Mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân thường có nhu cầu sử dụng tiền lẻ để đi chùa, đổi tiền mới để lì xì,...Do đó, nhiều người lợi dụng nhu cầu này của người dân để thực hiện giao dịch đổi tiền mới và đổi tiền lẻ để ăn chệnh lệch. Vậy đổi tiền mới, tiền lẻ dịp Tết ăn chênh lệch bị xử lý như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Thế nào là đổi tiền mới, tiền lẻ?
- 2 2. Thực trạng đổi tiền mới, tiền lẻ dịp Tết Nguyên đán để ăn chênh lệch hiện nay:
- 3 3. Đổi tiền mới, tiền lẻ dịp Tết ăn chênh lệch bị xử lý như thế nào?
- 4 4. Những hậu quả từ việc đổi tiền mới, tiền lẻ từ những cá nhân, tổ chức không có thẩm quyền đổi tiền theo quy định pháp luật:
- 5 5. Hướng dẫn cách đổi tiền mới, tiền lẻ tại Ngân hàng:
1. Thế nào là đổi tiền mới, tiền lẻ?
Đổi tiền được biết đến là hình thức giao dịch chuyển đổi tiền từ mệnh giá cao thấp hoặc bằng nhau hoặc có thể là đổi từ tiền của quốc gia này sang tiền của quốc gia khác. Việc đổi tiền có thể ví dụ như việc đổi từ một tờ tiền mệnh giá 50.000 Việt Nam đồng sang 03 tờ tiền bao gồm 02 tờ loại 20.000 Việt Nam đồng và 01 tờ tiền loại 10.000 Việt Nam đồng.
Nguyên tắc đổi tiền sẽ là đổi tiền có mệnh giá ngang nhau hoặc đổi tiền theo quy định đổi ngoại tệ theo gia đổi mà Nhà nước ban hành.
Ngày nay, với nhu cầu đổi tiền mới để thực hiện phong tục lì xì ngày tết và nhu cầu đổi tiền lẻ để đi chùa thì đã phát sinh dịch vụ đổi tiền mới, đổi tiền lẻ. Theo đó mà việc đổi tiền mới, tiền lẻ được xác định là đổi từ tiền đã sử dụng hoặc tiền cũ sang tiền tiền mới hoặc tiền lẻ mới để phục vụ cho các nhu cầu ngày tết.
Việc đổi tiền thường được thực hiện ở các ngân hàng. Tuy nhiên có nhiều cá nhân nắm bắt được nhu cầu của người dân nên đã đi đổi ra tiền mới, tiền lẻ trước và từ đó đổi tiền ăn chênh lệch. Theo những kết quả tìm kiếm được khi truy cứu thông tin đổi tiền mới, tiền lẻ trên internet thì thường mức đổi trả sẽ có phí đổi khá cao, trung bình dao động từ 10 – 15% và có sự chênh lệch giữa các loại tiền, tiền mệnh giá càng nhỏ phí đổi càng đắt.
2. Thực trạng đổi tiền mới, tiền lẻ dịp Tết Nguyên đán để ăn chênh lệch hiện nay:
Như đã trình bày ở trên thì việc đổi tiền ăn chênh lệch được diễn ra phổ biến, đặc biệt là trong dịp lễ, Tết này, phần trăm chênh lệch được tăng cao hơn so với bình thường. Thực tế, người dân biết việc đổi tiền uy tín nhất và đúng nhất là đổi tiền ở các Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên thì khi đến ngân hàng để đổi tiền thì người dân thường không đổi được nhiều do số lượng tiền lẻ được đổi khá là khan hiếm, thậm chí một số chi nhánh không còn đủ tiền trong quỹ. Do đó mà người dân lựa chọn đổi tiền từ những cá nhân, tổ chức bên ngoài.
Ở thời điểm hiện tại, khi tìm kiếm trên google hay các trang web truy cập internet thì chúng ta dễ dàng tìm kiếm thấy 55.400.000 kết quả cho việc đổi tiền mới, tiền lẻ chỉ trong 0,56 giây. Ngay những kết quả đầu tiên là những tin, những trang web về địa chỉ đổi tiền uy tín, đổi tiền nguyên series, đổi tiền lẻ rẻ nhất Hà Nội,…
Trên thực tế, việc đổi tiền mới, tiền lẻ sẽ có mức ăn chênh lệch khá cao, thậm chí có thể lên đến 90% đối với mệnh giá tiền 500 nghìn Việt Nam đồng, ăn chênh lệch 10% đến 20% đối với tiền có mệnh giá 5.000 Việt Nam đồng. Đặc biệt, các loại tiền lẻ mệnh giá dưới 1.000 đồng khan hiếm hơn và được “hét” với mức phí “cắt cổ” do hiện nay số tiền này đang trở nên khan hiếm và chỉ có một số đầu mối trên mạng rao bán với giá cao hơn hàng chục lần. Mỗi tờ 100 đồng có giá 30.000 đồng, còn tờ 200 đồng có giá giao động khoảng 15.000 đồng/tờ. Tuy nhiên, theo các chủ cửa hàng, loại tờ tiền mệnh giá 100 đồng và 200 đồng hiện không còn nhiều, thỉnh thoảng mới có được một ít nên khách hàng nào đổi trúng dịp may ra đổi được. Còn với loại tiền từ 1.000 đồng trở lên, nguồn cung khá dồi dào (Theo: Báo Lao động Thủ đô).
3. Đổi tiền mới, tiền lẻ dịp Tết ăn chênh lệch bị xử lý như thế nào?
3.1. Đổi tiền mới, tiền lẻ dịp Tết ăn chênh lệch có phải là hành vi vi phạm pháp luật không?
Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM – khẳng định: “Việc trên mạng rao đổi tiền mới, tiền lẻ lấy phí là vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước”. (Theo: Báo Tiền phong). Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cũng quy định về thẩm quyền được thực hiện thu tiền, đổi tiền tại Điều 12 và Điều 13
– Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
– Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước;
– Sở giao dịch ngân hàng Nhà nước;
– Các tổ chức tín dụng;
– Kho bạc Nhà nước;
– Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, ngoài những tổ chức được nêu trên thì những cá nhân, tổ chức khác thực hiện đổi tiền và ăn chênh lệch đều là vi phạm pháp luật.
Do đổi tiền ăn chênh lệch là hành vi vi phạm pháp luật nên vào cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg, đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm hoạt động mua, bán, đổi tiền mặt với mệnh giá nhỏ không đúng theo quy định của pháp luật.
3.2. Đổi tiền mới, tiền lẻ dịp Tết ăn chênh lệch bị xử lý như thế nào?
Vì hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ để ăn chênh lệch là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, hành vi này xâm phạm đến trật tự xã hội và xâm phạm đến hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, với hành vi này thì cá nhân hay tổ chức thực hiện hành vi đổi tiền để ăn chênh lệch sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 88/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ.
Theo đó, căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP thì cá nhân vi phạm việc thực hiện đổi tiền không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP cũng quy định về mức phạt tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm sẽ bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Theo đó, khi tổ chức thực hiện hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ dịp Tết để ăn chênh lệch sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức tiền từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng.
4. Những hậu quả từ việc đổi tiền mới, tiền lẻ từ những cá nhân, tổ chức không có thẩm quyền đổi tiền theo quy định pháp luật:
Từ những phân tích trên có thể thấy hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ gây ảnh hưởng lớn đến trật tự xã hội, ảnh hưởng đến giá trị bình ổn của tiền tệ trong nước. Theo đó, việc người dân đổi tiền từ những cá nhân, tổ chức không có thẩm quyền đổi tiền sẽ gặp một số những hậu quả bất lợi như:
Đổi tiền thật nhưng nhận về tiền giả. Hiện nay, những đồng tiền giả được tung ra ngoài thị trường bằng mặt thường có thể thấy giống đến 99% so với tiền thật. Nên khi người dân mang tiền thật đến đổi, những đối tượng cho đổi tiền mới, tiền lẻ ăn chênh lệch lợi dụng sự cấp bách, nhu cầu của người dân đã đưa tiền giả cho những “con mồi” sa bẫy. Vì mắt thường khó có thể nhận biết nên người dân hết lòng tin tưởng và thực hiện giao dịch với bên nhận đổi tiền;
Đổi tiền với các cá nhân, tổ chức phải chịu khoản phí cao hơn so với đổi tiền tại Ngân hàng Nhà nước. Hiện nay việc đổi tiền tại các ngân hàng thì khách hàng sẽ phải chi trả một khoản phí nhưng phí này do mỗi ngân hàng quy định và phí được xác định là rất thấp. Bên cạnh đó, với thời điểm tri ân khách hàng vì luôn đồng hành cùng ngân hàng, một số ngân hàng đã thực hiện chương trình đổi tiền mới cho khách hàng đã thực hiện chương trình đổi tiền mới theo nhu cầu của khách hàng mà không thu bất kỳ khoản phí nào.
5. Hướng dẫn cách đổi tiền mới, tiền lẻ tại Ngân hàng:
Khách hàng có nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới tại Ngân hàng thì chỉ cần chuẩn bị căn cước công dân/ chứng minh thư nhân dân còn giá trị sử dụng đến Ngân hàng và thực hiện theo hướng dẫn dưới đây:
– Bước 1: Đến chi nhánh/phòng giao dịch ngân hàng để thực hiện yêu cầu đổi tiền;
– Bước 2: Điền đầy đủ thông tin cá nhân cùng số tiền, mệnh giá cần đổi vào mẫu phiếu yêu cầu đổi tiền do Ngân hàng cung cấp;
– Bước 3: Nhân viên ngân hàng sẽ tiến hành xác minh thông tin khách hàng theo thông tin ghi trên phiếu với giấy tờ tuỳ thân mà khách hàng mang theo;
– Bước 4: Nếu khách hàng đáp ứng đủ các điều kiện được đổi tiền theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì nhân viên ngân hàng sẽ tiến hành thực hiện giao dịch đổi tiền theo số lượng khách hàng yêu cầu.
– Bước 5: Khách hàng kiểm tra số lượng tiền mới đổi trước khi rời quầy và ký xác nhận vào biên lai để kết thúc giao dịch.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Nghị định số 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/11/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng;
– Thông tư số 25/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 02/12/2013 quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.