Chủ thể tiến hành, đối tượng của hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng? Nguyên tắc và nội dung của hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng?
Mục lục bài viết
1. Chủ thể tiến hành hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng:
Luật Thanh tra hiện hành không phân định tổ chức cơ quan thanh tra nhà nước thành lập theo cấp hành chính và tổ chức cơ quan thanh tra nhà nước thành lập theo ngành, lĩnh vực mà chỉ quy định về các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, bao gồm:
– Cơ quan thanh tra nhà nước (Thanh tra Chính phủ; Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ; Thanh tra tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương; Thanh tra sở; Thanh tra huyện, quận, Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh).
– Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (một số Tổng cục, Cục thuộc bộ, Chi cục thuộc sở).
Việc quy định về tổ chức như trên là nhằm nâng cao tính hệ thống của các cơ quan thanh tra nhà nước, đồng thời xác định rõ đối tượng thanh tra, phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra, giữa cơ quan thanh tra nhà nước với cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, khắc phục sự trùng lặp trong hoạt động thanh tra. Theo quy định của Luật Thanh tra, tổ chức các cơ quan thanh tra nhà nước được xây dựng phải bảo đảm tăng cường mối quan hệ chỉ đạo, điều hành của cơ quan thanh tra cấp trên với cơ quan thanh tra cấp dưới.
Các cơ quan thanh tra phải có tính độc lập, chủ động trong hoạt động thanh tra, nhất là sự chủ động trong kết luận, kiến nghị và xử lý về thanh tra, đồng thời phải quy định cho cơ quan thanh tra cấp trên bổ nhiệm, cách chức người đứng đầu cơ quan thanh tra cấp dưới. Tuy nhiên, việc tổ chức các cơ quan thanh tra phải phù hợp với các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân. Xuất phát từ lý do đó, Nghị định 26/2013/NĐ–CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng đã quy định tổ chức các cơ quan thanh tra nhà nước ngành Xây dựng gồm hai cấp như sau:
Một là, Thanh tra Bộ là cơ quan của Bộ, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ; tiến hành thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực của Bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Thanh tra bộ có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra và Thanh tra viên. Cơ cấu tổ chức của Thanh tra bộ có các phòng nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ được giao. Thanh tra bộ có con dấu và tài khoản riêng. Về mặt hoạt động, Thanh tra bộ chịu sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng và chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về tổ chức, nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.
Hai là, Thanh tra sở là cơ quan của Sở, giúp Giám đốc sở tiến hành thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Thanh tra sở được thành lập ở những sở thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc theo quy định của pháp luật.
Thanh tra sở có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra và Thanh tra viên. Chánh Thanh tra sở do Giám đốc sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh. Phó Chánh Thanh tra sở do
Giám đốc sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chánh Thanh tra sở. Phó Chánh Thanh tra sở giúp Chánh Thanh tra sở thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh Thanh tra sở; giúp Chánh Thanh tra sở phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chánh Thanh tra sở trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Thanh tra sở có con dấu và tài khoản riêng.
Khi tiến hành thanh tra hoặc xem xét những vấn đề có tính chất chuyên sâu, liên quan đến một hoặc nhiều lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực xây dựng thì có thể sử dụng những chuyên gia về lĩnh vực đó ở các đơn vị khác song không có việc sử dụng công chức với tư cách Thanh tra viên kiêm nhiệm. Thực tế cho thấy các cơ quan thanh tra chuyên ngành Xây dựng sử dụng nhiều cộng tác viên hoặc trưng dụng cán bộ ở các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng tham gia Đoàn thanh tra chuyên ngành Xây dựng. Chính phủ cũng có quy định rõ về vấn đề chủ thể tiến hành thanh tra là thanh tra viên, cộng tác viên tại Nghị định 97/2011/NĐ–CP ngày 21/10/2011 của Chính phủ.
2. Đối tượng của hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng:
Theo quy định tại Điều 2, Nghị định 26/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng thì đối tượng thanh tra chuyên ngành Xây dựng gồm:
Thứ nhất, cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và của Sở Xây dựng theo ủy quyền hoặc phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Thứ hai, cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nghĩa vụ chấp hành quy định của pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng.
3. Nguyên tắc của hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng:
Nguyên tắc được hiểu là “những điều cơ bản được định ra, nhất thiết phải tuân theo trong một việc làm”. Hoạt động thanh tra chuyên ngành nói chung và thanh tra chuyên ngành Xây dựng nói riêng là việc thực thi quyền lực nhà nước. Do đó, hoạt động này phải tuân theo những quy tắc cơ bản nhằm bảo đảm cho hoạt động thực sự có hiệu quả, thể hiện đúng bản chất và vai trò của nó trong hoạt động quản lý nhà nước. Có thể hiểu rằng nguyên tắc hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng là những quy tắc cơ bản có tính chất chỉ đạo, bắt buộc phải tuân theo trong suốt quá trình hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng nhằm đạt được mục đích đề ra. Nguyên tắc hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng bị chi phối bởi bản chất và mục đích của hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng.
Nguyên tắc hoạt động thanh tra chuyên ngành nói chung và thanh tra chuyên ngành Xây dựng nói riêng cơ bản được phân thành hai nhóm nguyên tắc như sau:
Một là, hoạt động thanh tra tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời.
Hai là, hoạt động thanh tra không trùng lặp, chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.
Trước hết, cần nhận thức rằng hoạt động thanh tra chuyên ngành nói chung và thanh tra chuyên ngành Xây dựng nói riêng là hoạt động thực thi quyền hành chính. Vì vậy, các nguyên tắc trong việc thực hiện pháp luật phải được tuân thủ. Đây cũng là những nguyên tắc chung được áp dụng đối với cả hoạt động thanh tra hành chính. Trên cơ sở đó, nguyên tắc hoạt động thanh tra chuyên ngành có một số điểm đặc thù.
Thứ nhất, về nguyên tắc “Tuân theo pháp luật”. Tuân theo pháp luật là nguyên tắc chung của tất cả các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp trong quá trình xây dựng và áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, nguyên tắc đó được thể hiện với những mức độ khác nhau. Mức độ tuân theo pháp luật trong hoạt động thanh tra chuyên ngành nói chung và thanh tra chuyên ngành Xây dựng nói riêng (đây là hoạt động hành pháp) khác với mức độ tuân theo pháp luật của hoạt động tư pháp. Đối với hoạt động tư pháp, nguyên tắc “tuân theo pháp luật” đòi hỏi mức độ tuân thủ triệt để nhằm bảo đảm rằng hoạt động tư pháp thực sự độc lập, thể hiện đúng vai trò tối thượng của pháp luật.
Hoạt động tư pháp, nhất là hoạt động xét xử luôn được coi là phương thức cuối cùng để bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân. Chính các thủ tục chặt chẽ của pháp luật đã trở thành lá chắn hiệu quả nhất để bảo vệ các quyền của công dân trong quá trình tố tụng. Vì vậy, nguyên tắc “chỉ tuân theo pháp luật” chỉ được áp dụng đối với hoạt động xét xử của tòa án. Do tính linh động và đa dạng, đồng thời bảo đảm tính kịp thời của hoạt động hành pháp, nếu quy định hoạt động thanh tra nói chung là “chỉ tuân theo pháp luật” sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động thanh tra.
Vì vậy, quy định nguyên tắc “tuân theo pháp luật đối với các hoạt động thực thi quyền lực nhà nước nói chung và hoạt động thanh tra nói riêng là phù hợp. Tuy nhiên, trong nguyên tắc này, hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng không những tuân theo pháp luật về thanh tra nói chung và thành tra xây dựng nói riêng mà còn tuân theo pháp luật về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực và pháp luật về xử lý vi phạm chính chính, xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
Thứ hai, hoạt động thanh tra chuyên ngành gắn với việc xử lý trực tiếp các vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó. Trong quá trình thanh tra, các cơ quan thanh tra phải xem xét, đánh giá một cách khách quan, chính xác, toàn diện đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật của đối tượng thanh tra, không được xem xét một cách phiến diện, chủ quan, áp đặt đối với việc làm của đối tượng. Vì vậy, nguyên tắc của hoạt động thanh tra chuyên ngành phải “bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời” như quy định trong Luật Thanh tra năm 2010.
Thứ ba, việc quy định nguyên tắc “không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra” vừa là nguyên tắc có tính định hướng đối với hoạt động thanh tra nói chung, đồng thời cũng là nguyên tắc cần thiết, trên thực tế nguyên tắc này không chỉ giúp cho hoạt động thanh tra được thực hiện một cách nghiêm túc, công khai, minh bạch mà còn giúp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, nhất là doanh nghiệp không bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Bên cạnh đó, quy định không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra là một yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn khi có nhiều hoạt động thanh tra bị trùng lắp về đối tượng, thời gian, gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả công tác thanh tra.
Các nguyên tắc trong hoạt động thanh tra là những tư tưởng, định hướng chủ đạo, đúng đắn, khách quan và khoa học, được quy định trong pháp luật thanh tra mà các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức thanh tra, cán bộ, thanh tra viên phải tuân theo trong quá trình hoạt động thanh tra.
4. Nội dung của hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng:
Theo quy định tại Điều 11, Nghị định 26/2013/NĐ–CP, nội dung thanh tra chuyên ngành Xây dựng gồm:
– Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch, kiến trúc;
– Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động đầu tư xây dựng;
– Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về phát triển đô thị; – Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật, bao gồm: cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn thông thường chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị; nghĩa trang; công trình ngầm đô thị; các công trình hạ tầng kỹ thuật khác trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;
– Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, kinh doanh bất động sản, quản lý, sử dụng công sở trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;
– Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh vật liệu xây dựng có điều kiện theo quy định của pháp luật;
– Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng theo thẩm quyền;
– Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật khác trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Xây dựng.