A làm quen với B trên mạng. Sau vài lần trò chuyện, A ngỏ lời yêu B và hẹn B đi chơi, B nhận lời. Thấy B còn non nớt, chưa va chạm cuộc sống, A nảy sinh ý định hiếp dâm B.
Tóm tắt câu hỏi:
A làm quen với B trên mạng. Sau vài lần trò chuyện, A ngỏ lời yêu B và hẹn B đi chơi, B nhận lời. Thấy B còn non nớt, chưa va chạm cuộc sống, A nảy sinh ý định hiếp dâm B. Trước khi đến điểm hẹn với B, A chủ động gọi điện cho N, V, Q và rủ ba tên này hiếp dâm B. N, V, Q đồng ý. Bọn chúng thỏa thuận, A sẽ đưa B đến con đường sát cánh đồng trò chuyện. N, V, Q sẽ bất ngờ xuất hiện và cả bốn tên sẽ thực hiện việc hiếp dâm nạn nhân. Thực tế, sự việc đã diễn ra theo đúng như dự tính của A, V, N, Q. Cả 4 tên đều có hành vi dung vũ lực và giao cấu trái ý muốn với nạn nhân (4 tên trong vụ án này đều thỏa mãn điều kiện chủ thể của tội phạm và là nam giới).
1. Hành vi hiếp dâm của A, V, N, Q có phải là hành vi đồng phạm không? Giải thích?
2. Giả thiết rằng A, V, N có hành vi giao cấu trái ý muốn nạn nhân, còn Q có hành vi giữ chân tay B để 3 tên kia giao cấu trái ý muốn với nạn nhân. Có ý kiến cho rằng A, N, V là người thực hành, còn Q là người giúp sức. Ý kiến anh (chị) thế nào? Giải thích?
Luật sư tư vấn:
1. Hành vi hiếp dâm của A, V, N, Q có phải là hành vi đồng phạm không? Giải thích?
Khoản 1 Điều 17 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”.
Theo tình huống nhận thấy để có thể khẳng định hành vi của A, V, N, Q có phải là đồng phạm hay không ta cần phải xác định rõ các dấu hiệu cấu thành đồng phạm trong trường hợp này.
Những dấu hiệu của đồng phạm bao gồm: những dấu hiệu về mặt khách quan và những dấu hiệu về mặt chủ quan, thiếu một trong hai dấu hiệu này thì không có đồng phạm xảy ra.
a/ Về các dấu hiệu khách quan.
– Theo tình huống đưa ra, A, V, N, Q đều đã thỏa mãn điều kiện chủ thể của tội phạm, tức là cả bốn tên đều có năng lực trách nhiệm hình sự và đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
-A, V, N, Q đã cùng thực hiện việc hiếp dâm B, dùng vũ lực để giao cấu trái với ý muốn của B, tất cả những hành vi của A, V, N, Q được thực hiện trong sự thống nhất chung với nhau từ trước.
Như vậy, các dấu hiệu về mặt khách quan của đồng phạm trong vụ án này đã đầy đủ.
b/ Về các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan.
Dữ kiện tình huống đưa ra: “A nhận thấy B còn non nớt , chưa va chạm cuộc sống, A nảy sinh ý định hiếp dâm B. Trước khi đến điểm hẹn với B, A chủ động gọi điện cho N, V, Q và rủ ba tên này hiếp dâm B. N, V, Q đồng ý. Bọn chúng thỏa thuận A sẽ đưa B đến con đường sát cánh đồng trò chuyện. N, V, Q sẽ bất ngờ xuất hiện và cả bốn tên sẽ thực hiện hành vi hiếp dâm nạn nhân..”
Như vậy, về lý trí thì cả bốn tên đều biết hành vi hiếp dâm B là nguy hiểm cho xã hội, xâm hại tới quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, chúng đã cùng nhau lập kế hoạch thực hiện việc hiếp dâm B. Còn về mặt ý chí, A, V, N, Q đã có hành vi rủ rê, lập kế hoạch tức là đã có sự liên kết trong việc thực hiện tội phạm, có nghĩa là cả bốn tên đều mong muốn thực hiện hành vi hiếp dâm B xảy ra. Tất cả các hành vi của A, V, N, Q đều xuất phát từ ý chí của từng người. Đây là các biểu hiện của lỗi cố ý trực tiếp.
Tổng hợp những điều kiện trên cho thấy hành vi của A, V, N, Q là hành vi đồng phạm.
Luật sư
2. Giả thiết rằng A, V, N có hành vi giao cấu trái ý muốn nạn nhân, còn Q có hành vi giữ chân tay B để 3 tên kia giao cấu trái ý muốn với nạn nhân. Có ý kiến cho rằng A, N, V là người thực hành, còn Q là người giúp sức. Ý kiến anh (chị) thế nào? Giải thích?
Trong tình huống đưa ra, A, V, N đã thực hiện hành giao cấu trái ý muốn nạn nhân, như vậy hành vi của A, V, N đã thỏa mãn các cấu thành tội phạm trong vụ án đồng phạm với tư cách là những người thực hành, đồng thời riêng bản thân A lại giữ thêm vai trò là người tổ chức vì theo tình huống đã đưa ra thì chính A là người đã gợi ra âm mưu của vụ hiếp dâm B cho đồng bọn. Chính vì vậy, trong vụ án này thì A là người giữ hai vai trò vừa là người thực hành và vừa là người tổ chức; còn V, N chỉ là người thực hành. Vấn đề còn lại là xác định hành vi của Q thuộc dạng người nào trong trong đồng phạm này.
Giả thiết cho biết vì Q chỉ giữ chân tay của B, mà không thực hiện hành vi giao cấu trái với ý muốn nạn nhân nên đã có ý kiến cho rằng Q chỉ là người giúp sức. Tuy nhiên, theo quan điểm của bản thân tôi, nhận thấy, Q không thể là người giúp sức, mà chính là người thực hành trong vụ án. Quay lại các khái niệm về người thực hành và người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Hành vi của người giúp sức là hành vi tạo ra các điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho việc thực hiện tội phạm.
-Hành vi tạo điều kiện về mặt vật chất cho việc thực hiện tội phạm là hành vi cung cấp phương tiện phạm tội như xe, súng, dao,…để người phạm tội thực hiện tội phạm.
-Hành vi tạo điều kiện về mặt tinh thần là sự chỉ dẫn, hứa hẹn trước sẽ che giấu người phạm tội, che giấu các tang vật chứng hoặc sẽ tiêu thụ các vật do phạm tội mà có sau khi thực hiện tội phạm xong, góp ý kiến, tạo tác động tích cực vào quá trình thực hiện tội phạm. Hành vi giúp sức chỉ giúp người khác vốn đã có ý định phạm tội có thêm điều kiện thuận lợi việc thực hiện tội phạm hoặc yên tâm hơn khi thực hiện tội phạm.
Áp dụng vào tình huống ta thấy, Q hoàn toàn không có dấu hiệu hành vi của người giúp sức, Hành vi giữ chân tay B của Q là hành vi dùng vũ lực trực tiếp thực hiện tội phạm mà ở người giúp sức thì không thể có điều này. Hành vi của Q tuy không thỏa mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tội hiếp dâm nhưng trong đồng phạm, là người thực hành thì cũng không đòi hỏi mỗi người phải thực hiện trọn vẹn hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm mà có thể mỗi người đó chỉ thực hiện một phần hành vi đó. Q đã trực tiếp tham gia vào việc hiếp dâm B, nhưng hình thức tham gia của Q vào vụ phạm tội khác với các thành viên khác, đó là Q chỉ giữ chân tay để B không thể chống cự, còn ba tên kia thì thực hiện giao cấu trái ý muốn nạn nhân. Q đã trực tiếp tác động đến cơ thể của nạn nhân, tức là Q cũng là người trực tiếp tham gia việc thực hiện tội phạm, do vậy hành vi của Q đã thỏa mãn tất cả các dấu hiệu của người thực hành trong vụ án.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ
Mục lục bài viết
1. Hỏi về đồng phạm tội hiếp dâm
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư! Tôi có câu hỏi muốn nhờ luật sư tư vấn như sau: A và B cùng lên kế hoạch đi ăn trộm tiền tại nhà chị C. Khi đang lục lọi A và B bị C phát hiện và tri hô. Ngay lập tức A và B lao vào khống chế dùng dây trói chân tay và bịt miệng C. Sau khi lấy được 55 triệu đồng, A thấy C ở nhà một mình liền thực hiện hành vi hiếp dâm C. B nhìn thấy không nói gì và cầm tiền bỏ ra ngoài trước. Vậy trong trường hợp này B có phải là đồng phạm với A về tội hiếp dâm không? Vì sao? Mong luật sư tư vấn giúp tôi! Tôi xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Tội trộm cắp tài sản như sau:
“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng“.
Có thể thấy, theo như tình huống được đưa ra, A và B đã cùng nhau lên kế hoạch đi ăn trộm tiền, đã có sự bàn bạc, chuẩn bị kỹ lưỡng để thực hiện hành vi phạm tội. A và B đã trộm cắp số tiền là 55 triệu đồng. Ở đây A và B sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điểm a, c Khoản 2 Điều 173 Bộ luật hình sự. A và B được coi là đồng phạm trong trường hợp này.
Xét tiếp ở tình huống này, A thấy C ở nhà một mình liền thực hiện hành vi hiếp dâm C. B nhìn thấy không nói gì và cầm tiền bỏ ra ngoài trước. Như vậy, chỉ có A là người trực tiếp thực hiện hành vi hiếp dâm. Và A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm theo quy định tại Điều 141 Bộ luật hình sự 2015.
Điều 141 Bộ luật hình sự 2015 quy định Tội hiếp dâm như sau:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Đối với nhiều người;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Phạm tội hiếp dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Đối với hành động của B: B nhìn thấy A, thực hiện hành vi hiếp dâm C, đã không nói gì và cầm tiền bỏ ra ngoài trước. Cho nên, B không phải là đồng phạm với A về tội hiếp dâm. Mà B sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 390 Bộ luật hình sự 2015.
Theo quy định tại Điều 19 Bộ luật hình sự 2015 về Không tố giác tội phạm thì:
“1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.”
Điều 390 Bộ luật hình sự 2015 quy định Tội không tố giác tội phạm như sau:
“1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt“.
Như vậy, trong tình huống này, A và B sẽ là đồng phạm về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự. A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội hiếp dâm theo quy định tại Điều 141 Bộ luật hình sự. Còn B sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội không tố giác tội phạm nếu hành vi phạm tội của A thuộc các điều khoản được quy định tại Điều 390 Bộ luật hình sự.
2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội hiếp dâm
Tóm tắt câu hỏi
Chào luật sư. Tôi xin hỏi luật sư về câu chuyện như sau. Vợ chồng tôi kết hôn đầu năm 2002. Chúng tôi làm công cho một doanh nghiệp tư nhân của chú dì vợ tôi. Những ngày đầu kết hôn, người chú này đã cưỡng bức vợ tôi. Vợ tôi đã dấu diếm gia đình chồng về chuyện này. Sau cưới về nhà chồng vợ tôi có bầu luôn. Sau đó, vợ tôi sinh con trai. Gia đình nhà tôi rất vui mừng nhưng lớn lên nó ngày càng giống người chú đó như đúc. Nhiều lời ra tiếng vào, không chịu được mẹ tôi đã đi xét nghiệm AND tôi và đứa nhỏ. Kết quả đó không phải con tôi. Tôi tra hỏi vợ tôi, cuối cùng vợ tôi nói ra tất cả. Ban đầu vợ tôi bị cưỡng bức, những ngày sau bị đe dọa phải ngoại tình với ông ta suốt 14 năm (tôi có ghi âm cuộc nói chuyện này). Tôi gặp riêng người chú đó và ông ta thú nhận tất cả đã ngoại tình với vợ tôi suốt 14 năm nay. Ông ta muốn tôi sẽ giữ kín chuyện này rồi bù đắp cho tôi. Nhưng sau đó 3 tháng ông ta không có ý kiến gì mà con lôi kéo gia đình nhà vợ tôi đứng về phía ông ta. Sau đó, ông ta còn muốn vợ chồng tôi ly hôn và chuyển họ đứa bé sang họ của ông ta. Tôi xin hỏi luật sư:
1. Nếu tôi làm đơn kiện ra tòa (tôi có bằng chứng là băng ghi âm lời của ông ta và giấy xét nghiệm AND) thì liệu ông ta sẽ phải chịu hình phạt ra sao?
2. Ông ta sẽ phải bồi thường thiệt hại cho gia đình tôi cho tôi hay không?
Luật sư tư vấn:
1. Nếu tôi làm đơn kiện thì ông ta sẽ phải chịu hình phạt ra sau?
Thứ nhất, việc người chú của bạn cưỡng ép vợ bạn thì bạn phải tố cáo với cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không phải bạn kiện ra tòa như kiện một vụ dân sự. Trong trường hợp này, chú của bạn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm theo Điều 141 Bộ luật hình sự 2015 với tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần, làm nạn nhân có thai.
Thứ hai, đối với hai nguồn bằng chứng mà bạn đưa ra cho cơ quan công an. Giấy xét nghiệm AND của bạn và con bạn thì không đủ làm chứng cứ. Bạn có thể yêu cầu cơ quan công an thực hiện việc xét nghiệm AND giữa con bạn và người chú của bạn.
Còn băng ghi âm của bạn cũng có thể được coi là nguồn chứng cứ khi có thêm người làm chứng cho cuộc nói chuyện của hai người, hay văn bản xác định cuộc nói chuyện của hai người.
Thêm nữa, bằng chứng có thể là lời khai của vợ bạn, lời khai của bạn, của con bạn.
2. Ông ta có phải bồi thường cho gia đình tôi hay không?
Bồi thường thiệt hại xảy ra khi có thiệt hại xảy ra trên thực tế. Trong trường hợp này, chú của bạn phải bồi thường thiệt hại cho gia đình bạn. Đây là bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm và bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.
Với bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín. Vợ bạn là người bị hại nên trong trường hợp này chú của bạn phải bồi thường các khoản:
– Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút
– Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại (tức là con của bạn và bạn)
Mức bồi thường này do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. (Khoản 2 Điều 592 BLDS 2015).
Với bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm thì bao gồm các khoản phí sau:
– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
– Thiệt hại khác do luật quy định.
– Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
(Điều 590 Bộ luật dân sự 2015).
3. Tố cáo hành vi hiếp dâm cần gì để chứng minh?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi, (là con gái ) 21 tuổi, anh ta là con trai 25 tuổi.Tôi và anh ta quen biết nhau kiểu là bạn bè,không quan hệ yêu đương gì. Vào 22h ngày 21 tháng 11 năm 2018 tôi đi cùng anh ta ( đi uống nước ) nhưng anh ta không đưa tôi đi uống nước như đã hứa, mà lại đưa tôi ra chỗ đường vắng vẻ rồi thực hiện hành vi đồi bại với tôi. Anh ta ôm ,hôn, sờ soạng người. rồi ép tôi quan hệ với anh ta bằng miệng tôi đấu tranh, rồi chạy thoát được. Ngày 28 tháng 11 năm 2018 tôi lên tố cáo với công an về hành vi của anh ta, rồi sau hơn 3 tháng làm việc,công an điều tra chả kết quả cho tôi là không đủ chứng cứ để buộc tội anh ta. Vì nhà anh ta có chú và bác làm trên công an huyện , nơi tôi tố cáo ) tất cả tôi nói đều là sự thật,nhưng không làm sao để chứng minh đc. luật sư cho mình hỏi là mình cần có những chứng cứ gì để buộc tội anh ta?
Luật sư tư vấn:
Với những dấu hiệu bạn đưa ra, người giao cấu với bạn đã phạm tội hiếp dâm. Bởi lẽ:
Căn cứ vào khoản 1 Điều 141 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tôi hiếp dâm như sau:
“Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.”
Những dấu hiệu của tội hiếp dâm là:
+ Chủ thể của tội phạm: Là người từ đủ 16 tuổi trở lên, không rơi vào trường hợp mất năng lực hành vi dân sự. Chủ thể của tội hiếp dâm có thể là nam giới hoặc nữ giới.
Các hành vi của tội hiếp dâm:
– Dùng vũ lực: có thể là đánh, trói, đè lên nạn nhân…
– Đe dọa dùng vũ lực: bằng lời nói hoặc cử chỉ như nếu không cho giao cấu thì sẽ giết…
– Hành vi khác: đây là những hành vi lợi dụng tình trạng không thể tự vệ của nạn nhân mà giao cấu. Chẳng hạn là nhân lúc nạn nhân uống rượu say, dùng thuốc mê với nạn nhân…
– Hành vi giao cấu trái ý muốn của nạn nhân: Tội hiếp dâm là tội có cấu thành tội phạm hình thức. Do đó, người thực hiện hành vi này chỉ cần có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực nhằm giao cấu với nạn nhân chứ không cần phải giao cấu được mới cấu thành tội phạm hiếp dâm. Việc giao cấu với nạn nhân là trái ý muốn của họ.
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội biết hành vi giao cấu của mình là trái ý muốn người phụ nữ nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi giao cấu.
Trong trường hợp của bạn, bạn bị một người con trai 25 tuổi hiếp dâm trái với ý muốn của bạn. Anh ta đã sử dụng vũ lực nhằm ép bạn quan hệ với anh ta. Do đó, hành vi này cấu thành tội hiếp dâm.
Để chứng minh được bạn có bị hiếp dâm hay không, bạn có thể dựa vào một số căn cứ sau:
– Tinh trùng trong cơ thể bạn: Trường hợp anh ta hiếp dâm bạn có thể khi giao cấu anh ta đã xuất tinh. Tinh trùng có thể sống trong khoảng 4 đến 5 ngày. Do đó, bạn có thể yêu cầu xét nghiệm để lấy đó làm bằng chứng.
– Những dấu vết trên cơ thể bạn hoặc anh ta: Khi thực hiện hành vi giao cấu, bạn đã chống trả quyết liệt. Do đó, bạn phải nhớ lại xem bạn có hành vi như thế nào, để lại dấu vết gì trên cơ thể anh ta. Hay bạn nhớ xem hôm đó anh ta mặc quần áo màu gì, như thế nào…
– Ghi âm hoặc người làm chứng: Bạn xác định xem quanh đó có ai chứng kiến sự kiện đó không để tìm ra người làm chứng. Hay nếu bạn có bản ghi âm giữa bạn và anh ta thì đó là tốt nhất.
4. Tố cáo hành vi cha ruột hiếp dâm con gái
Tóm tắt câu hỏi:
Gia đình chị gái của bạn tôi có sảy ra 1 sự việc rất nghiêm trọng nhờ tôi tư vấn giúp, nhưng sự hiểu biết pháp luật của tôi còn hạn chế, nên tôi muốn luật sư tư vấn giúp để tôi có thể trả lời cho bạn tôi 1 cách tốt nhất: Muốn tố cáo người chồng mất nhân tính đã hiếp dâm đứa con gái ruột của mình nhưng không có ai làm chứng và hắn đã dọa người con gái nếu để cho ai biết chuyện hắn sẽ giết, người con do không chịu được nên đã nói ra với mẹ?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, tại Điều 184 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về tội loạn luân như sau:
“Điều 184. Tội loạn luân
Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Trường hợp của bạn, người cha có hành vi quan hệ với người con gái ruột của mình thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội loạn luân.
Thứ hai, tại Điều 141 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định về tội hiếp dâm như sau:
“Điều 141. Tội hiếp dâm
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm“.
Để cấu thành tội hiếp dâm thì người phạm tội hiếp dâm phải có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của người bị hại.
Vậy, trong trường hợp của bạn, để có thể định tội danh cho người cha kia thì cần phải có chứng cứ chứng minh được hành vi vi phạm của người cha. Như trên người, người con gái có những vết tích, dấu vết chứng minh có quan hệ với người cha.
Thứ ba, tại Điều 144
“Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
3. Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.
5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật”.
Căn cứ vào quy định này thì trong trường hợp của bạn. Nếu như người bị hại không thể tố cáo đến cơ quan Công an thì bạn có thể làm đơn tố giác hoặc đến trực tiếp đến cơ quan Công an để trình báo với cơ quan Công an về hành vi của người cha này.
5. Thời hiệu tố giác tội phạm đối với hành vi hiếp dâm
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Luật sư. Mong luật sư hãy giải đáp cho tôi thắc mắc này. Lan (20 tuổi) bị người chú ruột của mình hiếp dâm từ năm 7 tuổi và nhiều lần kéo dài tới năm 15 tuổi. Người chú có dùng vũ lực để đe dọa Lan. Hiện giờ Lan đã 20 tuổi và muốn kiện người chú của mình. Cho tôi hỏi là Lan có thể kiện không? Mặc dù Lan không còn bằng chứng gì để chứng minh cả. Luật sư giải đáp thắc mắc này giúp tôi nhé. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Dùng vũ lực để ép người khác quan hệ tình dục là hành vi cấm, hành vi nguy hiểm cho xã hội. Theo quy định của Luật trẻ em 2016 trẻ em là người dưới 16 tuổi. Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Nhà nước, xã hội và công dân. Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu. Nếu có hành vi xâm phạm đến sức khỏe của trẻ em đều phải chịu trách nhiệm pháp lý tùy theo mức độ.
Bạn trình bày từ năm 7 tuổi bạn đã bị chính chú ruột dùng vũ lực để thực hiện hành vi giao cấu với bạn, thời gian thực hiện kéo dài cho đến khi bạn 15 tuổi. Tại thời điểm bạn muốn tố giác bạn 20 tuổi. Nếu bạn muốn tố giác chú bạn ra trước pháp luật thì bạn phải có căn cứ và xem xét về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 thời hiệu được tính theo loại tội phạm như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Phân loại tội phạm căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Luật sư tư vấn thời hiệu tố giác tội phạm đối với hành vi hiếp dâm:1900.6568
Căn cứ Điều 142 Bộ luật hình sự về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi “Mọi hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với trẻ em dưới 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và người phạm tội phạm tội 02 lần trở lên bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm”. Đối chiếu quy định về thời hiệu năm nay bạn 20 tuổi cách thời điểm xảy ra hành vi vi phạm chưa quá 20 năm, vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Kết luận
Lan có thể tố giác tội phạm lên cơ quan công an có thẩm quyền đồng thời Lan cần phải có thông tin, bằng chứng để chứng minh hành vi vi phạm của chú tới cơ quan công an.