Điều lệ công ty có thể được coi là cam kết chung của tất cả các thành viên trong công ty về hoạt động và quản lý công ty. Điều lệ công ty do các bên tự lập nhưng có nội dung không được trái với các quy định của Luật Doanh nghiệp. Việc xác lập, hủy bỏ và thay thế điều lệ của công ty phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Mục lục bài viết
1. Điều lệ công ty là gì?
Điều lệ công ty là bản thảo thuận giữa các chủ sở hữu công ty với nhau, dựa trên quy định của pháp luật để soạn thảo và là căn cứ để thành lập, quản lý, hoạt động và giải thể công ty.
Đồng thời, điều lệ công ty bao gồm Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp và Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động.
2. Tại sao cần có Điều lệ công ty?
Chúng ta có thể thấy rằng pháp luật đã thừa nhận vai trò quan trọng của Điều lệ công ty bởi khi đọc Luật Doanh nghiệp 2020, chắc hẳn bạn sẽ thấy được sự lặp đi lặp lại rất rất nhiều lần của các cụm từ như: “trong trường hợp điều lệ công ty không có quy định khác thì…”, “trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác”, “do điều lệ công ty quy định”,… và nhiều các điều khoản khác có liên quan đến Điều lệ công ty.
Hầu hết trong các hoạt động của công ty và các tranh chấp phát sinh thì những quy định của Điều lệ công ty sẽ được ưu tiên áp dụng nếu nội dung đó của Điều lệ không trái với quy định của pháp luật. Những vai trò của Điều lệ công ty cụ thể như sau:
Điều lệ công ty giúp cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên trong công ty.
Điều này thể hiện qua việc nội dung Điều lệ công ty sẽ ghi nhận phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và đối với công ty hợp danh; ghi nhận số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần từng loại của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần.
Đồng thời, Điều lệ còn quy định các nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế, phương án xử lý lỗ trong kinh doanh.
Tất cả những điều này nhằm giúp đảm bảo lợi ích cho các thành viên và qua đó, mỗi thành viên cũng sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tương ứng của mình với công ty. Điều lệ chính là nơi các đối tượng liên quan tìm thấy quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Điều lệ công ty có chức năng tạo cơ chế vận hành cho công ty.
Điều lệ công ty sẽ quy định cơ cấu tổ chức, quản lý của công ty để từ đó công ty có được hệ thống tổ chức chặt chẽ, có sự phân quyền rõ ràng sẽ khiến cho hoạt động của công ty thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều.
Những nội dung được quy định trong Điều lệ công ty sẽ tạo ra cơ chế vận hành, quản lý công ty, các thành viên của công ty theo đó phải tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của Điều lệ công ty, thúc đẩy sự hoạt động ổn định và phát triển cho công ty. Đó luôn là điều mong muốn của mỗi doanh nghiệp.
Điều lệ công ty làm căn cứ giải quyết tranh chấp nội bộ công ty
Tranh chấp nội bộ công ty là điều không thể tránh khỏi trong tiến trình hoạt động và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp là một tổ chức được thành lập nên từ nhiều chủ thế, có quyền lợi và nghĩa vụ tương ứng đối với công ty.
Những tranh chấp này chỉ áp dụng theo Luật Doanh nghiệp 2020 và pháp luật khác có liên quan để giải quyết là chưa đủ và chưa tối ưu. Vì pháp luật hay quy định chung chung cho các doanh nghiệp, mà mỗi doanh nghiệp lại là một tổ chức có những đặc thù riêng, có cơ chế hoạt động riêng, mỗi người chủ sở hữu lại có nghệ thuật kinh doanh và nguyên tắc lãnh đạo riêng. Điều lệ của công ty sẽ phần nào phản ánh được những điều đặc thù ấy.
Cho nên, phương thức, nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ giữa các công ty là hoàn toàn không giống nhau, nếu mỗi công ty không có Điều lệ tổ chức và hoạt động riêng thì sẽ khó khăn hơn cho việc giải quyết mâu thuẫn khi có tranh chấp xảy ra.
Điều lệ sinh ra chính là căn cứ để giải quyết những tranh chấp phát sinh trong quá trình hoạt động, giúp quản lý ổn định.
Điều lệ công ty quy định những vấn đề cốt lõi của công ty để cho mọi đối tượng có thể tham khảo khi cần thiết.
Các thành viên, cổ đông công ty khi nhìn vào Điều lệ thì sẽ biết được quyền và nghĩa vụ của mình cũng như quyền và nghĩa vụ của các thành viên, cổ đông khác.
3. Nguyên tắc xây dựng Điều lệ công ty:
– Thứ nhất: Không được trái pháp luật;
– Thứ hai: Tự nguyện và thỏa thuận trong giới hạn pháp luật quy định.
– Thứ ba: Đối với điều lệ công ty khi đăng ký doanh nghiệp phải có họ, tên và chữ ký của những người sau:
+ Thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh;
+ Chủ sở hữu công ty là cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu công ty là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
+ Thành viên là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
+ Cổ đông sáng lập là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập là tổ chức đối với công ty cổ phần.
– Thứ tư: Điều lệ công ty được sửa đổi, bổ sung phải bao gồm họ, tên và chữ ký của những người sau đây:
+ Chủ tịch Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh;
+ Chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
+ Người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty cổ phần.
4. Nội dung cơ bản của điều lệ công ty:
Căn cứ Khoản 2 Điều 24
“a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có);
b) Ngành, nghề kinh doanh;
c) Vốn điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần;
d) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần. Phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh. Số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá từng loại cổ phần của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần;
đ) Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần;
e) Cơ cấu tổ chức quản lý;
g) Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; phân chia quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật;
h) Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;
i) Căn cứ và phương pháp xác định tiền lương, thù lao, thưởng của người quản lý và Kiểm soát viên;
k) Trường hợp thành viên, cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần;
l) Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh;
m) Trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty;
n) Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.”
5. Loại hình doanh nghiệp bắt buộc phải có điều lệ công ty:
Dựa trên những phân tích trên ta có thể thấy, điều lệ công ty đóng vai trò rất quan trọng đối với công ty. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng bắt buộc phải có điều lệ công ty. Cụ thể theo quy định về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ yêu cầu bản điều lệ công ty đối với các loại hình:
Công ty cổ phần;
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
Công ty hợp danh;
6. Sự cần thiết phải có điều lệ công ty:
Thứ nhất: Cân bằng lợi ích, trách nhiệm giữa các thành viên trong công ty. Việc điều lệ ghi nhận phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần từng loại của cỏ đông sáng lập; cũng như nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh giúp đảm bảo lợi ích cho các thành viên. Tương ứng với lợi ích mà mỗi thành viên có được thì họ cũng cần thực hiện những trách nhiệm với công ty.
Thứ hai: Tạo cơ chế vận hành: Khi công ty có một hệ thống tổ chức chặt chẽ, phân quyền rõ ràng thì hoạt động của công ty sẽ trơn chu, hiệu quả hơn rất nhiều. Với những gì được quy định trong điều lệ sẽ tạo ra cơ chế vận hành cho công ty, các thành viên của công ty tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh, từ đó các hoạt động sẽ dần đi vào ổn định và tạo đà phát triển.
Thứ ba: Căn cứ giải quyết tranh chấp nội bộ: Mỗi công ty lại có một cơ chế hoạt động riêng, mỗi chủ sở hữu lại có áp dụng những “nghệ thuật kinh doanh” cũng như “triết lý lãnh đạo” riêng. Điều lệ phần nào phản ánh được các triết lý lãnh đạo của công ty. Cho nên, phương thức, nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ giữa các công ty là hoàn toàn không giống nhau. Điều lệ chính là căn cứ để giải quyết những tranh chấp phát sinh giúp công ty tiếp tục hoạt động ổn định.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
Luật doanh nghiệp năm 2020;