Hiểu một cách đơn giản thì sở giao dịch chứng khoán là thị trường mở và là nơi giao dịch các tài sản tài chính. Không những thế sở giao dịch chứng khoán là nơi mà cổ phiếu được giao dịch và mua bán cho dù người mua và người bán là một công ty hay là một cá nhân.
Mục lục bài viết
1. Điều lệ Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam:
Thẩm quyền phê chuẩn:
Pháp luật Việt Nam quy định Điều lệ Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê chuẩn hoặc ban hành, sửa đổi, bổ sung theo đề nghị của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Như vậy, ta nhận thấy, theo quy định của pháp luật thì khi có đề nghị về việc phê chuẩn, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung của Hội đồng thành viên hoặc của Hội đồng quản trị Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và ý kiến của Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước về điều lệ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam thì cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn sẽ là Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Điều lệ Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có các nội dung chính sau đây:
Tên, địa chỉ trụ sở chính, công ty con, chi nhánh;
Mục tiêu, phạm vi hoạt động và các dịch vụ được cung cấp;
Vốn điều lệ; cách thức tăng, giảm vốn điều lệ hoặc chuyển nhượng vốn;
– Tên, địa chỉ và các thông tin cơ bản của cổ đông sáng lập hoặc thành viên góp vốn hoặc chủ sở hữu.
– Phần vốn góp hoặc số cổ phần và giá trị vốn góp của cổ đông sáng lập; hoặc thành viên góp vốn hoặc chủ sở hữu.
– Người đại diện theo pháp luật.
– Cơ cấu tổ chức quản lý.
– Quyền và nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.
– Quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, chủ sở hữu hoặc cổ đông.
– Quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị; Tổng giám đốc (Giám đốc) và Ban kiểm soát (Kiểm soát viên).
– Thể thức thông qua quyết định của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.
– Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ.
– Chế độ kế toán, kiểm toán được áp dụng.
– Việc thành lập các quỹ, cơ chế sử dụng quỹ; nguyên tắc sử dụng lợi nhuận, xử lý lỗ và chế độ tài chính khác.
– Nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ.
Như vậy, điều lệ Sở giao dịch chứng khoán cần phải đảm bảo những nội dung được quy định cụ thể bên trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
2. Quyền và nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam:
2.1. Quyền của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam:
Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có các quyền sau đây:
– Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có quyền ban hành các quy chế về niêm yết chứng khoán, giao dịch chứng khoán, công bố thông tin, thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các quy chế nghiệp vụ khác liên quan đến tổ chức và hoạt động thị trường giao dịch chứng khoán sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
– Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có quyền tổ chức, vận hành thị trường giao dịch chứng khoán.
– Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có quyền cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật và quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.
– Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có quyền tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với một hoặc một số chứng khoán trong trường hợp giá; khối lượng giao dịch chứng khoán có biến động bất thường; tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch không có biện pháp khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo; kiểm soát; hạn chế giao dịch hoặc trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền; lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và bảo đảm ổn định, an toàn của thị trường chứng khoán.
– Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có quyền chấp thuận; thay đổi; hủy bỏ niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán và giám sát việc duy trì điều kiện niêm yết chứng khoán của các tổ chức niêm yết.
– Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có quyền chấp thuận, hủy bỏ tư cách thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.
– Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có quyền kiểm tra, xử lý vi phạm đối với thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch theo quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.
– Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có quyền đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin liên quan đến thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch để phục vụ công bố thông tin theo quy định của pháp luật.
2.2. Nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán:
Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có các nghĩa vụ sau đây:
– Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có nghĩa vụ bảo đảm hoạt động giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán được tiến hành công khai, công bằng; trật tự; an toàn và hiệu quả.
– Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện chế độ kế toán; kiểm toán; thống kê; nghĩa vụ tài chính; báo cáo, công bố thông tin theo quy định của pháp luật.
– Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có nghĩa vụ giám sát hoạt động giao dịch chứng khoán; việc tuân thủ nghĩa vụ của thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; hoạt động công bố thông tin của tổ chức niêm yết; tổ chức đăng ký giao dịch và nhà đầu tư thuộc đối tượng công bố thông tin quy định tại Điều 118 của Luật chứng khoán năm 2019.
– Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có nghĩa vụ ban hành tiêu chí giám sát giao dịch; chỉ tiêu báo cáo giám sát giao dịch áp dụng cho thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
– Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có nghĩa vụ phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền; phổ biến kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán cho nhà đầu tư.
– Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có nghĩa vụ cung cấp thông tin và phối hợp với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong hoạt động nghiệp vụ chứng khoán và cơ quan có thẩm quyền trong công tác điều tra; phòng, chống vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
3. Quy định về hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán:
3.1. Quy định về thành lập và hoạt động của sở giao dịch chứng khoán:
Theo Điều 43 Luật chứng khoán năm 2019 quy định nội dung sau đây:
Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam theo quy định của pháp luật là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật chứng khoán năm 2019 và
Như vậy, ta nhận thấy, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam chính là một doanh nghiệp. Doanh nghiệp này được thành lập và hoạt động theo pháp luật của Luật doanh nghiệp và Luật chứng khoán. Đặc điểm của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam chính là Nhà nước có quyền nắm giữ 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, giải thể, mô hình hoạt động, hình thức sở hữu, chức năng, quyền và nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và việc thành lập công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con sẽ chịu sự quản lý và giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
3.2. Nguyên tắc hoạt động của sở giao dịch chứng khoán:
Theo quy định tại Điều 5 Luật chứng khoản năm 2019 thì các chủ thể có liên quan phải tuân thủ những nguyên tắc trong hoạt động chứng khoán sau đây:
– Thứ nhất: nguyên tắc đầu tiên trong hoạt động chứng khoán đó là cần tôn trọng quyền tự do mua, bán, kinh doanh và dịch vụ chứng khoán của các tổ chức, cá nhân.
Nguyên tắc tôn trọng quyền tự do mua, bán, kinh doanh và dịch vụ chứng khoán của các tổ chức, cá nhân được ban hành đã kế thừa từ nguyên tắc đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các chủ thể theo hướng các chủ thể được làm những gì pháp luật không cấm. Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp vào hoạt động mua, bán chứng khoán, kinh doanh dịch vụ của các chủ thể trên thị trường giao dịch nếu các hoạt động này không trái pháp luật.
– Thứ hai: một nguyên tắc cũng rất quan trọng đó là các hoạt động diễn ra trên thị trường phải dựa trên sự công bằng, công khai và minh bạch.
Trong tất cả các hoạt động chứng khoán trên thị trường giao dịch, yếu tố thông tin có vai trò rất quan trọng. Thông tin là cơ sở có ý nghĩa to lớn để các nhà đầu tư xem xét và đưa ra quyết định đầu tư của mình.
Nhằm mục đích đảm bảo sự công bằng thì các nhà đầu tư phải được quyền tiếp cận thông tin thị trường ở một mức độ như nhau. Các thông tin về hoạt động chứng khoán trên thị trường giao dịch cần phải là nguồn thông tin được công bố công khai. Mọi hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán trên thị trường giao dịch đều cơ quan chức năng bị xử lí theo đúng quy định pháp luật.
– Thứ ba: một nguyên tắc nữa đó là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.
Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư rất quan trọng bởi vì nguyên tắc này được ban hành đã bảo đảm với nhà đầu tư rằng quyền và lợi ích hợp pháp của họ sẽ được bảo đảm khi các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư vào chứng khoán. Các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền của nhà nước có trách nhiệm ban hành các quy định pháp luật liên quan và trực tiếp thực hiện các hành vi để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trong trường hợp cần thiết.
– Thứ tư: nguyên tắc cuối cùng đó là phải tự chịu trách nhiệm về rủi ro.
Nguyên tắc tự chịu trách nhiệm về rủi ro có mối quan hệ chặt chẽ với nguyên tắc tôn trọng quyền tự do mua, bán, kinh doanh và dịch vụ chứng khoán của các tổ chức, cá nhân. Khi Nhà nước thừa nhận và tôn trọng quyền tự do trong hoạt động mua bán và kinh doanh chứng khoán của các chủ thể thì những chủ thể này sẽ phải ý thức được và tự gánh chịu những rủi ro từ những hoạt động của thị trường. Các chủ thể khi tham gia hoạt động chứng khoán cũng tuân thủ các quy định của pháp luật. Nguyên tắc tự chịu trách nhiệm về rủi ro đòi hỏi mọi hoạt động mà các chủ thể thực hiện trên thị trường giao dịch phải được diễn ra trong khuôn khổ pháp luật. Các cơ quan chức năng của nhà nước sẵn sàng áp dụng những biện pháp cần thiết đối với những hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường giao dịch. Bên cạnh đó, mỗi sở giao dịch chứng khoán được phép ban hành các quy chế để áp dụng trong phạm vi của mình và các hoạt động diễn ra tại sở giao dịch chứng khoán phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Ta nhận thấy, hiện nay, cùng với sự giúp đỡ của nhà môi giới chứng khoán, các chủ thể là người mua và người bán tham gia vào thị trường chứng khoán và thực hiện các giao dịch của họ. Các nhà môi giới sẽ đại diện cho bên bán sẽ tung những cổ phiếu của họ lên sàn và sau đó tìm những nhà môi giới đại diện cho bên sẵn sàng đầu tư vào cổ phiếu mà họ đang rao bán. Nếu cả hai bên đồng ý giao dịch tại mức giá cố định thì việc giao dịch sẽ diễn ra và cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.