Đòi bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi gây ra thiệt hại. Có phải bồi thường khi không có lỗi?
Đòi bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi gây ra thiệt hại. Có phải bồi thường khi không có lỗi?
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư, tôi có một số vấn đề cần hỏi mong luật sư giúp đỡ. Tôi xin trình bày cụ thể như sau: tôi đang đi xe máy thì bị 1 xe máy khác đi ngược chiều đâm vào, hậu quả là người đó chết, tôi bị chấn thương sọ não. Công an đã xác minh lỗi hoàn toàn do người đã chết (có đầy đủ hồ sơ), tôi hoàn toàn không có lỗi, và tôi đã hỗ trợ mai táng người đó 20 triệu đồng. Nhưng gia đình người đó đã gửi đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu tôi bồi thường thiệt hại. Ngoài 20 triệu mai táng ra phải bồi thường thêm 30 triệu và cấp dưỡng cho 2 người con của nạn nhân đến 18 tuổi, tuổi của 2 cháu hiện taị là 6 tuổi và 8 tuổi. Tôi đã không đồng ý bồi thường, tôi chỉ hỗ trợ thêm 5 triệu đồng nhưng gia đình người mất không chấp nhận. Tòa án đã mời 2 gia đinh ra hòa giải 3 lần nhưng đều không thành công. Bất chấp lời giải thích của tòa và người trợ giúp pháp lý, gia đình người mất vẫn yêu cầu tôi bồi thường với lý do người chết luôn đúng người còn sống luôn sai. Xin luật sư tư vấn, tôi phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình? Công việc của tôi bị ảnh hưởng rất nhiều bởi mỗi lần tòa mời đi hòa giải là tôi phải nghỉ 3 ngày do đường xa. Tôi phải làm gì để gia đình người mất rút đơn kiện? Và nếu họ tiếp tục yêu cầu bồi thường thì hành vi đó có được coi là chiếm đoạt tài sản không? Gia đình họ đưa ra rất nhiều lý lẽ vô lý, thậm chí dọa nạt sẽ trả thù tôi, mục đích là ép tôi bồi thường. Hành vi đó có được coi là vu khống hay không? 1 điều nữa là đến nay tôi vẫn chưa hồi phục hoàn toàn do chấn thương sọ não, tôi vẫn đang trong thời gian theo dõi. Xin cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Theo Điều 604 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về căn cứ phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:
“1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.”
Căn cứ tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra: "Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định."
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác."
Như vậy, chiếc xe máy bạn điều khiển là nguồn nguy hiểm cao độ và bạn là chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đó. Trong trường hợp của bạn, bạn đang đi xe máy thì bị 1 xe máy khác đi ngược chiều đâm vào, hậu quả là người đó chết, bạn bị chấn thương sọ não. Công an đã xác minh lỗi hoàn toàn do người đã chết (có đầy đủ hồ sơ), bạn hoàn toàn không có lỗi.
Ngoài ra căn cứ Điều 617 Bộ luật dân sự 2005
"Điều 617. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi
Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường."
Người chết nhận thức rõ là mình đang điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ, có khả năng gây nguy hiểm lớn cho mình và cho người khác nếu xảy ra tai nạn, tuy nhiên tai nạn xảy ra không phải do ý muốn của người đó và người này cũng không cố ý gây ra tai nạn. Do vậy, trong trường hợp này, phải xác định yếu tố lỗi, nếu không có lỗi không phải bồi thường.
Theo khoản 1 Điều 122 Bộ luật Hình sự 1999 quy định về tội vu khống: “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”
Trong trường hợp này, gia đình người đã chết kiên quyết cho rằng bạn là người có lỗi do gây ra cái chết cho người thân của họ, vậy nên họ yêu cầu bạn bồi thường. Tuy bạn không có lỗi trong việc gây ra cái chết của người đó nhưng hành vi của gia đình người này xuất phát từ quan điểm chủ quan của họ. Họ mong muốn bạn chịu trách nhiệm đối với hành vi đã gây ra, mà không biết rằng hành vi này là sai sự thật. Do vậy, hành vi này không cấu thành tội vu khống theo Điều 122 Bộ luật Hình sự 1999.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
Theo khoản 1 Điều 135 Bộ luật Hình sự 1999 quy định về tội cưỡng đoạt tài sản: “Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.”
Gia đình người chết đưa ra rất nhiều lý lẽ vô lý, thậm chí dọa nạt sẽ trả thù bạn, mục đích là ép bạn bồi thường. Hành động này của gia đình người chết có thể cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 135 Bộ luật Hình sự 1999.