Hiện nay, để đảm bảo quyền lợi và chăm sóc các đối tượng yếu thế như trẻ em, người khuyết tật, Nhà nước quy định các đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng và các chính sách, chế độ đối với người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc cho các đối tượng đó. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ những vấn đề trên:
Mục lục bài viết
1. Đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng:
Căn cứ Điều 18 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định về đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng gồm có:
(1) Đối tượng thuộc diện được hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng tại cộng đồng:
- Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc 1 trong những trường hợp:
+ Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi.
+ Mồ côi cả cha và mẹ.
+ Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật.
+ Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
+ Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.
+ Cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.
+ Cha và mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật.
+ Cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
+ Cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.
- Đối tượng là người cao tuổi thuộc trường hợp là hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.
- Đối tượng là người khuyết tật nặng/người khuyết tật đặc biệt nặng.
(2) Đối tượng cần được bảo vệ khẩn cấp thuộc diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng:
- Đối tượng là trẻ em mà có cha, mẹ bị chết, mất tích và không có người thân thích chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc người thân thích không có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng.
- Đối tượng là nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị xâm hại tình dục, thân thể; nạn nhân bị cưỡng bức lao động cần được bảo vệ khẩn cấp trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú hoặc đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.
- Đối tượng là trẻ em/người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú hoặc đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.
- Những đối tượng thuộc trường hợp cần bảo vệ khẩn cấp khác theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Các chế độ dành cho người được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng:
Theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng sẽ được hưởng các chế độ sau đây:
(1) Đối với đối tượng thuộc diện được hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng tại cộng đồng:
- Được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
- Được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
- Được trợ giúp giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
- Được hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định.
(2) Đối với đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp thuộc diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng:
- Được hưởng tiền ăn trong thời gian sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.
- Trường hợp phải điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà không có thẻ bảo hiểm y tế thì sẽ được hưởng các chi phí điều trị.
- Được hưởng chi phí đưa đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.
3. Người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng sẽ được hưởng chế độ như thế nào?
(1) Đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng và đối tượng người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng: mức hưởng hàng tháng thấp nhất bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số tương ứng, cụ thể là:
- Đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 04 tuổi là đối tượng không có nguồn nuôi dưỡng theo quy định: hệ số 2,5.
- Đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em từ đủ 04 tuổi đến dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng theo quy định; đối tượng là người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng: hệ số 1,5.
(2) Đối với đối tượng là người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng: mức hưởng hàng tháng sẽ bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số tương ứng:
- Đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi: mức hưởng chăm sóc hàng tháng tính như sau:
+ Đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi một con dưới 36 tháng tuổi: hệ số 1,5.
+ Đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai và nuôi một con dưới 36 tháng tuổi hoặc nuôi hai con dưới 36 tháng tuổi trở lên: hệ số 2,0.
Lưu ý: Nếu như người khuyết tật thuộc diện hưởng các hệ số khác nhau thì sẽ được hưởng hưởng hệ số cao nhất.
Còn trường hợp vợ, chồng là người khuyết tật thuộc diện hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng theo quy định thì chỉ được hỗ trợ một suất kinh phí chăm sóc.
- Đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang hưởng trợ cấp xã hội nhưng mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi: được hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc như trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
- Đối với hộ gia đình đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một người khuyết tật đặc biệt nặng: hưởng kinh phí chăm sóc hệ số 1.
- Đối với hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng: hưởng kinh phí chăm sóc với hệ số là:
+ Đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một người khuyết tật đặc biệt nặng: hệ số 1,5.
+ Đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng: hệ số 2,5.
4. Người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em phải đáp ứng điều kiện gì?
(1) Đối với người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em cần có điều kiện sau:
- Đáp ứng năng lực hành vi dân sự đầy đủ và thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Phải tự nguyện nhận nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em.
- Đảm bảo nơi ở ổn định và chỗ ở cho đối tượng là trẻ em được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.
- Đảm bảo điều kiện về kinh tế, sức khỏe, kinh nghiệm chăm sóc trẻ em.
(2) Đối với ông, bà nội ngoại, cô, dì, chú, bác, anh, chị ruột nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng không đảm bảo điều kiện năng lực hành vi dân sự đầy đủ và thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có nơi ở ổn định và chỗ ở cho trẻ em được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; có điều kiện về kinh tế, sức khỏe, kinh nghiệm chăm sóc trẻ em thì vẫn được xem xét hưởng các chính sách theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, đối tượng nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm phải đảm bảo điều kiện cho trẻ được học tập, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe; đảm bảo chỗ ở an toàn; đối xử bình đẳng đối với trẻ em.
THAM KHẢO THÊM: