Trường hợp phụ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi có là đối tượng áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp không?
Bắt khẩn cấp (hay gọi đầy đủ tên biện pháp này là bắt người trong trường hợp khẩn cấp) là trường hợp bắt người khi người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi phạm tội của họ hay bắt người sau khi thực hiện tội phạm mà người đó bỏ trốn, cản trở việc điều tra, khám phá tội phạm.
Điều 81 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 có quy định các trường hợp khẩn cấp cụ thể, mà trong những trường hợp đó, chủ thể nhà nước có thẩm quyền có thể tiến hành bắt khẩn cấp. Ba điều kiện cơ bản để bắt khẩn cấp đó là:
– Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
– Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
– Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.
Như đã nhận định, biện pháp ngăn chặn này được áp dụng đối với các trường hợp xác định đối tượng phạm tội nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, tức là mức độ nguy hiểm của hành vi đối tượng gây ra cho xã hội là vô cùng lớn. Chính vì vậy, pháp luật không quy định những trường hợp không được bắt khẩn cấp. Theo đó, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi mà có đủ một trong các điều kiện thỏa mãn để áp dụng biện pháp ngăn chặn này thì cơ quan tố tụng có thẩm quyền vẫn có thể ra quyết định để bắt người trong trường hợp khẩn cấp.
Việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp vì tính chất phức tạp và nghiêm trọng của nó nên chỉ có những chủ thể nhất định mới có thẩm quyền ra quyết định. Khoản 4 Điều 81 Bộ luật tố tụng hình sự quy định:
“Trong mọi trường hợp, việc bắt khẩn cấp phải được báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp để xét phê chuẩn.
Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ bắt khẩn cấp quy định tại Điều này. Trong trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát phải trực tiếp gặp, hỏi người bị bắt trước khi xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn”.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Tuy nhiên, việc bắt khẩn cấp để tạm giam đối với phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi cần lưu ý rằng: Không được tạm giam đối tượng này trừ trường hợp (được quy định tại Khoản 2 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự):
- Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã.
- Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử;
- Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Như vậy, có quyền bắt khẩn cấp đối với đối tượng này nhưng không được tạm giam nếu đối tượng không thuộc một trong các trường hợp đã kể trên. Phụ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi bị bắt khẩn cấp chỉ có thể bị tạm giữ rồi được tại ngoại nhưng dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền.