Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế? Ký hiệu đối tượng tham gia BHYT?
Bảo hiểm y tế ra đời là một chính sách an sinh lớn của các quốc gia, mang tính chất nhân đạo và tương trợ cộng đồng sâu sắc. Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế với mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, là một chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa quan trọng. Quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế được ban hành năm 2008 và sửa đổi bổ sung năm 2014 với quy định mở rộng về đối tượng tham gia đã tỏ rõ được mục tiêu của này. Vậy đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là ai? ký hiệu được thiết lâp với họ là gì? Câu trả lời sẽ được Luật Dương Gia phân tích cụ thể trong bài viết dưới đây.
Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568
Cơ sở pháp lý:
Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm y tế.
Quyết định 1351/QĐ-BHXH năm 2015 về mã số ghi trên thẻ bảo hiểm y tế do Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.
1. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế?
Theo Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung: Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.
Trước đây, bảo hiểm y tế ở nước ta quy định hai hình thức tham gia bảo hiểm y tế là bắt buộc và tự nguyên. Hiện nay, theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung Luật bảo hiểm y tế đã quy định việc tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc đối với tất cả các đối tượng được quy định tại Điều 12. Cũng theo quy định này, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hiện nay gồm có 05 nhóm:
1.1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng.
Nhóm đối tượng này bao gồm: Người lao động làm việc theo
Về cơ bản, quy định về nhóm đối tượng này là sự kế thừa của quy định tại các Điều lệ bảo hiểm y tế trước đây. Cán bộ, công chức ,viên chức nhà nước, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc được quy định ngay từ Điều lệ bảo hiểm xã hội đầu iên được ban hành kèm theo Nghị định 299/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng,…Cho đến nay, đây vẫn là nhóm đối tượng chiếm số đông trong xã hội và khá ổn định về thu nhập, là nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế chủ yếu và có tính truyền thống của bảo hiểm y tế.
Thông thường, hàng tháng người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế cho người lao động và trích tiền đóng bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.
1.2 Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng.
Nhóm đối tượng này gồm có: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Nhóm đối tượng này gồm những người đang hưởng chế độ từ bảo hiểm xã hội, nguồn đóng phí từ quỹ bảo hiểm xã hội, do đó tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế thường là cao nhất và số lượng tham gia rất ổn định. Do đó, đây cũng là nhóm đối tượng được coi là có tính truyền thống của bảo hiểm y tế. Mức đóng của các đối tượng sẽ có sự khác nhau và đình kỳ hàng tháng, tổ chức bảo hiểm xã hội sẽ chuyển kinh phí đóng vào quỹ bảo hiểm y tế cho các đối tượng này.
1.3 Nhóm do ngân sách nhà nước đóng.
Nhóm đối tượng này khá đa dạng, ví dụ: Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an; Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước; Trẻ em dưới 6 tuổi;….(Khoản 3, Điều 12).
Trong đó, đáng chú ý các đối tượng như trẻ em dưới 6 tuổi; Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo. Quy định này thể hiện tính nhân đạo, đảm bảo công bằng về quyền được chăm sóc y tế và chính sách an ninh quốc gia. Đảm bảo về y tế cho trẻ dưới 06 tuổi cũng là chính sách quan tâm, đầu tư, cải thiện sức khỏe thế hệ tương lai của đất nước.
Về những người đã hiến bộ phận cơ thể người, nhóm đối tượng này lần đầu tiên được ghi nhận tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc và do ngân sách nhà nước đóng phí tại Luật bảo hiểm xã hội năm 2008. Đối tượng này xuất hiện trong bối cảnh nền y học hiện đại với những thành tựu tiên tiến trong phẫu thuật cấy ghép bộ phận cơ thể người, quy định đã thể hiện sự ghi nhận, bù đắp của nhà nước trước những đóng góp cao cả của họ đói với sức khỏe cộng động, là biểu hiện tinh thần nhân văn sâu sắc của bảo hiểm y tế.
Hàng quý, số tiền đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng nêu trên được chuyển từ ngân sách nhà nước vào quỹ bảo hiểm y tế, đối với người nước ngoài được cấp học bổng học tập tại Việt Nam từ ngân sách nhà nước thì hàng quý, cơ quan, đơn vị cấp học bổng đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng này vào quỹ bảo hiểm xã hội.
1.4 Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.
Nhóm đối tượng này gồm có: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo; Học sinh, sinh viên. Trước khi Luật bảo hiểm y tế năm 2008 được ban hành thì đây là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức tự nguyện. Khi Luật bảo hiểm y tế năm 2008 ra đời họ trở thành đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc nhưng điều kiện kinh tế của nhóm đối tượng này nhìn chung còn nhiều khó khăn và để khuyến khích họ tham gia bảo hiểm y tế nên pháp luật quy định nhóm đối tượng này được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần phí tham gia bảo hiểm y tế.
Hàng quý, nhà nước sẽ chuyển kinh phó hỗ trợ từ ngân sách sang quỹ bảo hiểm xã hội.
1.5. Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.
Nhóm đối tượng này được xác định gồm: Người có tên trong sổ hộ khẩu, trừ những người thuộc đối tượng nêu trên; Người có tên trong sổ tạm trú, trừ đối tượng trên và người đã có tên trong sổ hộ khẩu.
Các đối tượng sau đây được tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình: Chức sắc, chức việc, nhà tu hành; Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội trừ đối tượng trên mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.
Tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình lần đầu tiên được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế năm 2014, được xem là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định. Nếu người dân không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có sự trợ trực tiếp một phần hoặc toàn bộ phí tham gia bảo hiểm y tế từ người sử dụng lao động, tổ chức bảo hiểm xã hội, bằng cách tự đóng góp phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm y tế theo hộ gia đình được ví như tấm lưới đỡ sau cùng cho những người chưa thuộc bất kỳ nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế nào kể trên.
2. Ký hiệu đối tượng tham gia BHYT?
Theo Điều 2, Quyết định 1351/QĐ-BHXH, Mã thẻ BHYT gồm 15 ký tự, được chia thành 04 ô. Trong đó, ký hiệu đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội được xác định ở ô thứ nhất (hai ký tự), được ký hiệu bằng chữ (theo bảng chữ cái latinh). Cụ thể:
2.1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng:
– DN: Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.
– HX: Người lao động làm việc trong các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã.
– CH: Người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và tổ chức xã hội khác.
– NN: Người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên tham gia có quy định khác.
– TK: Người lao động làm việc trong các tổ chức khác có sử dụng lao động được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
– HC: Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
– XK: Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;
2.2. Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng
– HT: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;
– TB: Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
– NO: Người lao động nghỉ việc đang hưởng chế độ ốm đau theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
– CT: Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng;
– XB: Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng;
– TN: Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;
– CS: Công nhân cao su nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 206/CP ngày 30/5/1979 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) về chính sách đối với công nhân mới giải phóng làm nghề nặng nhọc, có hại sức khỏe nay già yếu phải thôi việc;
2.3. Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng
– QN: Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại Ban Cơ yếu Chính phủ; học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách Nhà nước theo chế độ, chính sách như đối với học viên Quân đội;
– CA: Sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sỹ quan, chiến sỹ nghĩa vụ đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách Nhà nước;
– CY: Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại các tổ chức cơ yếu thuộc các Bộ, ngành, địa phương;
– XN: Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước;
– MS: Người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước;
– CC: Người có công với cách mạng, bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
– CK: Người có công với cách mạng theo quy định pháp luật về người có công với cách mạng, trừ các đối tượng được cấp mã CC;
– CB: Cựu chiến binh theo quy định pháp luật về cựu chiến binh;
– KC: Người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước; người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975; thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trừ các đối tượng được cấp mã CC, CK và CB;
– HD: Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đương nhiệm;
– TE: Trẻ em dưới 6 tuổi, kể cả trẻ đủ 72 tháng tuổi mà trong năm đó chưa đến kỳ nhập học;
– BT: Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật;
– HN: Người thuộc hộ gia đình nghèo;
– DT: Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn;
– DK: Người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
– XD: Người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo;
– TS: Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ;
– TC: Thân nhân của người có công với cách mạng, bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; con đẻ từ trên 6 tuổi của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học không tự lực được trong sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt, trừ các đối tượng được cấp mã TS;
– TQ: Thân nhân của đối tượng được cấp mã QN;
– TA: Thân nhân của đối tượng được cấp mã CA;
– TY: Thân nhân của đối tượng được cấp mã CY;
– HG: Người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật;
– LS: Người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam;
– PV: Người phục vụ người có công với cách mạng, bao gồm: người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình; người phục vụ thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên ở gia đình; người phục vụ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống ở gia đình.
2.4. Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng
– CN: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo;
– HS: Học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
– SV: Sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
– GB: Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của pháp luật;
2.5. Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình
– GD: Người tham gia BHYT theo hộ gia đình gồm những người thuộc hộ gia đình, trừ đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d nêu trên.