Bảo hiểm xã hội luôn là chính sách cốt lõi của hệ thống chính sách an sinh xã hội của bất kỳ quốc gia hay hệ thống xã hội nào. Trong đó trợ cấp mai táng phí là một loại phí trợ cấp trong nguồn thu chi quỹ bảo hiểm xã hội nhằm sử dụng trong lúc người đóng bảo hiểm xã hội chết.
Mục lục bài viết
- 1 1. Trợ cấp mai táng phí là gì?
- 2 2. Đối tượng hưởng trợ cấp mai táng phí:
- 3 3. Điều kiện hưởng trợ cấp mai táng phí:
- 4 4. Khi nào được hưởng trợ cấp mai táng phí?
- 5 5. Hồ sơ, thủ tục hưởng trợ cấp mai táng phí:
- 6 6. Mức hưởng trợ cấp mai táng phí:
- 7 7. Những trường hợp đặc biệt hưởng trợ cấp mai táng phí:
1. Trợ cấp mai táng phí là gì?
Trợ cấp mai táng là một trong những loại chi phí hỗ trợ dành cho người đã chết và thân nhân của họ khi người đã chết thuộc đối tượng có tham gia đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tử tuất được pháp luật quy định. Theo đó, trong quy định của pháp luật, người đang đóng bảo hiểm xã hội chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng phí.
2. Đối tượng hưởng trợ cấp mai táng phí:
Theo quy định tại Khoản 1, 3 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, đối tượng được hưởng phí trợ cấp mai táng như sau:
“1. Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng:
a) Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên;
b) Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
c) Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.
3. Người quy định tại khoản 1 Điều này bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng quy định tại khoản 2 Điều này.”
Nhóm người lao động được quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau
“Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.”
Như vậy, các đối tượng sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng hướng tới những chủ thể chính sau đây: Người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; người đang hưởng lương hưu, hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.
Trường hợp người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng không nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 12 tháng hoặc có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện dưới 60 tháng khi chết thì người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở.
Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định số 613/QĐ-TTg; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở.
Trường hợp đối với người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người đó là từ đủ 12 tháng trở lên thì chế độ trợ cấp mai táng được thực hiện theo chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc.
3. Điều kiện hưởng trợ cấp mai táng phí:
Người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp mai táng phí thì người lo mai táng phí được nhận trợ cấp mai táng phí Khi người lao động chết mà đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên. Do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đang hưởng lương hưu; trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng đã nghỉ việc. Hoặc trong các trường hợp trên bị Tòa án tuyên bố là đã chết.
4. Khi nào được hưởng trợ cấp mai táng phí?
Khi người đóng bảo hiểm xã hội có chế độ tử tuất được hưởng trợ cấp mai táng phí chết thì người thân của họ được quyền nhận chi phí hỗ trợ mai táng để lo hậu sự khi đã hoàn tất các hồ sơ và thủ tục để được hưởng trợ cấp mai táng.
5. Hồ sơ, thủ tục hưởng trợ cấp mai táng phí:
Về hồ sơ hưởng trợ cấp mai táng phí
Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH quy định hồ sơ hưởng trợ cấp mai táng phí gồm:
– Bản khai của đại diện thân nhân (kèm biên bản ủy quyền) hoặc người tổ chức mai táng;
– Giấy chứng tử;
– Hồ sơ của người có công với cách mạng;
– Quyết định trợ cấp và giải quyết mai táng phí.
Do đó theo quy định pháp luật, người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên chưa rút bảo hiểm xã hội một lần, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, trợ cấp mất sức lao động mà mất thì được hưởng trợ cấp mai táng phí.
Về thủ tục hưởng trợ cấp mai táng phí
– Đại diện thân nhân hoặc người tổ chức mai táng có trách nhiệm lập hồ sơ gửi Ủy ban nhân dân, cấp xã;
– Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ, có trách nhiệm xác nhận bản khai, gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội kèm các giấy tờ theo quy định;
– Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, lập phiếu báo giảm và tổng hợp danh sách gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội;
– Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ, có trách nhiệm đối chiếu, ghép hồ sơ người có công đang quản lý với hồ sơ đề nghị hưởng mai táng phí, trợ cấp một lần và ra quyết định.
6. Mức hưởng trợ cấp mai táng phí:
Theo Khoản 3 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
“3. Mức trợ cấp một lần đối với người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bằng 03 tháng trợ cấp đang hưởng.”
Tuy nhiên, theo Nghị quyết 86/2019/QH14, mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2020 là 1,6 triệu đồng/tháng thay vì 1,49 triệu đồng/tháng như trước đó. Trên cơ sở này, mức hưởng trợ cấp của thân nhân khi người lao động chết trong năm 2020 ít nhiều có sự thay đổi. Theo đó:
– Từ ngày 01/01/2020: Mức trợ cấp mai táng bằng 10 x 1,49 triệu đồng = 14,9 triệu đồng.
– Từ ngày 01/7/2020: Mức trợ cấp mai táng bằng 10 x 1,6 triệu đồng = 16 triệu đồng (tăng 1,1 triệu đồng).
7. Những trường hợp đặc biệt hưởng trợ cấp mai táng phí:
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ thì người hoạt động cách mạng đang hưởng chế độ ưu đãi quy định tại Khoản 2 Điều 9 của Pháp lệnh mà chết thì người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi.
Trường hợp người hoạt động cách mạng chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi quy định tại Khoản 2 Điều 9 của Pháp lệnh thì đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần mức 25 triệu đồng; nếu không còn thân nhân thì người thờ cúng được hưởng trợ cấp một lần mức 10 triệu đồng.
Ngoài ra, tại Điều 11 Nghị định 136/2013/NĐ-CP, có quy định những đối tượng sau khi chết được hỗ trợ chi phí mai táng:
– Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng
– Người từ 16 tuổi đến 22 tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này mà đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất.
– Trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không còn khả năng lao động mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác.
– Người cao tuổi
– Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.
– Con của người đơn thân nghèo
– Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác.
Theo đó, mức hỗ trợ chi phí mai táng bằng 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội. Và cũng theo quy định tại Nghị định trên thì: Mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội (sau đây gọi chung là mức chuẩn trợ giúp xã hội) là 270.000 đồng. Như vậy, tổng mức trợ cấp mai táng phí khi chết của những đối tượng trên là 270.000 x 20 = 5.400.000 đồng.
*Căn cứ pháp lý
–
– Nghị định 115/2015/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội 2014;
– Nghị định số 31/2013/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;
– Nghị định 136/2013/NĐ-CP về quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;
–
– Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định về trợ cấp mai táng;
– Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH quy định hồ sơ hưởng trợ cấp mai táng phí.