Hiện nay, nhu cầu tham gia giao thông thông qua các phương tiện cơ giới ngày càng phổ biến, nhưng không phải cá nhân nào cũng được lưu thông nếu không đảm bảo được điều kiện cơ bản, trong đó kể đến việc sở hữu bằng lái xe phù hợp. Vậy, Độ tuổi sử dụng bằng lái xe hạng A, B, C, D, E, F mới nhất được quy định thế nào?
Mục lục bài viết
1. Độ tuổi sử dụng bằng lái xe hạng A, B, C, D, E, F mới nhất:
Giấy phép lái xe hay còn gọi là Bằng lái xe là một loại giấy phép, chứng chỉ được cấp cho cá nhân có đủ điều kiện vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới các loại như xe máy, xe hơi, xe tải,..Giấy tờ này sẽ được cấp bởi cơ quan nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp cho một người cụ thể. Điều kiện cơ bản cần nhắc đến khi cá nhân có mong muốn sở hữu bằng lái xe là phải đủ tuổi để được thi và sử dụng bằng lái. Căn cứ theo Điều 60 Văn bản hợp nhất 15/VBHN-VPQH 2019 Luật Giao thông đường bộ thì tuổi, sức khỏe của người lái xe phải đảm bảo yêu cầu sau đây:
– Thứ nhất, Liên quan đến độ tuổi của người lái xe quy định như sau:
+ Cá nhân khi đã đủ 16 tuổi trở lên mới đủ điều kiện được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
+ Trong trường hợp người đủ 18 tuổi trở lên thì với những phương tiện mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi mới được lái;
+ Để có thể được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2) thì cá nhân này cần có độ tuổi là đủ 21 tuổi trở lên;
+ Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);
+ Cá nhân khi đủ 27 tuổi trở lên mới đủ điều kiện lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);
+ Theo pháp luật hiện hành thì độ tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi được quy định là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
– Không chỉ đảm bảo điều kiện về độ tuổi mà người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Để xác định được tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe thì sẽ thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế và sự phối hợp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Như vậy, độ tuổi để được cấp bằng lái xe A1, A2,A3,A4,B1,B2 là phải đủ 18 tuổi; Bằng lái hạng C, FB2 được cấp cho người đủ 21 tuổi trở lên; Bằng hạng D, FC cấp khi người thi đã đủ 24 tuổi trở lên; Bằng lái hạng E, FD,FE cấp khi người thi đủ 27 tuổi trở lên.
2. Phân hạng giấy phép lái xe hạng A, B, C, D, E, F:
Theo quy định tại Điều 16 Thông tư
– Bằng lái xe hạng A1 sẽ được cấp cho cá nhân:
+ Khi tiến hành điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3;
+ Còn phải kể đến trường hợp người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật.
– Bằng lái Hạng A2 cấp cho người lái xe để điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.
– Đối với trường hợp cấp bằng Hạng A3 thì những cá nhân thực hiện việc điều khiển xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự sẽ được cấp;
– Hạng A4 sẽ có yêu cầu cao hơn đối với người lái xe, một trong số đó là việc người lái xe để điều khiển các loại máy kéo nhỏ có trọng tải đến 1.000 kg;
– Hạng B1 số tự động cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
+ Khi điều khiển ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
+ Trường hợp lái ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg cũng sẽ được cấp bằng hạng B1;
+ Có thể kể đến, ô tô dùng cho người khuyết tật.
– Hạng B1 cũng được cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
+ Cá nhân điều khiển ô tô mà khả năng chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
+ Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
+ Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.
– Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
+ Ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
+ Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1.
– Hạng C cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
+ Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên;
+ Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên;
+ Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2.
– Hạng D cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
+ Ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
+ Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2 và C.
– Hạng E cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
+ Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi;
+ Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và D.
– Người có giấy phép lái xe các hạng B1, B2, C, D và E khi điều khiển các loại xe tương ứng được kéo thêm một rơ moóc có trọng tải thiết kế không quá 750 kg;
– Hạng F cấp cho người đã có giấy phép lái xe các hạng B2, C, D và E để điều khiển các loại xe ô tô tương ứng kéo rơ moóc có trọng tải thiết kế lớn hơn 750 kg, sơ mi rơ moóc, ô tô khách nối toa.
3. Cách xác định độ tuổi sử dụng bằng lái xe chuẩn nhất hiện nay:
Như đã biết, khi tham gia giao thông thì tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể gây ảnh hưởng đến tài sản, sức khỏe hay tính mạng của con người nên việc cấp bằng lái xe phải thật sự nghiêm ngặt để hạn chế được rủi ro này. Chính vì vậy, pháp luật hiện hành đã quy định về điều kiện để cá nhân được cấp bằng lái xe, cụ thể là tuân theo các điều kiện tại Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT:
– Yếu tố đầu tiên cần đảm bảo là cá nhân thi bằng lái phải là công dân Việt Nam, người nước ngoài cũng có thể được cấp bằng lái xe nhưng nằm trong trường hợp được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam;
– Yếu tố thứ hai phải đảm bảo là đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định; đối với người học để nâng hạng giấy phép lái xe, có thể học trước nhưng chỉ được dự sát hạch khi đủ tuổi theo quy định.
Với quy định trên thì tính đến ngày dự thi sát hạch lái xe, người thi bằng lái xe phải đủ tuổi theo các hạng mà mình đăng ký thi. Việc xác định độ tuổi này cần dựa trên ngày tháng năm sinh của người thi bằng lái.
– Lưu ý về thời hạn của bằng lái xe:
+ Cơ quan có thẩm quyền sau khi cấp bằng lái xe hạng A1, A2, A3 cho cá nhân đã đủ điều kiện thì có thể sử dụng bằng lái này không thời hạn;
+ Bằng lái xe hạng A4, B1, B2 sẽ được sử dụng trong thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
+ Bằng lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
– Văn bản hợp nhất 15/VBHN-VPQH 2019 Luật Giao thông đường bộ;
– Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
THAM KHẢO THÊM: