Đội quản lý thị trường có được kiểm tra cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu không? Thẩm quyền của quản lý thị trường.
Đội quản lý thị trường có được kiểm tra cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu không? Thẩm quyền của quản lý thị trường.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Luật sư cho hỏi: Đội Quản lý thị trường có được phép kiểm tra các Cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu không. Nếu kiểm tra thì kiểm tra những gì, trong phạm vi nào Quản lý thị trường được phép kiểm tra. Ghi chú: Chỉ có Đội quản lý thị trường đi kiểm tra không có phối hợp liên ngành với chi cục kiểm định hay sở khoa học công nghệ…! Xin chân thành cảm ơn Luật sư?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
– Điều 7, 8 Pháp lệnh quản lý thị trường năm 2016 quy định về vị trí, chức năng của lực lượng Quản lý thị trường và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Quản lý thị trường như sau:
“Điều 7. Vị trí, chức năng của lực lượng Quản lý thị trường
Lực lượng Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Điều 8. Nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng Quản lý thị trường
1. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi kiểm tra theo quy định tại Điều 17 của Pháp lệnh này.
2. Thanh tra chuyên ngành.
3. Xử lý vi phạm hành chính.
4. Thu thập tài liệu, chứng cứ, lấy mẫu sản phẩm hàng hóa, tang vật, phương tiện có dấu hiệu vi phạm, trưng cầu giám định, kiểm nghiệm mẫu vật là hàng hóa, tài liệu, giấy tờ, vật chứng liên quan đến vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân.
5. Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phục vụ hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính.
6. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật với các tổ chức, cá nhân.
7. Tổ chức thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
8. Xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý địa bàn, kết quả kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính và cơ sở dữ liệu khác phục vụ hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường; tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường với cấp có thẩm quyền; đề xuất, kiến nghị ban hành, sửa đổi các quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao.
9. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính.
10. Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công thương thực hiện các nội dung quản lý nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh này”.
– Điều 5 Thông tư 09/2013/TT-BCT về hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính của quản lý thị trường quy định hình thức và căn cứ kiểm tra như sau:
“1. Kiểm tra thường xuyên theo kế hoạch kiểm tra được xây dựng, phê duyệt hoặc ban hành theo quy định tại Chương III của Thông tư này.
2. Kiểm tra đột xuất khi có thông tin về hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cấp trên có thẩm quyền theo quy định tại Chương IV của Thông tư này”.
Cơ quan Quản lý thị trường có 2 hình thức kiểm tra: thường xuyên theo kế hoạch; đột xuất khi có thông tin về hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cấp trên có thẩm quyền thông qua hoạt động của Tổ kiểm tra.
Đối với việc kiểm tra theo kế hoạch, thì kế hoạch kiểm tra của cơ quan Quản lý thị trường gồm có kế hoạch kiểm tra thường xyên, kế hoạch kiểm tra theo mặt hàng, lĩnh vực, địa bàn, đối tượng cần kiểm tra.
Đối với kiểm tra đột xuất, cơ quan quản lý thị trường sẽ xử lý các thông tin về hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật và ra quyết định kiểm tra ngay hoặc tổ chức thẩm tra, xác minh thông tin.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Như vậy, quản lý thị trường có chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong trường hợp của bạn, đội quản lý thị trường được phép kiểm tra các Cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu của bạn trong hoạt động kinh doanh. Ví dụ quản lý thị trường có quyền kiểm tra: Giấy phép kinh doanh, hóa đơn chứng từ,… của cửa hàng bạn. Trong trường hợp kiểm tra quản lý thị trường không cần thiết phải phối hợp với các ban ngành.