Thủ tục hòa giải tại Tòa án trước khi ly hôn là thủ tục bắt buộc theo quy định về tố tụng dân sự. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề hòa giải khi ly hôn để các cặp vợ, chồng hay các đương sự được biết rõ.
Mục lục bài viết
1. Đơn phương ly hôn có bắt buộc cần phải hòa giải không?
Căn cứ khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định ly hôn chính là việc chấm dứt mối quan hệ vợ chồng trên cơ sở bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Ly hôn hiện nay có 02 hình thức, đó là ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương.
Đơn phương ly hôn được hiểu là theo yêu cầu của một bên làm thủ tục ly hôn. Căn cứ để giải quyết ly hôn đơn phương là do vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc có bằng chứng chứng minh vợ hoặc chồng vi phạm nghiêm trọng đến quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng và dẫn đến cuộc hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng, không thể tiếp tục chung sống với nhau được nữa, mục đích cuộc hôn nhân không đạt được.
Theo quy định hòa giải khi ly hôn gồm hòa giải tại cấp cơ sở và hòa giải tại Tòa án. Cụ thể:
– Hòa giải tại cơ sở:
Căn cứ Điều 52 Luật hôn nhân và gia đình quy định Nhà nước khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Và việc hòa giải sẽ được thực hiện dựa trên quy định của pháp luật về hòa giải cơ sở. Cụ thể là hoạt động hòa giải tại cấp cơ sở như thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác. Trong quá trình thực hiện hòa giải tại cơ sở, hòa giải viên có trách nhiệm cố gắng hàn gắn mối quan hệ giữa vợ, chồng.
Theo quy định trên, pháp luật không bắt buộc các đôi vợ, chồng khi ly hôn phải hòa giải tại cơ sở, pháp luật chỉ khuyến khích việc hòa giải này để cố gắng đảm bảo cuộc sống hôn nhân của vợ chồng không bị rạn nứt.
– Hòa giải tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự:
Theo quy định tại Điều 10 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để cho các đương sự để giải quyết vụ việc dân sự.
Nguyên tắc hòa giải được áp dụng như sau: Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về hướng giải quyết vụ án (ngoại trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự; hoặc các vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn không thực hiện hòa giải). Theo đó:
+ Những vụ án dân sự không được hòa giải: áp dụng đối với những vụ án yêu cầu đòi bồi thường với lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
Hoặc những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm các điều cấm của pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội.
+ Những vụ án dân sự không thể tiến hành hòa giải được:
- Vụ án mà bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vẫn cố tình vắng mặt.
- Các đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.
- Trong vụ án ly hôn, vợ hoặc chồng là người mất năng lực hành vi dân sự.
- Có đề nghị không tiến hành hòa giải của một trong các đương sự.
Như vậy, trên cơ sở trên thì hình thức hòa giải tại Tòa án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án là thủ tục bắt buộc.
Mục đích của buổi hòa giải này là để cố gắng hàn gắn lại tình cảm vợ, chồng; phân tích những lý lẽ, hậu quả để vợ hoặc chồng có thể xem xét nghĩ lại, hiểu và thỏa thuận với nhau. Thực tế, nhiều trường hợp thông qua buổi hòa giải này mà các cặp vợ, chồng đã giải quyết được mâu thuẫn, suy nghĩ lại mà quay về với nhau. Hoặc trường hợp nếu không thể tiếp tục cuộc hôn nhân được nữa thì vợ, chồng có thể hiểu và thống nhất ly hôn thuận tình, tự thỏa thuận được các vấn đề về con cái, tài sản chung và nợ nần chung.
Tuy nhiên, nếu như vợ hoặc chồng có lý do chính đáng và làm đơn đề nghị vắng mặt trong buổi hòa giải hoặc được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vẫn cố tình vắng mặt thì sẽ thuộc vào trường hợp không tiến hành hòa giải được.
2. Hồ sơ, thủ tục ly hôn đơn phương:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ giải quyết ly hôn đơn phương:
– Đơn xin li hôn đơn phương.
– Bản gốc giấy chứng nhận đăng kí kết hôn.
– Giấy xác nhận nơi cư trú của bị đơn.
– Bản sao chứng thực chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân của nguyên đơn.
– Bản sao chứng thực giấy khai sinh của các con (nếu có).
– Các tài liệu chứng minh về tài sản chung hoặc tài sản riêng vợ chồng (nếu có).
Bước 2: Nộp đơn:
Nộp đơn khởi kiện trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của bị đơn.
Bước 3: Tiếp nhận và giải quyết:
– Tòa án thông báo cho người khởi kiện nộp tạm ứng án phí sau khi nhận đơn ly hôn đơn phương. Nguyên đơn phải thực hiện nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí.
– Thẩm phán sẽ thông báo thụ lý vụ án bằng văn bản cho nguyên đơn và bị đơn trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án. Và sau đó phân công thẩm phán thụ lý vụ án.
– Tiến hành buổi hòa giải và công khai chứng cứ tại Tòa án: đây là thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ án ly hôn đơn phương ra xét xử (ngoại trừ những vụ án không hòa giải hoặc không hòa giải được; hoặc các vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn).
+ Trường hợp hòa giải thành: Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải.Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành và quyết định này có hiệu lực ngay và không được kháng cáo kháng nghị sau 07 ngày mà các đương sự không có thay đổi ý kiến.
+ Trường hợp hòa giải không thành: Tòa án lập biên bản hòa giải không thành, sau đó đưa vụ án ra xét xử theo đúng quy trình.
Tiến hành xét xử sơ thẩm giải quyết ly hôn đơn phương và bản hành bản án/quyết định.
3. Làm sao để ly hôn nhanh mà không cần hòa giải:
Theo phân tích ở trên, hòa giải trước khi xét xử vụ án ly hôn đơn phương là thủ tục bắt buộc. Tuy nhiên có trường hợp ngoại lệ Tòa án có thể không tiến hành hòa giải khi giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp:
– Những vụ án không được hòa giải: vụ án yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cầm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.
– Những vụ án không hòa giải được:
+ Đối tượng là bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ 02 mà vẫn cố tình vắng mặt.
+ Vì có lý do chính đáng đương sự không thể đến.
+ Trong vụ án ly hôn, vợ hoặc chồng là người mất năng lực hành vi dân sự.
+ Có đơn đề nghị không tiến hành hòa giải của một trong các đương sự.
Như vậy, khi giải quyết ly hôn đơn phương nếu không muốn hòa giải thì một trong các bên vợ hoặc chồng có thể làm đơn đề nghị không hòa giải gửi đến Tòa án.
Nếu vợ hoặc chồng là bị đơn trong vụ án thì có thể vắng mặt sau 02 lần Tòa án triệu tập hòa giải hợp lệ thì sẽ không hòa giải được.
Nếu thuộc những trường hợp trên thì vụ án ly hôn sẽ không cần hòa giải nữa, Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
– Bộ luật tố tụng dân sự 2015.