Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất của Dân tộc Việt Nam, mang đậm bản sắc dân tộc, là một ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Đoạn văn ý nghĩa việc giữ gìn phong tục tốt đẹp ngày Tết
Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng về văn hóa riêng và là công dân của một quốc gia, chúng ta cần nhận thức để bảo vệ, duy trì và phát triển những giá trị văn hóa đó. Một trong những nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam là ngày Tết cổ truyền hay còn gọi là Tết Nguyên Đán. Tết cổ truyền là thời điểm mọi thành viên trong gia đình sum họp sau một năm dài làm việc và xa cách. Trong ngày Tết, mọi người thường dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho nhau, và cũng thực hiện các nghi lễ như đi chùa xin lộc, cầu bình an và may mắn cho một năm mới. Ngày Tết cổ truyền từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa của người Việt Nam, và luôn là một điều mà họ nhớ đến bất kể ở đâu. Ngày Tết thường là thời điểm mọi người chúc nhau những điều tốt đẹp, mong nhận được những điều may mắn nhất để có một năm mới đầy hạnh phúc, an lành và thành công. Ngày Tết không thể không kể đến đến bữa cỗ, các món ăn truyền thống và việc thờ cúng tổ tiên. Ngoài việc sum họp, ba ngày Tết còn là thời gian để du xuân, thăm chùa, du ngoạn và thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên. Ngày Tết cổ truyền mang ý nghĩa to lớn và vô cùng quan trọng với người Việt Nam, là thời điểm mà người dân háo hức chuẩn bị để trải qua một kỳ nghỉ Tết trọn vẹn. Đây cũng là thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm làm việc vất vả. Tết là thời điểm để kết nối con người với nhau, tăng cường tình cảm gia đình. Dù bận rộn với công việc, mọi người cũng nên dành thời gian bên gia đình, bạn bè và người thân trong những ngày Tết để cùng nhau chia sẻ và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn.
2. Đoạn văn cảm xúc việc giữ gìn phong tục tốt đẹp ngày Tết
Nhắc đến Tết, không thể không nhắc đến những hoạt động khác được tổ chức xung quanh ngày tết như các trò chơi dân gian, những phiên chợ tết, phiên chợ ngắm hoa và nhiều sự kiện văn hóa đặc sắc khác. Các trò chơi dân gian, bên cạnh những trò truyền thống như đập niêu, nhảy bao bố, kéo co, nhảy dây, còn có những trò mới mẻ được tổ chức để làm phong phú thêm không khí Tết. Đây là dịp mà gia đình và bạn bè có thể cùng nhau tham gia, tạo ra những kỷ niệm vui vẻ và gắn kết tình cảm. Các phiên chợ tết, chợ ngắm hoa không chỉ là nơi để mua sắm, mà còn là nơi để người dân thưởng thức không khí tết truyền thống với những hàng quán đầy màu sắc và âm nhạc sôi động. Không gian rực rỡ của các chợ tết cũng là điểm đến thu hút nhiều du khách tham quan và trải nghiệm văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Thêm vào đó, không thể bỏ qua sự huyên náo từ việc hàng nghìn người dân mỗi nơi đều về chùa để cầu mong một năm mới an lành, may mắn và thành công. Việc lên chùa dịp Tết không chỉ là nghi thức tôn giáo mà còn là cách thể hiện lòng biết ơn và hy vọng vào một năm mới tốt lành. Điều này càng làm tôn lên giá trị tâm linh và truyền thống văn hóa của người Việt. Ngày tết có rất nhiều hoạt động bên lề được chờ đón. Những đêm văn nghệ chào mừng năm mới luôn là điều khiến không khí ngày tết “nóng” hơn, những tiếng cười của gia đình người thân được đoàn tụ về với gia đình, gương mặt rạng rỡ của trẻ nhỏ khi nhận được phong bao lì xì đỏ thắm, cành đào cành mai khoe sắc, nồi bánh chưng bập bùng ánh lửa. Đó là những hình ảnh đẹp không thể nào quên của ngày tết. Tết là ngày sum vầy đoàn tụ, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Việt. Những người xa quê ngày tết không có điều kiện để trở về thèm lắm bữa cơm ngày tết cùng gia đình. Vài ba câu đối đỏ đã trở thành hình ảnh quen thuộc của ngày tết quê hương, Thích nhất là cảnh gói bánh chưng, trông nồi luộc bánh chưng. Tết về, các bà các mẹ lại quây quần bên nhau gói những chiếc bánh chưng thật đẹp thật vuông vắn. Mấy đứa trẻ con cũng nhao nhao đòi gói đòi buộc làm cho không khí góc bếp càng rộn ràng hơn. Rồi không khí trông nồi bánh chưng chín để chờ đến thời khắc giao thừa thiêng liêng ngắm pháo hoa và nhận lì xì từ bố mẹ. Đó là cái khoảnh khắc không thể nào quên của một đời người. Ngày tết cổ truyền đã là biểu tượng văn hóa, ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt. Ngoài là dịp để con cháu quây quần bên gia đình, đoàn tụ với người thân. Không khí đầm ấm của ngày tết là điều mà không ai có thể quên được
3. Đoạn văn sâu sắc việc giữ gìn phong tục tốt đẹp ngày Tết
Hàng năm, Tết Nguyên đán là vào ngày mồng 1 (hay mùng 1) tháng Giêng âm lịch ở Việt Nam và cũng được đón chào sôi nổi ở một số quốc gia khác, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống. Trong những ngày này, không khí rộn ràng của Tết tràn ngập khắp các ngõ phố, làng quê và thành phố, với sự sôi động của những tiệc tùng, lễ hội, và những nghi lễ truyền thống. Trong dịp Tết, mọi người thường sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân và chia sẻ những lời chúc tốt đẹp nhất cho nhau. Tết cũng là dịp để nhớ ơn tổ tiên, biết ơn thế hệ đi trước. Đối với nhiều người Việt, Tết Nguyên đán không chỉ là một kỳ nghỉ lễ, mà còn là một dịp để kết nối, đoàn tụ và tận hưởng những giây phút quý báu bên gia đình. Đặc biệt, với những người con đi xa quê hương, Tết là cơ hội quý báu để trở về với gốc rễ, hòa mình vào không khí truyền thống của làng quê và cảm nhận vẻ đẹp của nền văn hóa Việt Nam. Tết Nguyên đán không chỉ đánh dấu sự chuyển giao giữa hai năm cũ và năm mới, mà còn là thời điểm để nhìn lại những gì đã qua và chuẩn bị cho những thách thức mới. Qua từng năm, các phong tục và tập quán của người Việt trong dịp Tết vẫn được truyền bá và duy trì, đó là điểm nhấn đặc biệt trong bức tranh văn hóa đa dạng và phong phú của đất nước. Việc gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống trong dịp Tết không chỉ là nhiệm vụ của mỗi gia đình, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Đó là cơ hội để mỗi người góp phần xây dựng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của văn hóa Việt Nam qua từng thế hệ. Tùy theo mỗi vùng miền hoặc theo quan niệm về tín ngưỡng, tôn giáo và phong tục tập quán khác nhau, Tết cổ truyền ở từng địa phương cũng có những nét khác nhau. Tuy nhiên, xét về tổng thể, phong tục của ngày Tết được chia làm ba khoảng thời gian, gồm: Tất niên, Giao thừa và Tân niên. Mỗi khoảng thời gian ứng với những hoạt động như: Tống cựu nghinh tân; Đưa ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp; Gói bánh chưng, bánh tét; Chưng hoa ngày tết (đào, mai, quất…); Chưng mâm ngũ quả; Thăm viếng mộ tổ tiên, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu; Cúng giao thừa; Xông đất; Chúc tết và mừng tuổi ông bà, cha mẹ, họ hàng, bạn bè; Xuất hành đầu năm; Đi lễ chùa đầu năm; Hái lộc đầu xuân;…. Những phong tục mang tính linh thiêng đó đều nhằm cầu mong cho sự tốt lành, may mắn, thành công và sức khỏe trong năm mới. Bên cạnh những phong tục linh thiêng ngày Tết, người Việt xưa còn ăn Tết, vui xuân bằng các hoạt động vui tươi, lành mạnh như: hội đánh vật, ném còn, chơi đu, bơi thuyền, chọi trâu, đua ngựa và các trò chơi dân gian khác…, thể hiện tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, gắn bó cộng đồng; hình thành, vun đắp, giữ gìn văn hóa làng xã từ đời này qua đời khác. Tục chúc Tết, mừng tuổi đầu năm cũng là một mỹ tục xuất hiện từ lâu đời. Dân gian có câu: Mồng một Tết mẹ, Tết cha, Mồng hai Tết vợ, mồng ba Tết thầy. Đó là thể hiện nét đẹp văn hóa của người Việt. Sáng mồng Một Tết, mọi người trong gia đình mặc quần áo mới, tề tựu đông đủ để thực hiện nghi lễ chúc Tết và mừng tuổi. Con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ, chúc mạnh khỏe, sống lâu. Ông bà, cha mẹ chúc con cháu làm ăn tấn tới, học hành giỏi giang. Trẻ nhỏ được mừng tuổi bằng bao lì xì đỏ trong có ít tiền mới gọi là lộc với hàm ý may mắn cả năm. Ngày Tết, họ hàng, láng giềng, đồng nghiệp qua nhà nhau chúc Tết, tay bắt mặt mừng, thăm hỏi nhau, chuyện trò râm ran, tíu tít. Điều đó làm cho ngày Tết càng thêm ý nghĩa về sự gắn kết và chia. Mọi người mang theo những điều tốt lành suốt trong năm mới và những điều không hay trong năm cũ đều được bỏ qua để quan hệ thân tộc, quan hệ xã hội… trong năm mới tốt đẹp hơn.