Khái quát về trường phổ thông dân tộc nội trú? Đối tượng tuyển sinh vào trường phổ thông dân tộc nội trú?
Học tập là quyền và nghĩa vụ hiến định của công dân- được ghi nhận trong
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú.
1. Khái quát về trường phổ thông dân tộc nội trú?
Trường học là một tổ chức giáo dục ở cơ sở, nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong nhà trường, hoạt động trung tâm là hoạt động dạy và học, tất cả các hoạt động đa dạng khác đều hướng tới làm tăng hiệu quả của quá trình dạy và học. Nhà trường có nhiệm vụ trang bị kiến thức, phát triển nguồn nhân lực cho xã hội.
Theo tác giả Đặng Quốc Bảo: “Trường học là một thiết chế xã hội trong đó diễn ra quá trình đào tạo giáo dục với sự hoạt động tương tác của hai nhân tố thầy – trò. Trường học là một bộ phận của cộng đồng và trong guồng máy của hệ thống giáo dục quốc dân”
Trường phổ thông dân tộc nội trú là loại hình trường phổ thông chuyên biệt thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, được thành lập dành cho con em các dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn nhằm góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ cho những vùng này. Trường phổ thông dân tộc nội trú có 100% học sinh ở nội trú.
Về mục tiêu, vai trò: Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng này, thực hiện các nhiệm vụ của trường trung học quy định tại Điều lệ trường trung học hiện hành và các nhiệm vụ đặc thù nhằm thực hiện mục tiêu: “Nâng cao chất lượng giáo dục, đưa nhà trường tiến lên một trạng thái mới có chất lượng cao hơn, với mục tiêu cuối cùng là đào tạo một lớp thanh niên các dân tộc ít người có được trình độ học vấn trung học phổ thông, biết tự chủ học tập và biết phấn đấu để trở thành nguồn cán bộ cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội vùng miền núi và dân tộc.” Trường phổ thông dân tộc nội trú có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được tổ chức thành cấp huyện ( đào tạo cấp trung học cơ sở (THCS) được thành lập tại các huyện miền núi, hải đảo, vùng dân tộc) và cấp tỉnh (đào tạo cấp trung học phổ thông (THPT) được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Xuất phát từ việc là chủ thể đặc biệt, có những khó khăn trong quá trình tiếp cận với học tập do điều kiện kinh tế- xã hội, nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách ưu tiên, cụ thể:
Thứ nhất, trường phổ thông dân tộc nội trú được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, bố trí giáo viên, nhân viên và ngân sách để đảm bảo thực hiện chương trình, nội dung giáo dục và các nội dung giáo dục đặc thù, việc dạy học, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục học sinh.
Thứ hai, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh của trường phổ thông dân tộc nội trú được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước.
Thứ ba, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định bổ sung chính sách ưu tiên của địa phương đối với trường phổ thông dân tộc nội trú (nếu có), Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định việc hỗ trợ về đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, kinh phí cho giáo viên, học sinh và các hoạt động giáo dục của nhà trường (nếu có).
2. Đối tượng tuyển sinh vào trường phổ thông dân tộc nội trú?
Chính vì là loại hình trường phổ thông chuyên biệt thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, do vậy đối tượng tuyển sinh của trường phổ thông dân tộc nội trú cũng có những đặc điểm riêng được quy định tại Điều 18 Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT, cụ thể:
Một là, thanh niên, thiếu niên là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú và định cư từ 03 năm trở lên (tính đến ngày tuyển sinh) ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành. Ví dụ: Là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú và định cư từ 03 năm trở lên (tính đến ngày 30/6/2020) ở các xã vùng III và các thôn đặc biệt khó khăn (ngoài các xã vùng III) theo Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ (theo kế hoạch tuyển sinh vào trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Ngân Sơn năm học 2020 – 2021).
Hai là, thanh niên, thiếu niên là người dân tộc thiểu số không thuộc đối tượng trên, nếu được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định là vùng tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc thì cũng thuộc diện tuyển sinh vào trường phổ thông dân tộc nội trú. Đây là những đối tượng được đánh giá dựa trên kết quả học tập, năng lực cá nhân, đạo đức cũng như kỹ năng thì sẽ được xem xét để tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc.
Ba là, trường phổ thông dân tộc nội trú được phép tuyển sinh không quá 5% trong tổng số chỉ tiêu được tuyển mới hằng năm là con em người dân tộc Kinh có hộ khẩu thường trú và định cư từ 03 năm trở lên (tính đến ngày tuyển sinh) ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành. Điều này cũng nhằm tạo điều kiện đối với con em dân tộc Kinh nhưng sống trong điều kiện và tình cảnh của người dân tộc thiểu số.
Bên cạnh việc thuộc đối tượng tuyển sinh kể trên, thanh niên, thiếu niên là người dân tộc thiểu số phải trong độ tuổi quy định, theo đó:
– Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong 04 năm học, từ lớp sáu đến hết lớp chín. Học sinh vào học lớp sáu phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp sáu là 11 tuổi và được tính theo năm;
– Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 03 năm học, từ lớp mười đến hết lớp mười hai. Học sinh vào học lớp mười phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuổi của học sinh vào học lớp mười là 15 tuổi và được tính theo năm. (theo quy định tại Điểm b, c Khoản 1 Điều 28
Mặc dù đã quy định về đối tượng tuyển sinh, tuy nhiên một chính sách cực kỳ đặc biệt mà nhà nước dành riêng cho các đối tượng đặc biệt đó là “tuyển thẳng“, tức là không qua dự tuyển, được áp dụng với: Học sinh dân tộc thiểu số rất ít người; Học sinh người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng tuyển sinh đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học.
Đối tượng tuyển sinh muốn tham gia học tập tại trường phổ thông dân tộc nội trú phải dự tuyển theo quy định của pháp luật, hồ sơ dự tuyển bảo gồm:
– Giấy khai sinh (bản sao xuất trình kèm bản gốc để đối chiếu hoặc bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực);
– Sổ hộ khẩu (bản sao xuất trình kèm bản gốc để đối chiếu hoặc bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực; trường hợp sổ hộ khẩu bị thất lạc phải có giấy xác nhận hộ khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương);
– Học bạ cấp tiểu học (đối với dự tuyển vào cấp Trung học cơ sở), học bạ cấp trung học cơ sở (đối với dự tuyển vào cấp trung học phổ thông);
– Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học cơ sở tạm thời hoặc bản sao bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (đối với dự tuyển vào cấp trung học phổ thông);
– Giấy xác nhận chế độ ưu tiên, khuyến khích do cơ quan có thẩm quyền cấp (nếu có).
Mối cấp giáo dục phổ thông sẽ có các phương thực tuyển sinh thích hợp, theo đó, đối với cấp trung học cơ sở thì theo phương thức xét tuyển; đối với cấp trung học phổ thông thì tuyển sinh theo phương thức xét tuyển, thi tuyển, kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho từng loại đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích.
Như vậy, có thể thấy rằng, các quy định về trường phổ thông dân tộc nội trú khá đầy đủ và chi tiết, các quy định này trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để các chủ thể có liên quan, đặc biệt là Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định kế hoạch cụ thể cho việc tuyển sinh vào trường phổ thông dân tộc nội trú.