Trợ cấp thất nghiệp là khoản tiền hỗ trợ người lao động khi người lao động nghỉ việc và chưa có việc làm. Việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ phụ thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. Do đó mà nhiều người lao động băn khoăn về việc đóng bảo hiểm xã hội gián đoạn có được nhận trợ cấp thất nghiệp hay không?
Mục lục bài viết
1. Đóng bảo hiểm xã hội gián đoạn có được nhận trợ cấp thất nghiệp?
Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013. Cụ thể các điều kiện được quy định như sau:
– Thứ nhất, người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động trừ các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, cụ thể:
+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
+ Người lao động nghỉ việc và đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
– Thứ hai, điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp: người lao động làm việc theo chế độ
– Thứ ba, người lao động đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm nơi cư trú theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm năm 2013;
– Thứ tư, người lao động chưa tìm được việc làm mới sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm.
Như vậy, trong 04 điều kiện để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp nêu trên, đặc biệt là quy định về thời gian tham gia bảo hiểm thì không có bất kỳ quy định nào quy định về việc người lao động có đóng bảo hiểm xã hội liên tục thì mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo đó mà người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội gián đoạn thì vẫn được nhận trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc theo quy định của pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm năm 2013 thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để được xét hưởng trợ cấp thất nghiệp là tổng tất cả các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dần kể từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp động lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật hiện hành. Như vậy, pháp luật hiện hành vẫn công nhận thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp gián đoạn mà chỉ căn cứ vào tổng thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động để làm căn cứ xét trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
Tóm lại, người lao động đóng bảo hiểm xã hội gián đoạn vẫn được nhận trợ cấp thất nghiệp khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Điều 49 Luật Việc làm đã phân tích ở trên.
2. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp khi người lao động đóng bảo hiểm xã hội gián đoạn:
Hiện nay, việc xác định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động được xác định theo công thức chung mà không có quy định nào phân biệt giữa mức hưởng giữa người đóng bảo hiểm xã hội gián đoạn và người đóng bảo hiểm xã hội liên tục. Theo quy định tại Điều 50 Luật Việc làm năm 2013 thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng của người lao động được xác định theo công thức sau:
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng = 60% x Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp
Trong đó:
Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp được xác định như sau: người lao động cứ đóng đủ 12 – 36 tháng bảo hiểm thất nghiệp thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đấy, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì người lao động được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng (khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm năm 2013)
Đối với trường hợp người lao động làm việc và hưởng lương theo Nhà nước quy định thì tiền lương để tính bảo hiểm thất nghiệp không quá 05 lần mức lương cơ sở hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo chế độ tiền lương thực hiện theo quyết định của người sử dụng lao động.
3. Trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp khi người lao động nghỉ việc:
Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động nghỉ việc phải chuẩn bị hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:
3.1. Chuẩn bị hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp:
Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động cần chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ giấy tờ, tài liệu được quy định tại Điều 16
– Đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu của Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội;
– Bản chính hoặc bản sao Giấy tờ chứng minh người lao động đã nghỉ việc tại công ty như:
+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
+ Quyết định thôi việc;
+ Quyết định sa thải;
+ Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
+ Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
– Sổ Bảo hiểm xã hội bao gồm tờ rời thể hiện quá trình tham gia.
Ngoài ra thì người lao động cần mang theo căn cước công dân để làm căn cứ đối chiếu.
3.2. Nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp:
Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc thì người lao động muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập. Trung tâm dịch vụ việc làm này được xác định là trung tâm được đặt ở địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Trong trường hợp mà người lao động không thể nộp hồ sơ trực tiếp thì có thể thực hiện uỷ quyền cho người khác đi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
– Ốm đau, thai sản, có xác nhận của cơ sở y tế đủ thẩm quyền;
– Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;
– Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh, có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Nếu quá thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động nêu trên mà người lao động chưa nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm thì được xác định là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi chưa hưởng trợ cấp sẽ được bảo lưu và làm căn cứ tính trợ cấp thất nghiệp cho những lần hưởng tiếp theo.
3.3. Trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hồ sơ:
Khi tiếp nhận hồ sơ từ phía người lao động, cán bộ tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ để xác minh tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa bảo đảm tính hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn người lao động sửa đổi, bổ sung hồ sơ hợp lệ. Trong trường hợp hồ sơ đã hợp lệ thì cán bộ tại trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và viết giấy giao nhận có thể hiện lịch hẹn trả kết quả cho người lao động.
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ của người lao động thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Trường hợp người lao động không đủ điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp thì phải trả lời bằng văn bản cho người lao động.
3.4. Thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động có yêu cầu:
Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng theo quy định của pháp luật nếu trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm mà người lao động không đi làm ở công ty/ doanh nghiệp khác.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Việc làm năm 2013;
– Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/3/2015 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp;
– Nghị định số 61/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 29/5/2020 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.