Quy định về đơn đăng kí bảo hộ giống cây trồng? Quy định về thủ tục xử lý đơn đăng kí bảo hộ giống cây trồng?
Giống cây trồng là một trong những đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi đáp ứng các điều kiện luật định. Để được bảo hộ, về mặt hình thức tổ chức, cá nhân phải thực hiện đăng ký bảo hộ, làm căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền nắm bắt và cấp bằng bảo hộ. Hồ sơ đăng ký bảo hộ giống cây trồng được gọi chung là đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ cung cấp các vấn đề pháp lý về đơn và thủ tục xử lý đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng, mong rằng sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn và có thể áp dụng vào thực tiễn.
Luật sư
Cơ sở pháp lý: Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH năm 2019 hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ do Văn phòng Quốc hội ban hành.
1. Quy định về đơn đăng kí bảo hộ giống cây trồng?
Giống cây trồng là thuật ngữ phổ biến được sử dụng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, thuật ngữ này có thể được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau, tuy nhiên, hiểu một cách chung nhất, trên cơ sở tiếp thu khái niệm về giống cây trồng được ghi nhận tại Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới năm 1961, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng luật hóa khái niệm này và giải thích nó tại Khoản 24, Điều 4, cụ thể: “Giống cây trồng là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được.“
Việc cung cấp khái niệm về giống cây trồng chỉ mang tính gợi ý về một đối tượng có khả năng được bảo hộ, thực tế, khái niệm cần quan tâm là “giống cây trồng được bảo hộ”, mà theo đó, tại Điều 158 Luật Sở hữu trí tuệ giải thích rằng: “Giống cây trồng được bảo hộ là giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, thuộc Danh mục loài cây trồng được Nhà nước bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp.“
Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ xuất phát từ nguyên tắc tại Khoản 1 Điều 164 Luật Sở hữu trí tuệ: “Để được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc nộp đơn đăng ký bảo hộ cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.“.
Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng ở đây không được hiểu là một mẫu văn bản xin hay đề nghị mà là cách gọi ngắn gọn cho tập hợp nhiều tài liệu, giấy tờ được gửi tới cơ quan có thẩm quyền, trong đó bao gồm:
– Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định. Mẫu tờ khai đăng ký được sử dụng là mẫu chung được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành kèm theo Thông tư 03/2021/TT-BNNPTNT, tờ khai là mẫu thể hiện các thông tin chung nhất về tên loài cây trồng, tên giống cây trồng, thông tin người đăng ký, tác giả giống đăng ký bảo hộ,….
– Ảnh chụp, tờ khai kỹ thuật theo mẫu quy định. Ảnh chụp ở đây là ảnh chụp mẫu giống mà theo hướng dẫn phải chuẩn bị tối thiểu 03 ảnh màu, kích cỡ tối thiểu 9cm x 15cm thể hiện 3 tính trạng đặc trưng của giống đăng ký; tờ khai kỹ thuật về khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định (khảo nghiệm DUS). Mẫu tờ khai cũng được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành kèm theo Thông tư 03/2021/TT-BNNPTNT.
–
– Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người đăng ký là người được chuyển giao quyền đăng ký. Tài liệu này theo hướng dẫn tại Thông tư 03/2021/TT-BNNPTNT là “hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng, tài liệu chứng minh người đăng ký là đại diện hợp pháp của chủ sở hữu giống đăng ký“
– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên. Tài liệu này phải có xuất phát từ nguyên tắc: “Để được hưởng quyền ưu tiên, người đăng ký phải thể hiện yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên trong đơn đăng ký bảo hộ.“. Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên có thể là đơn đăng ký bảo hộ cùng một giống cây trồng tại nước có ký kết với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thỏa thuận về bảo hộ giống cây trồng. (Khoản 1, Điều 167 Luật SHTT).
– Chứng từ nộp phí, lệ phí. Đây là giấy tờ được cấp khi cá nhân nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
Đơn đăng ký bảo hộ và các giấy tờ giao dịch giữa người đăng ký và cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu sau đây có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng yêu cầu. (Khoản 2, Điều 174 Luật SHTT). Quy định này là hoàn toàn hợp lý, khi cơ quan tiếp nhận là cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và việc sử dụng Tiếng Việt là yêu cầu bắt buộc không chỉ đối với đơn đăng ký bảo hộ nói riêng mà hầu hết các văn bản giữa công dân và cơ quan có thẩm quyền trước hết phải được thể hiện bằng tiếng Việt.
2. Quy định về thủ tục xử lý đơn đăng kí bảo hộ giống cây trồng?
Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng được gửi tới cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là Cục trồng trọt thông qua các hình thức: nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử (cơ chế một cửa quốc gia, dịch vụ công trực tuyến, phần mềm điện tử, email, fax). Ngày nhận đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng là ngày đơn được Cục Trồng trọt tiếp nhận đầy đủ thành phần hồ sơ.
Thủ tục xử lý đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng được quy định từ Điều 176 đến Điều 184 Luật Sở hữu trí tuệ, theo đó, quá trình xử lý được thực hiện tuần tự như sau:
Một là, kể từ ngày nhận đơn, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thẩm định hình thức đơn trong thời hạn mười lăm ngày.
Việc thẩm định này nhằm xác định tính hợp lệ của đơn. Pháp luật đã quy định về các trường hợp và hướng giải quyết khi đơn không hợp lệ, trong đó có 03 trường hợp:
(1) Đơn không đáp ứng các yêu cầu về hình thức theo quy định. Trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền sẽ
(2) Giống cây trồng nêu trong đơn không thuộc loài cây trồng có tên trong Danh mục loài cây trồng được bảo hộ;
(3) Đơn do người không có quyền đăng ký nộp, kể cả trường hợp quyền đăng ký thuộc nhiều tổ chức, cá nhân, nhưng một hoặc nhiều người trong số đó không đồng ý thực hiện việc đăng ký.
Ở trường hợp (2) và (3) cơ quan có thẩm quyền sẽ thông báo từ chối chấp nhận đơn.
Ở giai đoạn này, nếu hồ sơ hợp lệ (tính cả việc người đăng ký đã khắc phục thiếu sót đạt yêu cầu) thì cơ quan tiến hành thông báo chấp nhận đơn, yêu cầu người đăng ký gửi mẫu giống đến cơ sở khảo nghiệm để tiến hành khảo nghiệm kỹ thuật và thực hiện thủ tục thẩm định nội dung đơn đăng ký bảo hộ.
Giai đoạn thẩm định hình thức đơn đăng ký bảo hộ khá đơn giản, nhanh chóng và không có quá nhiều vướng mắc trong khâu xử lý. Việc phân chia thẩm định hình thức và thẩm định nội dung là điều cần thiết để tránh chồng lấn, phức tạp vấn đề.
Hai là, công bố đơn đăng ký bảo hộ.
Đây là hoạt động được cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thực hiện khi đơn được chấp nhận hợp lệ.
Hình thức công bố: trên tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng.
Thời hạn công bố: chín mươi ngày, kể từ ngày đơn được chấp nhận.
Ba là, thẩm định nội dung đơn đăng ký bảo hộ. Đây là bước chỉ phát sinh đối với đơn được chấp nhận là hợp lệ. Nội dung thẩm định là các điều kiện bảo hộ cây trồng được pháp luật quy định, cụ thể là tính mới và tên gọi phù hợp của giống cây trồng; thẩm định kết quả khảo nghiệm kỹ thuật đối với giống cây trồng. Trong đó, khảo nghiệm kỹ thuật có tính phức tạp nhất, để xác định tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống cây trồng.
Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình xử lý đơn đăng ký bảo hộ, quyết định đến việc người đăng ký có được cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng hay không.
Chú ý: Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thông báo từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng hoặc quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng, người đăng ký có quyền sửa đổi, bổ sung hoặc rút đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng. (Điều 179, 180 Luật SHTT).
Kết quả của quá trình xử lý đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng là việc cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng từ chối hoặc cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng.