát giao thông có màu sắc sáng, tương đối nổi bật. Đặc thù công việc của Cảnh sát giao thông là quản lý và điều khiển hoạt động tham gia giao thông của người dân. Do đó, màu sắc trang phục nổi bật của cảnh sát giao thông giúp người dân phân biệt được. Đồng thời, khi khiển hoạt động giao thông vào ban đêm, trang phục này giúp hạn chế trường hợp rủi ro, tai nạn do che khuất tầm nhìn người lái mà tông vào cảnh sát.
2.2. Đối với đồng phục của cảnh sát cơ động:
Quy chuẩn thiết kế và màu sắc trang phục: Trang phục của cảnh sát cơ động màu xanh rêu đậm. Mũ bảo hiểm cùng màu có logo dòng chữ CSCĐ. Ngoài ra, lực lượng này còn được trang bị thêm áo giáp, khiên chống đạn và súng trường.
Ý nghĩa: Cảnh sát cơ động là lực lượng chịu trách nhiệm trực tiếp tham gia vào việc giải quyết những vụ việc nguy hiểm, nhạy cảm. Bởi đây là lực lượng chiến sĩ trực tiếp tham gia những vụ án nhạy cảm, nguy hiểm, nên trang phục của họ được được trang bị thêm, mang tính bảo vệ lực lượng này trong quá trình làm việc.
2.3. Đồng phục cảnh sát phòng cháy chữa cháy:
Quy chuẩn thiết kế và màu sắc trang phục:
Thân và 2 tay áo của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy có dải phản quang, ngực bên phải có bảng tên và móc treo búa. Cổ áo trụ cao nhằm bảo vệ phần cổ và cằm. Lưng có thêu dòng chữ “CẢNH SÁT PCCC VÀ CNCH”, logo được thêu và may bên phía tay phải.
Về quần của lực lượng này thì được thiết kế như sau: Đai quần làm bằng chun chịu nhiệt, phía sau ống quần có khoá kéo. Hai bên có may thêm túi để đựng đồ, dưới mép quần có hai dải phản quang.
Mũ của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy được thiết kế có phần kính che mặt cùng tấm trùm bảo vệ sau gáy làm. Mũ được chia làm hai màu sắc khác nhau, màu đỏ dành cho lính chữa cháy và màu vàng dành cho chỉ huy.
Giày của cảnh sát phòng cháy chữa cháy được thiết kế là loại cao cổ được làm bằng da dày, mũi giày được lót bằng sợi thủy tinh để bảo vệ ngón chân một cách tốt nhất. Đế giày có khả năng chống nước, cách nhiệt, chống trơn trượt, chống đâm xuyên, chống ăn mòn.
Găng tay của cảnh sát phòng cháy chữa cháy được thiết kế chuyên dụng, gồm 4 lớp có khả năng chịu mài mòn, kháng cắt, chống đâm xuyên, chống thấm.
Trang phục của cảnh sát phòng cháy chữa cháy đều được thiết kế và làm bằng vật liệu chống cháy.
Ý nghĩa: Trang phục của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy là “phức tạp” nhất. Về cơ bản, màu sắc, quy chuẩn thiết kế trang phục của lực lượng cảnh sát này là phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, công việc mà họ phải thực hiện. Màu sắc trang phục giúp các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy sẽ nổi bật khi tham gia cứu hộ trong lửa (thuận tiện cho việc giúp nạn nhân tìm kiếm cầu cứu, cũng như công tác hỗ trợ của các thành viên khác). Vật dụng đều có yếu tố chống cháy, giúp bảo đảm an toàn đến mức tối đa cho các chiến sĩ khi tham gia cứu hộ. Giày, găng tay bảo hộ giúp lực lượng này thuận tiện di chuyển trong môi trường, địa hình khó khăn, nâng, tháo dỡ các vật cản có sức nặng để cứu người dân.
Như vậy, mỗi loại trang phục của từng lực lượng cảnh sát Việt Nam sẽ có ý nghĩa riêng. Màu sắc, quy chuẩn thiết kế riêng tạo nên đặc điểm nhận dạng riêng biệt cho từng lực lượng. Đồng thời, nó phù hợp với tính chất, công việc tham gia của từng lực lượng cụ thể.
3. Những quy định khi mặc đồng phục Cảnh sát Việt Nam:
Đồng phục Cảnh sát Việt Nam là quân phục cao quý. Thực tế, mỗi cá nhân phải trải qua một quãng thời gian học tập và rèn luyện gian khổ mới có thể khoác trên mình bộ quân phục đầy uy nghiêm và tự hào như vậy. Do đó, khi khoác trên mình quân phục Cảnh sát Việt Nam, các cán bộ chiến sĩ phải tuân thủ theo những nguyên tắc cụ thể sau đây:
– Trang phục được thiết kế theo quy chuẩn mà Đảng và Nhà nước quy định và cấp cho. Do đó, khi mặc quân phục, các chiến sĩ cảnh sát không được tự ý thay đổi kiểu dáng, màu sắc hay chất liệu vải đã quy định. Đồng thời, họ cũng không được tác động để thay đổi thiết kế của trang phục. Điều này giúp đảm bảo tính quy củ chung nhất của trang phục Cảnh sát Việt Nam, tạo nên tính kỷ luật, uy nghiêm của từng chiến sĩ cảnh sát khi mặc quân phục trên người. Hơn hết, nó thể hiện sự tôn nghiêm, tôn trọng của người mặc đối với bộ quân phục cao quý.
– Khi khoác nên mình bộ quân phục, các chiến sĩ công an phải đảm bảo đồng phục gọn gàng, sạch sẽ. Điều này tạo nên hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát Việt Nam đĩnh đạc, uy nghiêm.
– Khi mặc trang phục thu – đông, các cán bộ bắt buộc phải đeo cà vạt và mang giày tất do Bộ Công an cấp. Các chiến sĩ nam khi mặc đồng phục xuân – hạ buộc phải sơ vin. Đeo bảng tên, phù hiệu cách nắp túi phía trên bên ngực phải 3mm. Các chiến sĩ cảnh sát nữ mặc áo kiểu budong sẽ không cần sơ vin mà chỉ cần đảm bảo đeo bảng tên, phù hiệu ở chính giữa bên ngực phải, bảng tên nằm ngang với hàng cúc thứ nhất từ trên xuống. Ở đây, dù trang phục của bất kỳ loại thời tiết nào, người mặc phải đảm bảo tuân thủ chuẩn chỉnh từng bộ phận theo quy định chung của Nhà nước. Hay nói cách khác, việc diện trang phục phải tuân thủ theo nguyên tắc chung của toàn hệ thống ngành, không được phép sai lệch.
Điểm quan trọng khác mà các chiến sĩ cảnh sát nhân dân cần lưu ý, là khi mặc quân phục trên người, các chủ thể này không được thực hiện các công việc, hành vi trái với thuần phong mĩ tục, làm xấu hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát nhân dân trong mắt người dân.
Văn bản pháp lý sử dụng trong bài viết: Nghị định 82/2016/NĐ-CP Quy đinh quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam