Xây dựng là một trong những lĩnh vực quen thuộc, có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực tiễn đời sống. Pháp luật đã đưa ra những quy định mang tính điều chỉnh các hoạt động pháp lý liên quan đến lĩnh vực này. Một trong số đó là định mức xây dựng.
Mục lục bài viết
1. Thế nào là định mức xây dựng?
Xây dựng là một trong những hoạt động quen thuộc, gắn liền với cuộc sống của mỗi người dân trong thực tiễn.
Trong bối cảnh nền kinh tế xã hội ngày càng có những bước phát triển mạnh mẽ như ngày nay, nhu cầu vận hành của xây dựng là đặc biệt lớn. Chính vì vậy, Nhà nước đã và đang đưa ra những quy định mang tính điều chỉnh chung, giúp công tác xây dựng diễn ra một cách chuẩn chỉnh, đạt hiệu quả cao nhất.
Khi tiến hành xây dựng các công trình, dự án đầu tư, các cá nhân, tổ chức (với tư cách là chủ đầu tư) phải đảm bảo tuân thủ thực hiện đúng theo định mức xây dựng.
Vậy định mức xây dựng là gì?
Định mức xây dựng được hiểu một cách đơn giản là quy định về mức hao phí cần thiết trong quá trình sử dụng vật liệu, nhân công và máy móc để hoàn thành một đơn vị khối lượng công việc xây dựng. Hay nói cách khác, định mức xây dựng là sự dự tính những khoản phí cần sử dụng trong công tác, kế hoạch xây dựng dự án, công trình xây dựng bất kỳ.
Trong hoạt động xây dựng, với việc sử dựng nguyên vật liệu, nhân lực, vật tư khác, chủ đầu tư phải tuân thủ đúng theo định mức xây dựng mà khuôn khổ luật định. Đây được xem là công cụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong cơ chế thị trường nhằm công khai các thông tin để tăng tính cạnh tranh trong quá trình đầu tư xây dựng. Bởi lẽ, khi thực hiện một dự án, công trình xây dựng bất kỳ, người dân sẽ phải gửi hồ sơ thực hiện dự án cho Sở xây dựng hoặc các cơ quan, ban ngành có thẩm quyền khác để được kiểm tra phê duyệt. Và định mức xây dựng là một trong những đối tượng, phạm trù xem xét của cơ quan chức năng có thẩm quyền đối với một kế hoạch, đầu tư dự án.
2. Các loại định mức xây dựng:
2.1. Các loại định mức xây dựng:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, có các định mức xây dựng sau đây:
– Định mức kỹ thuật kinh tế:
+ Xét về nguyên tắc, bản chất, định mức kinh tế – kĩ thuật gồm định mức cơ sở và định mức dự toán xây dựng công trình.
+ Định mức kỹ thuật kinh tế xét duyệt định mức sử dụng vật liệu, định mức lao động, định mức năng suất máy và thiết bị thi công (xác định định mức dự toán xây dựng công trình).
+ Định mức dự toán trong định mức kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình là mức hao phí cần thiết về vật liệu, nhân công, máy và thiết bị thi công được xác định phù hợp với yêu cầu kĩ thuật, điều kiện thi công và biện pháp thi công cụ thể để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác xây dựng công trình.
Có thể thấy, định mức kinh tế- kỹ thuật là một trong những nhóm định mức quan trọng nhất trong việc thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng. Nó là cơ sở để quản lí chi phí đầu tư xây dựng. Bởi đối với bất kỳ công trình xây dựng nào, yếu tố kinh tế và kỹ thuật luôn là quan trọng nhất. Nó là căn cứ, cơ sở để thực hiện các định mức liên quan về sau.
– Định mức chi phí:
+ Nhắc đến một dự án, đầu tư xây dựng công trình, ta không thể không nhắc đến nguồn chi phí. Chi phí là điều kiện cần để dự án xây dựng được khởi công và đạt kết quả.
+ Khi bắt tay vào thực hiện dự án, chủ đầu tư cần định mức chi phí xây dưngh. Mức chi phí được định mức dựa vào định mức kỹ thuật- kinh tế. Định mức chi phí giúp cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định được quy mô lớn nhỏ của công trình xây dựng. Từ đó hoạch toán các giá trị chất lượng và số lượng xoay quanh. Có như vậy, mới đảm bảo công trình xây dựng đạt được kết quả tốt nhất.
+ Về cơ bản, định mức chi phí gồm định mức tính bằng tỉ lệ phần trăm (%) và định mức tính bằng giá trị. Nó chính là sự ước tính về giá trị khấu hao, khoản hao phí và những phạm trụ kinh tế khác liên quan đến công trình xây dựng.
Như vậy, định mức kỹ thuật- kinh tế và định mức xây dựng là những khoản định mức cơ bản nhất trong hoạt động xây dựng. Đây là tên gọi bao quát chung của định mức xây dựng. Tức trong từng định mức, sẽ có những hạng mục, lĩnh vực bao quát liên quan. Mà tại đó, chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoạch toán, công bố để trình lên cơ quan chức năng có thẩm quyền.
2.2. Quản lý định mức xây dựng:
Định mức xây dựng được chủ đầu tư trình lên cơ quan chức năng có thẩm quyền. Tại đó, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra, xem xét, xác thực các khoản định mức đó.
– Phương pháp lập định mức dự toán xây dựng và công bố định mức xây dựng do Bộ xây dựng hướng dẫn.
– Bộ quản lí công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập và công bố định mức xây dựng cho các công việc đặc thù chuyên ngành của ngành và địa phương sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng trên cơ sở phương pháp lập định mức dự toán xây dựng theo quy định.
– Ngoài ra, chủ đầu tư tổ chức xác định các định mức dự toán xây dựng mới, định mức dự toán xây dựng điều chỉnh hoặc vận dụng định mức dự toán tương tự ở các công trình đã và đang thực hiện, làm cơ sở quản lí chi phí đầu tư xây dựng công trình đối với các công việc xây dựng chưa có trong hệ thống định mức dự toán xây dựng được công bố hoặc đã có trong hệ thống định mức dự toán xây dựng được công bố nhưng chưa phù hợp với yêu cầu kĩ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công cụ thể của công trình.
Như vậy, định mức xây dựng do Bộ xây dựng và bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, các cơ quan trực thuộc liên quan theo thẩm quyền có quyền quản lý.
3. Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm định mức xây dựng:
Theo nội dung phân tích nêu trên, đối với hoạt động xây dựng, pháp luật đã đưa ra những quy định hết sức cụ thể và rõ về về các loại định mức xây dựng. Các loại định mức này chính là sự phân loại cụ thể và rõ ràng của từng hạng mục chất lượng trong công tác xây dựng. Trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức là phải tuân thủ thực hiện theo hạn mức đã đề ra. Trong trường hợp xảy ra vi phạm, chủ thể vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, đối với hành vi vi phạm định mức xây dựng sẽ bị xử phạt như sau:
+ Đối với hành vi phê duyệt dự toán có nội dung áp dụng, vận dụng định mức không phù hợp với nội dung công việc hoặc số liệu sai lệch so với nội dung định mức áp dụng, vận dụng làm tăng chi phí trong dự toán đối với công trình sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP, chủ thể vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng (quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 13).
+ Mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng được áp dụng đối với hành vi áp dụng, vận dụng định mức không phù hợp với nội dung công việc hoặc số liệu sai lệch so với nội dung định mức áp dụng, vận dụng làm tăng chi phí trong dự toán đối với công trình sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP (quy định tại điểm đ Khoản 2 Điều 30).
+ Đối với hành vi tự quyết định mức giá dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư mà không thông qua hội nghị nhà chung cư, chủ thể vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng (được quy định tại điểm c Khoản Điều 69).
Trên đây là mức phạt được áp dụng đối với các hành vi vi phạm về hạn mức xây dựng. Có thể thấy, đối với từng hành vi vi phạm cụ thể, mức áp dụng khung xử phạt mà Nhà nước đưa ra là khác nhau. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về định mức xây dựng là tương đối cao. Điều này giúp cho hoạt động xây dựng diễn ra chuẩn chỉnh; quy định về định mức xây dựng cũng từ đó được tuân thủ thực hiện, hạn chế đến mức tối đa những hành vi sai phạm khác có thể xảy ra.
Khi người dân (cá nhân, tổ chức) tuân thủ thực hiện đúng theo hạn mức xây dựng mà cơ quan Nhà nước đề ra, sẽ giúp cho chất lượng của công tác xây dựng đạt hiệu quả cao nhất.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Thông tư 12/2021/TT-BXD;
Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.